Cổng Làng Người Việt

Cổng làng là một trong những bộ phận cấu thành không thể thiếu của làng quê cổ truyền vùng Bắc Bộ. Lặng lẽ nơi đầu ngõ bên những mảng tường loang, cổng làng chứng kiến bao thăng trầm và dường như nó biểu trưng cho sự uy nghi, nền nếp riêng của mình.      
Chưa cần bước sâu vào làng, chưa đặt chân tới sân đình, đứng trước cổng làng, người xa lạ cũng có thể cảm được phần nào cốt cách của làng, tư chất của mỗi người dân. Bởi vậy, cổng làng phải được đặt ở vị trí trang trọng nhất và dễ nhìn nhất, để người của làng dù có tha phương cầu thực nơi đất khách quê người, trở về trong một đêm không trăng, không sao chỉ khẽ chạm tay cũng biết mình đã về tới mái nhà thân yêu.
Làng khá giả thì cổng lớn, rồng chầu, hổ phục, nóc mái và đầu đao có khi kết đôi chim phượng, làng nghèo thì cổng đơn sơ hơn, nhưng xây cổng phải tương xứng với vị thế làng. Thời phong kiến, nhiều khi danh giá của làng quyết định tầm cỡ cổng làng. Ngày ấy, làng nào có nhiều người đỗ đạt, làm quan thường được vua ban cho quyền xây cổng lớn nhưng cũng không được vượt quá những qui định của luật lệ.
Bề thế nhất là cổng “tam môn” gồm một cửa chính và hai cửa nhỏ bên tả – hữu. Ngày thường, người lạ kể cả dân làng chỉ được qua lại ở hai cửa ngách, khi làng có việc trọng đại như vua đến thăm, lễ rước quan trạng vinh qui, hội hè… cửa chính mới được mở ra. Hai bên cổng làng thường gắn đôi vế đối chữ nho, câu đối có thể do vua ban nhưng phần lớn là những câu đối do làng lập nên.
Nếu gia đình là tế bào của cơ thể thì làng là phần máu thịt của cơ thể cường tráng Việt Nam. Vượt qua mọi phong ba của lịch sử, làng vẫn hiên ngang đứng vững và đi lên. Dù hôm nay và mai sau còn có nhiều đổi thay nhưng tinh thần ấy vẫn không hề thay đổi.
BÀI 03: LÀNG TỨC MẶC – NAM ĐỊNH
Ai có dịp về thăm Nam Định, hẳn không bỏ lỡ dịp về thăm Tức Mặc – nơi phát tích của nhà Trần, nơi có chùa Phổ Minh – một đại danh lam, với tháp Phổ Minh vươn cao ngạo nghễ giữa trời và chiếc đỉnh đồng được liệt vào “tứ đại khí” nổi tiếng nhất Việt Nam.
Tức Mặc là một trong 5 làng của xã Lộc Vương, thuộc ngoại thành Nam Định. Cũng nét dáng bình dị, đơn sơ như nhiều làng quê Việt Nam khác, nhưng Tức Mặc mang trong mình một niềm tự hào riêng mà không phải nơi đâu cũng có được. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tháng 2 năm Nhâm Tuất (1262), Thượng Hoàng về chơi hành cung Tức Mặc, ban yến tiệc cho nhân dân, nhân đấy thăng làng Tức Mặc lên làm phủ Thiên Trường, dựng cung Trùng Quang cho các vua đã nhường ngôi về ở Phía Tây cung, dựng chùa Phổ Minh, lại dựng một cung riêng cho Tư quân (vua đương triều) đến chầu thượng hoàng thì ngự ở đó gọi là cung Trùng Hoa”. Thực ra, năm 1262 là năm vua Trần Thánh Tông (1258 – 1278) cho mở mang thêm chùa, còn chùa Phổ Minh đã được xây dựng từ thời nhà Lý. Với kiến trúc tiêu biểu cho cả hai thời đại Lý – Trần, chùa được liệt vào hàng đại danh lam của cả nước. Đến năm 1305, vua Trần Anh Tông (1293 – 1314) cho dựng tiếp trong khuôn viên chùa ngọn tháp Phổ Minh cao 21,2 mét với 14 tầng bổ sung vào tổng thể kiến trúc, làm tôn thêm vẻ thâm nghiêm của chùa.
Cách không xa chùa Phổ Minh là đền Trần – nơi thờ Quốc Công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (1232-1300), nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn lỗi lạc của dân tộc. Ông là người của hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, là cháu ruột của vua Trần Thái Tông (1225 – 1258), ông đã thống lĩnh quân hai lần đánh thắng giặc ngoại xâm vào các năm 1285 và 1287. Đương thời, ông được nhân dân kính trọng lập đền thờ ở Vạn Kiếp. Triều đình đã phong tặng ông danh hiệu “Thái sư thượng phụ thượng quốc công nhân vũ Hưng Đạo Vương”.
Tức Mặc được coi là nơi phát tích để ghi nhớ công lao sáng lập uy danh của một dòng họ lớn. Đã hơn 7 thế kỷ trôi qua nhưng làng Tức Mặc vẫn giữ nguyên được đặc điểm riêng của mình – làng chỉ có một dòng họ sinh sống. Họ Trần là họ cả làng. Hiện nay, với gần 400 hộ gia đình, trong đó phần lớn là dân sở tại mang họ Trần với 4 chi lớn. Trần Thế, Trần Đăng, Trần Huy và Trần Xuân, còn có cả những người ngụ cư nhưng tất cả đều tự nguyện đổi thành họ Trần. Người dân Tức Mặc cho rằng đó là một cách giữ làng, giữ cái phẩm cách riêng có của dòng họ Trần uy danh.
Bản tin số 09/2006