Cổng thông tin điện tử Tỉnh Kiên Giang – Tăng cường công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể

Di tích danh lam thắng cảnh Núi Đá Dựng

Mục đích của kế hoạch nhằm bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, di sản thiên nhiên, tôn vinh và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, gìn giữ giá trị các di sản VHPVT của dân tộc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa của tỉnh; nâng cao công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích và di sản VHPVT gắn với di tích trên địa bàn tỉnh; tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của toàn xã hội trong công tác đầu tư trùng tu, tu bổ, tôn tạo, quản lý và phát huy các giá trị của di tích (bao gồm giá trị vật thể và giá trị phi vật thể).

Để thực hiện đạt mục đích, yêu cầu đề ra, Kế hoạch đã nêu ra 6 giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, đó là:

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia bảo vệ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích: Các ngành, các cấp và chính quyền các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, triển khai sâu rộng Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Chương trình hành động số 53-CTr/TU ngày 27/8/2014 của Tỉnh ủy, trong đó quan tâm đúng mức yêu cầu và nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo các di tích tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa làm nền tảng và động lực để phát triển du lịch. Tăng cường tuyên truyền Luật Di sản văn hóa; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và các văn bản có liên quan. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa thông qua nhiều hình thức truyền thông phù hợp. Tích cực vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích; kịp thời ngăn chặn các hoạt động tùy tiện trong tu tổ, tôn tạo di tích. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua các biện pháp tuyên truyền trong các hoạt động lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng tại di tích, các cuộc sinh hoạt tổ nhân dân tự quản tại địa phương và tiến hành thành lập Hội Di sản tỉnh…

2. Tăng cường năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng, kiện toàn các bộ máy quản lý di tích: Rà soát, xây dựng các văn bản pháp lý về công tác quản lý di tích; xây dựng và ban hành quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; kiện toàn, điều chỉnh chức năng để phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị làm công tác quản lý di tích. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại di tích. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích, nhất là các di tích đã được xếp hạng. UBND cấp huyện, cấp xã và các Ban Bảo vệ di tích phải có các biện pháp tích cực, hiệu quả trong việc bảo vệ di tích, bố trí người có trách nhiệm trông coi di tích, không để xảy ra tình trạng mất cắp di vật, cổ vật tại các di tích. Lễ hội được tổ chức ở địa điểm gắn với di tích thì Ban Tổ chức lễ hội phải kết hợp chặt chẽ với Ban Bảo vệ di tích để bảo vệ di tích, phòng chống cháy nổ, các hoạt động xâm hại khác làm ảnh hưởng đến di tích. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn. Di tích đã có trong danh mục kiểm kê, chưa được Nhà nước xếp hạng cần có biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị. Xây dựng chính sách về chế độ đãi ngộ phù hợp đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di tích, những người có công truyền dạy và phổ biến di sản VHPVT…

3. Triển khai thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo di tích: Hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn theo kế hoạch đã được phê duyệt từ 2016 – 2020. Tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân cho việc bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa. Đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin vào việc bảo vệ di tích; thực hiện tốt việc nghiên cứu, bảo tồn các di sản văn hóa trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Huy động để ngày càng nâng cao nguồn vốn tu bổ, tôn tạo di tích từ xã hội hóa. Trong giai đoạn 2016 – 2020, cần tiến hành tu bổ, tôn tạo 17 di tích trên địa bàn tỉnh…

Lễ hội kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các hàng năm tại thị xã Hà Tiên là một trong những lễ hội được tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2016 – 2020

4. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản VHPVT gắn với di tích: Nâng cao nhận thức về giá trị di sản VHPVT gắn với di tích; kiểm kê toàn diện di sản VHPVT trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, nhận diện và xác định giá trị di sản VHPVT gắn với di tích. Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm di sản VHPVT gắn với di tích; cập nhật cơ sở dữ liệu di sản VHPVT ở cơ sở để xây dựng hệ thống thông tin về các giá trị di tích để phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương các cấp về tầm quan trọng, giá trị và tiềm năng của di sản VHPVT tỉnh Kiên Giang. Giai đoạn 2016 – 2020, hoàn thành việc lập hồ sơ khoa học các di sản VHPVT gắn với di tích; đồng thời lựa chọn di sản tiêu biểu lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản VHPVT quốc gia.

5. Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu, bao gồm các phương án: khảo sát đánh giá cụ thể, chi tiết từng di tích, cụm di tích ở các địa hình, địa bàn khác do tác động của biến đổi khí hậu gây nên; chống xói lở bờ biển, gia cố chống lở đất tại một số di tích như di tích thắng cảnh Hòn Chông, Mũi Nai, Đá Dựng, Mo So; phòng chống xâm nhập mặn, gió bão, triều cường, hơi nước làm ảnh hưởng đến kiến trúc và cổ vật tại các di tích gần biển, sông, kinh, rạch; tu bổ di tích cho các di tích nằm sâu trong đất liền nhưng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như tình hình khô hạn làm mực nước ngầm hạ thấp dẫn đến nền bị lún sụp ảnh hưởng đến công trình di tích hay tình trạng nắng nóng, lũ lụt; có kế hoạch hoàn tất khai quật các di chỉ khảo cổ nhằm bảo tồn, nghiên cứu khoa học và phát huy giá trị di tích nhất là các di chỉ khảo cổ ở Nền Chùa, Mớp Giăng, huyện Hòn Đất, Đá Nổi, huyện Tân Hiệp…

6. Giải pháp sử dụng nguồn lực xã hội và kinh phí thực hiện công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa; nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch bao gồm nguồn ngân sách (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) và các nguồn tài chính hợp pháp khác; các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ các nhiệm vụ được giao, hàng năm lập dự toán kinh phí thực hiện và tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan, đơn vị, địa phương, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp nói trên, UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành như: Văn hóa và Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang; UBND các huyện, thị xã, thành phố./.