Công an TP Hồ Chí Minh cảnh báo thủ đoạn dùng “tiền ảo” nhưng lừa thật

Công an TPHCM cho biết, vừa có văn bản cảnh báo về tình hình tội phạm lợi dụng kinh doanh “tiền ảo”, tiền mã hóa để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố.

Các đối tượng liên quan đến vụ dàn cảnh cướp 37 tỉ đồng tiền ảo trên cao tốc, hiện đã khởi tố và đang điều tra bổ sung chuẩn bị xét xử.
Các đối tượng liên quan đến vụ dàn cảnh cướp 37 tỉ đồng tiền ảo trên cao tốc, hiện đã khởi tố và đang điều tra bổ sung chuẩn bị xét xử.

Cụ thể, mới đây Cơ quan CSĐT Công an TP HCM tiến hành điều tra vụ việc có dấu hiệu lừa đảo tiền ảo, trong đó có hai đối tượng có hành vi “sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” xảy ra trên địa bàn thành phố theo đơn tố giác của một người dân có hộ khẩu trú tại TP Đà Nẵng.

Theo cơ quan công an, nạn nhân được giới thiệu đăng ký tài khoản của một sàn giao dịch “tiền ảo” để giao dịch bitcoin và các tiền mã hóa khác. Sau đó, nạn nhân được hướng dẫn mua USDT trên sàn này nhưng giao dịch thua lỗ 44%. Để giảm thiệt hại, nạn nhân thực hiện lệnh rút tiền từ sàn nhưng không thực hiện được, sau đó tài khoản cũng không đăng nhập được.

Khi trình báo công an, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã điều tra, xác minh đối tượng Trần Minh Cảnh (31 tuổi, quê Gia Lai) và Nông Thị Huyền (quê Sơn La) là các cá nhân đã giao dịch tiền ảo với nạn nhân. Do đó, Công an TP đã phát thông báo truy tìm các đối tượng này để phục vụ công tác điều tra, xác minh.

Ngoài vụ trên, vào đầu tháng 4/2022, TAND TP HCM cũng đã mở phiên tòa xét xử một vụ án liên quan đến mua bán tiền điện tử. Tuy nhiên, sau đó tòa trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung truy tố đối tượng Hồ Ngọc Tài (sinh năm 1989, ngụ TP Đà Nẵng) cùng 15 đồng phạm về tội “cướp tài sản”.

Vụ này xảy ra từ năm 2020 gây xôn xao dư luận khi nhóm đối tượng đã dàn cảnh, chiếm đoạt của nạn nhân 168 Bitcoin được quy đổi tổng trị giá thành 37,1 tỷ đồng cùng một số tài sản khác khoảng 45 triệu đồng. Cũng trong vụ này, một đối tượng trình báo từ năm 2018 khi được tư vấn, giới thiệu đã bán 1000 Bitcoin trị giá 100 tỷ đồng để kinh doanh các loại tiền điện tử khác trên một sàn giao dịch điện tử quốc tế nhưng sau đó thua lỗ, mất sạch tiền.

Theo Trung tá Bùi Lăng Trương, Phó Trưởng Công an TP Thủ Đức (TP HCM), mới đây Công an TP Thủ Đức cũng đã ban hành văn bản cảnh báo người dân liên quan đến loại hình tội phạm trong kinh doanh “tiền ảo” có xu hướng gia tăng.

Văn bản cảnh báo về tình hình tội phạm lợi dụng kinh doanh "tiền ảo", tiền mã hóa để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn. (Ảnh chụp văn bản).
Văn bản cảnh báo về tình hình tội phạm lợi dụng kinh doanh “tiền ảo”, tiền mã hóa để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn. (Ảnh chụp văn bản).

“Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh tiền ảo, tiền mã hóa có chiều hướng gia tăng bất chấp những cảnh báo từ cơ quan chức năng về rủi ro cũng như mức độ nguy hiểm của việc kinh doanh, sở hữu các loại tiền này”, văn bản của Công an TP Thủ Đức cảnh báo.

Trước vấn nạn này, Phòng PV05 – Công an TP Hồ Chí Minh đã thông báo đến Công an TP Thủ Đức và 22 quận, huyện tổ chức tuyên truyền, phòng chống tội phạm trong hoạt động mua bán tiền mã hóa, “tiền ảo” trên địa bàn. Trong đó, quản lý chặt chẽ các hành vi, dấu hiệu tội phạm qua mạng xã hội (zalo, facebook,…). Song song đó, tổ chức hội nghị tuyên truyền, sinh hoạt mô hình tự phòng, tự quản, tuyên truyền trên bảng tin khu phố, các chung cư,…

Trước đó, khi thông tin về loại hình tội phạm này, lãnh đạo Công an TP HCM cho biết, từ năm 2021 đến nay thành phố đã phát hiện 33 vụ việc có quan đến mua bán hàng hóa và tiền ảo qua các App trên mạng xã hội, trong đó Cơ quan CSĐT đã khởi tố 2 vụ án 3 bị can quan liên quan đến việc lập các sàn tiền ảo như Bi option, UK Trade Globad…

Hiện nay, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đang điều tra xác minh 31 vụ để xử lý nghiêm trước pháp luật./.