Có nên bỏ hơn 8 triệu để mua Nintendo Switch?
Kể từ khi Wii ra đời, Nintendo đã có nhiều mẫu thiết kế dành riêng cho dòng máy Console. Ở đó thay vì đâm đầu vào cuộc chiến về sức mạnh phần cứng với Sony và Microsoft, Nintendo luôn cố gắng tạo nên những ý tưởng khác biệt. Một số cho rằng đây chỉ là chiêu trò, một số khác nghĩ nó đơn giản chỉ mặt khác của sự nhu nhược. Nhưng bất kể bạn có ý kiến nào đi chăng nữa, Nintendo vẫn thành công mĩ mãn với hệ máy Wii. Mang khả năng cảm ứng chuyển động cực kỳ độc đáo, chiếc Console này trở thành máy chơi game bán chạy nhất trong lịch sử của gã khổng lồ Nhật Bản. Nhưng sớm thôi Nintendo lại bị kéo xuống mặt đất với Wii U, một trong những thất bại nặng nề nhất của hãng tính đến ngày nay. Nhưng bỏ qua câu chuyện quá khứ, tân binh Nintendo Switch vừa mới ra mắt đang tiếp tục phản ảnh hướng suy nghĩ vượt ngoài khuôn khổ của hãng, tất cả nhờ vào khả năng dung hòa Mobile với Console.
Ngoại hình
Giống như chiếc Wii U đi trước, Switch sở hữu màn hình cảm ứng 6.2 inch. Phần Tablet của chiếc Console này khá nhỏ với kích thước vào khoảng 17x10x1.5cm. Thậm chí với chiếc tay cầm Joy-Con gắn bên, kích thước 23x10x2.5cm của Switch vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với GamePad của Wii U. Đấy còn là chưa kể chất lượng màn hình của Switch vượt hơn hẳn so với đàn anh. Với độ phân giải đạt 1280x720p, tuy màn hình của Switch không phải là hàng nhất trên thị trường nhưng nó vẫn có mật độ điểm ảnh đạt mức 236.87. Để dễ so sánh, chiếc iPhone 7 có mật độ điểm ảnh là 326. Với con số ấy, màn hình 720p của Switch có sự cân bằng tuyệt vời giữa yêu cầu về hiệu năng và độ phân giải của phần cứng bên trong. Ngoài ra với việc bỏ lại màn hình cảm ứng đầy hạn chế của GamePad (Wii U), Switch sử dụng mẫu cảm ứng điện dung, tạo nên độ tương phản khá hơn cũng như cảm nhận chuyển động tốt hơn.
Phía trên màn hình cảm ứng, Switch có nút nguồn, volume, khe tản nhiệt, khe cắm băng game và jack cắm tai nghe 3.5mm. Hai bên của Switch có rãnh cho chiếc Joy-Con trượt vào vị trí. Phía dưới chiếc Console có một cổng USB-C. Phía sau có một đế dựng cho chép game thủ kéo ra và để lộ khe cắm MicroSD. Phần đế dựng khá chắc chắn và chỉ hỗ trợ một góc nhìn duy nhất.
Trong khi hai chiếc tay cầm Joy-Con là phiên bản phản chiếu của nhau thì vẫn có một số nét khác biệt về mặt phần cứng và chức năng. Ngoài việc bố trí nút ở những vị trí khác nhau thì hai tay cầm còn có những đặc tính nhất định. Ở đó tay cầm bên phải có một đầu đọc NFC và camera IR cảm ứng chuyển động. Đầu đọc NFC cho phép game thủ đồng bộ hóa mô hình Amiibo tới chiếc Console, trong khi camera cho phép Switch phát hiện ra chuyển động tay của người chơi.
Ngoài việc áp dụng cơ chế điều khiển thông thường, Joy-Con còn sở hữu một hệ thống phản hồi cảm ứng chuyển động khá tinh vi. Nintendo gọi nó là HD Rumble, hệ thống cho phép các nhà phát triển tạo nên những tựa game như 1-2-Switch, mang tới game thủ những sản phẩm độc đáo và hướng tới giải trí nhẹ nhàng hơn.
Trong khi GamePad của Wii U có chất lượng như một món đồ chơi trẻ con thì Switch lại tạo cảm giác chắc chắn và cứng cáp hơn nhiều. Thậm chí bạn còn phải thấy ấn tượng hơn khi biết rằng Switch vẫn nhẹ hơn GamePad tới 0.4 Kg ngay cả khi gắn thêm Joy-Con. Switch khi chơi ở chế độ di động cũng không mang cảm giác nặng đến mức thiếu thoải mái, trong khi kích thước bề mặt cho phép game thủ dễ dàng đặt trên lòng khi trải nghiệm. Với mô hình đi theo phong cách của một chiếc Tablet, Switch cũng khá vừa vặn khi đặt vào túi cho dù có hơi bị kích. Nếu đặt vào balo hay cặp, chắc chắn bạn có thể vận chuyện thiết bị này mà không mất một chút công sức nào.
