Đặc sắc du lịch văn hóa

Văn hóa tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia. Sự đa dạng, độc đáo, riêng có của mỗi nền văn hóa, mỗi điểm đến là yếu tố hấp dẫn du khách khám phá, trải nghiệm. Phát triển du lịch văn hóa không chỉ thu hút, đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc đến với bạn bè quốc tế.

Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới 2022 – Khu vực châu Á và châu Đại Dương, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã vinh dự được vinh danh ở hạng mục “Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á”. Đây là lần thứ ba trong 4 năm kể từ năm 2019, Hội An được vinh danh ở hạng mục này (trừ năm 2020). Điều này cho thấy, Hội An là điểm đến du lịch văn hóa đáng tin cậy trong lòng du khách. Giải thưởng cũng là sự ghi nhận xứng đáng nỗ lực của chính quyền, nhân dân Hội An trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống; chọn lọc, tiếp thu tinh hoa của thế giới để làm giàu cho di sản. Chính điều này làm cho Hội An trở nên hấp dẫn trong mắt du khách.


Phố cổ Hội An luôn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), không phải nơi nào cũng có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng như Hội An. Diện tích chỉ khoảng 62 km2 nhưng ở Hội An có sự hiện diện của hai Di sản thế giới. Đó là Đô thị cổ Hội An – Di sản Văn hóa thế giới; Cù Lao Chàm – Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Là “bảo tàng sống”, phố cổ không chỉ có kiến trúc cổ mà còn có vẻ đẹp rất riêng. Các trò chơi dân gian, sinh hoạt tín ngưỡng, hoạt động cộng đồng ở nơi đây đã giúp kết nối Hội An, du khách với những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn ở đô thị cổ này. 

Các chuyên gia nghiên cứu du lịch đều cho rằng, Hội An đã dựa trên “nguyên liệu” văn hóa để phục dựng, sáng tạo nhiều điểm đến, sự kiện, lễ hội đặc sắc như: “Phố dành cho người đi bộ”, “Đêm phố cổ”, “Festival tơ lụa quốc tế”, “Lễ hội ẩm thực quốc tế”, công viên đất nung Thanh Hà, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An”… Các hoạt động này góp phần đáng kể đưa Hội An trở thành điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu với du khách.

Thực tế, Hội An đã tập trung đầu tư phát triển văn hóa, tạo tiền đề xây dựng “Hội An – Thành phố sáng tạo” trong tương lai thông qua lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Theo hướng này, Hội An sẽ vừa bảo tồn, vừa nâng tầm, phát triển các sản phẩm văn hóa nghệ thuật truyền thống để khai thác, phát huy, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội. Việc này góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, khẳng định nét riêng biệt, độc đáo, làm đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, tập trung xây dựng và phát triển thành phố Hội An có tính chất là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, mang tính đặc thù về di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan và môi trường, hiện đại, giàu bản sắc riêng. Đô thị cổ Hội An và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là hạt nhân lan tỏa để kiên trì thực hiện định hướng xây dựng thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch…

Như vậy, với sự đa dạng, độc đáo, riêng có của Hội An chính là yếu tố hấp dẫn du khách khám phá, trải nghiệm. Vì vậy, phát triển du lịch văn hóa không chỉ thu hút, đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc đến với bạn bè quốc tế.

Theo nghiên cứu của Thạc sỹ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cầm (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch), các di sản văn hóa là giá trị cốt lõi để phát triển du lịch đặc trưng ở các vùng du lịch của Việt Nam. Các sản phẩm du lịch văn hoá nổi bật và hấp dẫn du khách như du lịch tham quan di sản, di tích, nghiên cứu văn hóa lịch sử thông qua hệ thống di sản, di tích, bảo tàng sống, tìm hiểu và trải nghiệm văn hoá truyền thống, đời sống văn hóa cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch văn hóa ẩm thực, du lịch tâm linh…

Nhiều điểm đến như: Di sản Văn hóa thế giới Cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích Thánh địa Mỹ Sơn, danh thắng Tràng An; các lễ hội truyền thống và đương đại như lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội Bà Chúa Xứ, Festival Huế… đã nhận được sự quan tâm lớn của du khách và trở thành những sản phẩm du lịch có thương hiệu.

