Dân tộc Dao
NDO –
Người Dao có nhiều nhóm dân tộc, sinh sống tại hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc, trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. Các nhóm dân tộc người Dao hiện đều giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.
1. Nguồn gốc lịch sử: Người Dao có nguồn gốc từ Trung Quốc, việc chuyển cư sang Việt Nam kéo dài suốt từ thế kỷ XII, XIII cho đến nửa đầu thế kỷ XX.
Các nhóm dân tộc Dao: Dao Ðỏ (Dao Cóc Ngáng, Dao sừng, Dao Dụ lạy, Dao Ðại bản), Dao Quần chẹt (Dao Sơn đầu, Dao Tam đảo, Dao Nga hoàng, Dụ Cùn), Dao Lô gang (Dao Thanh phán, Dao Cóc Mùn), Dao Tiền (Dao Ðeo tiền, Dao Tiểu bản), Dao Quần trắng (Dao Họ), Dao Thanh Y, Dao Làn Tẻn (Dao Tuyển, Dao áo dài).
Về tộc danh: Kềm Miền, Kiềm Miền, Kìm Mùn, Kìm Mần, Bièo Mùn, Liào Mần, Dù Miền, Dìu Miền, Yìu Miền… Ngoài ra, trước kia, họ còn được gọi là Động, Xá, Mán…
2. Dân số: Theo Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 của Ủy ban Dân tộc Việt Nam – Tổng cục Thống kê, dân số người Dao tính đến thời điểm 1/4/2019 là 891.151 người, trong đó nam là 450.089 người, nữ là 441.062 người.
3. Ngôn ngữ: Thuộc hệ Hmông-Dao
4. Phân bố địa lý: Hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc, trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ.
5. Đặc điểm chính:
– Nhà ở: Nhà của người Dao rất khác nhau, nhà trệt, nhà sàn hay nhà nửa sàn, nửa đất.
– Cấu trúc gia đình: Phụ hệ.
– Trang phục truyền thống: Trước đây đàn ông để tóc dài, búi sau gáy hoặc để chỏm tóc dài trên đỉnh đầu, xung quanh cạo nhẵn. Các nhóm Dao thường có cách đội khăn khác nhau. Áo có hai loại, áo dài và áo ngắn.
Phụ nữ Dao mặc đa dạng, thường mặc áo dài yếm, váy hoặc quần. Y phục rất sặc sỡ. Họ thêu hoàn toàn dựa vào trí nhớ trên mặt trái của vải để hình mẫu nổi lên mặt phải. Nhiều loại hoa văn như chữ vạn, cây thông, hình chim, người, động vật, lá cây. Người Dao in hoa văn trên vải bằng sáp ong, dùng bút vẽ hay nhúng khuôn in vào sáp ong nóng chảy rồi in lên vải. Vải sau khi nhuộm chàm sẽ hiện lên hoa văn màu xanh lơ do phủ lớp sáp ong không bị thấm chàm.
– Ẩm thực: Người Dao ăn cơm là chính, ở một số nơi ăn ngô nhiều hơn ăn cơm hoặc cháo. Họ còn thích ăn thịt luộc, các món thịt sấy khô, ướp chua, canh măng chua.
– Lễ tết: Người Dao ăn Tết vào tháng Giêng, cúng tổ tiên vào tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Chạp. Tùy vào từng nhóm Dao lại có những ngày cúng tổ tiên riêng. Ngoài ra, còn có các nghi lễ vòng đời như lễ cấp sắc, cưới xin, tang ma, cầu sức khỏe, cúng ma…
– Tín ngưỡng: Người Dao vừa tin theo các tín ngưỡng nguyên thủy, các nghi lễ nông nghiệp vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Ðạo giáo. Bàn vương được coi là thuỷ tổ của người Dao nên được cúng chung với tổ tiên từng gia đình. Theo truyền thống tất cả đàn ông đã đến tuổi trưởng thành đều phải qua lễ cấp sắc, một nghi lễ vừa mang tính chất của Ðạo giáo, vừa mang những vết của lễ thành đinh xa xưa.
Với đặc điểm về tín ngưỡng đa thần, trong gia đình người Dao thường thờ cúng ma ông bà, cha mẹ, ma bếp lò, ma thổ địa… Trong dòng họ hay chi họ hoặc tông tộc thì thờ cúng ma dòng họ. Ở phạm vi cộng đồng làng bản có thờ cúng ma bản bao gồm các thần phù hộ và thổ thần của bản, cúng cầu mưa hoặc cầu nắng, cúng diệt trừ sâu bọ… Ngoài ra, trước đây đồng bào Dao còn cúng ma ruộng, ma nương, ma nước nguồn…
– Điều kiện kinh tế: Canh tác trên nương, thổ canh hốc đá, ruộng, tuỳ theo từng nhóm, từng vùng. Cây lương thực chính là lúa, ngô, các loại rau màu. Họ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà ở vùng lưng chừng núi và vùng cao còn nuôi ngựa, dê. Người Dao còn có một số nghề như trồng bông, dệt vải, sửa chữa nông cụ, làm súng hỏa mai, súng kíp, đúc đạn bằng gang, làm bạc, làm giấy bản, ép dầu thắp sáng hay dầu ăn, làm đường mật…
Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê, Tỷ lệ hộ nghèo: 31,0%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 15,7%; Tỷ lệ thất nghiệp: 1,21%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 5,4%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 13,6%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 1,6%; Tỷ lệ hộ làm nghề thủ công truyền thống: 0,27%.
– Điều kiện giáo dục: Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông: 73,8%; Tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học: 101,4%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở: 89,3%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông: 38,9%; Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường: 16,5%.
(Nguồn:
– Các dân tộc ở Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật)
– Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 (Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê)
– Website Ủy ban Dân tộc
– Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc Việt Nam)