Đặc sắc những lễ hội đầu năm trên mọi miền đất nước
Từ lâu, lễ hội đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hình thức tổ chức và nội dung các lễ hội có sự kết hợp giữa lễ và hội, đan xen giữa tín ngưỡng dân gian, thờ thần hoàng làng, tín ngưỡng phồn thực… Ý nghĩa phần lễ trong các lễ hội Xuân không chỉ thuần túy mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm nét đạo lý, truyền thống tôn kính tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của các vị anh hùng, danh nhân có công xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, những bậc tiền nhân có công lớn trong việc khai hoang, mở đất, chiêu dân, lập ấp, truyền nghề mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Các lễ hội ở miền Bắc:
1. Hội chùa Keo – mùng 4 Tết âm lịch
Lễ khai chỉ tại lễ hội thu chùa Keo. Ảnh tư liệu: Thế Duyệt/TTXVN
Hội chùa Keo được tổ chức tại Chùa Keo (thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Lễ hội được tổ chức vào hai kỳ trong năm: Hội Xuân được tổ chức vào ngày 4 Tết Nguyên Đán và Hội Thu được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng 9 âm lịch.
Hội chùa Keo với tục thờ thiền sư Không Lộ, theo xuân thu nhị kỳ đã có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng. Hội vui xuân chùa Keo xưa, ngoài lễ Phật là các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, trong đó, đáng chú ý là ba trò thi: bắt vịt, nấu cơm và ném pháo.
2. Hội gò Đống Đa – mùng 5 Tết âm lịch
Vào ngày mùng 5 Tết âm lịch, nhân dân ta lại nô nức tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Ảnh tư liệu: Lê Phú/ Báo Tin tức
Hàng năm, vào ngày mùng 5 Tết âm lịch, nhân dân ta lại nô nức tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa tại khu gò Đống Đa thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa là chiến thắng oanh liệt của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu – 1789.
Ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ, đặc biệt tục rước rồng lửa đã thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.
3. Lễ hội Chùa Hương – từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch
Khu di tích danh lam thắng cảnh chùa Hương. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Lễ hội chùa Hương là một trong những lệ hội lớn nhất, cũng là lễ hội văn hóa có thời gian kéo dài nhất ở nước ta, diễn ra tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Phần lễ tại chùa Hương thể hiện sự tín ngưỡng Phật giáo của người Việt. Các phật tử, du khách thập phương cùng nhau thắp hương tịnh tâm cầu nguyện, giải tỏa mọi phiền muộn, lo lắng trong lòng. Không khí trẩy hội chùa Hương là một nét đẹp văn hóa thiêng liêng và độc đáo của dân tộc Việt, được lưu truyền qua nhiều đời.
Đến với chùa Hương, du khách không chỉ đến để cầu bình an cho năm mới mà còn được ngồi thuyền để vãn cảnh sông núi thanh bình với động Hương Tích, Hinh Bồng, chùa Thiên Trù, Thanh Sơn, Tuyết Sơn… xen lẫn với rừng núi, hoa lá cỏ cây tươi đẹp hiếm có.
4. Lễ hội Cổ Loa – từ ngày mùng 6 đến 16 tháng Giêng
Các làng rước kiệu vào Đền thờ vua An Dương Vương. Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN
Lễ hội Cổ Loa hay còn gọi là Hội đền An Dương Vương (ở làng Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) để tưởng nhớ đến vua Thục Phán có công dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa. Lễ hội có sự tham gia của 8 làng Cổ Loa, Mạch Tràng, Cầu Cả, Săn Giả, Thư Cưu, Đài Bi, Văn Thượng, Ngoại Sát (nay thuộc 3 xã Cổ Loa, Uy Nỗ và Xuân Canh). Ngoài ra còn có đoàn đại biểu dân ba xóm của làng Quậy (xã Liên Hà) đến lễ vua Thục.
Hội mở đầu bằng đám rước lớn của 12 xóm làng Cổ Loa, rước bài vị bằng Long đình, cùng với hương án và kiệu của các xóm từ đền Thượng xuống đình Ngự Triều Di quy. Đám rước đi vòng qua giếng Ngọc, cửa am Mỵ Châu, kéo dài bên bức tường thành cổ.
