Công tố viên là gì? Vị thế, vai trò của công tố viên trên thế giới?
Công tố viên là trưởng đại diện pháp lý của quá trình truy tố trong các quốc gia theo hệ thống tố tụng thông luật hoặc hệ thống tố tụng thẩm vấn. Bài viết phân tích và làm sáng tỏ một số vấn đề pháp lý liên quan đến khái niệm công tố viên, cụ thể:
Mục lục bài viết
1. Khái niệm công tố viên
Công tố viên theo quy định của quốc tế là người của cơ quan công tố, được cơ quan tư pháp trao trách nhiệm điều tra, truy tố và buộc tội kẻ phạm pháp trong các vụ án hình sự trong các phiên tòa xét xử. Trong hầu hết các văn bản thông luật, Trưởng công tố viên của chính phủ, thường là cố vấn pháp lý chính cho chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cũng có thể có trách nhiệm thực thi pháp luật, truy tố hoặc thậm chí là trách nhiệm pháp lý nói chung, còn được gọi là chưởng lý hoặc biện lý.
Công tố viên là trưởng đại diện pháp lý của quá trình truy tố trong các quốc gia theo hệ thống tố tụng thông luật hoặc hệ thống tố tụng thẩm vấn. Các công tố là bên chịu trách nhiệm pháp lý buộc tội trong một phiên tòa hình sự đối với một cá nhân bị tố cáo vi phạm pháp luật.
Các công tố viên thường là luật sư có bằng đại học luật, và được Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền công nhận là chuyên gia pháp lý, trong đó họ có ý định để đại diện cho xã hội (có nghĩa là họ đã được thừa nhận ở phiên tòa).
Họ thường chỉ tham gia vào một vụ án hình sự khi một khi nghi phạm đã được xác định và các cáo buộc cần phải được đưa ra bởi cơ quan điều tra. Công tố viên có thể thuộc về các cơ quan công tố khác nhau tùy theo quốc gia
Công tố viên là viên chức nhà nước có chức năng làm nhiệm vụ nhân danh Nhà nước buộc tội bị cáo trong phiên toà hình sự.
Trong pháp luật của Anh, công tố viên là người đại diện cho người khác theo uỷ quyền. Trong pháp luật của Pháp, có hai loại công tố viên: loại thứ nhất thực hiện việc đại diện cho người khác về các vấn đề mang tính hành chính theo uỷ quyền; loại thứ hai là người được uỷ quyền để bảo vệ quyền lợi cho người khác trước Toà án và đóng vai trò như luật sư.
Trong pháp luật Việt Nam dân chủ cộng hoà, công tố viên (công tố uỷ viên) là thành viên của Viện công tố, chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện công tố .
2. Vị thế và những điều kiện phục vụ của Công tố viên
Được ghi nhận thông qua tại Hội nghị lần thứ tám về Phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội của Liên Hợp Quốc, họp tại Havana, Cuba, từ ngày 27/8 đến 7/9/1990 vị thế của công tố viên như sau:
– Với tư cách là yếu tố quan trọng trong trật tự tư pháp, công tố viên phải duy trì danh dự, phẩm giá nghề nghiệp của mình vào mọi lúc.
– Các quốc gia phải bảo đảm cho công tố viên có thể thực hiện được chức năng chuyên môn của mình mà không bị đe dọa, ngăn cản, quấy rầy, can thiệp trái phép hay phải chịu trách nhiệm một cách vô lý về dân sự, hình sự hay các trách nhiệm khác.
– Công tố viên và gia đình họ phải được các cơ quan chức năng bảo vệ về thân thể khi sự an toàn cá nhân của họ bị đe dọa do thực hiện các chức năng công tố.
– Những điều kiện làm việc hợp lý cho công tố viên, thù lao đầy đủ, và khi có thể áp dụng, tiền công, tiền hưu và tuổi hưu cần được quy định bằng pháp luật hay các quy định, quy chế được công bố bằng văn bản.
– Việc đề bạt công tố viên ở những nơi có chế độ như vậy phải dựa vào các yếu tố khách quan, đặc biệt là những tiêu chuẩn về chuyên môn, khả năng, tính liêm khiết, kinh nghiệm và được quyết định theo những thủ tục công bằng, vô tư.
