Đánh giá Chevrolet Trailblazer LTZ – máy êm, trang bị tốt, giá “hời”
Sau khi dừng nghỉ trưa tại hồ Đắk Ke, thì cả đoàn tiếp tục mon theo cung tỉnh lộ 669 và 637 đến hồ Vĩnh Sơn tại K’Bang, Gia Lai. Cung đường Đông Trường Sơn có rất nhiều đèo dốc và cua gắt nên cũng giúp mình cảm nhận rõ hơn về tổng thể khả năng vận hành (handling) của chiếc SUV 7 chỗ này.
Trước khi trải nghiệm Trailblazer thì mình đã nghĩ cảm giác lái của Trailblazer ắt hẳn có nhiều điểm tương đồng với Isuzu mu-X vì 2 mẫu xe này chia sẻ khá nhiều kiến trúc khung gầm với nhau. Bên cạnh đó, mu-X cũng là chiếc xe mình và nhiều anh em trong ngành đánh giá rất cao về cảm giác lái trong phân khúc SUV phổ thông cỡ trung 7 chỗ ngồi.
Nhưng khi nói chuyện với ông Chatchawan Chantaket – Giám đốc kỹ thuật GM Đông Nam Á tham gia chung chuyến đi này, thì mình được chia sẻ rằng đời Trailblazer nâng cấp facelift từ 2016 đến nay đã được cải tiến rất nhiều ở phần khung gầm. Một trong số đó là các chi tiết cao su liên kết giữa chassis và thân xe được làm cứng hơn nhằm cải thiện độ chắc chắn của phản ứng thân xe.
Trải nghiệm thực tế trên những cung đường đèo tuyệt đẹp của Tây Nguyên, Trailblazer thật sự ghi điểm ở mặt khung gầm. Độ nghiêng thân xe khi vào cua được kiểm soát khá tốt ở khía cạnh một chiếc SUV gầm cao. Phản ứng khung gầm vẫn vừa đủ gọn gàng, không nhiều những chuyển động dư thừa. Chiếc SUV này cho cảm giác nhanh nhẹn và dễ kiểm soát hơn mức trọng lượng 2,1 tấn của nó.
Có điểm trừ nho nhỏ là cảm giác vô lăng trợ lực điện của Trailblazer hơi nhẹ và không cung cấp nhiều phản hồi từ mặt đường như người anh em Isuzu mu-X xài hệ thống trợ lực thủy lực truyền thống. Thế nên qua những góc cua cảm giác vô lăng của Trailblazer không đem lại sự tự tin và truyền nhiều cảm hứng cho người lái. Ngoài ra, cảm giác chân phanh có độ rơ ban đầu lớn cũng là một điểm mình chưa ưng trên Trailblazer. Nhưng theo anh bạn Chatchawan thì chủ xe có thể yêu cầu kỹ thuật viên tại đại lý của Chevrolet giảm bớt khoảng rơ trong hành trình chân phanh bất cứ lúc nào.
Cùng với mu-X, Trailblazer là một trong những chiếc xe hiếm hoi trong phân khúc có hệ thống treo cho cảm giác cân bằng, nếu không muốn nói là hơi cứng, thay vì quá mềm như những đối thủ khác. Cá nhân mình đánh giá cao cảm giác treo của Trailblazer bởi vì nó giúp thân xe ít bị nghiêng khi vào cua và từ đó người ngồi bên trong cũng đỡ bị giật lắc. Đặc biệt là khi đi đường đèo nhiều cua, việc giảm những giật lắc sẽ giúp người ngồi trong xe đỡ bị “say xe” hơn.
Hộp số tự động 6 cấp của Trailblazer có chế độ sang số thể thao +/-, nhưng vẫn chưa có lẫy chuyển số sau vô lăng. Ở chế độ sang số thể thao, mình thấy việc lên/xuống số vẫn còn độ trễ khá nhiều và chưa đáp ứng thật sự tốt theo nhu cầu tốc độ của người lái. Còn trong điều kiện bình thường, mình không có phàn nàn gì về hộp số này vì các bước chuyển số đều mượt mà và phù hợp với tiêu chí một mẫu xe gia đình cần sự êm ái. Đặc biệt, thuật toán hộp số của Trailblazer rất thông minh khi phát hiện tình trạng xe đang đổ đèo để tự động trả về số thấp, giữa tua máy cao. Mục đích là để tạo lực phanh động cơ (engine brake) giúp cho việ đổ đèo thêm an toàn. Tính năng thú vị này được Chevrolet gọi là Grade Braking Active.
