Đánh giá Canon EOS M50 – Bước tiến lớn của Canon trong mảng mirrorless!
Đánh giá của DuyTom: Rất tốt!
Giá Canon M50:
2018: 17,3 triệu đồng
2019: 13 triệu chính hãng – 11 triệu nhập khẩu
Năm sản xuất: 2018
Phù hợp: Mọi đối tượng, từ nghiệp dư cho tới người có kinh nghiệm
Mục lục bài viết
Giới thiệu
Canon EOS M50 – EF-S10-18mm f/4.5-5.6 IS STM – ƒ/13.0 – 10.0 mm – 1/60 giây – ISO 200
Hiện nay dòng máy ảnh không gương lật (mirroless) đang trở thành một xu thế tất yếu, phát triển rất nhanh và thần tốc với các hãng Sony, Fujifilm, Olympus… Canon tuy hơi chậm chạp nhưng cũng đã tung ra những sản phẩm của mình trong mảng máy ảnh không gương lật.
Sau M5, M6 ra mắt cách đây khoảng 2 năm ở phân khúc cao cấp, Canon đã tung ra thêm Canon M100 ở phân khúc giá rẻ nhưng có vẻ bộ ba này vẫn còn thua thiệt ở những yếu tố nhất định khi so với các đối thủ cùng cấp từ Sony và Fujifilm. Nhưng mọi chuyện đang bắt đầu có tiến triển khả quan khi Canon giới thiệu M50 như 1 lời khẳng định sự nghiêm túc của hãng với thị trường tiềm năng này. Câu hỏi nhiều người đặt ra sẽ là: “Tôi có cần đổi sang M50 khi đã có M5 (M6) hay không?”
Sau 2 tuần sử dụng liên tục Canon M50 thì Duytom thấy có nhiều sự nâng cấp đáng giá về tính năng so với M5, M6. M50 vẫn có kiểu thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả, bề ngoài nhìn gần giống như đàn anh M5 nhưng ít nút xoay hơn. Ngoài ra, Canon M50 mới đây cũng lọt vào danh sách máy ảnh bán chạy nhất của EISA Awards 2018 (hiệp hội Hình ảnh và Âm thanh Châu Âu).
Chiếc máy này hỗ trợ người mới chơi và cả những người đã có kinh nghiệm. Những tính năng M50 mang bên trong mình có thể sánh ngang với những máy dòng 2 số đời mới nhất như Canon 80D, thậm chí là hơn:
- Sensor CMOS 24 MP crop 1.6x
- Bộ vi xử lý DIGIC 8 mới nhất (Canon 80D sử dụng chip DIGIC 6)
- Hệ thống lấy nét trứ danh Dual Pixel AF với 99 – 143 điểm lấy nét
- Màn hình xoay lật LCD có cảm ứng
- Quay phim 4K, timelapse 4K
- Wifi, NFC, Bluetooth
- Hiệu ứng tiền kì, hậu kì đầy đủ
- Hot shoe cắm flash rời
- File Raw CR3 mới nhất của Canon cùng với C-RAW
- Chụp liên tục 10 fps (7.4 fps với AI SERVO)
Với người dùng nghiệp dư, bạn không cần gì hơn chiếc máy này cả. Với người dùng dịch vụ chuyên nghiệp, sẽ có cản trở ở số vòng xoay trên máy. Máy chỉ có 1 vòng xoay nên tốc độ xử lý không nhanh như các dòng chuyên nghiệp.
Giá
2018: 17,3 triệu đồng
2019: 13 triệu chính hãng – 11 triệu nhập khẩu
Thông số kỹ thuật
Sensor
24MP crop
Flash
Có
ISO
100 – 25600
Shutter
1/4000 đến 30 giây
Frame Rate
10 FPS.
Hệ thống lấy nét
Dual Pixel AF 99 – 143 điểm lấy nét (tùy thuộc vào lens sử dụng)
Quay phim
4K, FULLHD, Slowmotion
Thẻ nhớ
Dùng thẻ SD
Sử dụng
Hỗ trợ người dùng:
Video review M50
Kích thước của Canon M50 rất nhỏ gọn, bề dài bằng khoảng 1 chiếc điện thoại màn hình 4-4.5 inch, có thể nằm trong lòng bàn tay của người sử dụng. Báng cầm tay (grip) của M50 khá vừa, cầm chắc tay với những người có bàn tay nhỏ hoặc trung bình. Bạn có thể cầm M50 kèm lens kit rất dễ dàng dù chỉ bằng 1 tay.
