Cơ hội nào cho giáo dục vùng khó: ‘Thay da, đổi thịt’ sau 10 năm

Lai Châu cũng chú trọng phát triển giáo dục mũi nhọn. Giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Đổi mới đồng bộ, toàn diện

Qua 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (gọi là Nghị quyết 29), chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh nghèo Lai Châu đã đạt được kết quả đáng khích lệ.

Tỉnh đã triển khai đồng bộ chủ trương đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông, thay sách giáo khoa và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giáo dục mới cho cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Qua đó, hướng tới phát triển tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh, đảm bảo hài hòa đức – trí – thể – mỹ.

Hằng năm, ngành GD-ĐT xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học để chỉ đạo các trường thực hiện tốt, từng bước đáp ứng yêu cầu của xã hội. Từ đó, thực hiện phân luồng học sinh cho phù hợp với năng lực, sở trường và thị trường lao động.

Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, chia sẻ: “Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, giáo viên và tuyên truyền trong nhân dân về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Từ đó, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện chủ trương đổi mới”.

Bên cạnh đó, ngành đã chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Tổ chức quán triệt, học tập, triển khai nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng về giáo dục và đào tạo, quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp học, bậc học.

Năm 2018, Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình GDPT mới) được ban hành. Mục tiêu đổi mới của chương trình là cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết 29.

“Xác định được mục tiêu đổi mới của Chương trình GDPT 2018, sở đã tích cực, chủ động trong công tác tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai chương trình theo đúng lộ trình và kế hoạch” – ông Lưu Hồng Phương chia sẻ.

Theo đó, sở GD&ĐT đã cụ thể hóa thành hệ thống văn bản, triển khai đến từng cơ sở giáo dục. Nội dung tập trung chủ yếu về việc chuẩn bị và thực hiện Chương trình GDPT mới như: Tổ chức tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, đại trà theo các mô-đun; thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương và lựa chọn sách giáo khoa các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT mới.

Sau 3 năm triển khai, Chương trình GDPT mới tại Lai Châu đã đi vào nền nếp. Những môn học mới được thực hiện đảm bảo yêu cầu. Cơ sở giáo dục đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên.

Sở GD&ĐT cũng tăng cường phối hợp với UBND các huyện thành phố tham mưu bố trí, lồng ghép nguồn lực, từng bước đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện Chương trình, sách giáo khoa GDPT 2018.

“Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã tập trung vào đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ. Đội ngũ cho đến cơ sở vật chất đã và đang được đầu tư. Chính vì vậy, chất lượng đội ngũ, giáo dục ngày được nâng lên, tạo niềm tin, sự đồng thuận từ phụ huynh và người dân trên địa bàn vào mục tiêu đổi mới” – ông Lưu Hồng Phương nói.

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng giáo dục toàn diện học sinh có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh được đánh giá hoàn thành chương trình, học sinh xếp loại học lực khá, giỏi và xếp loại hạnh kiểm tốt hằng năm tăng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

So với năm học 2012 – 2013, chất lượng giáo dục năm học 2021 – 2022 có nhiều chuyển biến. Học sinh được đánh giá hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,7%, tăng 2,9%. Học sinh THCS có lực học đạt từ trung bình trở lên, có hạnh kiểm khá, tốt đạt trên 97% (tăng hơn 7%). Học sinh THPT có học lực đạt từ trung bình trở lên tăng trên 19%. Học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 99,9% (tăng gần 6%).

Cơ hội nào cho giáo dục vùng khó: 'Thay da, đổi thịt' sau 10 năm ảnh 1

Đội ngũ giáo viên làm nòng cốt

Hướng đến mục tiêu đổi mới giáo dục, ngành GD-ĐT có nhiều thay đổi trong cách dạy và học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh. Tuy nhiên, vai trò của giáo viên hết sức quan trọng. Thầy cô là người định hướng, khuyến khích, giúp học sinh tự khám phá tri thức.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nhà giáo phải tự đổi mới. Giáo viên phải nắm chắc kiến thức, có phương pháp sư phạm khoa học, sáng tạo và phải luôn học hỏi trau dồi kiến thức, kinh nghiệm. Có như vậy, thầy cô mới có thể giải đáp mọi thắc mắc của học sinh, định hướng cho các em lựa chọn sử dụng tài liệu, học liệu phù hợp và làm chủ giờ học.

Tính đến tháng 12/2022, tỷ lệ nhà giáo ở tỉnh Lai Châu có trình độ được đào tạo từ chuẩn trở lên đạt gần 79%; hơn 20% nhà giáo có trình độ đào tạo trên chuẩn. Đến năm 2030, tỉnh Lai Châu phấn đấu 100% nhà giáo đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71 và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được đào tạo về nghiệp vụ quản lý trước khi bổ nhiệm chức vụ.

“Xác định rõ vai trò của đội ngũ giáo viên, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế của tỉnh. Từng bước thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019” – ông Lưu Hồng Phương chia sẻ.

Huyện Tân Uyên (Lai Châu) có trên 1.000 giáo viên, cơ bản đủ về số lượng, chất lượng, đảm bảo thực hiện công tác quản lý, dạy học. Thực hiện Chương trình GDPT mới, ngành GD-ĐT Tân Uyên đã rà soát, lựa chọn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn, có đủ phẩm chất và năng lực để giảng dạy. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên, cho biết: “Chúng tôi đã rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp theo chuẩn mới. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch và triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên các cấp để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bố trí, sắp xếp đội ngũ cán độ quản lý, giáo viên đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc”.

Cơ hội nào cho giáo dục vùng khó: 'Thay da, đổi thịt' sau 10 năm ảnh 2

Lấy chất lượng làm thước đo

Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành GD-ĐT tỉnh Lai Châu đã tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, lấy chất lượng giáo dục làm thước đo mọi hoạt động. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên tích cực đổi mới hình thức, phương pháp dạy học; kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.

Cô Hoàng Thị Minh Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè (huyện Mường Tè), cho biết: “Cụ thể hóa những mục tiêu trong Nghị quyết 29, cấp ủy và ban giám hiệu nhà trường, cùng tập thể cán bô, giáo viên, nhân viên đã tích cực tham gia các phong trào do ngành phát động. Cùng với sự năng động, sáng tạo, Chi bộ trường hàng năm đều đạt Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trường nhiều năm đạt Trường tiên tiến xuất sắc; được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhất và được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua”.

Theo cô Lan, đội ngũ giáo viên của trường có năng lực chuyên môn vững vàng, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, linh hoạt trong dạy và học; luôn đổi mới phương pháp và hình thức dạy học sáng tạo phát huy tính tích cực tham gia học tập của học sinh. Từ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường luôn được duy trì. Tỷ lệ học sinh chuyển lớp đạt 100%. Nhiều em đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Tại Trường Mầm non Hua Bum, huyện Nậm Nhùn, chia sẻ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Đào, trường chú trọng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Cùng với đó, xây dựng môi trường ngoài sân cho các em tham gia trò chơi dân gian, rèn luyện kỹ năng sống, giao tiếp. “Chúng tôi lấy chất lượng giáo dục để tạo uy tín trước phụ huynh và xã hội”, cô Nguyễn Thị Đào nhấn mạnh.

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 29 trong những năm tiếp theo, ngành GD-ĐT Lai Châu mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND cho công tác giáo dục. Cụ thể, bổ sung biên chế giáo viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Ông Lưu Hồng Phương