“Cô giáo online” Vũ Mai Phương: “Sai lầm” khi học Ngoại thương, ra trường dạy tiếng Anh, mỗi năm có 10.000 học viên online, “học ảo” nhưng tình thầy trò thật

Là giám đốc một trung tâm tiếng Anh với 3 cơ sở tại Hà Nội, nhưng Vũ Mai Phương lại được đông đảo học trò cả nước biết đến với hình ảnh “cô giáo online “. Mai Phương cho hay, mỗi năm có khoảng 8.000 – 10.000 học sinh học khóa học trả phí của mình trên các trang giáo dục trực tuyến . “Cô giáo online” đang phát triển trang dạy online của riêng mình và hiện có khoảng 7000 học sinh trên nền tảng này.

Mỗi năm có 8000 – 10000 học trò học online có trả phí

Tốt nghiệp đại học Ngoại Thương, nhưng Vũ Mai Phương tự nhận “chọn Ngoại Thương là một sai lầm” vì đam mê ngay từ đầu là giảng dạy. Vì thế sau khi tốt nghiệp đại học, cô gái sinh năm 1988 học thêm về sư phạm và năm 2010 tự đứng ra mở một trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội.

Cũng vào năm đó, Mai Phương được mời giảng dạy tại hoc360.vn – một trung tâm giảng dạy trực tuyến. “Nếu nói về dạy tiếng Anh trực tuyến thì mình là một trong những người đầu tiên tại Việt Nam,” cô giáo cho hay.

Từ khóa học đầu tiên được nhiều học sinh yêu thích, Mai Phương tiếp tục gắn bó với dạy học online. Cô hợp tác với nhiều trang dạy trực tuyến khác sau hoc360.vn. “Mình dạy tại hocmai.vn trong 2 năm, rồi đến moon.vn. Mình dạy ở moon.vn trong một thời gian khá lâu.”

Con số học sinh học tiếng Anh của Mai Phương qua các nền tảng khác rơi vào 8.000 – 10.000 người/năm. Chi phí một khóa học online (luyện thi đại học, TOEIC, IELTS) khoảng vài trăm nghìn đồng/học sinh.

Cô giáo online Vũ Mai Phương: Sai lầm khi học Ngoại thương, ra trường dạy tiếng Anh, mỗi năm có 10.000 học viên online, học ảo nhưng tình thầy trò thật - Ảnh 1.

Hình ảnh quen thuộc với nhiều học sinh THPT. Ảnh: Internet

Với người giáo viên, dạy online có một số khác biệt nhất định so với dạy truyền thống.

“Khi giảng online thì không có học sinh phía dưới, trừ trường hợp mình giảng livestream , còn nếu không thì mình phải tự mường tượng ra học sinh như thế nào, đặt câu hỏi gì,” Mai Phương chia sẻ.

Ngoài ra, học sinh xem một video bài giảng trực tuyến cũng như xem phim – làm sao để hấp dẫn, thoải mái, dễ “vào,” thì phong cách dạy và cái “duyên” của người giáo viên là rất quan trọng.

“Một ưu điểm của việc học trực tuyến là các em có thể lựa chọn giáo viên với phong cách phù hợp với mình.”

“Mình đùa rất nhiều trong khi dạy,” cô giáo chia sẻ, “Mình không cố gắng tạo ra một khoảng cách lớn với học sinh. Và mình không ngại chia sẻ với các bạn ấy về bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống. Chính điều này khiến các bạn cảm thấy rất tin tưởng ở giáo viên, và các bạn ấy cảm thấy không khí học tập thoải mái. Cái này rất quan trọng và giúp các bạn ấy học tốt hơn.”

Còn đối với học sinh, theo Vũ Mai Phương, ngoài tiện lợi, tiết kiệm, một ưu điểm của việc học trực tuyến so với học truyền thống là các em có thể lựa chọn giáo viên với phong cách phù hợp với mình.

“Sự yêu thích là một trong những yếu tố quan trọng để mình có thể học giỏi một môn học. Tức là khi người giáo viên đã truyền cảm hứng được, khiến học sinh yêu thích môn học rồi thì tự các em sẽ chinh phục môn học đó.”

Những bước tiến mới của dạy học online

Một giáo viên có 2 lựa chọn dạy trực tuyến, một là hợp tác với các trang học trực tuyến có sẵn, hai là tự dạy trên nền tảng của mình. Mai Phương cho hay sau nhiều năm hợp tác với các trang khác, cô đang xây một nền tảng dạy online riêng và hiện có khoảng 7.000 học sinh, dù phần nhiều vẫn là học sinh học miễn phí.

Để tự tạo nền tảng riêng, người giáo viên cần chuẩn bị về phòng quay, thiết bị quay phim cũng như cần hỗ trợ về mặt dựng video. Công nghệ thiết kế web để tương tác với học sinh cũng rất quan trọng.

“Trên website dạy trực tuyến còn có các tính năng như cho thi và tính điểm tại chỗ. Như các học sinh đang xem live, mình mời học sinh làm thử một bài thi trong vòng 10 phút, sau đó website chuyển qua phần thi để học sinh thi luôn, sau đó mình live lại tiếp và chữa bài học sinh vừa thi. Nên là học trực tuyến bây giờ cũng hấp dẫn hơn trước,” Mai Phương nêu ví dụ.

