Đặc điểm Kinh tế – Văn hóa, Xã hội và Truyền thống cách mạng – Thị xã Quảng Trị – Cổng thông tin
Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, địa hình, trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân thị xã Quảng Trị không ngừng nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội và kiến thiết quê hương. Nền nông nghiệp lúa nước phát triển khá sớm. Ngoài lúa, nông dân thị xã còn trồng nhiều loại cây lương thực và thực phẩm. Cùng với các nghề chính như làm ruộng, làm vườn thì nghề trồng bông, nhất là nghề dâu tằm cũng khá phát triển. Chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng ra đời sớm. Từ nửa đầu thế kỷ XVI, sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An đã ghi lại cuộc sống của người dân ở đây: “…non sông kỳ tú, ruộng đất mở mang, nhân dân đông đúc, thực là nơi đô hội lớn của một phương, cảnh tượng vui vẻ, phong vật quý giá”.
Các nghề thủ công như rèn sắt, đan lát bằng tre, mây… phát triển mạnh. Nghề gốm tiếp tục phát triển trên vốn liếng kinh nghiệm cổ truyền, có tiếp thu ít nhiều kỹ thuật bên ngoài.
Bên cạnh nghề nông và các nghề truyền thống, việc giao lưu buôn bán ở thị xã Quảng Trị ngày càng mở rộng, sầm uất, đời sống kinh tế của thị xã được nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế đô thị, diện mạo đô thị ngày càng hiện rõ. Thị xã Quảng Trị trở thành một trung tâm kinh tế, văn hoá của tỉnh Quảng Trị.
Thị xã Quảng Trị nằm ở vùng đất hội tụ hai phong cách văn hoá chủ yếu là Việt và Chăm. Đời sống văn hoá ở đây khá phong phú và đa dạng, có nhiều làn điệu dân ca như hò, vè, đồng dao mang đậm sắc thái dân gian. Các phong tục tập quán, lễ nghi của văn hoá Việt được bảo tồn khá rõ nét. Quốc sử quán Triều Nguyễn trong bộ Đại Nam nhất thống chí ghi: “Tế lễ vào mùa xuân, mùa thu. Ngày rằm các tháng giêng, tháng bảy, tháng mười gọi là tam nguyên, các gia đình đều cúng tổ tiên, ông bà”.
Thị xã Quảng Trị có nhiều di tích lịch sử, văn hoá như nhà thờ Đá Hàn, đình làng Như Lệ, đền Văn thánh ở An Đôn…; đặc biệt là toà Thành Cổ, dinh lũy của chế độ phong kiến ở thị xã Quảng Trị do nhân dân ta đã đổ mồ hôi và máu xây dựng nên.
Về tôn giáo, với vị trí địa lý thuận lợi, các tôn giáo như đạo Khổng, đạo Phật, đạo Thiên Chúa có mặt khá sớm ở thị xã Quảng Trị. Sự hiện diện của các tôn giáo góp phần làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm đa dạng và phong phú.
Các tầng lớp nhân dân thị xã Quảng Trị luôn tự hào với quá khứ bao đời gắn bó bên nhau trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, viết nên những thiên anh hùng ca bất tử. Từ thuở “khai sơn phá thạch” cho đến khi hình thành làng, xã, phố, phường, con người thị xã luôn trau đức, rèn tài: “trai trọng đức dũng cảm tài lương”, “gái quý nét đoan trang cần kiệm”, đã bền bỉ, kiên cường vật lộn với những thử thách khắc nghiệt của thiên tai, anh hùng bất khuất đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, giành và giữ quyền độc lập tự do, cơm no áo ấm cho dân tộc, hun đúc nên những tính cách của con người Quảng Trị, đó là đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động, chất phác, lạc quan trong cuộc sống, tự tin và dũng cảm trước kẻ thù.
Dưới ách thống trị của các thế lực phong kiến, nhất là chế độ phong kiến phương Bắc, nhân dân thị xã Quảng Trị đã đồng vai sát cánh bên nhau, chịu đựng gian khổ, hy sinh, tổ chức chiến đấu bảo vệ quê hương, từng đứng lên tham gia các cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm của các vị anh hùng dân tộc .
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân thị xã Quảng Trị đã hưởng ứng các phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân, phong trào chống đi phu, chống sưu thuế, phong trào Việt Nam Quang Phục Hội…
Từ khi ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá vào Việt Nam, thị xã Quảng Trị là một trong những địa phương xuất hiện sớm nhất tổ chức Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên – một tổ chức cách mạng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Mùa thu năm 1945, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, nhân dân thị xã Quảng Trị nhất tề đứng dậy, muôn người như một, thực hiện thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa ở tỉnh lỵ, thành lập chính quyền cách mạng và tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của tỉnh Quảng Trị vào ngày 23-8-1945.
Gần 30 năm trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng bào, chiến sĩ thị xã Quảng Trị đã phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt lên mọi thử thách, hy sinh, góp phần cùng với quân và dân trong tỉnh và cả nước lập nên những chiến công vang dội; đặc biệt là cuộc tiến công chiến lược năm 1972, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị vào ngày 1-5-1972 và 81 ngày đêm ngoan cường chiến đấu giữ vững Thành Cổ, đánh địch phản kích tái chiếm Quảng Trị, cùng với thắng lợi của quân và dân ta trên các chiến trường buộc địch phải ký hiệp định Pari đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước và bè bạn khắp năm châu. Những tên đất, tên làng như: Thành Cổ, sông Thạch Hãn, Cầu Ga, trường Bồ đề, Tích Tường, Như Lệ…đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân thị xã Quảng trị được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trong gần 14 năm tồn tại với vị trí là một đơn vị hành chính trực thuộc cấp huyện, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhân dân thị xã Quảng Trị đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng, ra sức xây dựng quê hương, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
30 năm kể từ ngày thị xã Quảng Trị được lập lại, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Trị, Đảng bộ thị xã Quảng Trị đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân vượt qua mọi khó khăn do thiên tai và hậu quả nặng nề của gần 30 năm chiến tranh, từng bước xây dựng lại thị xã giàu đẹp, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Lê Ngọc Vũ (TP.Văn hóa và Thông tin TXQT)