Chức năng tổ chức và quản lí văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của Nhà nước Việt Nam hiện nay – LVN Group

Chức năng tổ chức và quản lí văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của Nhà nước Việt Nam hiện nay.

Mỗi kiểu nhà nước khi ra đời đều có những bản chất riêng, có cơ sở kinh tế – xã hội riêng, thực hiện những nhiệm vụ chiến lược và mục tiêu lâu dài do nhà nước đề ra. Các yếu tố đó đã tạo nên chức năng riêng của mỗi kiểu nhà nước. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, cho nên trái với các nhà nước chủ nô, phong kiến tư sản thực hiện chức năng bảo vệ, duy trì chế độ tư hữu và đàn áp nhân dân, thì nhà nước xã hội chủ nghĩa thực hiện chức năng mang tính xây dựng hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Để làm được điều đó, Nhà nước thực hiện nhiều chức năng khác nhau, trong đó có chức năng tổ chức và quản lí văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ. Vậy ta đi tìm hiểu “Chức năng tổ chức và quản lí văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của Nhà nước Việt Nam hiện nay”.

I. Cơ sở lí thuyết

Chức năng của Nhà nước là hoạt động của nhà nước chủ yếu nhất, quan trọng nhất, mang tính thường xuyên, liên tục ổn định tương đối, trực tiếp xuất phát từ và thể hiện đầy đủ nhất, tập trung nhất bản chất, cơ sở kinh tế – xã hội, nhiệm vụ chiến lược, mục tiêu cơ bản của nhà nước và có ý nghĩa quyết định nhất tới sự tồn tại và phát triển của nhà nước.

Chức năng của nhà nước phân theo lĩnh vực hoạt động bao gồm hai nhóm chức năng chính, đó là chức năng đối nội và chức năng đối ngoại. Chức năng đối nội được hiểu là những hoạt động chủ yếu nhất, quan trọng nhất mang tính thường xuyên, liên tục, ổn định tương đối của nhà nước, nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan tới quốc kế dân sinh ở trong nước.

II. Chức năng của Nhà nước trong tổ chức và quản lí văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ trong Nhà nước Việt Nam hiện nay

Nhà nước Việt Nam cũng như các nhà nước khác thực hiện 2 nhóm chức năng đối nội và đối ngoại. Trong đó chức năng đối nội bao gồm các chức năng : tổ chức và quản lí nền kinh tế; tổ chức và quản lí văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, chức năng xã hội và giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Chức năng tổ chức và quản lí nền văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ là một chức năng mang tính tổng hợp cao, gồm những lĩnh vực thuộc phạm trù văn hóa theo nghĩa rộng. Nhà nước ta thực hiện chức năng này nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình ,lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, công đồng và xã hội.

1.Chức năng tổ chức và quản lí nền văn hóa

        Văn hoá là những giá trị vật chất, tinh thần được đúc kết, lưu truyền và tồn tại theo suốt chiều dài của lịch sử. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên thế giới đều có bản sắc văn hoá riêng. Đất nước Việt Nam với hơn 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua bao nhiêu khó khăn, ác liệt của các cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược của phong kiến phương Bắc, chế độ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị văn hoá truyền thống, các công trình văn hoá có giá trị cao về kiến trúc, là minh chứng của lịch sử hàng nghìn năm tồn tại của dân tộc.

      Ngày nay, khi đất nước ta đang trong thời kỳ mở cửa, hội nhập cùng sự phát triển của thế giới, thì việc giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc và tiếp thu những tinh hoa văn hoá của các nước bạn trên thế giới là một nhiệm vụ hết sức quan trọng được đặt ra.

      Tư tưởng chỉ đạo của Nhà nước Việt Nam là xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, và lối sống mới để nhân dân lao động trở thành người sáng tạo, người chủ, người hưởng thụ mọi giá trị văn hóa tinh thần của nhân loại. Nhà nước bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa dân tộc, các giá trị văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, thuần phong mỹ tục của dân tộc; tôn tạo lại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; chống xâm phạm các di tích lịch sử, cách mạng, các công trình nghệ thuật và thắng cảnh của đất nước; khai thác các kho tàng văn hóa cổ truyền… kế thừa,  phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa của nhân loại.

       Nhà nước chống lại các nền văn hóa độc, bài trừ mê tín, hủ tục, đồng thời quản lí hệ thống bảo tàng lịch sử, thư viện, nhà văn hóa, nhà thông tin, câu lạc bộ sức khỏe, sân bãi thể dục thể thao, khu vui chơi giải trí; đầu tư phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, tạo điều kiện để nâng cao trình độ thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật cho nhân dân, bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo nghệ thuật, phát huy mọi tài năng sáng tạo của nhân dân trong lao động nghệ thuật. Nhà nước phát huy vai trò thẩm định tác phẩm, hướng dẫn dư luận của phê bình văn học nghệ thuật, bên cạnh đó chống lại các khuynh hướng sáng tác trái với đường lối, phát triển văn hóa mà Nhà nước đã định hướng.

      Nhà nước có chế độ chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho các văn nghệ sĩ, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với các văn nghệ sĩ có tái năng, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng thế hệ văn nghệ sĩ trẻ, bảo vệ quyền tác giả, và quản lí tốt hệ thống phương tiên thông tin đại chúng.