Hội có nhiều trò vui, như: đấu vật, kéo co, leo dây, đánh đu, múa võ, đấu cờ người, chọi gà. Buổi tối có hát tuồng, ca trù, hát chèo. Ngoài ra, những phong bánh chè lam mang hương vị quê hương càng giúp lòng khách dự hội thêm ngọt ngào.
5. Lễ hội đền Sóc (Hội Gióng) – mùng 6 tháng Giêng âm lịch
Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Cũng bởi vậy, lễ hội được nhiều người tìm đến để cầu nguyện sức khỏe, ý chí vươn cao trong năm mới. Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tham gia lễ hội đền Sóc, ngoài cầu nguyện, du khách cũng có thể trải nghiệm leo lên đỉnh núi Sóc- nơi tương truyền Thánh Gióng bay về trời.
6. Hội chợ Viềng – mùng 8 tháng Giêng âm lịch
Ai đến với chợ Viềng cũng có ý niệm “mua may bán rủi” cho năm mới được bình an, may mắn. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức
Hội chợ Viềng diễn ra hàng năm tại Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Chữ “Viềng” có nghĩa “về”, là “vầy”, sum vầy, hội tụ nhân dân khắp nơi về chung vui. Theo quan niệm từ xưa, phiên chợ này có ý nghĩa “mua may bán rủi”. Rất đông du khách từ khắp nơi đổ về chợ Viềng dịp này vì chợ chỉ họp duy nhất một lần trong năm. Những người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau.
Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Du khách còn có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng, cùng những vật dụng nhỏ khác.
Ngày nay, chợ Viềng đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật và cũng là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân của khách thập phương.
7. Lễ hội Yên Tử – ngày mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch
Chùa Đồng Yên Tử. Ảnh: XC-TG/Báo Tin tức
Mỗi độ xuân sang, du khách thập phương lại về Yên Tử, thành tâm chiêm bái chốn Tổ Thiền Trúc Lâm, thăm Khu Di tích lịch sử Yên Tử-thắng cảnh nổi tiếng thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động, như: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; Lễ khai ấn “Dấu thiêng chùa Đồng” đầu năm rất quan trọng và các hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian…
8. Hội Lim – ngày 13 tháng Giêng âm lịch
Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc với những hoạt động lễ và hội phong phú, gần như hội đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh. Lễ hội cũng là dịp để các Liền anh, Liền chị có cơ hội được giao lưu, hát giao duyên, thể hiện giọng ca và truyền thống quan họ rất riêng ở Bắc Ninh.
Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục xưa sặc sỡ và cầu kì, kéo dài tới gần 1 km. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần.
Ngoài ra, tại lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian, như: đấu võ, đấu vật, đấu cờ, thi dệt cửi, nấu cơm…
9. Hội đền Hùng – từ ngày mùng 9 đến 13 tháng 3 âm lịch
Đông đảo người dân về dự lễ tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh tư liệu: Minh Quyết/ TTXVN
Lễ hội đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương – đã được nâng lên thành quốc lễ để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn các vua Hùng có công dựng nước và giữ nước.
Hội mở từ ngày 9 đến 13 tháng 3, chính hội vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, có các nghi thức rước bánh chưng-bánh giầy tại đền Hùng (Hy Cương, Phong Châu, Phú Thọ). Từ trước chính hội, lễ hội đã diễn ra với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng.
Phần lễ trong ngày hội chính gồm 2 phần là: lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), thi đấu vật, thi kéo co, thi bơi…
Ngoài ra còn rất nhiều lễ hội khác như: Hội Xoan (từ ngày mùng 7 đến ngày mùng 10 tháng Giêng tại làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ); Lễ hội đền Trần (từ ngày 13 đến ngày 15 tháng Giêng tại đền Trần, thành phố Nam Định); Lễ hội Bà chúa Kho (từ ngày 14 đến hết tháng Giêng tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh); Hội chùa Thầy (từ mùng 5 đến mùng 7 tháng 3 âm lịch tại Chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội)…