Với những người nghiệp dư, Canon M50 rất dễ sử dụng, máy có đầy đủ các chế độ tự động như P, SCN, A+ và màn hình cảm ứng xoay lật. Chỉ cần bấm nút chụp hoặc chạm màn hình cảm ứng thì người sử dụng sẽ có những bức hình rất ấn tượng với các chế độ chụp này. Màn hình xoay lật giúp việc selfie chất lượng cao dễ dàng hơn rất nhiều. Về mặt này, M50 giống như 1 chiếc smartphone camera với chất lượng ảnh rất cao.
Với người dùng có kinh nghiệm, Canon M50 có đầy đủ các chế độ M, Av, Tv, bù trừ sáng EV để chúng ta tự điều chỉnh. Điều đáng tiếc như đã nói ở trên là máy chỉ có 1 vòng xoay chế độ khiến việc thao tác bị chậm đi. Nhưng chúng ta có thể tinh chỉnh lại trong menu của máy để tận dụng nút M-fn và nút quay phim để làm phím tắt điều chỉnh ISO và khẩu độ hoặc bù trừ sáng EV. Với tốc độ thao tác như vậy, chúng ta có thể chụp dịch vụ chân dung với M50.
Chụp nhu cầu cơ bản chân dung
Canon EOS M50 + EF 70-200mm F/2.8L Non IS. F/3.5, 1/1000s, ISO 250, 125mm. File JPG xuất thẳng từ máy không qua chỉnh sửa.
Canon EOS M50 + EF-M 22mm F/2. F/2, 1/80s, ISO 250. File JPG xuất thẳng từ máy không qua chỉnh sửa.
Canon EOS M50 + EF-M 22mm F/2
Canon EOS M50 – EF85mm f/1.4L IS USM – ƒ/1.4 – 85.0 mm – 1/200 giây – ISO: 160
Canon EOS M50 – EF85mm f/1.4L IS USM – ƒ/1.4 – 85.0 mm – 1/250 giây – ISO: 100
Về chất lượng ảnh, Canon M50 bằng các máy 2 số cao cấp như 70D, 80D. Màu sắc lên đẹp, hiện đại và bắt mắt. Xử lý tương phản tốt với một chiếc máy crop.
Về ISO, máy xử lý ISO rất tốt, tốt hơn 70D, khi tắt hết các setting khử noise trên máy thì ảnh vẫn khá sạch ở ISO cao, ví dụ như ảnh dưới đây
Dù ở ISO khá cao là 5000 và tắt hết tất cả các chức năng khử noise tự động của máy, nhưng M50 vẫn làm khá tốt, sạn nhiễu là có nhưng không bị các hạt xanh đỏ tím vàng nhiều như các máy đời trước.
M50 có hot shoe gắn đèn flash rời, tức là người dùng có thể sử dụng flash rời hoặc những cách set up đèn khác nhau cho mục đích nghệ thuật trong ảnh chân dung của mình.
Canon EOS M50 cũng có chức năng Eye Focus. Đây là tính năng giúp chụp ảnh chân dung nét CỰC KÌ CĂNG dù ở khẩu độ lớn nhất của lens. Người dùng không còn cần phải lo lắng đến vấn đề back-front focus khi sử dụng các máy DSLR khác của Canon. Việc chúng ta cần làm chỉ là bố cục, chỉnh thông số, đưa máy lên, để máy tự nhận diện khuôn mặt và mống mắt của mẫu và chụp. Đây là ảnh ví dụ:
Ảnh chụp tự động lấy nét vào mắt mẫu
Zoom kĩ hơn vào mẫu
Các bạn có thể thấy độ nét là rất tốt, lên sần của phần da dưới lớp trang điểm, rõ từng đường lông mày…. Căn bệnh back-front focus từng khiến nhiều người đau đầu nay không còn nữa. Chụp chân dung nét căng trở nên quá đỗi dễ dàng dù là với người mới sử dụng.
Chụp phong cảnh:
Canon EOS M50 – EF-S10-18mm f/4.5-5.6 IS STM – ƒ/13.0 – 10.0 mm – 1/5 giây – ISO 100
Canon EOS M50 – EF-M15-45mm f/3.5-6.3 IS STM – ƒ/3.5 – 15.0 mm – 1/400 – ISO: 100
M50 chụp phong cảnh rất tốt. Chiếc máy này phù hợp chụp phong cảnh cho cả các đối tượng thích chụp ảnh ăn liền lẫn các bạn thích về điều chỉnh ảnh bằng các phần mềm chuyên dụng.
