Đánh giá môi trường chiến lược là gì? Đối tượng nào phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược? Đánh giá môi trường chiến lược gồm những nội dung gì?
Dạo gần đây vấn đề môi trường được rất nhiều người quan tâm và cả tôi cũng vậy. Tôi vừa được tiếo cận một khái niệm khá mới đối với tôi là việc đánh giá môi trường chiến lược. Vậy tôi muốn được biết rõ hơn về khái niệm đó cũng như đối tượng nào sẽ phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược và nội dung của đánh giá gồm có những gì? Tôi xin cảm ơn!
Mục lục bài viết
Đánh giá môi trường chiến lược là gì?
Theo khoản 5 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 giải thích khái niệm đánh giá môi trường chiến lược là quá trình nhận dạng, dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính, làm cơ sở để tích hợp, lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường trong chính sách, chiến lược, quy hoạch.
Đánh giá môi trường chiến lược là gì? Đối tượng nào phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược?
Đối tượng nào phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược?
Căn cứ Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định các đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược bao gồm:
1. Chiến lược khai thác và sử dụng tài nguyên cấp quốc gia.
2. Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
3. Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có tác động lớn đến môi trường thuộc danh mục do chính phủ quy định.
Danh mục chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP.
Việc đánh giá môi trường chiến lược được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định việc thực hiện như sau:
– Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch theo quy định tại Điều 25 của Luật này có trách nhiệm đánh giá môi trường chiến lược đồng thời với quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch đó.
– Kết quả đánh giá môi trường chiến lược của chiến lược quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 25 của Luật này được tích hợp trong hồ sơ trình phê duyệt chiến lược.
– Kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 của Luật này được lập thành báo cáo riêng kèm theo hồ sơ trình thẩm định quy hoạch.
– Cơ quan chủ trì thẩm định quy hoạch có trách nhiệm thẩm định kết quả đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình thẩm định quy hoạch. Cơ quan phê duyệt chiến lược có trách nhiệm xem xét kết quả đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình phê duyệt.
– Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến bằng văn bản về nội dung đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch.
– Kết quả đánh giá môi trường chiến lược là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt chiến lược, quy hoạch.
Đánh giá môi trường chiến lược gồm những nội dung gì?
Về nội dung đánh giá môi trường chiến lược chia làm hai trường hợp căn cứ theo Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:
– Đánh giá môi trường chiến lược của chiến lược phải bao gồm những nội dung:
+ Đánh giá sự phù hợp của chính sách có liên quan đến bảo vệ môi trường trong chiến lược với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo quy định của Luật này;
+ Đề xuất phương án điều chỉnh, hoàn thiện nội dung của chiến lược để bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo quy định của Luật này.
Chi tiết tại Mẫu số 01a Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.
– Đánh giá môi trường chiến lượng của quy hoạch phải bao gồm những nội dung:
+ Các nội dung của quy hoạch có khả năng tác động đến môi trường;
+ Phạm vi thực hiện đánh giá môi trường chiến lược;
+ Thành phần môi trường, di sản thiên nhiên có khả năng bị tác động bởi quy hoạch;
+ Các phương pháp đánh giá môi trường chiến lược đã áp dụng;
+ So sánh, đánh giá sự phù hợp của quan điểm, mục tiêu quy hoạch với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường, chiến lược, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh;
+ Kết quả nhận dạng các vấn đề môi trường chính có tính tích cực và tiêu cực của quy hoạch;
+ Tác động của biến đổi khí hậu;
+ Kết quả dự báo xu hướng tích cực và tiêu cực của các vấn đề môi trường chính khi thực hiện quy hoạch; giải pháp duy trì xu hướng tích cực, giảm thiểu xu hướng tiêu cực của các vấn đề môi trường chính;
+ Định hướng bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch;
+ Kết quả tham vấn các bên có liên quan trong quá trình thực hiện đánh giá môi trường chiến lược;
+ Vấn đề cần lưu ý về bảo vệ môi trường (nếu có), kiến nghị phương hướng và giải pháp khắc phục.
Kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch được lập thành báo cáo theo quy định tại Mẫu số 01b Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.