Chó trong văn hóa Việt

Minh họa: Kiều Oanh

Có thể nói, do sống gần con người nên chó được người ta gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau tùy theo hoàn cảnh, này nhé: Gọi là “khuyển”, “cẩu” (âm Hán Việt) trong cách nói trung hòa (khuyển mã tri tình = chó và ngựa là loài vật có tình); gọi là “cún” với màu sắc thân thương; gọi là “boss” theo cách gọi của dân mạng xã hội lại có vẻ mỉa mai, đùa cợt; gọi chúng là mực, vằn, vện, vàng, phèn,… khi căn cứ vào hình dáng, màu sắc.

Ngoài ra, người ta còn gọi chúng là “con cầy” (mượn tên gọi một loài thú có hình dáng na ná với chó nhưng sống trong rừng) để khi nói “ăn thịt cầy” sẽ đỡ phản cảm hơn “ăn thịt chó”, từ đó mới có kiểu nói dí dỏm là “hạ cờ tây” (hạ cầy tơ). Trang trọng hơn một chút, người ta lại dùng uyển ngữ “mộc tồn” (nghe rất văn vẻ) mà khi diễn giải ra, ai cũng khoái chí: “Mộc” là “cây”, “tồn” là “còn” do vậy “cây còn” nói láy thành “con cầy”,…

Bên cạnh đó, chúng ta còn có cách gọi ẩn dụ (một cách nói tránh) đối với loài vật này trong ẩm thực với những tên gọi khác: Vitamin Gâu gâu, Thực phẩm bổ dưỡng,…

Xét trong địa chi, chó là linh vật xếp thứ 11 với tên gọi là “tuất” (âm Hán Việt) dùng để nói về thời gian, tuổi tác: Giờ tuất (từ 19 giờ đến 21 giờ), tháng tuất, năm tuất, tuổi tuất.

Cũng do sống gần gũi với con người nên chó là loài vật được con người chú ý hơn cả trong hàng lục súc. Người Việt xưa cho rằng, chó là loài vật trung thành, mang lại nhiều may mắn nên có tục thờ chó đá trong dân gian. Theo đó, người ta chôn chó đá trước cổng nhà, đình, đền hoặc phủ và gọi chúng là Thần cẩu, cụ Thạch, quan lớn Hoàng Thạch để trừ tà, cầu phúc, cầu an bởi theo quan niệm xưa, chó chỉ coi được phần dương nên để “trấn âm”, cần phải có con chó canh giữ như là vị thần che chở, mang lại bình yên cho mọi người.

Chuyện dân gian “Chàng học trò và con chó đá” cho ta thấy niềm tin của người Việt xưa đối với biểu tượng Thần cẩu (chó đá). Thần cẩu quảng đại, biết trước số mệnh của mọi người, đồng thời, Thần cẩu cũng rất gần gũi với con người. Bằng chứng là người Việt xưa dùng hình ảnh chó đá trong cách nói có hàm ý: Trơ như đầu chó đá (không tỏ thái độ, không phản ứng), Bóp chó đá ra cứt (chê bai người keo kiệt), Đánh chó đá vãi cứt (hành động của kẻ tàn ác),…

Trong nhận thức dân gian, người Việt xưa cho rằng, chó là loài vật mang lại điều tốt lành, yên ổn, giàu sang, do vậy mới có câu “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”. Niềm tin sơ khai này có lẽ xuất phát từ tiếng kêu “meo meo” của mèo nghe như “nghèo nghèo” và tiếng sủa “gâu gâu” của chó nghe như “giàu, giàu” (!), điều này cũng thể hiện trong kinh nghiệm khi xem tướng mạo của người: “Bàn tay gà bới thì khó, bàn tay chó bới thì giàu” – người có bàn tay như gà bới thì nghèo, còn người có bàn tay như chó bới thì luôn giàu có.

Trên tất cả, khi nói đến loài chó, người ta nghĩ đến lòng trung thành của loài vật này: Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo; là người bạn đáng tin cậy: Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu; Chó giữ nhà, gà gáy sáng.

Là loài vật sống rất gần với người, chó trở thành đối tượng dùng để so sánh mỗi khi người ta muốn chuyển tải điều gì đó thuộc thế giới của con người.

Người Việt có những câu: Lờ đờ như mặt chó giấy để chỉ bộ dạng ngây ngô, đờ đẫn, không linh hoạt; Lải nhải như chó nhai giẻ rách ngụ ý phê phán kẻ hay cằn nhằn; Bơ vơ như chó lạc nhà để chỉ hoàn cảnh trơ trọi, cô đơn, không nơi nương tựa; Giậm giật như chó tháng bảy miêu tả dáng đứng ngồi không yên, bồn chồn, bứt rứt; Chạy như chó phải lói là kiểu chạy cuống cuồng vì hoảng sợ (lói là pháo làm bằng thuốc nổ nhồi vào ống dài, nổ to), Lầm bầm như chó ăn vụngbột miêu tả vẻ tức tối, bực bội, không nói ra; Làm như chó ỉa vãi ám chỉ làm ăn bôi bác, không gọn gàng, không hiệu quả; Co ro như chó tiền rưỡi chỉ dáng co rúm, sợ sệt;…

Như chúng ta biết, có một đặc trưng rất cơ bản của thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt là dùng hình ảnh ẩn dụ để nói về bài học đạo đức, cách đối nhân xử thế, kinh nghiệm dân gian. Trong phạm vi này, các giống loài sống gần con người, đặc biệt là loài chó, được dùng để tạo ra những câu thành ngữ, tục ngữ có ý nghĩa sâu sắc.

