cộng đồng doanh nghiệp tại Gia Lai xây dựng văn hóa doanh nghiệp

(GLO)- Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, văn hóa doanh nghiệp là công cụ để doanh nghiệp tạo nên bản sắc riêng và “ghi điểm” trong mắt đối tác. Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp tại Gia Lai cũng dần chú ý đến vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Giáo sư người Mỹ James L. Heskett, tác giả cuốn sách “Văn hóa công ty và chỉ số hoạt động hữu ích” đã nhận định: “Văn hóa doanh nghiệp có thể chiếm 20-30% về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”. Theo các chuyên gia, văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, tạo nên sự khác biệt, chi phối tư tưởng và hành vi của mọi thành viên trong doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp hình thành và phát triển song song với quá trình phát triển của tổ chức. Nó không đơn thuần chỉ là văn hóa giao tiếp mà còn bao gồm cả giá trị cốt lõi, các quy tắc, phong cách quản lý, phương thức kinh doanh và hành vi, thái độ của mọi thành viên. Đây là một tài sản vô hình!

Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng để phát triển bền vững ảnh 1

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nêu rõ: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.

Song mới đây, nhiều người đứng đầu các tập đoàn kinh tế, công ty lớn bị bắt giữ, khởi tố vì lợi dụng các chính sách khuyến khích của Nhà nước, kẽ hở của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, coi lợi nhuận là mục tiêu duy nhất đã cho thấy, mối quan hệ giữa văn hóa và kinh doanh vẫn chưa được nhận thức đúng mức.

Không tự nhiên mà Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) trở thành một trong những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nông sản lớn mạnh nhất Gia Lai hiện nay. Để có được kết quả đó là cả một quá trình xây dựng kiên trì. Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty-chia sẻ: “Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp được các doanh nghiệp nước ngoài rất chú ý. Để hợp tác được với các doanh nghiệp ngoài nước thì phải đảm bảo được các yếu tố: sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu; trong quá trình sản xuất kinh doanh không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng lao động trẻ em”.

Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng để phát triển bền vững ảnh 2

Công ty Điện lực Gia Lai cũng là đơn vị luôn nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Hàng năm, Công ty đều dành ra 1 tháng để tổ chức các hoạt động tri ân khách hàng. Trong tháng tri ân này, lưới điện ở nhiều buôn làng vùng sâu, vùng xa được Công ty kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp; những thiết bị điện bị hư hỏng của người dân được thay thế miễn phí. Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư, lắp đặt miễn phí nhiều công trình điện đường bằng năng lượng mặt trời; tư vấn, hướng dẫn kiến thức sử dụng điện an toàn cho bà con, nhất là người dân tộc thiểu số…

Hiện nay, khoảng 98% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Song, theo xu hướng phát triển chung, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng xây dựng nét văn hóa riêng cho mình, không chỉ là tạo sự khác biệt, độc đáo mà còn tạo “cái nền” bền vững cho sự phát triển sau này. Tại Trung tâm Ngoại ngữ Lalisa (thuộc Công ty TNHH Lalisa Plus), ngoài các giáo trình căn bản, học sinh được tiếp cận tiếng Anh thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế như: làm trà sữa, nấu ăn, quét rác, đá bóng… Qua đó, các em cũng được dạy các kỹ năng cần thiết như giữ vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, phát huy tinh thần làm việc nhóm. Hay như tại Công ty TNHH Marketing Toàn Cầu, sự sáng tạo, phá cách và nắm bắt kịp thời các “trend” (xu hướng) là bí quyết để thu hút được rất nhiều khách hàng từ các tỉnh, thành phố lớn như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội sử dụng dịch vụ của mình.

KHANG NGHI