3. Vai trò của Công tố viên trong tố tụng hình sự
Được ghi nhận thông qua tại Mục II, Các hướng dẫn về vai trò của công tố viên trong Hội nghị lần thứ tám về Phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội của Liên Hợp Quốc, họp tại Havana, Cuba, từ ngày 27/8 đến 7/9/1990 vị thế của công tố viên như sau:
“10. Văn phòng công tố viên phải hoàn toàn tách khỏi chức năng xét xử.
11. Công tố viên phải thực hiện vai trò tích cực trong tố tụng hình sự, gồm cả chức năng công tố, và ở nơi nào được pháp luật cho phép hay phù hợp với thông lệ địa phương, trong điều tra tội phạm, giám sát tính hợp pháp của những cuộc điều tra đó, giám sát việc thi hành quyết định của tòa án và thực hiện các chức năng khác với tư cách đại diện cho quyền lợi của công chúng.
12. Công tố viên phải thực hiện nhiệm vụ của mình theo pháp luật một cách công bằng, nhất quán và khẩn trương, tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm, đề cao quyền con người, qua đó góp phần bảo đảm đầy đủ các quyền của người tham gia tố tụng và sự hoạt động suôn sẻ của hệ thống tư pháp hình sự.
13. Trong khi thực hiện các nhiệm vụ của mình, công tố viên phải:
a. Tiến hành các chức năng của mình một cách vô tư và tránh mọi sự phân biệt đối xử về chính trị, xã hội, tôn giáo, chủng tộc, văn hóa, giới tính hay bất cứ sự phân biệt đối xử nào khác;
b. Bảo vệ quyền lợi của công chúng, hành động khách quan, xem xét đầy đủ ý kiến của người bị tình nghi và của nạn nhân, chú ý đến mọi tình huống có liên quan, bất kể những tình huống đó có lợi hay bất lợi cho người bị tình nghi;
c. Giữ bí mật về những vấn đề trong phạm vi nghề nghiệp trừ khi việc thi hành nhiệm vụ hay sự cần thiết thực hiện công lý yêu cầu khác.
d. Xem xét các quan điểm và mối quan tâm của nạn nhân khi lợi ích cá nhân của họ bị ảnh hưởng và bảo đảm rằng các nạn nhân được thông báo về những quyền của họ theo Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của công lý đối với những nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực.
14. Công tố viên không được khởi tố hay truy tố, hoặc phải có mọi nỗ lực để dừng các thủ tục tố tụng khi một cuộc điều tra không thiên vị đã chứng minh rằng lời buộc tội không có căn cứ.
15. Công tố viên phải quan tâm đúng mức đến việc truy tố các tội phạm do quan chức gây ra, đặc biệt là tội tham nhũng, lạm quyền, vi phạm nghiêm trọng các quyền con người và những tội phạm khác do pháp luật quốc tế công nhận, và đến việc điều tra những tội phạm như vậy ở những nơi được pháp luật cho phép hoặc phù hợp với thông lệ địa phương.
16. Khi công tố viên có được các chứng cớ chống lại những người bị tình nghi mà họ được biết hay tin tưởng dựa trên các cơ sở hợp lý là thu thập được thông qua những phương pháp bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng quyền con người của người bị tình nghi, đặc biệt gồm việc tra tấn hay đối xử hoặc trừng phạt độc ác, vô nhân đạo hay hạ nhục hoặc những lạm dụng khác về quyền con người, họ phải từ chối sử dụng các chứng cớ như vậy chống lại bất cứ ai ngoại trừ những người đã sử dụng những phương pháp đó, hoặc phải thông báo với tòa án, và phải thực hiện tất cả các bước cần thiết nhằm bảo đảm đưa ra trước công lý những người chịu trách nhiệm về việc sử dụng các phương pháp như vậy.
4. Công tố viên theo Pháp luật Hàn Quốc
4.1 Vai trò trong hoạt động điều tra
Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự của Hàn Quốc đề cập tới thẩm quyền của Công tố viên khởi đầu và kết luận về quá trình điều tra vụ án hình sự theo nguyên tắc pháp quyền giống như các nước Châu Âu tiên tiến như Pháp hay Cộng hòa liên bang Đức.
