Đã đến lúc người Việt cũng nói không với… thịt chó?

Trong một phiên họp với Thủ tướng ngày 27/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lần đầu tiên nói rằng, “Có phải đã đến lúc cân nhắc nghiêm túc việc tiêu thụ thịt chó hay không?”.

Sau phát biểu của ông Moon Jae-in, tổ chức Korean Dogs (Hàn Quốc) đã phát động phong trào không ăn thịt chó tại nước này. 

Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho rằng “Vẫn còn một chặng đường dài để đạt được một lệnh cấm vĩnh viễn đối với việc tiêu thụ thịt chó tại Hàn Quốc”.

Chuyên gia xã hội học: "Ăn thịt chó cần được nhìn nhận từ góc độ văn hóa" - Ảnh 1.

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về việc cấm ăn thịt chó. Ảnh minh họa.

Còn tại Việt Nam, thịt chó được coi như một món khoái khẩu, được sử dụng thường xuyên trong mỗi dịp liên hoan, thậm chí đám cưới, ngày Tết. Xung quanh vấn đề này, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Hà Nam, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ động vật Việt Nam.

Việt Nam chưa có khung quy định về cấm ăn thịt chó

Mới đây, tổ chức Korean Dogs đã phát động phong trào không ăn thịt chó sau phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Còn tại Việt Nam, tình trạng sử dụng thịt chó vẫn diễn ra thường xuyên trong các buổi liên hoan, đám cưới, dịp Tết? Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

Thứ nhất, theo tôi về mặt thực phẩm thì thịt lợn, thịt, bò, thịt gà đều có kiểm soát của thú y, còn đối với thịt chó thì không. Cho nên việc ăn thịt chó có thể không kiểm soát được bệnh tật.

Thứ hai, đối với các nước phương Tây nói riêng và thế giới nói chung chó là loài vật rất gần gũi và gần như là một người bạn rất thân với con người. 

Còn ở Việt Nam, từ xưa đến nay việc ăn thịt chó vẫn diễn ra thường xuyên và thậm chí phổ biến. Chính bởi vậy, việc ăn thịt chó của người Việt nhiều khi gây phản cảm với khách du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, theo tôi nếu như cách đây 10 – 20 năm về trước, gần như cứ 1 đến 2 tuyến phố của Hà Nội là xuất hiện quán thịt chó, có thể nói đến những “trung tâm” về thịt chó như: Nghi Tàm, Mai Động, Phùng Hưng…thì nay đều cũng đã giảm đi nhiều.

Theo quan điểm của tôi, chó là một loài động vật rất thân thiện với con người, chúng ta nên bảo vệ quyền lợi động vật của nó.

Theo ông chúng ta có nên đưa việc cấm ăn thịt chó vào Luật hoặc chí ít là phải có chế tài về việc ăn thịt chó?

Pháp luật của chúng ta hiện nay chưa có khung quy định nào về việc cấm ăn thịt chó.

Một số nước trên thế giới đã cấm người dân ăn thịt chó. Nếu Việt Nam làm được như vậy thì rất tốt.

Về phía Hội Bảo vệ động vật Việt Nam đã có những động thái nào để kiểm soát cũng như bảo vệ quyền lợi động vật, trong đó, chó là một loài rất cần được bảo vệ?

Chúng tôi đang kết hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội triển khai kiểm soát bệnh dại trên chó. Virus dại vẫn có thể tồn tại trên thịt chó, chính bởi vậy, người dân cần hạn chế sử dụng thịt chó.

“Ăn thịt chó cần được nhìn nhận từ góc độ văn hóa”

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia xã hội học – PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho biết, câu chuyện ăn thịt chó hay không ăn thịt chó đã tranh luận khá lâu và khá nhiều. Cách đây vài năm đã nói rất rộ, tưởng là đã ngã ngũ nhưng kỳ thực là không ngã ngũ.

Chuyên gia xã hội học: "Ăn thịt chó cần được nhìn nhận từ góc độ văn hóa" - Ảnh 2.

Theo chuyên gia xã hội học – PGS.TS Trịnh Hòa Bình, cần nhìn nhận việc ăn thịt chó là văn hóa, một món ăn có tính chất truyền thống. Ảnh: Minh Ngọc

Theo quan điểm của ông Bình, có những người cho rằng, ăn thịt chó không văn minh. Nhưng tất cả đều xuất phát từ việc nhìn nhận việc ăn thịt chó là không lương thiện, lành mạnh và phần nào chịu ảnh hưởng từ những khuyến cáo gần đây của các tổ chức bảo vệ động vật thiên nhiên hoang dã.

Ông Bình phân tích, việc ăn thịt chó cần được nhìn nhận là văn hoá chứ không phải là sự văn minh để so sánh với các nước phương Tây. Vì vậy, không cần phải chứng tỏ Việt Nam phải theo xu hướng thế giới hiện đại là không ăn thịt chó.

“Tôi không phải là người ăn thịt chó, mà thậm chí còn không biết ăn. Nhưng tôi thấy rằng, đánh giá câu chuyện ăn thịt chó là không văn minh, dã man, tàn bạo là không ổn. Bởi thực ra ăn thịt chó cần được nhìn nhận như là văn hóa, một món ăn có tính chất truyền thống”, ông Bình nói.

Chuyên gia xã hội học dẫn chứng, Úc coi Kangaroo là biểu tượng của đất nước nhưng nhiều người vẫn ăn thịt con vật này. Khi tổ chức World Cup 2002, người Hàn Quốc bị chỉ trích rất nhiều về việc ăn thịt chó, nhưng họ vẫn bảo vệ và không từ bỏ.