Cuốn sách tôi chọn: “Lãng du trong văn hoá Việt Nam”
Đất nước Việt Nam có nền văn hoá đa dạng, phong phú và độc đáo, trở thành niềm tự hào của mỗi người con nước Việt. Từ ngàn đời nay đã có rất nhiều áng văn thơ được bắt nguồn từ cảm hứng và niềm tự hào về văn hoá dân tộc và cũng đã có rất nhiều cây bút đã dành cả cuộc đời mình để trải nghiệm, nghiên cứu và viết về văn hoá của đất nước.
Chuyên mục “Cuốn sách tôi chọn” hôm nay muốn giới thiệu tới các độc giả của THQHVN một cây bút như thế, một nhà nghiên cứu văn hóa dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn say mê trong hành trình tìm về với nguồn cội của văn hoá – nhà nghiên cứu Hữu Ngọc cùng bộ sách “Lãng du trong văn hoá Việt Nam” do NXB Kim Đồng ấn hành. Xin mời các quý vị cùng lắng nghe những chia sẻ của Đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà về ấn phẩm đã được tái bản tới 21 lần này, anh cũng là người đã được truyền nguồn cảm hứng rất lớn từ tình yêu và những nỗ lực để dòng văn hóa Việt không bị đứt gãy nơi nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc.
Đạo diễn NGUYỄN MẠNH HÀ: “Bộ sách “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” hiện tại được xuất bản thành ba tập, đó là tập hợp những bài viết ghi chép được in trên rất nhiều tạp chí, các báo của nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc. Bộ sách này rất phù hợp với những bạn nào thích đi du lịch, muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam trên diện rộng ở tất cả các lĩnh vực, tất cả các vùng miền, tất cả các ngành nghề… thì đây là một bộ sách mà các bạn cần phải có và nên đọc. Thông qua những bài viết ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau của một người đứng ở góc độ vừa nghiên cứu văn hóa, vừa đi chơi, vừa là sứ giả của văn hóa Việt Nam cho các bạn bè quốc tế – chính là tác giả hữu Ngọc thì độc giả có thể hình dung ra với những thông tin đầy đủ, chính xác về các vùng miền có điểm gì hay, có gì đặc trưng, có những điều gì thay đổi. Cộng thêm đó là góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa sâu sắc và có tầm nhìn thâm niên giúp các bạn có rất nhiều thông tin bổ ích.
Tôi có một cơ may từng được đi bộ với bác Hữu Ngọc và được nói chuyện rất nhiều về những ghi chép của bác với văn hóa các vùng miền. Khi đó tác giả Hữu Ngọc làm ở quỹ Đan Mạch – Việt Nam và bác cũng chia sẻ rằng thực ra khi mọi người gọi bác là nhà nghiên cứu văn hóa thì bác hơi ngại, bác chỉ muốn được trở thành một sứ giả kết nối văn hóa Việt Nam, giúp Việt Nam hội nhập lại với thế giới sau một thời gian dài đóng cửa. Với những bài viết, những nghiên cứu, công việc cũng như bộ sách “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” thì tác giả Hữu Ngọc nghĩ rằng đó là thành công lớn nhất mà mình có thể tự hào chứ không phải tự hào vì mình là một người nghiên cứu văn hóa sâu sắc như mọi người vẫn ca tụng. Tôi nghĩ rằng đây là một sự khiêm tốn nhất định của một nhà nghiên cứu văn hóa có tình yêu rất lớn đối với đất nước Việt Nam.
Tác giả hy vọng thông qua bộ sách, thông qua những bài viết của mình có thể lan tỏa tình yêu quê hương đất nước đến với giới trẻ. Điều quan trọng hơn đó là muốn nhắn nhủ một điều: đất nước Việt Nam mình quá tươi đẹp, nhiều đặc sắc về vị trí địa lý, khí hậu, ẩm thực, thổ nhưỡng, về văn hóa và những người như tác giả Hữu Ngọc rất mong sẽ không có những sự đứt gãy như trong quá khứ mà thay vào đó lớp trẻ hiện tại sẽ kế thừa những giá trị mà tổ tiên ông cha mình để lại, tạo thành một dòng chảy văn hóa liên tục. Chính dòng chảy văn hóa liên tục này sẽ là một bệ đỡ rất chắc chắn, đem lại nhiều hy vọng cho tương lai của đất nước mình. Chúng ta là người Việt Nam, chúng ta sinh ra, lớn lên, có dòng máu Việt Nam. Dòng máu Việt Nam là bất diệt và các bạn trẻ làm sao để cho dòng máu đó sẽ luôn chảy, để dòng chảy văn hoa sẽ không bị đứt gãy. Chừng nào các bạn vẫn ý thức được việc đó thì đất nước mình sẽ vẫn tiếp tục phát triển.”
Thực hiện :
Hải Linh
Linh Chi
Minh Quốc