Cướp tiền ảo vì sao lĩnh án thật? – BaoHaiDuong

Cướp tiền ảo vì sao lĩnh án thật?

THỨ NĂM, 25/11/2021 13:09:42

Tội cướp tiền ảo (bitcoin) khác cướp tiền thật như thế nào dưới góc độ pháp lý? Cách xác định hành vi phạm tội ra sao? Bitcoin không được Nhà nước thừa nhận là tiền nên có phải là tài sản không?

Các bị can tham gia vào vụ cướp tiền ảo

Cướp tiền ảo nhưng án là thật

Vừa qua, Hồ Ngọc Tài (sinh năm 1989) cùng 15 đồng phạm đã dàn cảnh va chạm giao thông tại khu vực thị trấn Dầu Giây (Đồng Nai) để cướp số tiền ảo của bị hại Nguyên (một doanh nhân cùng đầu tư tiền ảo với Tài) giữa năm 2020.

Trong vụ án cướp tiền ảo, cơ quan cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát đã căn cứ tỉ giá quy đổi giữa các đồng tiền ảo xác định số tiền ảo bị chiếm đoạt có giá trị 1.593.622,36 USDT, tương đương gần 37,2 tỷ đồng. Trên cơ sở này, Cơ quan điều tra cho rằng hành vi của Tài, Hoàng và các đồng phạm đã phạm tội cướp tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 168 Bộ luật hình sự (hình phạt 18-20 năm tù hoặc tù chung thân).

Đây là một vụ án đặc biệt gây xôn xao dư luận không chỉ bởi vì cách thức manh động của nhóm cướp mà còn do tài sản bị cướp là tiền ảo bitcoin. Đối tượng bị chiếm đoạt trong vụ cướp không phải là tiền, ngoại tệ, tài sản thông thường mà là một dạng tiền kỹ thuật số, một “tài sản ảo”.

Tại văn bản số 5747/NHNN-PC, ngày  21.7. 2017 Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015”.

Từ đó có nhiều quan điểm cho rằng không thể xử lý các nhóm đối tượng trên tội “Cướp tài sản”. Bởi vì “cướp tài sản là dùng thủ đoạn, vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản”. Bitcoin không được Nhà nước thừa nhận là tiền nên không phải tài sản, đã là không phải là tài sản thì không đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản.

Tuy vậy trong vụ việc này, cướp tiền ảo nhưng án là thật. Dư luận thắc mắc: Vậy tội cướp tiền ảo khác cướp tiền thật như thế nào dưới góc độ pháp lý? Cách xác định hành vi phạm tội ra sao?

Bitcoin không được coi là tiền nhưng không thể phủ nhận quyền của người nắm giữ nó!

Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp trị cho rằng, quan điểm cho là “Bitcoin không được Nhà nước thừa nhận là tiền nên không phải tài sản, đã là không phải là tài sản thì không đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản” –  là một lập luận chưa chính xác, có nhiều thiếu sót khi chưa hiểu về bản chất của tiền ảo và tài sản thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật dân sự năm 2015; về các yếu tố cấu thành tội cướp tài sản được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Bởi lẽ Bộ luật dân sự năm 2015, tại điều 115 về Quyền tài sản có nêu: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

Luật sư Lực cho biết: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền” tức là quyền có thể quy đổi, đánh giá theo giá trị tiền thì được coi là quyền tài sản. Khi được coi là quyền tài sản thì quyền đó được xác định là tài sản.

Bitcoin không được coi là tiền nhưng không thể phủ nhận quyền của người nắm giữ Bitcoin có thể trị giá được bằng tiền. Bitcoin dù không được thừa nhận sử dụng làm phương tiện thanh toán, vật ngang giá chung nhưng nó vẫn có giá trị kinh tế với người sở hữu.

Công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng nhà nước nêu: “Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm”. Còn việc sử dụng Bitcoin ngoài mục đích trên như: cầm giữ, trao đổi, mua bán… thì không có quy định cấm.

Điều 33, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Ngoài ra Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền tài sản đã bỏ điều kiện “có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự” chỉ quy định “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền”.

Do đó Bitcoin theo pháp luật dân sự hiện hành được xác định là tài sản dưới dạng quyền tài sản. Việc cướp Bitoin là hành động cướp tài sản.

Thêm nữa ở góc độ về mặt lý luận tội “Cướp tài sản” là tội phạm có cấu thành hình thức (là cấu thành tội phạm có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội). Có thể hiểu đơn giản với tội cướp nhận thức chủ quan của nhóm đối tượng thì tiền ảo là tiền, là tài sản. Những người này dùng vũ lực, có ý thức chiếm đoạt nên hành động đó đã cấu thành tội cướp tài sản.

Trên thực tế Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP, ngày 25.12.2001 hướng dẫn một số quy định về các tội xâm phạm sở hữu đã khẳng định tội cướp tài sản có cấu thành hình thức qua nội dung hướng dẫn xác định giá trị tài sản chiếm đoạt: “Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm. Ví dụ 1: A thấy một người vừa nhận ở kho bạc 100 triệu đồng bỏ vào một chiếc túi xách để trước giỏ xe máy nên có ý định cướp giật 100 triệu đồng này. A lấy xe máy đi theo người vừa nhận tiền và đã cướp giật được chiếc túi xách này, nhưng trong chiếc túi xách này chỉ còn có 200 nghìn đồng, bởi vì 100 triệu đồng người nhận tiền đã bỏ vào cốp xe máy. Trong trường hợp này phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A theo các điểm d và g khoản 2 Điều 136 BLHS”.

Dù Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP đã hết hiệu lực ngày 8.10.2021 theo nội dung Quyết định 355/QĐ-TANDTC Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của Tòa án nhân dân tối cao, nhưng nội dung này vẫn có giá trị tham khảo hữu ích trong tình huống này.

“Như vậy hành động cướp tiền ảo Bitcoin đủ cơ sở về mặt lý luận, luật thực định, thực tiễn pháp lý để điều tra, truy tố xét xử như các hành động cướp tài sản phổ biến khác trong xã hội”, Luật sư Lực khẳng định.

Theo Dân trí

  • TAG
  • CƯỚP TIỀN ẢO
  • LĨNH ÁN
  • TỘI PHẠM KINH TẾ
  • TIỀN ẢO
  • TỘI CƯỚP TIỀN ẢO
  • BITCOIN
  • HỒ NGỌC TÀI