Chẳng hạn, để khuyên người ta cẩn trọng trong quan hệ người trên – kẻ dưới, không nuông chiều quá trớn, ta có Chơi cò, cò mổ mắt, chơi chó, chó liếm mặt; cần tránh làm mất lòng người trên trong ứng xử với kẻ dưới, ta có Mắng chó chạm đến chủ, Đánh chó phải kiêng chủ nhà, Đánh chó phải ngó đằng sau.

Một số thành ngữ, tục ngữ khác cũng đề cập đến những khía cạnh đạo đức, cách xử sự của con người trong xã hội: Cơm đâu no bụng chó, cỏ đâu no bụng trâu (làm việc gì cũng phải có chừng mực); Ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột (ám chỉ người thô tục, tham lam); Quẳng xương cho chó cắn nhau (gây mâu thuẫn, bất hòa); Treo đầu dê, bán thịt chó (bịp bợm, giả dối); Đuổi chó ngõ cùng (dồn người ta vào thế bế tắc, dễ chuốc tai vạ); Quen chó chớ mó răng, quen voi chớ sờ ngà (đừng thấy thân quen mà không đề phòng); Lợn không cào, chó nào sủa (gieo nhân nào, gặt quả ấy); Lợn chê chó có bọ (kẻ không thấy cái dở của mình mà hay chê người khác); Lên voi xuống chó (con người vốn thăng trầm); Chửi chó mắng mèo (lấy cớ chửi mắng đối tượng này nhưng thực chất là nói cạnh khóe người khác); Voi đú, chó đú, chuột chù cũng nhảy cẫng (chê bai người hay đua đòi, bắt chước một cách lố bịch); Năng nổ dạy chó leo thang (hăng hái tham gia mọi việc không đúng chỗ, đúng lúc); Làm người thì khó, làm chó thì dễ (khuyên người nên ăn ở theo đạo lý), Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng (ỷ vào thế lợi của mình mà bắt nạt người khác);…

Để phản ánh kinh nghiệm dân gian, hình ảnh con chó cũng được người Việt xưa đưa vào thành ngữ, tục ngữ, trở thành phương tiện chuyển tải tri thức dân gian. Chẳng hạn, kinh nghiệm dự báo thời tiết: Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa (khi chân trời có ráng vàng hoặc đỏ là sắp có giông bão hoặc mưa to); Nắng tháng ba, chó già lè lưỡi (tháng ba là tháng có nắng đầu hạ gây mệt mỏi cho người, gia súc);…

Hoặc như kinh nghiệm trong chăn nuôi, mua bán: Giàu nuôi lợn nái, nghèo nuôi chó cái, gà con (kinh nghiệm chăn nuôi, ít vốn nuôi chó cái, gà con); Nhất bạch, nhì hoàng, tam khoang, tứ đốm (chó đẹp xếp theo thứ tự: Trắng – vàng – khoang – đốm); Bán bò mua chó, bán rọ mua mèo (làm ăn không biết tính toán, bỏ thứ tốt để lấy thứ không ra gì); Gà lấm lưng, chó sưng đồ (một kinh nghiệm ăn uống, gà, chó ở thời kỳ thịt béo, ăn ngon); Khoang cổ lổ đuôi, hại chủ nhà (chó, mèo có khoang lông khác màu, chót đuôi cũng khác màu thì hại chủ); Bán gà kiêng ngày trời gió, bán chó kiêng ngày trời mưa (kinh nghiệm mua bán, trời gió, lông gà xơ xác; trời mưa, lông chó bết vào, kém mã); Măng sông, ếch giếng, chó nhà chùa (những thức ăn ngon và sạch);…

Điểm đáng lưu ý là trong ca dao, dân ca Việt, hình ảnh con chó rất gần gũi, bình dị, không đậm “chất thơ” như chim nhạn, chim sáo, cánh cò, con cá,… Chẳng hạn, để gửi gắm tình cảm, sự tiếc nuối cho tình yêu không thành, người dân Thạnh Trị, Sóc Trăng có câu:

Con chó lội qua sông, ướt lông con chó vẫy,

Em có chồng rồi, nóng nảy làm chi?

Hoặc đưa đẩy, ướm lời:

Nhà em thách cưới một tràng khoai lang,

Củ to thì để mời làng,

Còn như củ nhỏ họ hàng cùng xơi,

Bao nhiêu củ mẻ chàng ơi,

Để cho con chó ăn chơi giữ nhà.

Đôi khi là bài học về luân lý:

Chó đâu chó sủa chỗ không,

Gái đâu tốt nết mà chồng lại ghen?

Nói chung, với đức tính trung thành, chó được con người yêu mến, nuôi dưỡng trong nhà, là loài vật cực kỳ gần gũi với người. Cũng bởi sự gần gũi này, hình ảnh con chó xuất hiện khá nhiều trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam.

Bên cạnh đó, với bản tính của loài hoang dã được con người thuần hóa nên chó có thể được xem là hạng “bình dân”. Trong các loài thực vật, động vật, tên gọi của chó cũng được dùng để tạo nên tên gọi nhưng nghe không mấy… mượt mà, như quả óc chó, cây chó đẻ, cây húng chó, gấu chó, khỉ chó,…

Thậm chí, trong những quán ngữ như (Quần) chó táp 7 ngày không tới, Cho chó ăn chè, Chó chực xương thì hình ảnh con chó đúng như bản chất đời thường./.

TS.Trần Văn Tiếng – Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM