Đánh giá môi trường chiến lược ở Việt Nam
Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng
Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường
I. MỞ ĐẦU
Tài nguyên và môi trường là những yếu tố đầu vào của mọi nền kinh tế, mọi quá trình phát triển. Các diễn biến bất lợi về môi trường, sự cạn kiệt tài nguyên tất yếu sẽ dẫn đến sự suy thoái của một nền văn minh, của một quá trình phát triển. Mối quan hệ hữu cơ này đã được chứng minh trong quá khứ và càng thể hiện rõ hơn trong thời đại hiện nay, khi phát triển kinh tế đang tiệm cận các giới hạn của tự nhiên. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và những diễn biến kinh tế – xã hội mang tính toàn cầu trong những thập kỷ vừa qua đã tăng thêm một bước ảnh hưởng rộng lớn, sâu sắc, cơ bản tới các điều kiện thiên nhiên và môi trường.
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta đã và đang xảy ra với nhịp độ nhanh chóng và đã đạt được những thành quả to lớn trên nhiều lĩnh vực. Vấn đề đặt ra là làm sao để tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội mà không làm tổn hại tới môi trường sống của con người; làm thế nào để đạt tới sự hài hoà lâu dài, bền vững giữa phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó, Việt Nam đã và đang tiệm cận nhiều chính sách phát triển hài hòa, sử dụng tổng hợp công cụ như hệ thống pháp luật, các công cụ kinh tế (thuế, phí, ký quỹ), các chế tài (hành chính, hình sự), các quy chuẩn về môi trường, các công cụ như đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và trong thời gian tới sẽ là quy hoạch bảo vệ môi trường (QBM).
Đối với công tác ĐMC, ĐTM, các quy định pháp luật đã được hình thành, phát triển và có điều chỉnh, bổ sung liên tục cho phù hợp với tình hình thực tế biến đổi mạnh mẽ ở Việt Nam trong những thập kỷ qua, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh thực hiện chính sách mở cửa khuyến khích đầu tư phát triển để thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhiệm vụ đặt ra cho công tác ĐMC, ĐTM là làm sao tạo được sự thông thoáng tối đa cho môi trường đầu tư mà vẫn đảm bảo được yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy, trong hơn 20 năm qua, các văn bản quy phạm pháp luật đã liên tục được sửa đổi, bổ sung và thay thế lẫn nhau. Kết quả mang lại của công tác ĐMC, ĐTM trong thời gian qua là rất quan trọng, tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn, thảo luận rộng rãi hơn nhằm đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới của Việt Nam.
Trong khuôn khổ Báo cáo này, chúng tôi đã cố gắng hệ thống hóa các thông tin dữ liệu về công tác ĐMC, ĐTM từ khi hệ thống này được hình thành tại Việt Nam. Nội dung báo cáo này sẽ điểm lại những nét chính trong suốt lịch sử hình thành và phát triển hệ thống ĐMC, ĐTM tại Việt Nam, những kết quả được ghi nhận theo từng giai đoạn, đặc biệt Báo cáo sẽ nhấn mạnh về thực trạng bộ máy tổ chức, hệ thống pháp luật, các thành quả cần được phát huy, đồng thời phân tích toàn diện các khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp thực hiện. Phần lớn nội dung của Báo cáo về đã được trình bày tại Hội nghị Quốc gia về ĐMC, ĐTM tổ chức vào tháng 10/2014. Đến nay, Báo cáo này được cập nhật một số thông tin, dữ liệu cho đến 15/10/2015.
Các thông tin thông Báo cáo được tổng hợp từ các nguồn dữ liệu của Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường; các báo cáo của các Bộ, ngành Trung ương, các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt Báo cáo có tham khảo các bài viết như “Báo cáo 10 năm thực hiện đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường tại Việt Nam” của TS. Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Chủ tịch Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam); “Đánh giá tác động môi trường tại Việt Nam, tháng 11/2011” của TS. Mai Thanh Dung, nguyên Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, nay là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; “Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị” của PGS.TS Lê Trình, nguyên Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam; “Đánh giá nhu cầu tăng cường năng lực và kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường năng lực an toàn môi trường, tháng 12/2012” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Các dữ liệu về cơ sở đào tạo về môi trường của Chương trình Hợp tác Việt Nam và Thuỵ Điển về Tăng cường Quản lý Đất đai và Môi trường SEMLA. Chúng tôi trân trọng đánh giá cao các nguồn thông tin, dữ liệu này.
II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐMC, ĐTM
2.1. Lịch sử hình thành và phát triển hệ thống ĐMC, ĐTM trên thế giới
Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên phát triển hệ thống ĐTM. Từ năm 1969, việc phải tiến hành ĐTM đối với các dự án có quy mô lớn đã quy định trong Đạo luật về chính sách môi trường quốc gia (The National Environmental Policy Act). Tiếp đó, hệ thống này đã được giới thiệu và áp dụng tại các nước EU, Châu Á, ví dụ như Úc (1974), Thái Lan (1975), Pháp (1976); Philipines (1978), Israel (1981) và Pakistan (1983).
Các nỗ lực quốc tế để phát triển hệ thống ĐTM được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và có thể chia theo 4 nhóm sau đây:
– Nhóm thứ nhất: Thừa nhận có tính pháp lý các văn bản quốc tế như hiệp ước (Treaty), hiệp định (Conventions) và nghị định thư (Protocol). Rất nhiều các hiệp ước, nghị định thư đã đề cập đến yêu cầu về ĐTM, ví dụ như Hiệp định Espoo về ĐTM trong bối cảnh xuyên biên giới cần suy xét (1991); Nghị định thư về BVMT đối với vùng Nam cực (1991); Hiệp ước về đa dạng sinh học (1992); Hiệp định khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (1992)…
– Nhóm thứ 2: Thừa nhận không có tính pháp lý về các văn bản quốc tế như nghị quyết, khuyến nghị (recommendations) và bản tuyên bố (declarations) của các tổ chức quốc tế;
– Nhóm thứ 3: Các tài liệu hướng dẫn phục vụ cho trợ giúp phát triển. Các tài liệu này được phát triển bởi nhiều tổ chức quốc tế khác nhau, như Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Liên hiệp các nước châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới; Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JIBIC)…
– Nhóm thứ 4: Hướng dẫn cho dự án nước ngoài.
Theo kinh nghiệm chung của quốc tế, ĐTM là một quá trình chính thức được sử dụng để dự báo những hệ quả về môi trường (tích cực hay tiêu cực) của một kế hoạch, chính sách, chương trình, dự án trước khi quyết định thực hiện, đồng thời đề xuất các biện pháp để điều chỉnh tác động đến mức chấp nhận hoặc để nghiên cứu giải pháp công nghệ mới. Quy trình ĐTM phổ biến trên thế giới được thể hiện tại Hình 1. Mặc dù việc đánh giá có thể dẫn đến các quyết định kinh tế khó khăn hoặc mối quan tâm/lo ngại về chính trị và xã hội nhưng ĐTM sẽ luôn bảo vệ môi trường bằng cách cung cấp một nền tảng vững chắc cho sự phát triển hiệu quả và bền vững.
Tại Nhật Bản, ĐTM đã được giới thiệu từ 1972, tuy nhiên đến năm 1984 Chính phủ mới quy định chính thức về thực hiện ĐTM cho các dự án và tháng 6 năm 1997, “Luật Đánh giá tác động môi trường” (Environmental Impact Asessment Law) được ban hành. Hàn Quốc ban hành “Luật đánh giá tác động môi trường” vào năm 1993 và Trung Quốc vào năm 2003 (tại Việt Nam, ĐTM có 1 chương trong Luật BVMT năm 2014).
Đặc điểm hệ thống ĐTM Nhật Bản: Số loại hình cần bắt buộc ĐTM rất hạn chế (ít hơn nhiều so với yêu cầu của Việt Nam), chỉ có 13 loại hình dự án cần lập báo cáo ĐTM (đường bộ, chỉnh trị sông, đường sắt, cảng hàng không, nhà máy điện, khu đổ thải, cải tạo đất, điều chỉnh sử dụng đất, khu dân cư mới, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng thành phố mới, tổ hợp trung tâm phân phối, phát triển đất ở và đất công nghiệp do các tổ chức chuyên dụng). Mỗi loại hình có một số kiểu dự án và được chia thành 2 loại (class) dự án: dự án loại 1 (class – 1) và dự án loại 2 (class – 2), theo quy mô hoặc diện tích. Mỗi loại có yêu cầu riêng về mức độ ĐTM. Tuy nhiên, số loại hình dự án cần ĐTM ít như vậy có thể không phù hợp với nước ta trong giai đoạn hiện nay. ĐTM được thực hiện rất thận trọng trong cả khâu nghiên cứu lập báo cáo và khâu thẩm định: Thời gian lập một báo cáo ĐTM cần trung bình 3 năm, chưa kể thời gian thẩm định. Chính sự thận trọng này giúp các dự án tại Nhật Bản hạn chế đến mức thấp nhất các tác động xấu đến môi trường tự nhiên và xã hội.
Đặc điểm hệ thống ĐMC, ĐTM Trung Quốc: ĐTM và ĐMC đã được quy định và thực hiện tại Hồng Kông – Trung Quốc trước cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hiện nay, hệ thống ĐTM, ĐMC của Hồng Kông đã hài hòa với các quốc gia tiên tiến, các công cụ này không chỉ xem xét các tác động đến môi trường vật lý, môi trường sinh học mà còn đến tác động xã hội, chú trọng sự tham gia cộng đồng và công khai thông tin minh bạch nên được đánh giá thuộc loại tốt nhất châu Á. Trong khi đó, tại Hội nghị ba bên Nhật Bản – Hàn Quốc – Trung Quốc lần thứ 2 về ĐTM, ĐMC đã được tổ chức vào tháng 11 năm 2013 tại Đại học Kinh tế Chiba – Nhật Bản, Triệu Tiểu Hồng (Zhao Xiaohong) cho biết Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc, mặc dù đã ban hành Luật ĐTM từ 2003 và mỗi năm có đến khoảng 30.000 báo cáo ĐTM và ĐMC (thực chất là “ĐTM cho quy hoạch: Plan – EIA”) đã được thực hiện cho các quy hoạch phát triển các vùng kinh tế, địa phương, ngành lĩnh vực, các lưu vực sông, các vùng kinh tế ven biển, vịnh biển… nhưng nhiều học giả Trung Quốc tự đánh giá: chất lượng ĐTM/ĐMC ở nước này vẫn còn chú trọng “phòng ngừa là chính”, nặng hình thức, ít thực chất so với Hàn Quốc và các nước tiên tiến trên thế giới. Tại Hội nghị này, khi đánh giá chất lượng của hệ thống ĐTM/ĐMC của Trung Quốc, Từ Hòa (Xu He) và Vương Huy Chí (Wang Huizhi), Trung tâm Nghiên cứu ĐMC – Đại học Nam Khai (Thiên Tân) cho rằng hiện nay ĐMC ở Trung Quốc chỉ có hiệu quả ở mức tương đối tốt. ĐMC còn thiếu tính định lượng và để ĐMC có giá trị dự báo cao hơn cần phải giải quyết 2 vấn đề quan trọng: (1) Xác định và xây dựng các chỉ thị (indicators) để đánh giá; (2) Tìm các phương pháp định lượng và có thể đo lường được tác động và diễn biến môi trường do thực hiện quy hoạch (đây cũng là các vấn đề mà Việt Nam cũng đang mắc phải, cần được nghiên cứu trong thời gian tới để báo cáo ĐMC không phải là tài liệu chung chung, minh họa cho ý đồ của CQK, kém đặc thù và ít tính dự báo). Thách thức trong ĐMC ở Trung Quốc: ĐMC ở Trung Quốc (được phát triển từ ĐTM cho quy hoạch) đã được đưa vào Luật ĐTM từ 2003 thể hiện cam kết của lãnh đạo đất nước về phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo tác giả Lam Ken-che (Viện ĐTM Hồng Kông), phần lớn các nỗ lực trong 10 năm qua chỉ là xây dựng quy trình và hoàn thiện các kỹ thuật, phương pháp đánh giá. Về bản chất, các phương pháp sử dụng cho ĐMC (thực ra là ĐTM cho quy hoạch) là chưa phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của quy hoạch, sự tư nhân hóa các công ty nhà nước và thay đổi chính sách, chưa kể tác động do biến đổi khí hậu.
Đặc điểm hệ thống ĐMC, ĐTM tại Hàn Quốc: Dựa theo các thông tin từ Hội nghị ba bên Nhật Bản – Hàn Quốc – Trung Quốc lần thứ 2 về ĐMC – ĐTM và theo thông tin từ Hiệp hội ĐTM Hàn Quốc (năm 2010), hiện nay ĐTM và ĐMC của Hàn Quốc là tiên tiến; cơ sở pháp lý về ĐTM và ĐMC rõ ràng; các phương pháp, quy trình đã được xây dựng hoàn chỉnh và ĐTM/ĐMC rất chi tiết, có nghiên cứu khoa học. Do vậy, ĐTM và ĐMC đang là công cụ tốt cho định hướng “tăng trưởng xanh” với tham vọng đến 2020 Hàn Quốc trở thành 1 trong 5 quốc gia hàng đầu thế giới về kinh tế xanh. Các xu hướng chính trong nghiên cứu khoa học về ĐTM ở Hàn Quốc được tóm tắt trong báo cáo của Kim Taehyoung cho thấy từ năm 2008 đến 2012 riêng Viện Môi trường Hàn Quốc (Korea Environment Institute – KEI) đã công bố 106 bài báo trong đó có đến 57 nghiên cứu về ĐTM (chiếm 53,8%). Số lượng công trình nghiên cứu về các vấn đề môi trường đặc thù tăng nhanh và chiếm đến 70,4% tổng số công trình về ĐTM, trong khi số công trình về kỹ thuật ĐTM chỉ chiếm 18,9%. Trong các năm gần đây, các công trình nghiên cứu về tác động do BĐKH và tác động sức khỏe, về năng lượng tái tạo ngày càng nhiều, trong đó số lượng công trình về BĐKH chiếm 4,4% trong tổng số các công trình trong 5 năm qua của KEI.
Hình 1. Quy trình ĐTM phổ biến trên thế giới
2.2. Lịch sử hình thành và phát triển hệ thống ĐMC, ĐTM tại Việt Nam
Quá trình phát triển hệ thống ĐTM, ĐMC tại Việt Nam, ĐTM có thể chia thành 4 giai đoạn:
2.2.1. Giai đoạn 1 (trước ngày 27 tháng 12 năm 1993):
Từ năm 1983, Chương trình nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên và môi trường bắt đầu đi vào nghiên cứu phương pháp luận ĐTM. Năm 1985, trong Nghị quyết về công tác điều tra cơ bản, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, Hội đồng Bộ trưởng đã quy định trong xét duyệt luận chứng kinh tế – kỹ thuật của các công trình xây dựng lớn hoặc các chương trình phát triển kinh tế – xã hội quan trọng cần tiến hành ĐTM. Cơ quan phụ trách vấn đề này ở cấp Trung ương là Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (năm 1990 đổi tên thành Ủy ban Khoa học Nhà nước và ngày 12 tháng 10 năm 1992 được đổi tên thành Bộ KHCN&MT. Cục Môi trường là cơ quan thường trực quản lý các vấn đề môi trường ở cấp quốc gia bao gồm cả ĐTM. Ở cấp địa phương lần lượt được thành lập Sở KHCN&MT và trong bộ máy có Phòng Môi trường.
Đến đầu năm 1993, trong Chỉ thị số 73-TTg về một số công tác cần làm ngay về BVMT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị: “Các ngành, các địa phương khi xây dựng các dự án phát triển, kể cả dự án hợp tác với nước ngoài, đều phải thực hiện nội dung ĐTM trong các luận chứng kinh tế – kỹ thuật”. Cho đến ngày 10 tháng 9 năm 1993, Bộ trưởng Bộ KHCN&MT đã ban hành bản “Hướng dẫn tạm thời về ĐTM”.
Đóng góp quan trọng nhất của giai đoạn này là đã hình thành được cơ sở khoa học, phương pháp luận về ĐTM làm cơ sở cho việc hình thành hệ thống pháp luật về ĐTM cho các giai đoạn tiếp theo.
2.2.2. Giai đoạn 2 (từ ngày 27 tháng 12 năm 1993 đến ngày 01 tháng 7 năm 2006):
2.2.2.1. Về hệ thống tổ chức bộ máy:
– Từ ngày 27 tháng 12 năm 1993 đến ngày 11 tháng 11 năm 2002, tiếp tục duy trì 2 cấp quản lý: cấp Trung ương và cấp địa phương. Ở cấp Trung ương, Cục Môi trường thuộc Bộ KHCN&MT là cơ quan thường trực giúp Bộ này quản lý các vấn đề môi trường ở cấp quốc gia (bao gồm cả ĐTM). Phòng Thẩm định và Công nghệ môi trường thuộc Cục Môi trường thành lập năm 1994. Số lượng cán bộ của Phòng vào năm thành lập chỉ có 04 người, sau đó phát triển đến 08 người và được duy trì đến năm 2002. Tại cấp địa phương, Phòng Quản lý môi trường thuộc Sở KHCN&MT với số lượng người theo quy định là từ 03 đến 05 người, là đơn vị đầu mối của Sở trong việc giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường (bao gồm cả ĐTM) trên địa bàn.
– Ngày 05 tháng 8 năm 2002 Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ nhất thông qua Nghị quyết số 02/2002/QH11 thành lập Bộ TN&MT. Ngày 11 tháng 11 năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT. Theo Nghị định này, Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường được thành lập và là cơ quan đầu mối giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ĐTM ở cấp Trung ương được thành lập cùng với Bộ. Số cán bộ của Vụ vào năm 2003 là 04 người, đến cuối năm 2004 đã tăng lên 14 người và duy trì cho đến năm 2008. Đối với cấp địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Sở TN&MT, đổi tên Sở Khoa học công nghệ và Môi trường thành Sở Khoa học và Công nghệ thuộc Uỷ ban nhân dân, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Quyết định này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở TN&MT theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong giai đoạn này, Phòng Môi trường thuộc Sở TN&MT tiếp tục là đơn vị đầu mối của Sở trong việc giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường (bao gồm cả ĐTM) trên địa bàn cấp tỉnh.
2.2.2.2.Về hệ thống văn bản pháp luật:
Cấp Quốc hội: Ngày 27 tháng 12 năm 1993, Luật BVMT được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 10 tháng 01 năm 1994. Đây là thời điểm rất quan trọng đối với công tác quản lý và BVMT của Việt Nam. Do những nét đặc thù ở Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 27 tháng 12 năm 1993 đã đưa ra định nghĩa riêng về ĐTM như sau: “Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, dự báo ảnh hưởng đến môi trường của các dự án, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, khoa học – kỹ thuật, y tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và các công trình khác, đề xuất các giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường”. Khái niệm về ĐTM theo định nghĩa này khác với những khái niệm thông thường của thế giới ở chỗ: ĐTM áp dụng cho cả các cơ sở đang hoạt động chứ không chỉ riêng cho dự án. Điều này thể hiện rất rõ trong Luật Bảo vệ môi trường, tức là: Điều 17 của Luật quy định việc ĐTM đối với các cơ sở đang hoạt động và Điều 18 của Luật quy định việc ĐTM đối với dự án. Tại Điều 18 của Luật đã quy định “tất cả các dự án phát triển ở mọi quy mô đều phải lập báo cáo ĐTM để thẩm định. Kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của dự án là một trong những căn cứ có tính pháp lý để cấp có thẩm quyền xét duyệt dự án hoặc cho phép thực hiện”.
Cấp Chính phủ: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Nghị định 175/CP đã quy định cụ thể về ĐTM đối với các cơ sở đang hoạt động cũng như đối với các dự án mới. Nghị định 175/CP đã phát huy tác dụng khá tốt để bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đã có từ trước khi Luật BVMT ra đời cũng như đối với các dự án đầu tư mới, song hầu như không phát huy được tác dụng đối với các quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, phát triển ngành vì có những vướng mắc về phương pháp luận và kỹ thuật ĐTM đối với các kế hoạch, quy hoạch đó. Ngày 12 tháng 7 năm 2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2004/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Điều 14 Nghị định số 175/CP. Việc sửa đổi Điều 14 của Nghị định 175/CP theo hướng phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương là phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tạo điều kiện cho các Sở TN&MT tăng cường năng lực về ĐTM, đồng thời giảm tải hoạt động thẩm định cho Bộ TN&MT để có thể đẩy mạnh hơn nữa việc quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô đối với công tác ĐTM và đẩy mạnh hoạt động sau thẩm định ĐTM trên phạm vi cả nước.
