Công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2022
1. Triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021
Ngày 24/11/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa tòan quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại hội nghị.
Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ VHTTDL, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các Bộ, ngành, địa phương và đoàn thể đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từng bước đưa văn hóa thấm sâu trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội.
Từ trung ương đến địa phương đã tích cực triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021.
2. Quốc hội Thông qua Luật Điện ảnh năm 2022
Năm 2022, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh năm 2022. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Luật Điện ảnh năm 2022 được ban hành đã khắc phục được các hạn chế về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, khắc phục bất cập về một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật, như công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; quản lý phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim…
3. Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022
Năm 2022, Quốc hội hoá XV đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với 6 chương 56 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Đây là một trong những dự án Luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và dư luận. Có nhiều điểm mới tích cực của Luật (sửa đổi) như đã thiết lập các chính sách, quy định bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
4. Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp
Ngày 29/11, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, tạo ra các sản phẩm gốm bằng tay thông qua việc sử dụng các công cụ đơn giản. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là hết sức quan trọng, cùng với những hỗ trợ và giải pháp tích cực của Chính phủ và chính quyền địa phương sẽ giúp cho di sản này được quan tâm, bảo vệ tốt hơn cho thế hệ sau.
5. Di sản tư liệu “Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn” và “Hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” được UNESCO ghi vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Ngày 26/11, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) đã thông qua 2 hồ sơ “Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943)” là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn gồm 78 tư liệu bia ma nhai (trong đó có 76 bia chữ Hán và 2 bia chữ Nôm), nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, với nhiều thể loại của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, các thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thập niên 60 của thế kỷ XX…
Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) là bộ sưu tập độc bản được viết bằng tay, gồm: 26 sắc phong gốc do các vua triều Lê, Nguyễn ban tặng; 19 tờ văn bằng và 3 bức trướng bằng lụa, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm từ năm 1689 đến năm 1943. Đây là tư liệu quý hiếm về văn hóa và giáo dục của một làng quê ở miền Trung Việt Nam, trải qua nhiều biến cố, vẫn được lưu giữ; là các tư liệu gốc giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.
6. Đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn “Hoàng đế chi bảo”
Ngày 19/10/2022, website của Hãng đấu giá Millon, Paris, Cộng hòa Pháp đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) thuộc sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam” vào ngày 31/10/2022.
Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa, nghệ thuật của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, được sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ VHTTDL đã xây dựng phương án “hồi hương” ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, xin ý kiến các Bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện và tổ chức Đoàn công tác liên ngành đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon, Pháp, thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương ấn vàng.
7. Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI
Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND.TP Hà Nội tổ chức từ ngày 8-12/11 với chủ đề: “Điện ảnh – Nhân văn, Thích ứng và Phát triển”, có sự tham gia của hơn 800 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế, 123 bộ phim của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Liên hoan Phim đã vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, sáng tạo, khuyến khích những tài năng mới của điện ảnh. Đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác giữa các nhà làm phim và giới thiệu với công chúng nhiều bộ phim đặc sắc của các nền điện ảnh trên thế giới.
Thể thao Việt Nam tạo nhiều dấu ấn trong năm 2022.
8. Tổ chức và thi đấu thành công tại SEA Games 31
Mặc dù diễn ra trong giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như tình hình thế giới biến động phức tạp nhưng SEA Games 31 đã được tổ chức thành công từ ngày 12 – 23/5, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đại hội cũng nhận được sự hưởng ứng của nhân dân, người hâm mộ và thực sự trở thành ngày hội, xua tan không khí ảm đạm của đại dịch, khơi dậy khát vọng cống hiến.
Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu thành công, đứng thứ nhất toàn đoàn, với tổng số 446 huy chương các loại, phá nhiều kỷ lục của Đại hội, bảo vệ thành công huy chương vàng SEA Games của môn Bóng đá nam và huy chương vàng SEA Games lần thứ 7 của đội tuyển bóng đá nữ.
9. Lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023
Tại Vòng chung kết Cúp bóng đá nữ châu Á (Asian Cup) 2022 – vòng loại World Cup nữ 2023 diễn ra từ ngày 20/1 – 6/2 tại Ấn Độ, tuyển nữ Việt Nam nằm ở bảng C với Nhật Bản, Hàn Quốc và Myanmar… Tại vòng play-off, thầy trò HLV Mai Đức Chung đã xuất sắc đánh bại kình địch Thái Lan 2-0, thắng lợi kịch tính 2-1 trước Đài Bắc Trung Hoa ở trận đấu quyết định đã giúp tuyển nữ Việt Nam chính thức đoạt vé dự World Cup nữ 2023 diễn ra tại Australia và New Zealand.
Việt Nam mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
10. Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách năm 2022
Ngày 15/3, Việt Nam công bố chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Với việc mở cửa này, Việt Nam được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là 1 trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam cũng là 1 trong những nước mở cửa sớm nhất khu vực.
Năm 2022, du lịch nội địa lại phục hồi mạnh mẽ, đạt trên 100 triệu lượt khách, vượt qua tất cả các dự báo, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 (khi chưa xảy ra đại dịch).