Đây là thời đại mạng xã hội phát triển rất mạnh mẽ với nhu cầu cập nhật ảnh lên facebook, zalo, insta thường xuyên, liên tục. Chờ đợi mở laptop ra, chỉnh sửa ảnh gốc và đưa lên mạng quả là rắc rối với nhiều người. Nhưng tin vui là Canon M50 hỗ trợ rất tốt ở khoản chụp ảnh phong cảnh ăn liền với các chế độ giả lập rất hay ở mode Creative Filters. Chúng ta có các chế độ Art Vivid, Art Bold, Art Embossed và Art Standard,… rất tiện dụng cho nhu cầu chụp ảnh ăn liền nhưng vẫn gây ấn tượng mạnh cho người xem. Đây là các ví dụ:
HDR Art Standard
HDR Art Bold
HDR Art Embossed
Nếu bạn là 1 người thích chỉnh sửa ảnh, M50 vẫn cho các kết quả khả quan. Dynamic range của M50 khá tốt so với các máy crop 70D. Khi kéo sáng nhiễu xuất hiện là điều khó tránh khỏi nhưng ảnh vẫn đảm bảo đủ chất lượng, có thể đem đi in khổ vừa.
Ảnh before – after hậu kỳ
Vùng tối cứu sáng vẫn sẽ có sạn
Ảnh sau hậu kỳ – Canon EOS M50 – EF-S10-18mm f/4.5-5.6 IS STM – ƒ/11.0 – 10.0 mm – 1/25 giây – ISO 400
Về phơi sáng, khi người sử dụng muốn phơi lâu hơn 30s, các bạn có thể chuyển thời gian phơi sáng về chế độ Bulb, và để đảm bảo máy không rung lắc thì có thể sử dụng Remote bluethooh BR-E1 hoặc app Canon trên điện thoại.
Các dòng mirroless có 1 chế độ mà người viết rất thích đó chính là focus peaking, chế độ này giúp chúng ta lấy nét bằng tay rất tốt, không quá mất thời gian căn chỉnh nhưng vẫn đảm bảo việc đúng nét (ví dụ như chụp phong cảnh). Chế độ này sẽ tô màu vào các vùng nét của máy để chúng ta nhận biết dễ dàng hơn.
Canon EOS M50 – EF-M15-45mm f/3.5-6.3 IS STM – ƒ/11 – 15.0 mm – 6 giây – ISO: 100
Chụp Đường phố
Canon EOS M50 – EF-M22mm f/2 STM – ƒ/2.2 – 22.0 mm – 1/250s – ISO: 8000
Canon EOS M50 – EF-M22mm f/2 STM – ƒ/2.8 – 22.0 mm – 1/100s – ISO: 400
Nhiều người thích sử dụng dòng máy ảnh không gương lật (mirroless) vì tính nhỏ gọn, ít bị để ý và yên lặng của nó phù hợp với nhu cầu chụp đời thường của họ. Nhưng tiếc thay Canon M5, M6, M100 hay M3 M10 đều không có chức năng màn trập yên lặng (silent shooting) nên đôi khi tiếng màn trập làm chúng ta dễ bị để ý hơn trong quá trình tác nghiệp. Nhận ra điều đó, Canon đã đưa vào tính năng silent shooting vào Canon M50 để phục vụ cho những mục đích ấy hoặc những môi trường không được phép có tiếng ồn (buổi hòa nhạc, phòng kín,….). Đây là vài ví dụ của người chụp về sự lợi hại của tính năng này.
Người chụp đeo máy ảnh trước ngực, sử dụng app Camera Connect của Canon trên điện thoại và tiếp cận cụ bà này, giả vờ cầm điện thoại bấm như một du khách và chụp ở chế độ yên lặng thông qua app. Bà có quay sang nhìn mình vài lần nhưng không hề nghĩ là mình đang chụp bà ấy nên hình ảnh rất tự nhiên và mình cũng không cần phải lo lắng về vấn đề an toàn.
Đây là 1 ví dụ khác về tác dụng của chế độ chụp yên lặng trên máy.
Người chụp sử dụng lens 22mm nên cần phải tiếp cận rất sát để chụp tấm ảnh này. Nếu không có chế độ chụp yên lặng thì rất khó để họ không thức dậy giữa chừng.
Thể thao/tốc độ nhanh
Tuy Canon M50 không phải là chiếc máy nhắm đến mục đích chụp thể thao nhưng Canon vẫn cung cấp cho máy khả năng chụp liên tiếp khá ấn tượng (7,4 fps). Khả năng bắt nét liên tục của máy là rất tốt khi chụp trong điều kiện đủ sáng.
