Đại hội Thể thao toàn quốc 2022: Ghi dấu chặng đường vươn tới vinh quang

Chú thích ảnh
Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham dự đại hội. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Vì một Việt Nam cường thịnh

Tại lễ bế mạc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Những ngày qua, hàng chục triệu người trên cả nước đã hào hứng theo dõi nhiều cuộc tranh tài sôi nổi, đầy kịch tính song cũng thắm tình hữu nghị, đoàn kết. Các vận động viên, huấn luyện viên đến với Đại hội không chỉ để giành thắng lợi mà là sứ giả, cùng nhau chia sẻ những nét đẹp văn hóa riêng có, làm cho giá trị của thể thao ngày càng được lan tỏa và đọng mãi trong tâm trí của tất cả mọi người. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX đã trở thành ngày hội lớn của khát vọng vì một Việt Nam cường thịnh.

Tính từ môn thi đấu đầu tiên (ngày 18/11), tổng thời gian thi đấu 43 môn thể thao tại Đại hội diễn ra trong hơn 1 tháng, tại Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành phố khác (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hoà Bình, Vĩnh Phúc), trong đó, thời gian chính thức tập  trung nhiều nhất là 12 ngày (từ ngày 10 – 21/12/2022). Với số lượng vận động viên tham dự kỷ lục – trên 9.600 vận động viên (gồm trên 5.715 vận động viên nam, trên 3.900 vận động viên nữ) thuộc 65 đoàn thể thao (63 tỉnh, thành phố và 2 ngành: Quân đội, Công an) tham gia 933 nội dung thi đấu thuộc 43 môn thể thao. Trên 2.100 huấn luyện viên, trên 810 cán bộ, lãnh đội đã đồng hành, hỗ trợ các vận động viên. Góp phần vào công tác chỉ đạo, điều hành để đại hội thành công, 570 thành viên Ban tổ chức đã đảm nhận mọi vị trí, hơn 2.500 trọng tài làm nhiệm vụ điều hành các trận đấu tại Đại hội. Đây là những con số ấn tượng của kỳ Đại hội này.

Xếp hạng chung cuộc, với sự đầu tư lớn về số lượng và chất lượng vận động viên, Đoàn Hà Nội giành được 175 huy chương Vàng, 143 huy chương Bạc và 157 huy chương Đồng. Đây là lần thứ 6, Hà Nội bảo vệ thành công ngôi đầu bảng xếp hạng. Đoàn Thành  phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 (128 Huy chương Vàng). Đoàn Quân đội có kỳ thứ 9 liên tiếp xếp vị trí thứ Ba với 90 Huy chương Vàng. Đoàn Thanh Hóa đã bất ngờ vươn lên vị trí thứ 4, tiếp đến là Đà Nẵng, Đồng Nai, Hải Phòng, Bình Dương… Theo thống kê, 56/65 đoàn tham dự Đại hội có vận  động viên giành được Huy chương Vàng.

Trên bảng tổng sắp dành cho 19 địa phương miền núi, Thái Nguyên dẫn đầu với 18 huy chương Vàng. Tiếp đến là Bắc Giang, Đắk Lắk, Phú Thọ, Hoà Bình, Lâm Đồng, Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai…

Ông Đặng Hà Việt, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao cho biết: Đối với thể thao, sau một chu kỳ 4 năm, các lứa vận động viên sẽ có sự thay đổi. Do đó, Đại hội góp phần đánh giá toàn diện về chất lượng phong trào thể dục thể thao trong cả nước. Từ những thành tích của các vận động viên, ngành thể thao kịp thời phát hiện, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng vận động viên sẵn sàng thi đấu tại các giải lớn như SEA Games lần thứ 32 năm 2023, Olympic Games lần thứ 33 năm 2024, ASIAN Games lần thứ 20 năm 2026…

Vươn đến kỷ lục mới

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, đã có 53 kỷ lục quốc gia và 96 kỷ lục đại hội được xác lập. Điền kinh là một trong số môn thể thao gặt hái “mưa kỷ lục”. Nhà vô địch SEA Games Bùi Thị Nguyên là vận động viên đầu tiên giành Huy chương Vàng, phá kỷ lục đại hội ở nội dung chạy vượt rào 100 m nữ, với thành tích 13 giây 38, phá kỷ lục đại hội (13 giây 49) được lập 12 năm trước của Bạch Phương Thảo (sinh năm 1988, người Nam Định). Cựu tuyển thủ điền kinh quốc gia Nguyễn Trung Cường từng giành Huy chương Đồng giải trẻ châu Á 2018, Huy  chương Bạc SEA Games 30 đã có phong độ thi đấu ấn tượng và giành Huy chương Vàng chạy 3.000 m chướng ngại vật nam tại Đại hội với thời gian 8 phút 58 giây 35. Kết quả này đã “xô đổ” kỷ lục 8 phút 59 giây 6 của Đỗ Quốc Luật lập năm 2018.

Nữ hoàng điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) tiếp tục tỏa sáng ở Đại hội khi giành 4 Huy chương Vàng và đặc biệt để lại ấn tượng khi phá sâu kỷ lục quốc gia ở nội dung 10.000 m với thành tích 33 phút 13 giây 23. Nguyễn Thị Oanh chia sẻ: Bao nhiêu vất vả, mệt mỏi trong quá trình tập luyện của cô đã được đáp trả bằng hạnh phúc và thành quả ngọt ngào tại Đại hội. Nội dung 10.000m không phải sở trường của cô nên việc lập được kỷ lục là điều bất ngờ với chính cô. Năm 2022 là một năm tuyệt vời và cô mong rằng đây sẽ là nguồn động lực, đòn bẩy giúp cô tiếp tục rèn luyện, phấn đấu cho những mục tiêu phía trước.

Đặc biệt, vận động viên 18 tuổi Lê Thị Tuyết (Phú Yên) đã gây “sốc” trên đường chạy ở nội dung 42 km. Với thành tích 2 giờ 47 phút 3 giây, Lê Thị Tuyết đã giành Huy chương Vàng, lập kỷ lục mới của Đại hội, phá kỷ lục cũ là 2 giờ 48 phút do vận động viên Phạm Thị Bình (Quảng Ngãi) lập vào năm 2014. Vóc dáng nhỏ bé, chỉ cao 1m46 và nặng 37 kg, Lê Thị Tuyết đã trở thành một “hiện tượng điền kinh” với thành tích đạt được tại Đại hội. Lê Thị Tuyết chia sẻ: Kết quả thi đấu là một sự bất ngờ và sẽ mãi là kỷ niệm quan trọng nhất trong sự nghiệp vận động viên của em. Mục tiêu của em là chinh phục đấu trường SEA Games và các giải đấu tiếp theo của điền kinh Việt Nam.

Tại Đại hội này, môn điền kinh có 6 lượt phá kỷ lục quốc gia, 25 lượt phá kỷ lục đại hội. Lứa vận động viên điền kinh này hứa hẹn sẽ mang đến vinh quang cho Việt Nam trên đấu trường lớn trong thời gian tới. Các vận động viên môn bơi cũng đã thi đấu vô cùng xuất sắc, phá 5 lượt kỷ lục quốc gia, 23 lượt kỷ lục đại hội. Thành tích của vận động viên không chỉ là thế hệ sau nỗ lực vượt qua thành tích của thế hệ trước, mà còn là nỗ lực của các vận động viên vượt qua chính thành tích của bản thân.