Ngoài ra, cô giáo này cũng cho hay, từ năm 2017, hình thức dạy livestream phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

“Có nhiều nền tảng có thể livestream được, như trên Facebook, Youtube, website… Học sinh xem trực tuyến và đặt câu hỏi trực tiếp luôn, vì thế việc học online bây giờ cũng phát triển thành một bước mới so với ngày trước. Bây giờ độ tương tác cao hơn rất nhiều,” Phương cho hay.

Mai Phương cho hay đang kết hợp giảng dạy giữa các bài giảng có sẵn với các buổi livestream:

“Các bài giảng về lý thuyết chẳng hạn, mình sẽ quay trước, học sinh đặt câu hỏi gì đấy, sau đấy thì những bài chữa bài tập chẳng hạn, mình sẽ live, như thế học sinh có thể đặt câu hỏi trực tiếp.”

Cô giáo online Vũ Mai Phương: Sai lầm khi học Ngoại thương, ra trường dạy tiếng Anh, mỗi năm có 10.000 học viên online, học ảo nhưng tình thầy trò thật - Ảnh 2.

Ngoài dạy online, Vũ Mai Phương còn quản lý, dạy trực tiếp tại trung tâm tiếng Anh của mình và các lớp học khác tại Hà Nội. Ảnh: Facebook

Mạng ảo, tình thầy trò thật

“Chỉ cần mình đi ra sân bay thì rất nhiều các bạn tiếp viên hàng không nhận ra mình. Hay mình chỉ đi lang thang ngoài đường, chẳng may ló mặt ra, có những trường hợp các bạn học trực tuyến của mình, mình đi qua thì bạn ấy bảo: Em chào cô Phương ạ!, dù mình không biết là ai,” Vũ Mai Phương tâm sự.

Cô giáo còn hào hứng “khoe” thường xuyên nhận được tin nhắn Facebook cảm ơn, tâm sự và nhờ tư vấn của học sinh. “Mỗi khi một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia kết thúc thì mình nhận được hàng trăm tin cảm ơn của học sinh. Không đếm được hết luôn í.”

“Một ngày mình dành ra tối thiểu 2 tiếng chỉ để trả lời học sinh. Mình chia ra buổi sáng 30 phút, buổi trưa 30 phút, buổi tối 1 tiếng. Đặc biệt tuần học sinh thi THPT quốc gia thì check tin nhắn 24/24,” Vũ Mai Phương cho biết.

Thói quen trả lời tin nhắn học sinh của cô giáo Phương đã bắt đầu từ 3 – 4 năm trước. Các tin nhắn không chỉ để hỏi bài tập, về cách học tiếng Anh, mà còn về các thắc mắc bên lề như chọn trường đại học, có nên tham gia câu lạc bộ, hay thậm chí là chuyện… tình cảm học đường.

Có những tin nhắn đáng yêu của học sinh, như cảm ơn cô vì sau khi học cô Phương em… thoát điểm liệt một tiếng Anh, hay xin lỗi cô Phương vì đã… học lậu bài của cô trên Youtube.

Cô giáo online Vũ Mai Phương: Sai lầm khi học Ngoại thương, ra trường dạy tiếng Anh, mỗi năm có 10.000 học viên online, học ảo nhưng tình thầy trò thật - Ảnh 3.

Những tin nhắn đáng yêu cô Mai Phương nhận được từ học trò muôn nơi. Nguồn: Facebook

Tuy nhiên, “cô giáo online” cho hay không chủ động xây dựng hình ảnh cá nhân của mình, cũng không có “tips & tricks” gì cả.

Cô giáo tâm sự: “Cái quan trọng nhất và đầu tiên là phải yêu nghề trước đã, nếu không thì không đi đến thành công lớn. Phải dựa trên tình yêu nghề, đam mê với nghề.”

“Nên bắt đầu bằng nền tảng nào thật ra không phải là sự lựa chọn của giáo viên. Tất cả nên bắt đầu bằng việc mình dạy như thế nào.”

Vũ Mai Phương nói thêm: “Vì đam mê nghề nên người ta có thể dành ra rất nhiều thời gian để nâng cao kỹ năng của mình, để học. Như mình dành rất nhiều thời gian để nâng cao kỹ năng của mình. Việc giảng dạy trực tuyến cũng thế, vì sao mà một giáo viên có thể tồn tại được lâu sau một thời gian khá là dài như thế. Là do mình yêu nghề và liên tục cập nhật. Khi mình có nhiều thời gian để nâng cấp kiến thức của mình lên, mình truyền tải cho học sinh, học sinh cũng thu được nhiều kiến thức thú vị, thì họ cũng sẽ thích thôi.”

Và khi được hỏi một giáo viên mới bắt đầu dạy online nên hợp tác với một nền tảng có sẵn hay tự dạy trên nền tảng riêng, cô giáo nói: “Nên bắt đầu bằng nền tảng nào thật ra không phải là sự lựa chọn của giáo viên. Tất cả nên bắt đầu bằng việc mình dạy như thế nào. Vì khi mình đã dạy hay, dạy tốt, dạy okay rồi thì ai cũng sẽ tìm tới mình. Mình muốn thế nào cũng được, mình muốn hợp tác với ai hay mình muốn tự dạy thì học sinh cũng sẽ tự tìm tới thôi. Hữu xạ tự nhiên hương.”