Khi một đối tượng di chuyển thẳng trực tiếp về phía người chụp, đó luôn là bài toán khó nhất cho hệ thống lấy nét tự động của máy. Nhưng Canon đã làm khá tốt ở mảng này, máy vẫn bắt theo được chuyển động của xe. Chỉ đáng tiếc rằng bộ nhớ đệm của M50 khá nhỏ nên khi chụp khoảng 10 tấm Raw + JPG thì máy sẽ phải nghỉ vài giây để lưu ảnh vào thẻ. Tất cả các hình trên đều là file JPG xuất thẳng từ máy, chưa qua chỉnh sửa.
Khi chụp thể thao trong môi trường thiếu sáng, điểm yếu của M50 bắt đầu lộ rõ. ISO cao cộng với tốc độ phản hồi chậm của EVF trong môi trường thiếu sáng làm việc chụp thể thao trong những điều kiện này trở nên cực khó khăn.
1 tips nhỏ để máy lấy nét chính xác hơn trong các điều kiện không thuân lợi: người sử dụng hãy đổi sang chế độ chụp liên tục chậm (S). Điều chỉnh này sẽ giúp máy lấy nét chính xác hơn.
7,4 fps ở chế độ lấy nét liên tục là hoàn toàn khả thi để người chụp có thể bắt được các khoảnh khắc rất đẹp, ví dụ như ảnh dưới đây.
Wifi
M50 có đầy đủ wifi bluetooth để kết nối với điện thoại. Các tính năng kết nối của M50 rất mạnh thông qua app Camera Connect của Canon.
quay video
M50 là chiếc máy phổ thông đầu tiên của Canon có quay 4K. Một bước tiến lớn để cạnh tranh với các đối thủ trực tiếp. Chiếc M50 hiện nay thậm chí đã mạnh hơn các máy Fuji cùng tầm và sánh ngang với Sony về mặt tính năng.
Thẻ nhớ
M50 sử dụng 1 thẻ nhớ SD.
Pin
Pin cho Canon M50 là loại pin mang mã hiệu LP-E17
Theo thời gian sử dụng thực tế hỗn hợp của người chụp, 1 viên pin sạc đầy có thể chụp được khoảng 350 shots trước khi hết cạn pin (không bật các chế độ tiết kiệm pin).
Nếu bạn là 1 người không chụp nhiều, chủ yếu mang theo chụp chơi thì chỉ cần 2 viên pin để phòng hờ trường hợp quên sạc. Còn nếu bạn là người cả ngày đi ngoài phố, chụp tất cả những thứ có thể chụp được hoặc bạn chụp sự kiện, chân dung nhiều thì nên mua 3 viên pin để an tâm.
Khuyên dùng
Canon EOS M50 – EF-M15-45mm f/3.5-6.3 IS STM – ƒ/16 – 15.0 mm – 1/5 giay – ISO: 800
Thông qua M50, Canon đã gửi đi 1 tín hiệu mạnh mẽ về sự lột xác trong tương lai ở mảng mirroless. Nhiều tính năng mới, hiệu quả hơn đã được hãng tích hợp vào máy ở một mức giá rất phải chăng. Bạn sẽ chọn M50 nếu:
– Tầm tiền của bạn trong khoảng 20 triệu trở lại
– Bạn cần chiếc máy đa dụng phục vụ hầu hết các chức năng cơ bản: chụp, quay 4K, slowmotion, timelapse, HDR.
– Nhu cầu của bạn là nhu cầu nghiệp dư gồm: du lịch, phượt, làm youtube, vlog,
– Đang lăn tăn so sánh với M5, M6, 70D. Hãy lấy M50 luôn vì nó mạnh hơn cả 3 chiếc máy trên.
– Bạn làm dịch vụ cần máy sơ cua.
Bạn sẽ không chọn M50 nếu:
– Tài chính của bạn từ 30 triệu trở lên: full-frame sẽ là lựa chọn hợp lý và cho chất lượng hình ảnh cao hơn.
– Làm dịch vụ đòi hỏi khắt khe về chất lượng: hãy chọn dòng full-frame như 6D, 6D2, 5D3… những chiếc máy này chắc chắn hầm hố, chất lượng rất cao và đã được kiểm chứng.
Tác giả
Sagittarius Kat
Bản quyền hình ảnh và nội dung thuộc về duytom.com.
DuyTom Youtube
Comment
{fcomment}