Cơ hội cho du lịch Việt Nam tăng tốc, bứt phá

Cơ hội cho du lịch Việt Nam tăng tốc, bứt phá - Ảnh 1.

Việt Nam có những tiền đề thuận lợi để trở thành cường quốc về du lịch – Ảnh: VGP/Diệp Anh

Những tiền đề thuận lợi

Những năm qua, với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, du lịch Việt Nam đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn.

Với tiềm năng lợi thế sẵn có; với tài nguyên du lịch, cảnh quan, địa hình đa dạng; khí hậu nhiệt đới ôn hòa; nền văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em cùng chiều dài lịch sử, ẩm thực phong phú; đặc biệt là văn hóa lối sống của người Việt chân tình, ấm áp, bao dung, cởi mở, tất cả làm nên một Việt Nam hấp dẫn, một điểm đến có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách. Từ góc độ đó, rõ ràng Việt Nam có thể trở thành cường quốc về du lịch.

Chúng ta cũng chưa bao giờ có được cơ đồ thuận lợi như bây giờ, một thị trường gần 100 triệu dân, có đà phát triển từ những năm trước, có chủ trương, nền chính trị ổn định, có những chính sách ưu tiêu phát triển du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Từ những kết quả đạt được trong 30 năm qua, những điều kiện thuận lợi có được đặt nền móng cho đến nay, rõ ràng du lịch Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh, tiếp đà phát triển của những giai đoạn trước, vượt lên để trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu ở châu Á, trong khu vực và trên thế giới.

Không phải ngẫu nhiên sau thời gian dịch COVID-19 kéo dài, Việt Nam khởi động lại du lịch sớm và thuận lợi bởi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Năm Du lịch quốc gia khai mạc tại Quảng Nam sau 10 ngày Việt Nam tiến hành mở cửa du lịch (15/3/2022) với sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ và sự ủng hộ của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho thấy lãnh đạo Chính phủ dành nguồn động viên to lớn cho ngành du lịch Việt Nam. Qua sự kiện này cũng kỳ vọng chuỗi các sự kiện du lịch xuyên suốt cả năm sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Qua đó góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững của đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước tươi đẹp và con người Việt Nam hiền hòa, mến khách đến với bạn bè quốc tế.

Tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch. Bên cạnh đó, khi du lịch thế giới phục hồi, chúng ta phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và các điểm đến trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây cùng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn du lịch hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Muốn vậy, một mặt, chúng ta cần kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đó là thông điệp hòa bình, hòa giải, “Việt Nam – Đất nước an toàn”, hình ảnh “Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, một điểm đến với “vẻ đẹp bất tận”.

Cơ hội cho du lịch Việt Nam tăng tốc, bứt phá - Ảnh 2.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng năm 2022 vẫn là năm du lịch nội địa tăng trưởng ngoạn mục – Ảnh: VGP/Diệp Anh

Tăng trưởng du lịch nội địa – Điểm sáng của du lịch Việt Nam

Những nỗ lực nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và tái thiết ngành du lịch Việt Nam đã mang lại thành tựu đáng ghi nhận. Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2022 của Tổng cục Du lịch, lượng khách du lịch quốc tế năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt (đạt 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm). Lượng khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là 60 triệu lượt khách và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.

Thị trường du lịch nội địa sau dịch COVID-19 tăng trưởng mạnh là một điểm sáng, cứu cánh cho toàn ngành, khẳng định vai trò của thị trường này đối với sự phát triển chung của ngành du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn ở phạm vi toàn cầu.

Năm 2022, Tổng cục Du lịch đã tập trung đẩy mạnh chương trình truyền thông với chủ đề “Live fully in Vietnam” để thu hút khách quốc tế và chương trình “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” để thúc đẩy thị trường nội địa. Tổng cục Du lịch đã chủ trì, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức hàng loạt sự kiện để khởi động lại hoạt động du lịch trên toàn quốc.

SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam chính là cơ hội để quảng bá mạnh mẽ hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn tới các đoàn thể thao và du khách quốc tế, góp phần mang lại thành công cho Đại hội. Trong dịp này, Tổng cục Du lịch ra mắt video clip “Việt Nam: Đi Để Yêu! – Let’s shine and live fully” để chào đón bạn bè quốc tế.