Như thế, có thể khẳng định, sản phẩm du lịch văn hóa chính là yếu tố tạo nên nét khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam, kết nối và đa dạng hóa các tour, tuyến. Hoạt động thăm quan di sản văn hóa tại Việt Nam là hoạt động được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ hai, chỉ sau du lịch nghỉ dưỡng.


Đảng, Nhà nước ta luôn xác định, nhấn mạnh vai trò của văn hóa với phát triển du lịch. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ, trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 nhấn mạnh: “Phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc” đồng thời “chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam”.

Trong hai năm liên tiếp (2019 – 2020), Việt Nam được tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới bình chọn là “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”. Năm 2021, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước được đề cử cho danh hiệu này. Qua đó cho thấy, vị thế và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế đã có sự thay đổi đáng kể. Các giải thưởng chính là sự công nhận về điểm đến du lịch gắn với văn hóa.

Việc quy hoạch, tạo lập không gian văn hóa; phát triển thể thao, giải trí… mở ra nhiều cơ hội hơn nữa để phát triển du lịch văn hóa. Sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Các sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam trong các Chiến lược, Quy hoạch quốc gia gồm: Du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và du lịch đô thị. Thực tế cho thấy, yếu tố văn hóa tham gia mạnh mẽ trong việc hình thành các dòng sản phẩm của du lịch nước ta. Theo các chuyên gia, du lịch văn hóa đã khẳng định được vai trò trong việc tạo nên thành quả của ngành Du lịch Việt Nam.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), du lịch văn hóa được xác định là loại hình quan trọng hàng đầu của du lịch Việt Nam. Việc phát huy các giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm, tour tuyến, trải nghiệm du lịch văn hóa trong thời gian qua đã được chú trọng, thu hút được nhiều lượt khách du lịch.

Nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các di sản được UNESCO công nhận đã được khai thác để hình thành nhiều sản phẩm đặc trưng, thương hiệu của điểm đến để giới thiệu với bạn bè quốc tế, góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao giá trị sản phẩm, năng lực cạnh tranh. Hệ thống các di tích lịch sử – văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, thắng cảnh, di tích cách mạng cũng có nhiều giá trị trong việc hình thành các điểm hấp dẫn thu hút du lịch.

Theo Thạc sỹ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Cầm (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch) thì, văn hóa là nét đặc trưng, tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, mỗi điểm đến và chính là điểm hấp dẫn, thu hút du khách. Du lịch văn hóa gắn với các giá trị di sản văn hóa đã, đang và sẽ luôn là nhu cầu, xu hướng của các thị trường khách du lịch.

Giá trị của các di sản văn hóa như di tích lịch sử, công trình kiến trúc – nghệ thuật, các bản làng dân tộc với văn hóa bản địa độc đáo, tập quán, lễ hội, nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực đặc sắc của mỗi vùng miền, địa phương… luôn là những đối tượng hấp dẫn, thu hút du khách khám phá, thưởng thức và trải nghiệm. Những điểm đến du lịch khai thác, phát huy được giá trị của di sản văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại không chỉ thành công trong việc thu hút du khách mà còn tạo được sự ảnh hưởng, lan tỏa văn hóa ra quốc tế, tạo động lực cho du khách mong muốn trải nghiệm những giá trị đích thực, nguyên bản tại chính nơi “sản sinh” ra chúng. Có thể thấy, văn hóa không chỉ là tài nguyên du lịch, là yếu tố quan trọng để phát triển năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch mà còn chính là động lực cho phát triển du lịch.


Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã từng chia sẻ: Chúng ta đều hiểu được rằng du lịch phải bắt đầu từ các sản phẩm về văn hóa; sản phẩm du lịch phải mang dấu ấn văn hóa của mỗi quốc gia. Phát triển theo hướng này mới bền vững. 

Việt Nam có trên 40.000 di tích di sản, trong đó nhiều di sản được UNESCO ghi danh mà chỉ cần nhắc đến tên đã tạo ra một thương hiệu về điểm đến trong đó có Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An… Cùng với đó là nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như Đờn ca tài tử, dân ca quan họ Bắc Ninh, hát Then… Chính những tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng đã tạo nền tảng cho việc hoạch định du lịch Việt Nam theo hướng bền vững. Hiện nay, bộ nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam đã được công bố rộng rãi và được nhiều du khách trên thế giới biết đến.


Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam là một trong những di sản được UNESCO ghi danh.

Thực tế cho thấy, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch văn hóa. Việc phát triển loại hình này một cách sáng tạo sẽ góp phần đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch, gia tăng giá trị cho các sản phẩm truyền thống, phát triển thương hiệu du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh. Du lịch văn hóa không chỉ hỗ trợ tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy bền vững mà còn thu hút thêm sự tham gia của cộng đồng vào giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa truyền thống độc đáo.

Theo Thạc sỹ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cầm, để khai thác hiệu quả du lịch văn hóa, cần nhìn nhận đúng vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và phát triển du lịch. Ngoài ra cần đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch, kết hợp với chính sách, quy định cụ thể về trùng tu, tôn tạo di tích, bảo tồn di sản hiệu quả. Cần nghiên cứu kỹ, đảm bảo cơ sở phát triển bền vững trong triển khai hoạt động du lịch tại một số di tích, di sản văn hóa, đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa cũng như bản sắc của di sản văn hóa phi vật thể.

Theo đó, sản phẩm du lịch văn hóa phải mang linh hồn của văn hóa truyền thống, có nhiều yếu tố đặc sắc, đặc thù cho từng tộc người, từng vùng, miền khác nhau (đặc sắc về không gian, thời gian, lịch sử tộc người…), để nâng cao giá trị, sức hấp dẫn; khắc phục tình trạng “trùng lắp” trong cách thức tổ chức, trình bày sản phẩm du lịch ở nhiều điểm đến như hiện nay. Thêm vào đó cần có sự kết hợp hài hòa tính đa dạng của nhiều loại hình sản phẩm và tính chuyên đề của một gói sản phẩm du lịch văn hóa (sản phẩm du lịch văn hóa có cần truyền tải thành công thông điệp hướng tới chân – thiện – mỹ, đồng thời có sắc thái riêng, trải nghiệm độc đáo, thân thiện). Các chương trình văn nghệ, nghi lễ trình diễn, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cần tôn trọng tính khách quan, chân thực của sắc thái văn hóa dân tộc; tuyệt đối không “kịch hóa” các sinh hoạt văn hóa truyền thống phục vụ khách du lịch.


Những tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III, ngày 7/4/2022.

Theo đánh giá của chuyên gia du lịch, một trong những yếu tố đảm bảo thành công là cần xây dựng cơ chế hợp tác và đặc biệt là chia sẻ công bằng nguồn lợi từ du lịch. Phát triển các điểm đến du lịch văn hóa liên quan đến nhiều đối tượng, bên liên quan với nhận thức, trình độ, môi trường hết sức đa dạng, do vậy đòi hỏi sự kết hợp hài hòa của tất cả các bên liên quan (người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, chính quyền địa phương). 

Trong đó, người dân ở địa phương đóng là chủ thể chính trong các hoạt động du lịch văn hóa tại các điểm du lịch cần được khuyến khích chủ động tham gia hoạt động sáng tạo. Doanh nghiệp là đối tác đưa khách đến điểm du lịch. Các nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn đóng vai trò nghiên cứu, tư vấn cho người dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp xây dựng các mô hình du lịch di sản hoạt động hiệu quả và bền vững. Còn cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương định hướng, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho các điểm du lịch, đồng thời giữ vai trò điều hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp…

Bài: Thanh Giang
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Hà Nguyễn

12/11/2022 05:55