Ở điểm đến hồ Vĩnh Sơn, mình có dịp trải nghiệm nhanh khả năng offroad của Trailblazer trên mặt đường đất đỏ ít độ bám. Cũng giống như hầu hết những mẫu xe khác trong phần khúc, Trailblazer được trang bị hệ thống dẫn động 4 bánh 4WD với núm xoay gài cầu điện tử. Mặc dù không có tính năng khóa vi sai, nhưng chiếc SUV 7 chỗ của Chevrolet vẫn có một hệ thống vi sai chống trượt LSD (Limited Slip Differential). Hệ thống này sẽ tự động khóa vi sai cầu sau khi tốc độ của 2 bánh sau có sự chênh lệch về tốc độ nhất định. Có thể hiểu LSD là một kiểu khóa vi sai tự động.
Về mặt lý thuyết, thì hiệu quả của hệ thống vi sai chống trượt vẫn không thể so sánh với hệ thống khóa vi sai truyền thống. Tuy nhiên, trong đa phần các tình huống offroad, thì hệ thống Vi sai chống trượt LSD vẫn đáp ứng được hết các yêu cầu phức tạp. Hiệu quả của hệ thống Vi sai chống trượt LSD trong thực tế cũng phải 9/10 với hệ thống khóa vi sai.
Tình huống ở hình dưới là một bánh sau bị hổng lên mất độ bám với mặt đường. Chỉ trong tíc tắc, hệ thống Vi sai chống trượt LSD đã phân bổ lực nhiều hơn về phía bánh xe đang duy trì độ bám với mặt đường để giúp xe thoát khỏi tình huống khó này. Nói chung là địa hình đất đỏ ít độ bám ở hồ Vĩnh Sơn cũng không thể làm khó được Trailblazer LTZ với cấu hình dẫn động 4WD.
Chặng từ hồ Vĩnh Sơn về thành phố biển Quy Nhơn diễn ra trong đêm. Chặng này mình không tự tin chạy nhanh như những chặng trước vì hạn chế tầm nhìn do hệ thống đèn halogen trước của Trailblazer không thực sự xuất sắc lắm.
Cung đường từ Quy Nhơn về Nha Trang ngày hôm sau diễn ra khá nhẹ nhàng và nhàn nhã nhờ sự hỗ trợ từ những công nghệ an toàn hiện đại trên bản Trailblazer LTZ như: Cảnh báo va chạm phía trước, Cảnh báo lệch làn và Cảnh báo điểm mù. Ngoài ra, mình cũng đánh giá cao việc Chevrolet trang bị sẵn tính năng cảnh báo áp suất lốp trên Trailblazer LTZ.
Cuối cùng là 2 điểm mình chưa hài lòng về Trailblazer. Thứ nhất, phiên bản LTZ cao nhất chỉ được trang bị 2 túi khí bảo vệ. Trong khi ở tầm giá 1 tỷ đồng, hầu hết các mẫu xe khác trong phân khúc đều có 6 hoặc 7 túi khí. Thứ nhì, hàng ghế thứ 2 của Trailblazer không có khả năng trượt lên xuống để mở rộng không gian cho hàng ghế thứ 3. Thế nên hàng ghế thứ 3 của Trailblazer chỉ thật sự thoải mái với những người lớn cao dưới 1m7 và trẻ em.
Có thể nói, ở mức giá dưới 1 tỷ đồng thì phiên bản Trailblazer LTZ thật sự rất hấp dẫn ở tiêu chí tính năng/giá cả so với những phiên bản tiêu chuẩn của các đối thủ khác trong phân khúc. Mặc dù còn nhiều điểm trừ như cảm giác vô lăng không nhiều cảm xúc, chỉ có 2 túi khí, hàng ghế 2 không trượt được, nhưng dù sao Trailblazer vẫn đóng khá tròn vai ở góc độ một mẫu xe đa dụng. Nếu bạn đang kiếm một chiếc SUV 7 chỗ với đầy đủ tiện nghi và an toàn cho gia đình ở mức giá “hời”, thì Trailblazer LTZ xứng đáng đứng đầu trong danh sách cân nhắc.
Sau khi dừng nghỉ trưa tại hồ Đắk Ke, thì cả đoàn tiếp tục mon theo cung tỉnh lộ 669 và 637 đến hồ Vĩnh Sơn tại K’Bang, Gia Lai. Cung đường Đông Trường Sơn có rất nhiều đèo dốc và cua gắt nên cũng giúp mình cảm nhận rõ hơn về tổng thể khả năng vận hành (handling) của chiếc SUV 7 chỗ này.Trước khi trải nghiệm Trailblazer thì mình đã nghĩ cảm giác lái của Trailblazer ắt hẳn có nhiều điểm tương đồng với Isuzu mu-X vì 2 mẫu xe này chia sẻ khá nhiều kiến trúc khung gầm với nhau. Bên cạnh đó, mu-X cũng là chiếc xe mình và nhiều anh em trong ngành đánh giá rất cao về cảm giác lái trong phân khúc SUV phổ thông cỡ trung 7 chỗ ngồi.