Do đó, Công tố viên được trao quyền hạn và trách nhiệm duy nhất là thực hiện điều tra hình sự và cảnh sát được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Công tố viên.
Nguyên do của quy định như đã nêu trên là để buộc trách nhiệm của Công tố viên phải đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của cảnh sát và tiến hành tố tụng công bằng bằng cách đưa ra những chỉ đạo tiến bộ, đồng thời ngăn ngừa cảnh sát có những hành vi vi phạm quyền con người trong quá trình điều tra.
Tuy nhiên, trên thực tế, Công tố viên không hướng dẫn chỉ đạo cảnh sát trong tất cả những vụ án mà chỉ hướng dẫn trong những vụ án có tầm quan trọng hay có ý nghĩa nhất định như liên quan đến quyền con người của công dân. Ví dụ như những vụ án có áp dụng biện pháp tạm giam kẻ bị tình nghi v.v…
Tuy vậy, vì việc điều tra chỉ có thể do Công tố viên kết luận nên trong tất cả những vụ án do cảnh sát điều tra đều phải được gửi đến Công tố viên để ra quyết định cuối cùng.
Khi vụ án đã được chuyển cho Công tố viên, thì Công tố viên sẽ mở cuộc kiểm tra toàn diện để xem xét những biện pháp điều tra của cảnh sát có thích hợp hay không và tất cả những quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục tố tụng công bằng sẽ được thẩm định. Nếu những vấn đề nêu trên không có trong vụ án, Công tố viên sẽ ra lệnh cho cảnh sát điều tra lại hoặc thực hiện việc khắc phục những thiếu sót trong quá trình điều tra. Đồng thời Công tố viên có trách nhiệm đảm bảo công bằng xã hội bằng cách trực tiếp điều tra một số vụ án có tác động quan trọng đối với trật tự xã hội và cuộc sống bình thường của các công dân như: những vụ án lừa đảo kinh tế, tham nhũng của công, các tội phạm ma tuý và tội phạm có tổ chức v.v…
– Phát động và duy trì quyền công tố
Khi đã kết thúc điều tra vụ án, Công tố viên phải đưa ra quyết định có đưa ra lời buộc tội hay không. Nếu Công tố viên không đưa ra cáo trạng thì hành động này thông thường được gọi là không truy tố.
Có hai hình thức cấu thành lên việc truy tố. Đó là truy tố theo thủ tục thông thường và truy tố theo thủ tục rút gọn. Truy tố theo thủ tục thường là bị cáo phải ra hầu tòa và bị xét xử bởi một Thẩm phán, còn truy tố theo thủ tục rút gọn là Thẩm phán chỉ ra phán quyết về bản án sau khi đã kiểm tra hồ sơ điều tra được trình lên và bị cáo không cần phải ra Tòa.
Thủ tục truy tố rút gọn luôn được thực hiện khi Công tố viên xác định rằng bị cáo chỉ đáng bị xử phạt tiền. Tuy nhiên, trong những vụ án khi bị cáo chống án bằng kháng cáo hoặc khi Thẩm phán cho rằng phạt tiền là hình phạt không thích hợp thì vụ án sẽ được chuyển lại để xét xử theo thủ tục thông thường.
Truy tố theo thủ tục thông thường được chia làm một số loại bao gồm quyết định “không có tội” khi hành vi không cấu thành tội phạm được luật pháp quy định hoặc không chứng minh được bằng những chứng cứ hợp pháp và quan trọng và việc đình chỉ truy tố xảy ra khi không thể phát hiện ra tình tiết của vụ án do thiếu sự hiện diện của kẻ bị tình nghi hoặc nhân chứng.
Công tố viên cũng có thể thực hiện quyền tự quyết là không buộc tội mà không cần quan tâm đến chứng cứ trong khi xem xét đến những trường hợp cụ thể của kẻ bị tình nghi và bản chất của tội phạm thông qua một thủ tục gọi là đình chỉ buộc tội.