Nhưng nếu muốn chơi game trên màn hình TV, bạn sẽ cần phải cắm thiếp bị này vào dock. Phần đế làm bằng nhựa này có kích thước vào khoảng 17x10x4.8 cm và có hai cổng USB phía bên trái. Nintendo cho hay người dùng có thể sử dụng những cổng USB này để kết nối với các thiết bị ngoại vi hay sử dụng Internet. Mặt sau của phần đế này cho phép người dùng mở ra và kết nối nhiều loại cáp khác nhau.
Cấu hình
Dưới vẻ ngoài bóng bẩy của Switch, Nintendo trang bị một chip Tegra của Nvidia dựa theo cấu trúc ARM. Nói theo cách khác, Switch sử dụng một chip xử lý được chỉnh sửa và nâng cấp mạnh tay nhằm đáp ứng những tựa game khủng như Legend of Zelda: Breath of the Wild. Nintendo chưa hề tiết lộ thông tin về RAM hay xung nhịp của CPU và GPU nhưng chúng ta biết vì được thiết kế trên một chip xử lý của Mobile nên Switch không mang nhiều sức mạnh phần cứng. Trong bài test với Legend of Zelda: Breath of the Wild, game thủ vẫn có thể phát hiện ra những gờ mép thiếu chi tiết phía xa hay mô hình bất ngờ xuất hiện trên màn hình do xử lý chưa kịp. Trong khi Switch có khả năng chuyển tải hình ảnh đạt 1080p khi cắm vào dock thì Breath of the Wild chỉ hoạt động ở mức 900p với tốc độ 30 khung hình trên giây (FPS).
Về mặt cảm quan, Switch khi cắm vào dock thường không duy trì được mức FPS tiêu chuẩn nếu như màn hình có quá nhiều hoạt cảnh và hiệu ứng diễn ra. Nhưng thú vị thay, điều này lại không hề xảy ra khi Switch được chơi ở chế độ di động, tức là như khi bạn sử dụng Smartphone hay Tablet thông thường để chơi game.
Về mặt lưu trữ, Switch có 32 GB bộ nhớ trống (trừ đi khoảng 6 GB cho hệ điều hành), tức là mức khả dụng cho game thủ chỉ còn lại khoảng 25.9 GB. Mức này quả thực không phải là nhiều đối với các tựa game Console nhưng Switch vẫn hỗ trợ thẻ nhớ MicroSD lên đến 2 TB nếu người chơi cần nâng cấp. Nintendo khuyến cáo người dùng sử dụng loại thẻ Ultra High Speed để lưu trữ game.
Về khía cạnh pin, Switch được trang bị một pin Li-ion 4310 mAh, khá đáng kể so với hiệu năng của chiếc Console. Để dễ so sánh, pin của iPhone 7 đạt mức 1960 mAh. Nếu để ở chế độ thông thường Switch có thời lượng khoảng 6 tiếng đồng hồ, trong khi chơi game liên tục thì là 3 tiếng. Với bài kiểm tra game Legend of Zelda: Breath of the Wild, Switch hoạt động được trong vòng 3 tiếng 3 phút. Khi cạn sạch pin, Switch sạc lại được khoảng 49% sau một tiếng đồng hồ.
Kết luận
Đúng, chỉ cần bỏ ra hơn một chút nữa so với khoảng giá 300 đô của Switch là bạn đã sở hữu một chiếc Console mạnh mẽ gấp vài lần. Tuy nhiên yếu tố ăn tiền của Switch lại nằm ở sự tiện dụng. Cũng giống như Smartphone hay Tablet, Switch có thể chơi được ở mọi nơi và bất cứ khi nào bạn muốn, tất nhiên là với những siêu phẩm với đúng chất lượng của PC/Console.
Tuy nhiên theo người viết ở thời điểm hiện tại, bất kể phong cách thiết kế của Switch có mang tính cách mạng tới đâu đi chăng nữa thì điểm quyết định sống còn vẫn nằm ở game. Nếu chiếc Console này sở hữu những tựa game hot, được nhà phát triển chăm chút và đầu tư trong tương lai, thì chắc chắn nó sẽ sánh ngang với những Xbox One hay PS4 một cách dễ dàng.
Nhưng vào thời điểm hiện tại Nintendo Switch vẫn còn khá ít game và gần như chỉ có Legend of Zelda: Breath of the Wild là đáng chú ý. Một phần điều này là do thiết bị mới ra và các nhà phát triển vẫn chưa chính thức công bố game mới. Vì thế nếu, bạn không phải là một fan siêu hardcore của dòng game Legend of Zelda hay muốn mua chiếc máy giá 300 đô về chỉ để chơi game casual thì hãy chờ đợi thêm một thời gian nữa để thấy chiến binh của Nintendo thật sự trưởng thành.
Bài viết được thực hiện dựa trên tham khảo từ GameSpot.