2.Chức năng tổ chức và quản lí giáo dục

      Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội Nhà nước phải có chính sách phù hợp về giáo dục và đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực dồi dào, nâng cao dân trí, phải xây dựng được đội ngũ trí thức mạnh, những nhà kinh doanh người quản lí giỏi, đội ngũ chuyên gia công nghệ và công nhân lành nghề cho trước mắt và lâu dài.

      Trong Nhà nước ta các chính sách giáo dục được ưu tiên hàng đầu, phát triển giáo dục nhằm mục đích nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Nhà nước thống nhất quản lí giáo dục theo mục tiêu và định hướng bằng cách xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về giáo dục, những quy định mục tiêu, chương trình cụ thể.

      Nhà nước thông qua các tiêu chuẩn đánh giá giáo viên, nội dung giáo dục, tiêu chuẩn trường học nhằm quản lí giáo dục. Bên cạnh đó, Nhà nước quyết định, đề ra, đánh giá thông qua việc biên soạn, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa, giáo trình, các quy chế thi cử, hệ thống văn bằng. Đồng thời, Nhà nước tổ chức bộ máy quản lí giáo dục, đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục; huy động, quản lí, sử dụng các nguồn lực để phát triển giáo dục, tổ chức, quản lí nghiên cứu khoa học, công nghệ trong ngành giáo dục, hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ cũng như chất lượng của giáo dục. Nhà nước quy định việc tặng các danh hiệu vinh dự cho những người có công đối với sự nghiệp giáo dục, thanh tra kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục, giải quyết các khiếu nại tố cáo và xử lí các vi phạm pháp luật về giáo dục.

      Ở Nhà nước ta, giáo dục là quốc sách hàng đầu, do vậy, Nhà nước đảm bảo việc thực hiện các chính sách kế hoạch đề ra nhắm đạt được mục tiêu, đó chính là hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đào tạo những người lao động có tay nghề, năng động và sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, có ý chí vươn lên góp phần làm cho dân giàu nước mạnh, để đáp yêu cầu của sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kì đổi mới và bảo vệ Tổ quốc.

3.Chức năng quản lí và tổ chức về khoa học – công nghệ

      Khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Đối với đất nước ta trong giai đoạn hiện nay, khoa học và công nghệ còn là động lực đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn tới trình độ tiên tiến của thế giới. Vì vậy, Nhà nước đặc biệt quan tâm chú trọng, có chính sách đúng đắn và quản lý có hiệu quả bảo đảm cho sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Nhà nước xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ, khoa học và công nghệ; ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về khoa học, công nghệ; tổ chức bộ máy quản lí khoa học, công nghệ, tổ chức hướng dẫn đăng kí hoạt động của tổ chức khoa học, công nghệ nhằm xây dựng nền khoa học công nghệ tiên tiến và phát triển đồng bộ các ngành khoa học và công nghệ.

      Nhà nước đã có những chính sách phù hợp để phát triển và quản lí cả khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và công nghệ: xây dựng và chỉ đạo thực hiện quỹ phát triển khoa học, công nghệ; ban hành các luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; quy định việc đánh giá, nghiệm thu, ứng dụng và công bố kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nhà nước ghi nhận công lao về khoa học của các cá nhân, tổ chức bằng các hình thức cụ thể, có các chức vụ khoa học, giải thưởng khoa học và công nghệ…

      Nhà nước tổ chức quản lí công tác thẩm định khoa học, công nghệ; tổ chức và chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khoa học công nghệ đảm bảo kiện toàn hệ thống các tổ chức về khoa học – công nghệ, sắp xếp và bố trí cán bộ khoa học và công nghệ một cách hợp lí theo hướng gắn khoa học và công nghệ với giáo dục và đào tạo. Nhà nước tổ chức quản lí hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, đồng thời thanh tra, kiểm tra, việc chấp hành pháp luật về khoa học, công nghệ, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại tố cáo trong hoạt động khoa học công nghệ, xử lí các vi phạm pháp luật về khoa học công nghệ.

Như vậy, với chức năng tổ chức và quản lí văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ, nhà nước Việt Nam đã thể hiện ý chí, bản chất và mục tiêu xây dựng xã hội văn minh, công bằng, phát triển toàn diện, từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tổ chức và quản lí văn hoá, giáo dục và khoa học công nghệ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩaViệt Nam. Thực hiện tốt chức năng sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển đất nước trong thời kì hội nhập hiện nay. Phát triển đất nước phải gắn liền với việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, đào tạo được một lớp người mới có đủ đức đủ tài để có thể nắm bắt được những thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới. Đó cũng chính là mục tiêu mà Nhà nước Việt Nam ta đang hướng tới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Giáo trình lí luận Nhà nước và Pháp luật, nxb Công An Nhân Dân, 2014.
  2. Giáo trình lí luận về Nhà nước và Pháp luật, TG: PGS.TS Nguyễn Văn Động, nxb Giáo dục, 2008.
  3. Bài: Về vai trò và chức năng của nhà nước, Nguyễn Thị Hồi , Tạp chí Luật học số 11/2004
  4. Hướng dẫn ôn tập môn học Lí luận Nhà nước và Pháp luật, TG: PGS.TS Nguyễn Thị Hồi, nxb Tư pháp, 2010.

Tham khảo thêm: