Đặc sắc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hoà Bình

GD&TĐ – Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hoà Bình là nét văn hoá đặc sắc đã có từ lâu đời và được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Ngày 27/1, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình đã được tổ chức tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, với nhiều nét văn hoá đặc sắc.

Lễ hội Khai hạ (Khuống mùa, Thuống tồông) là lễ hội truyền thống của dân tộc Mường. Đây là lễ hội dân gian có từ lâu đời và lớn nhất của người Mường. Đặc biệt ở bốn vùng Mường lớn của Hoà Bình là Bi, Vang, Thàng, Động. Lễ hội Khai hạ của người Mường Hoà Bình được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ. Đồng thời là hoạt động văn hóa – tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường ở Hòa Bình mỗi dịp xuân về.

Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường. Cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản.

Đặc sắc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hoà Bình ảnh 1

Tùy từng vùng Mường, lễ hội sẽ được tổ chức vào các ngày và địa điểm thực hiện nghi trình, nghi thức có sự khác nhau. Trong đó, Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) được tổ chức vào ngày mồng 7, 8 tháng giêng hàng năm (tức ngày 6, 7 tháng tư theo lịch Mường Bi).

Đối với lễ hội Khai hạ Mường Vang thì được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng giêng, tại miếu Áng Ka và tại mái đá làng Vành, xã Yên Phú (Lạc Sơn) vào ngày mùng 7 tháng giêng.

Lễ hội Khai hạ Mường Thàng (Cao Phong) được tổ chức vào ngày mùng 5, 6 tháng giêng tại miếu Cả, xã Dũng Phong.

Lễ hội Mường Động (Kim Bôi) có phần lễ tổ chức ngày mùng 3/5 âm lịch, tại miếu Mường Chanh, xã Vĩnh Đồng. Mỗi địa điểm nơi diễn ra lễ hội đều gắn liền với lịch sử của các vị thần là người có công lập đất, lập mường.

Lễ hội Khai hạ được tổ chức với nhiều nghi trình, nghi thức độc đáo tạo nên nét riêng biệt.

Đặc sắc Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường Hoà Bình ảnh 2

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động Lễ hội, trước đó đã diễn ra nghi lễ mo cúng thổ công, thổ địa. Hoạt động thi đấu vòng loại các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc và thi séc bùa của 16 xã trên địa bàn huyện Tân Lạc. Bao gồm: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, ném còn, đánh cù, đánh mảng…

Các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian và thi séc bùa sẽ tiếp tục diễn ra trong các ngày 28 – 29/1 (tức ngày 7 – 8 tháng Giêng).