Đà Nẵng: Điểm đến của “Du mục kỹ thuật số”
Từ năm 2015, ngày càng có nhiều “du mục kỹ thuật số” từ khắp nơi trên thế giới chọn Đà Nẵng làm điểm đến. Sự xuất hiện của cộng đồng này làm tăng thêm màu sắc và nguồn cảm hứng cho bức tranh khởi nghiệp của thành phố bên sông Hàn.
Một buổi gặp mặt của các bạn trẻ du mục kỹ thuật số. Ảnh: KHANG NINH
“Đà Nẵng là sự pha trộn tuyệt vời của nhiều điều”
Một buổi sáng tại quán cà-phê trên đường Chế Lan Viên (quận Ngũ Hành Sơn), nhóm bạn trẻ khoảng 19 người đến từ Mỹ, Phần Lan, Úc, Nhật Bản và Việt Nam ngồi chuyện trò sôi nổi và trao đổi công việc với nhau bằng tiếng Anh. Mỗi người mỗi nghề, nhưng các công việc có một điểm chung, đó là không cần văn phòng, chỉ cần máy tính xách tay và mạng Internet tốc độ tốt.
Nhóm bạn trẻ ấy là những người “du mục kỹ thuật số”. Hiểu đơn giản, họ di chuyển giữa các thành phố, quốc gia, hay thậm chí chỉ giữa những quán cà-phê để làm việc. Nếu như hình ảnh dân du mục trên các thảo nguyên rộng lớn ở châu Mỹ, châu Phi thường gắn liền với nghề săn bắt hay trao đổi hàng hóa, thì những du mục kỹ thuật số lại làm rất nhiều nghề, từ kỹ sư phần mềm, lập trình viên, đến doanh nhân khởi nghiệp, nhà thiết kế, nhà văn…
Những nghề này không đòi hỏi phải ở văn phòng cố định, mà có thể đi du lịch khắp thế giới trong lúc làm việc, chỉ cần có các thiết bị kỹ thuật số cần thiết.
Xuất hiện từ năm 2015, đến nay, cộng đồng du mục kỹ thuật số tại Đà Nẵng có từ 100-200 thành viên. Trên mạng xã hội Facebook, họ lập nhóm có tên gọi “Digital Nomads in Danang” (Du mục kỹ thuật số ở Đà Nẵng) với gần 300 thành viên. Tại diễn đàn, những người du mục hiện đại này có thể hỏi han nhau từ phong tục tập quán bản địa, chỗ ở, chi phí sinh hoạt, đến địa điểm có tốc độ truy cập Internet tốt cho công việc.
Anh Edwin Merino (người Mỹ) là quản trị viên của nhóm “Digital Nomads in Danang”. Năm 2015, vì muốn được trải nghiệm nhiều nền văn hóa trên thế giới, anh bỏ công việc chuyên viên tin học ở một công ty tại San Francisco (Mỹ) để bắt đầu hành trình của một du mục kỹ thuật số. Sau 6 tháng rong ruổi qua 8 nước châu Á, Edwin đến Đà Nẵng.
Anh chia sẻ, Việt Nam có nền văn hóa đặc biệt mà anh đang tìm kiếm. “Nếu như Đài Loan, Nhật Bản hay Malaysia đều đã phát triển giống như phương Tây, thì ở Việt Nam, người dân vẫn ngồi quán cóc vỉa hè, vẫn đi xe máy, vẫn giữ gìn những phong tục của người châu Á và đặc biệt là rất thân thiện”. Về lý do chọn Đà Nẵng mà không phải những thành phố lớn khác, anh Edwin nói: “Ở đây có núi, có biển, có sự an bình và có cả sự năng động, cứ như sự pha trộn tuyệt vời của nhiều điều”.
Hiện tại, anh Edwin vừa điều hành một doanh nghiệp đặt tại Đà Nẵng trong lĩnh vực bất động sản, vừa là blogger có tiếng trong cộng đồng du mục kỹ thuật số. Những ấn tượng về Đà Nẵng là cảm hứng cho bài viết “6 lý do tại sao tôi chọn Đà Nẵng làm nhà” của anh từng được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội.