Khi có sự khác nhau của khuynh hướng này, việc đình chỉ buộc tội theo điều kiện như hướng dẫn có thể được Công tố viên lựa chọn đối với những bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng dưới 20 tuổi, những người cho thấy họ có khả năng cải tạo. Những người vị thành niên như vậy được những người láng giềng đã trưởng thành tình nguyện giúp đỡ. Nếu họ tuân thủ những điều kiện và đáp ứng được trong vòng 6 tháng thì sẽ không bị coi là tái phạm, những người chưa thành niên này nói chung sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Biện pháp này chiếm một tỷ lệ cao và đóng góp đáng kể vào sự thành công trong việc cải tạo người phạm tội có tuổi đời trẻ do sự tham gia tích cực của những tình nguyện viên có nhiệm vụ giáo dục những thành viên trong cộng đồng mình.
4.2 Vai trò của Công tố viên trong thi hành án
Tại Hàn Quốc, pháp luật cũng trao nhiệm vụ cho Công tố viên thi hành bản án hình sự của Toà án và chỉ đạo những quan chức liên quan cho những mục đích như cải tạo, phạt tù, thu tiền phạt trong những cơ quan lao động công ích khi sự thay thế của nó được thực hiện bởi thư ký hoặc các giám sát viên của Viện công tố theo lệnh Công tố viên.
4.3 Công tố viên với vai trò là người bảo vệ nhân quyền
Công tố viên Hàn Quốc được yêu cầu là người đứng ra bảo vệ nhân quyền của mọi công dân với tư cách là người đại diện cho lợi ích công.
Họ có quyền đệ trình lên Toà án tất cả những chứng cứ không chỉ thiên về có tội mà cả những chứng cứ thiên về phía bị cáo. Công tố viên cũng yêu cầu Toà án áp dụng pháp luật một cách công bằng và không thiên vị để bảo đảm rằng bị cáo sẽ không nhận được sự đối xử bất công hay quá mức. Điều này được gọi là “nghĩa vụ biện hộ ảo”, và được coi là một phẩm chất cần thiết của Công tố viên.
Công tố viên cũng đến thăm và kiểm tra những nhà tạm giữ trong các đồn cảnh sát một cách bất ngờ mỗi tháng một lần để ngăn ngừa và khắc phục những sai phạm có khả năng xâm phạm đến quyền con người bằng cách kiểm tra xem có bất kỳ ai bị bắt giữ không qua một thủ tục tố tụng hợp pháp hay không hay có bất kỳ vụ án nào được tiến hành không đúng luật không.
4.4 Vai trò với tư cách Luật sư Nhà nước
Khi thực hiện nhiệm vụ với tư cách Luật sư Nhà nước, các Công tố viên Hàn Quốc có trách nhiệm tham gia vào việc dự thảo và tranh luận về những dự luật, thực hiện hay hướng dẫn chiến lược kiện tụng cho chính quyền trung ương hay địa phương nếu như chính quyền ở các cấp này có liên quan đến vụ kiện.
Thêm vào đó, Công tố viên còn cung cấp những lời khuyên pháp lý miễn phí cho những công dân để đảm bảo rằng họ có đại diện phù hợp và thoả mãn với những thủ tục tố tụng công minh. Khi cần thiết, các Công tố viên có thể phân công người bản địa của Tập đoàn trợ giúp pháp lý Hàn Quốc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.
Công tố viên cũng có trách nhiệm trợ giúp những cơ quan Chính phủ khác bao gồm cả các đại sự quán ở nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế ở nước ngoài khi họ yêu cầu cung cấp trợ giúp pháp lý.
– Nghiên cứu và đào tạo
Nói đến tầm quan trọng về vai trò của Công tố viên là nói đến các áp lực liên tục được đặt ra để nhằm tăng cường tính chuyên môn và cạnh tranh của tất cả những Công tố viên tham gia vào hệ thống cơ quan công tố thông qua những khoá đào tạo tương ứng và thích hợp.
