Cổng thông tin điện tử Tỉnh Kiên Giang – Bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đo
Nhằm bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, di sản thiên nhiên, tôn vinh và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, gìn giữ giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa của tỉnh. Ngày 16/5/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.
Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Núi Mo So – Ảnh minh họa
Kế hoạch đề ra 06 nhiệm vụ, giải pháp, đó là:
1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích và di sản văn hóa phi vật thể;
2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý di tích;
3. Triển khai thực hiện công tác kiểm kê, quy hoạch, đầu tư, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích, gắn với bảo vệ môi trường;
4. Điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ và cắm mốc di tích trên địa bàn tỉnh;
5. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;
6. Đẩy mạnh công tác vận động các nguồn lực xã hội thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích và di sản văn hóa phi vật thể.
Trong từng nhiệm vụ, giải pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Trong đó, giao Ban Dân tộc phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai công tác điều tra, thống kê văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh theo dõi, hướng dẫn các lớp dạy tiếng Khmer trong các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer và các cơ sở giáo dục phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhằm giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã xếp hạng được 56 di tích, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 22 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh. Do tình hình phát triển kinh tế – xã hội, đô thị hóa ngày càng phát triển, các khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đã có từ 20 đến 30 năm trước, hiện nay không còn phù hợp, ảnh hưởng lớn đến quy hoạch đô thị cũng như đời sống của nhân dân nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện bảo vệ nguyên trạng và điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc ranh giới di tích; tu bổ, tôn tạo 10 di tích đã xuống cấp nghiêm trọng và 05 di tích để phát huy giá trị, khai thác, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Tiếp tục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và tổ chức lập đề án mở rộng quy mô tổ chức các lễ hội, hồ sơ khoa học: Đề án bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh; đề án “Khảo sát, nghiên cứu giá trị các di chỉ khảo cổ để đề xuất xây dựng hệ thống điểm đến du lịch di sản khảo cổ của tỉnh”; xây dựng và hoàn thành việc lập 03 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể thế giới…
T.Hoa (Văn phòng)