Trên trang tin điện tử The Blond Travels chuyên dành cho các du mục kỹ thuật số, chị Joanna Szreder (người Ba Lan) đánh giá, điểm độc đáo của Đà Nẵng là vẫn bảo tồn được những nét đẹp sơ khai. “Bạn có thể vừa đi chợ và mua các loại rau, trái rẻ, vừa tận hưởng các cơ sở vật chất hiện đại hay đi mua sắm ở các trung tâm thương mại”, chị Joanna nói. Đối với những người muốn có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, Đà Nẵng tạo cho họ môi trường sống tuyệt vời.
Anh Jan Zellman và chị Kasia Weina tại buổi khai trương không gian làm việc chung của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng. Công ty Evergreen Labs của anh Jan và chị Kasia đã tổ chức nhiều hoạt động hướng tới phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, tạo nét mới cho khởi nghiệp địa phương.
Bức tranh khởi nghiệp mới mẻ
Từ sự lớn dần của cộng đồng du mục kỹ thuật số, các doanh nghiệp khởi nghiệp du mục đang tạo thêm sự phong phú cho khởi nghiệp Đà Nẵng.
Công ty Evergreen Labs (trụ sở tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng) được hình thành từ ý tưởng của anh Jan Zellman (người Đức) và chị Kasia Weina (người Mỹ). Từ đầu năm 2016, Evergreen Labs tập trung liên kết và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương giải quyết những vấn đề “nóng” về môi trường và xã hội trong cộng đồng.
Tháng 11-2016, doanh nghiệp khởi nghiệp này tổ chức phiên chợ nông dân, quy tụ hơn 30 nhà phân phối nông sản hữu cơ chất lượng cao của khu vực miền Trung, mở cửa miễn phí cho người dân và khách du lịch tại Đà Nẵng. Phiên chợ nhằm tạo thói quen sử dụng thực phẩm sạch cho người dân Đà Nẵng, đồng thời thúc đẩy các nhà sản xuất và phân phối nông sản sạch phát triển. Chị Kasia cho biết, Evergreen Labs đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để được phép tổ chức phiên chợ hằng tháng tại Đà Nẵng. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã tổ chức các đợt dọn rác trên bãi biển Sơn Trà dành cho dân địa phương và cộng đồng người nước ngoài tại Đà Nẵng.
Anh Phạm Quốc Đạt, người sáng lập không gian làm việc chung HATCH! cho biết, du mục kỹ thuật số là một trong những đặc thù của Đà Nẵng, có tiềm năng phát triển thành thị trường khá sôi động. Anh Lưu Duy Trân, phụ trách thị trường và truyền thông Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng nhận định, đây cũng là nhóm khách hàng tiềm năng đối với các không gian làm việc chung Đà Nẵng. Anh Trân cho biết, năm 2017, không gian của Vườn ươm có thể sẽ đón nhận số lượng đáng kể khách hàng là du mục kỹ thuật số.
Trên trang tin điện tử nomadlist.com chuyên đánh giá các thành phố dành cho dân du mục kỹ thuật số, Đà Nẵng được đánh giá “xuất sắc” ở các mục chi phí sinh hoạt, thời tiết, chất lượng không khí. Các hạng mục an toàn giao thông, nơi làm việc, tính thân thiện của người dân cũng được đánh giá tốt. Trang này xếp hạng Đà Nẵng ở mức điểm 7/10 – con số khá cao đối với một thành phố mới nổi. Còn nếu tìm kiếm trên Google, bạn có thể sẽ ngạc nhiên vì cộng đồng này có những hướng dẫn chi tiết từ các quán cà-phê, mức giá thực phẩm, phương tiện đi lại, nhà ở, thậm chí cả giá áo quần trong các chợ địa phương.
KHANG NINH