Cơn sốt Bitcoin – Thách thức đối với môi trường tự nhiên
GD&TĐ – Không giống như các loại tiền tệ chính thống làm từ giấy, Bitcoin là loại tiền trên môi trường ảo.
Dù vậy, việc khai thác đang tiêu tốn rất nhiều năng lượng vì sử dụng các hệ thống máy tính và card đồ họa (GPU) công suất cao, gây tác động xấu đến môi trường.
Gây ô nhiễm môi trường
Bitcoin là chuỗi khối (blockchain) tiền tệ phi tập trung đầu tiên trên thế giới. Bitcoin sử dụng các thuật toán mật mã để xử lý khối giao dịch nhưng thông tin giao dịch không nằm trong ngân hàng hay văn bản thuần tuý mà hiển thị trên “sổ cái”, nơi ghi lại toàn bộ thay đổi trong chuỗi khối của Bitcoin.
Sổ cái sẽ được cập nhất khoảng 10 phút một lần với một khối dữ liệu mới. Mỗi khối xác nhận chi tiết của các giao dịch mới nhất trên toàn mạng. Mọi thông tin giao dịch đều được ghi lại trên sổ cái, không thể chỉnh sửa và cho phép tất cả người dùng kiểm tra thông tin.
Sức hút vô cùng lớn từ tiền điện tử khiến một lượng lớn người tham gia vào khai thác Bitcoin, còn gọi là “đào” Bitcoin. Tuy nhiên, do tất cả những hoạt động này đều diễn ra trên môi trường ảo nên việc khai thác Bitcoin yêu cầu hệ thống máy tính mạnh. Cũng vì số lượng người tham gia khai thác Bitcoin tăng nhanh nên việc khai thác trở nên khó khăn, đòi hỏi mạng Internet và hệ thống máy tính khỏe.
Điều này làm nổi bật mối nguy về tác động của Bitcoin lên môi trường. Tháng 5/2021, tỷ phú Elon Musk thông báo Tesla sẽ ngừng thanh toán bằng Bitcoin do lo ngại về ô nhiễm môi trường. Ngày 9/3, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm kiểm tra các rủi ro và lợi ích của tiền điện tử trong nỗ lực nhằm giảm tác động môi trường của tiền điện tử.
Sử dụng điện để khai thác Bitcoin vốn dĩ không có hại cho môi trường. Vấn đề là nó đang thúc đẩy sự tăng trưởng lớn trong việc sử dụng điện trên toàn cầu. Sự phát triển của tiền điện tử sẽ đồng nghĩa với việc sử dụng điện tăng vọt. Càng có nhiều người đang cố gắng khai thác, mỗi đồng xu càng tốn nhiều điện để giải mã.
Tác động môi trường của tiền điện tử đến từ năng lượng được máy tính sử dụng để tạo ra các mã thông báo kỹ thuật số mới. Điều này đòi hỏi rất nhiều năng lượng xử lý. Các trang trại máy chủ cạnh tranh để tạo ra Bitcoin mới sử dụng lượng điện hàng năm tương đương lượng điện Chile hay Bỉ sử dụng.
Theo Digiconomist, ước tính, lượng khí thải carbon của một giao dịch Bitcoin, thường mất vài phút để hoàn thành, tương đương với mức tiêu thụ điện của một hộ gia đình trung bình ở Mỹ trong suốt 77 ngày. Cùng một giao dịch đó tương đương với hơn 2,7 triệu giao dịch thẻ visa hoặc 200.000 giờ sử dụng YouTube.
Hàng năm, việc khai thác Bitcoin trên hệ thống máy tính tạo ra lượng khí thải carbon tương đương với lượng khí thải carbon của Cộng hòa Séc là 114 megaton. Mức tiêu thụ điện năng là 200 terawatt giờ tương đương mức tiêu thụ của Thái Lan, quốc gia có 70 triệu dân.
Còn theo một nghiên cứu trên tạp chí khoa học Joule, việc khai thác Bitcoin tạo ra từ 22 đến 22,9 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm, tương đương mức khí thải hàng năm của Jordan hay Sri Lanka.
