Đà Nẵng: Nuôi con ăn học thành tài nhờ nghề làm bánh chưng, bánh tét dịp Tết
Bánh chưng, bánh tét là một nét đẹp văn hóa của người Việt, là món ăn không thể thiếu trong mâm cúng tổ tiên dịp Tết đến Xuân về. Ngày nay, con người bận rộn với nhiều công việc nên không tự gói bánh nữa, mà tìm đến các lò bánh lâu năm để đặt mua.
Dịp cận Tết, gia đình bà Tuyết gói hơn 50kg nếp mỗi ngày để làm bánh chưng, bánh tét. Ảnh: T.N.
Tại lò bánh nhà bà Huỳnh Thị Tuyết (64 tuổi, trú thôn Cẩm Toại Đông, xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang), hai vợ chồng bà làm việc không ngơi tay, bận rộn chuẩn bị nhiều công đoạn để gói bánh chưng, bánh tét phục vụ thị trường Tết.
Bà Tuyết đã gắn bó với nghề làm bánh được hơn 30 năm. Mỗi ngày, vợ chồng bà đều làm bánh mang ra chợ quê để bán. Cũng nhờ đó mà nhà có của ăn của để, nuôi con cái ăn học thành tài….
Nếp được ngâm và vo sạch; đậu xanh rửa sạch, hong, đánh nhuyễn, thêm gia vị. Ảnh: T.N.
Bà Tuyết đã gắn bó với nghề làm bánh chưng, bánh tét được hơn 30 năm. Ảnh: T.N.
Bà Tuyết cho hay, ngày thường nhà bà chỉ gói 20kg nếp, nhưng dịp cận Tết tăng lên gấp 2-3 lần, trung bình gói 50kg nếp mỗi ngày. Đơn ít thì vài chục cái, đơn nhiều thì tới hàng trăm cái, với sức hai vợ chồng thì không thể làm nhiều, chỉ nhận trong khả năng để trau chuốt ra những chiếc bánh chất lượng nhất.
Ông Tiến đang cuộn thật chặt sợi dây để bánh không bị thấm nước, thon dài đẹp mắt. Ảnh: T.N.
Nguyên liệu để làm bánh chưng, bánh tét được chọn lựa cẩn thận. Nếp ngon đặc sản được vo sạch, thịt heo ba chỉ, đậu xanh mới, lá chuối tươi, một vài gia vị, dây buộc bánh (dây ni lông hoặc lạt tre, lạt giang).
Chia sẻ về cách gói bánh tét, bà Tuyết nói: “Gói bánh tét hay bánh chưng nhìn chung đều dễ nhưng không phải ai cũng gói được chiếc bánh đẹp, đạt yêu cầu của người mua. Khi gói phải cuộn cho đều nếp và nhân đậu xanh, lăn đều để phần nhân nằm ngay tâm bánh.
Gấp các nếp lá chuối sao cho kín và buộc dây thật chặt để khi luộc bánh không bị thấm nước. Bên cạnh đó, buộc dây phải nhanh tay và đều để tạo chiếc bánh tét thon dài đẹp mắt, không kém phần trang trọng. Đảm bảo thời gian luộc khoảng 10 tiếng thì bánh sẽ chín mềm, thơm dẻo”.
Vào những ngày cận Tết, sản lượng bánh tăng cao, bà Tuyết thu lãi vài triệu đồng để đón sắm Tết đủ đầy. Ảnh: T.N.
Tuỳ vào yêu cầu của khách hàng mà bà Tuyết có thể thêm nhiều thịt, đậu. Vào dịp Tết, bánh chưng là mặt hàng bán chạy nhất, có nhiều kích cỡ để khách hàng lựa chọn.
Hiện nay, với giá nhiều nguyên liệu tăng gần gấp đôi, nên giá bán các loại bánh cũng tăng thêm. Bánh tét 30.000 đồng/cái, bánh chưng 10.000-30.000 đồng/cái (tuỳ cỡ), sát Tết bánh có thể tăng lên 50.000 đồng/cái nhưng vẫn bán rất chạy.
Luộc bánh trong khoảng 10 tiếng và giữ lửa to, cháy đều để bánh chín có màu xanh tươi, hấp dẫn. Ảnh: T.N.
Ông Lê Đình Tiến (63 tuổi) chia sẻ: “Bánh tét, bánh chưng trong mâm cúng ngày Tết tượng trưng cho sự đùm bọc, yêu thương trong gia đình. Vì thế, bánh không chỉ thơm ngon mà còn phải đẹp mắt, cầu mong cho một năm mới đủ đầy. Khi nấu bánh phải chú ý giữ lửa lò cháy mạnh và đều, thì bánh sau khi để nguội sẽ xanh tươi, mềm dẻo”.
Vào những ngày cận Tết, sản lượng bánh tăng cao, gia đình bà Tuyết có thêm vài triệu đồng để đón Tết sung túc hơn.
Cũng trong không khí tất bật ngày cận Tết, cơ sở làm bánh của bà Lê Thị Chín (60 tuổi, trú quận Thanh Khê) luôn nhộn nhịp người ra vào, mùi thơm của những mẻ bánh mới ra lò lan toả khắp các ngõ xóm.
Bà Chín gắn bó và giữ nghề làm bánh truyền thống của gia đình. Ảnh: T.N.
Bà Chín hào hứng nói: “Tôi theo nghề truyền thống của gia đình đã nhiều năm nay, ngày thường tôi gói số lượng ít bánh ú, bánh chưng, bánh tét để bỏ mối cho các chợ dịp rằm, mồng 1. Đến cận Tết đơn hàng tăng lên rất nhiều, tôi chuẩn bị 5-6 tấn nếp và thuê hơn 20 nhân công để gói bánh cho kịp đơn hàng”.
Các loại bánh được sản xuất đa dạng, to, nhỏ, chay, mặn khác nhau. Phần nhân bánh chưng được phối hợp đầy đủ các nguyên liệu như: đậu xanh, thịt heo, tiêu, hành…, nếu khách hàng muốn đặt nhân bánh theo sở thích riêng thì cơ sở vẫn đáp ứng. Bánh có trọng lượng càng nặng thì giá càng cao, tuỳ theo nhu cầu, dao động từ 60.000-100.000 đồng/chiếc.
Từ 25 Âm lịch đến chiều 30 Tết, là khoảng thời gian cao điểm cơ sở phải hoạt động cả ngày lẫn đêm, các lò bánh đỏ lửa liên tục. Dù nghề làm bánh chưng, bánh tét vất vả, thức khuya, dậy sớm, nhưng mang lại cho bà nguồn thu nhập ổn định. Vào mùa bánh Tết, bà Chín có thể kiếm thêm khoảng 50 triệu đồng, trang trải các chi phí sản xuất và đón Tết ấm no.