Nhằm mục đích này, trước khi bổ nhiệm và trong suốt sự nghiệp của mình, tất cả các Công tố viên và trợ lý của họ phải trải qua những chương trình đào tạo khác nhau cũng như các cuộc hội thảo do Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp tổ chức, nơi có trách nhiệm đào tạo cho tất cả những nhân viên gắn với Bộ Tư pháp. Chương trình này bao gồm các khoá đào tạo cơ bản và nâng cao nhằm cải thiện khả năng chuyên môn trong một số lĩnh vực đặc trưng như tội phạm tài chính, tội phạm bạo lực, tội phạm về an ninh công cộng, tội phạm về sức khoẻ và môi trường.
Mỗi Công tố viên cũng được yêu cầu phải qua một khoá đào tạo nghề nghiệp trong những ngành khác nhau bao gồm cả lĩnh vực tin học. Hơn nữa, hiện nay, hàng năm có hơn 40 Công tố viên được gửi đến các trường đại học danh tiếng để nghiên cứu luật so sánh và những kiến thức tổng quát về những vấn đề của thế giới.
Tất cả các dữ liệu hay vật chứng của Viện công tố được lưu trữ trong kho dữ liệu điện tử trong máy tính chủ ở Viện công tố tối cao. Bằng việc xây dựng lên một hệ thống thông tin liên lạc tốc độ cao có khả năng kết nối với tất cả các Viện công tố, các thư viện điện tử, quản lý thông tin và hệ thống thống kê tự động, quá trình tin học hoá đã đã trở nên dễ dàng với tất cả các Công tố viên vào năm 2001.
Từ những nhu cầu đó, Viện công tố tối cao Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc thành lập ra một số Phòng thí nghiệm về một vài lĩnh vực như: phân tích ADN, kiểm tra tài liệu, phân tích âm thanh và thử kiểm tra mạch tim (máy kiểm tra nói dối v.v…).
5. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công tố
Trong thời đại toàn cầu hóa, các Công tố viên Hàn Quốc đã tăng cường những nỗ lực của mình để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm mà ngày nay đã trở nên mang tính xuyên quốc gia cũng như tổ chức chặt chẽ và phức tạp hơn cùng năm tháng bằng biện pháp hợp tác với các tổ chức quốc tế và Chính phủ nước ngoài.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ký nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm với một số quốc gia trên thế giới và Viện công tố tối cao cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng những thoả thuận song phương với rất nhiều Cơ quan công tố trong khu vực và trên thế giới.
Thêm vào đó, Hàn Quốc cũng tham gia một cách tích cực vào các Hội nghị quốc tế cũng như các diễn đàn giải quyết những vấn đề về một số tội phạm như buôn bán ma tuý, vi phạm nhân quyền, tội phạm môi trường, gian lận thương mại quốc tế, ván đề trẻ vị thành niên phạm pháp và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia v.v… để gia tăng hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm.
Về dẫn độ tội phạm, Hàn quốc đã ký Hiệp ước song phương với một số nước lớn trên thế giới và trong khu vực như Australia, Hoa Kỳ, Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Canada, Thailand, Tây Ban Nha, Philippin, Chile…Còn trong lĩnh vực tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự Hàn Quốc đã ký hiệp ước song phương với Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Hong Kong, Trung Quốc… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong cuộc đấu tranh chống tội phạm chung trên phạm vi toàn cầu.
6. Công tố viên theo pháp luật Nhật Bản
Sau đây là một số vai trò tiêu biểu của Công tố viên ở Nhật Bản:
1/ Công tố viên thực hiện công việc kiểm tra quá trình điều tra của cơ quan điều tra khi tiếp nhận vụ án hoặc có thể trực tiếp tiến hành điều tra nếu xét thấy cần thiết, hoặc hợp tác điều tra với cơ quan điều tra.
2/ Quyền truy tố là quyền dành riêng cho công tố viên mà không có bất kể cá nhân nào được trao quyền này. Và công tố viên chỉ được tiến hành truy tố khi có đủ căn cứ buộc tội người phạm tội ra trước tòa án để tiến hành xét xử.
3/ Công tố viên có quyền quyết định truy tố hoặc không truy tố theo nguyên tắc tùy nghi truy tố, kể cả khi có căn cứ về dấu hiệu phạm tội thì Công chứng viên có thể lựa chọn việc không truy tố.
Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)