Hy vọng vào “Bitcoin xanh”
Các nhà bảo vệ môi trường đồng ý rằng, việc “khai thác” Bitcoin sử dụng một lượng nhiên liệu hóa thạch đáng lo ngại. Tuy nhiên, vẫn có những loại tiền điện tử thân thiện với môi trường thay thế và ít gây ra thiệt hại hơn trên hành tinh. Những điều này có thể làm giảm bớt những lo ngại xung quanh tiền điện tử và môi trường. Từ đó, cơn sốt “Bitcoin xanh” được hình thành.
Đơn cử, tại Trung Quốc, tiền điện tử Chia được săn đón, ví như “Bitcoin xanh” vì chỉ tiêu tốn 0,023kWh. Điều này giúp Chia dễ khai thác, thân thiện với môi trường. Tiền Chia được thành lập bởi ông Bram Cohen, nhà sáng lập BitTorrent, kênh chia sẻ tài nguyên trên mạng, cho phép người dùng tải về những dữ liệu lớn mà không tốn chi phí máy chủ và băng thông mạng.
Trong khi đa số Bitcoin dùng GPU để giải thuật toán, Chia hoạt động dựa trên thuật toán động thuật (PoST), tận dụng không gian trống trên ổ cứng để chạy lệnh đọc, ghi các khối mới trong chuỗi blockchain. Thiết bị lưu trữ ổ trống càng nhiều thì người đào coin nhận về càng nhiều tiền thưởng. Thay vì khai thác bằng card đồ họa, việc hoạt động các ổ cứng sẽ tiêu tốn điện năng và thải ra nhiệt lượng ít hơn card đồ họa.
Tiền Chia được người dân Trung Quốc vô cùng yêu thích. Dù không công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp, nước này cũng không cấm hoàn toàn việc khai thác Bitcoin. Do đó, người dân Trung Quốc ồ ạt chuyển sang “đào coin”, chiếm 70% hoạt động Bitcoin trên thế giới. Quốc gia này từng được coi là “mỏ” đào Bitcoin lớn nhất thế giới khi hàng triệu máy đào được đặt tại đây.
Các máy đào coin tại Trung Quốc sử dụng điện từ các nhà máy nhiệt điện chạy than tại Trung Quốc nhờ giá điện rẻ và nguồn cung ổn định, dẫn đến sự gia tăng sử dụng năng lượng và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Khoảng 65% hoạt động khai thác tiền điện tử đến từ Trung Quốc, nơi than đá chiếm khoảng 60% lượng nhiên liệu truyền thống. Việc khai thác nguồn năng lượng khoáng sản này sẽ khiến Trung Quốc không đạt mức phát thải trung tính carbon vào năm 2060.
Cũng trên cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ hoạt động đào coin, Trung Quốc đã tiến hành truy quét các khu khai thác Bitcoin, đồng thời kiểm duyệt gắt gao nội dung về tiền ảo trên Internet. Do đó, tiền Chia với sứ mệnh “Bitcoin xanh” đã được giới chơi tiền ảo nước này đón nhận.
Tuy nhiên, tiền Chia vận hành dựa trên ổ cứng đã tạo ra cơn sốt mua ổ cứng di động. Các loại ổ cứng từ 4 đến 18 TB tại Trung Quốc liên tục cháy hàng, giá thị trường có lúc bị đẩy lên 300%. Ngoài ra, đây là dòng tiền điện tử mới nên số lượng người khai thác chưa cao. Do đó, tác động môi trường của nó chưa thể đo đếm kĩ càng như các loại Bitcoin truyền thống.
Ngoài ra, một chi phí môi trường khác của tiền điện tử thường bị bỏ qua là phần cứng khai thác. Chúng trở nên lỗi thời nhanh chóng và tạo ra lượng lớn chất thải thiết bị công nghệ thông tin. Đây cũng là những vật liệu độc hại, góp phần gây ra ô nhiễm nước, đất, và không có lượng năng lượng tái tạo nào có thể khắc phục được.