Năm 2022, ngành du lịch đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến quảng bá sôi nổi, trong đó có Hội chợ VITM Hà Nội, Hội chợ ITE TPHCM, Diễn đàn Du lịch Kontum, Diễn đàn Du lịch Mekong 2022. Đặc biệt, với việc tham gia Hội chợ du lịch quốc tế lớn nhất thế giới WTM London 2022, Du lịch Việt Nam khẳng định mạnh mẽ thông điệp mở cửa, sự hiện diện và hòa nhập với thị trường quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Các hoạt động hợp tác quốc tế được Tổng cục Du lịch thúc đẩy nhằm bắt nhịp, kết nối lại với các đối tác. Nổi bật như tham dự các Hội nghị của Tổ chức Du lịch thế giới tại Maldives, Hội nghị ngành du lịch thế giới ở Hàn Quốc, Diễn đàn Du lịch ASEAN tại Campuchia, Diễn đàn trực tuyến Chính sách cấp cao KOPIST, triển khai các phiên họp song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản và Singapore. Nhiều cuộc làm việc với các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam, các tổ chức quốc tế trao đổi về hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam đã được tổ chức.

Định vị du lịch Việt Nam qua các giải thưởng quốc tế

Theo báo cáo năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Chỉ số năng lực phát triển của Du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.

Tại giải thưởng World Travel Awards 2022, Du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu Thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu Châu Á.

Trong 5 năm gần nhất, Việt Nam 3 lần được tôn vinh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; 4 lần nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á; Tổng cục Du lịch Việt Nam 3 lần được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á; Việt Nam lần thứ 6 đoạt danh hiệu “Điểm đến du lịch Golf tốt nhất châu Á” tại giải thưởng World Golf Awards 2022 cùng nhiều danh hiệu quốc tế uy tín khác dành cho các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.

Với những nỗ lực quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra nước ngoài theo chủ đề “Live fully in Vietnam”, website vietnam.travel của Tổng cục Du lịch tăng hạng mạnh trên thế giới. Theo số liệu từ chuyên trang similarweb.com, tháng 10/2022 website vietnam.travel xếp hạng 152 nghìn trên toàn cầu, tăng 423 nghìn bậc so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng hạng này cao vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Năm 2022 cũng là năm toàn ngành du lịch triển khai mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số với sự đồng hành, dẫn dắt của Tổng cục Du lịch. Hệ sinh thái du lịch thông minh đã được hình thành trên cơ sở các nền tảng số cốt lõi của Tổng cục Du lịch.

Công tác truyền thông quảng bá du lịch trên các website và mạng xã hội của Tổng cục Du lịch được tập trung đẩy mạnh. Đặc biệt, với cách làm mới mẻ và hiệu quả, Chương trình truyền thông du lịch trên YouTube với chủ đề “Việt Nam: Đi Để Yêu!” của Tổng cục Du lịch vinh dự được trao giải Nhì tại Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ 8 – giải thưởng uy tín do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Cơ hội cho du lịch Việt Nam tăng tốc, bứt phá - Ảnh 3.

Triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch; nghiên cứu cơ chế chính sách phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng… để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước – Ảnh: VGP/Diệp Anh

Khơi thông các điều kiện tốt nhất để thu hút khách du lịch quốc tế

Mặc dù đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng ngành du lịch vẫn gặp phải những thách thức, đặc biệt trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam như Trung Quốc, Đài Loan… chưa mở cửa hoàn toàn. Chính sách thị thực của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế hơn so với các quốc gia trong khu vực. Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến ngành du lịch sẽ mạnh mẽ hơn; xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đề nghị Tổng cục Du lịch tiếp tục đổi mới tư duy theo quan điểm đổi mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đó là chuyển từ làm sang quản lý nhà nước về văn hoá, thể thao và du lịch; rà soát, triển khai thực hiện các chức năng nhiệm vụ được quy định sau khi sắp xếp lại bộ máy.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng đề nghị tiếp tục tập trung rà soát các văn bản pháp luật về du lịch, tham mưu lãnh đạo Bộ việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Tập trung nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Bộ giải pháp phục hồi thị trường du lịch quốc tế, các vấn đề liên quan đến chính sách xuất nhập cảnh, kết nối thị trường, khơi thông các điều kiện tốt nhất để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch; nghiên cứu cơ chế chính sách phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng như: Du lịch cộng đồng, du lịch MICE, du lịch biển đảo, du lịch thông minh… để định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác.

Như vậy việc khắc phục những khó khăn, tận dụng các cơ hội và phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Diệp Anh