Văn bản cấp Bộ:
– Thông tư số 1420/MTg ngày 26 tháng 11 năm 1994 của Bộ KHCN&MT về hướng dẫn đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở đang hoạt động (hướng dẫn thực hiện Điều 17 Luật BVMT): Theo Thông tư này, các cơ sở đang hoạt động có quy mô nhỏ, mức độ gây ô nhiễm môi trường không nghiêm trọng và thường trên một diện không lớn sẽ được lập “Bản kê khai các hoạt động sản xuất kinh doanh có ảnh hưởng đến môi trường” theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này. Căn cứ trên cơ sở “Bản kê khai” do chủ cơ sở lập, cơ quan quản lý nhà nước về BVMT sẽ tiến hành phân các cơ sở này thành 2 loại gồm những cơ sở không cần xử lý về mặt môi trường và những cơ sở phải xử lý về mặt môi trường. Các cơ sở này phải đề ra phương án khắc phục, tiến độ thực hiện để các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và chịu mọi chi phí đầu tư cần thiết cho việc thực hiện các biện pháp khắc phục, giảm thiểu này. Các cơ sở có quy mô vừa trở lên, mức độ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường trên diện rộng sẽ phải lập Báo cáo ĐTM trình cơ quan quản lý nhà nước về BVMT để thẩm định. Cơ quan quản lý nhà nước về BVMT sẽ tiến hành thẩm định Báo cáo ĐTM và kết luận theo 4 mức: được phép tiếp tục hoạt động, không phải xử lý về mặt môi trường; phải đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải; phải thay đổi công nghệ, di chuyển địa điểm hoặc phải đình chỉ hoạt động.
– Thông tư số 715/TT- MTg ngày 03 tháng 4 năm 1995 của Bộ KHCN&MT hướng dẫn lập và thẩm định Báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài: Thông tư này được thực hiện trong 2 năm thì được thay thế bởi Thông tư số 1100/TT-MTg ngày 20 tháng 8 năm 1997. Sự điều chỉnh quan trọng của Thông tư này là đối tượng điều chỉnh không chỉ đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài mà cả các dự án đầu tư từ nguồn vốn trong nước hoặc vay vốn nước ngoài hay nói một cách khác là không có sự khác biệt trong việc thực hiện các yêu cầu về BVMT giữa đầu tư trong nước và đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.
– Thông tư số 490/1998/TT-BKHCNMT ngày 29 tháng 4 năm 1998 của Bộ KHCN&MT về hướng dẫn lập và thẩm định Báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư: Để phù hợp với Luật đầu tư sửa đổi và đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, ngày 28 tháng 4 năm 1998, Bộ KHCN&MT đã ban hành Thông tư số 490/TT-BKHCNMT về hướng dẫn lập và thẩm định Báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư thay thế Thông tư số 1100/TT-MTg nói trên vừa mới được thực hiện chưa đầy 1 năm. Theo Thông tư số 490/1998/TT-BKHCNMT, dưới góc độ môi trường, phân dự án thành 2 loại: (1) Dự án loại 1 bao gồm các dự án có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng, dễ gây ra sự cố môi trường, khó khống chế. Dự án thuộc loại này sẽ phải lập Báo cáo ĐTM để thẩm định. Danh mục các dự án loại 1 được quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này; (2) Dự án loại 2 được xem là có mức độ tác động môi trường không nghiêm trọng được thực hiện dưới hình thức lập “Bản Đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường” theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này. Nội dung của Bản Đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường căn cứ từ nội dung Báo cáo ĐTM của dự án, tuy nhiên Chủ dự án không phải trình nộp Bản Đăng ký này cho cơ quan quản lý nhà nước về BVMT. Quy trình thực hiện ĐTM được thực hiện theo các bước phù hợp với chu trình thực hiện dự án từ khi hình thành ý tưởng, qua lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai thực hiện dự án.
– Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định Báo cáo ĐTM: ngày 31 tháng 12 năm 1994, Bộ trưởng Bộ KHCN&MT đã ra Quyết định số 1806/QĐ-MTg ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường”. Quy chế này đã được thay thế bởi Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định Báo cáo Đánh giá tác động môi trường” ban hành tại Quyết định số 04/2003/QĐ-BTNMT ngày 21 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Quy chế đã quy định rõ nguyên tắc làm việc, tổ chức và trình tự hoạt động trước, trong và sau phiên họp Hội đồng chính thức. Thành viên Hội đồng từ 7 đến 9 người và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những ý kiến nhận xét, đánh giá của mình đối với nội dung của Báo cáo ĐTM. Giúp việc cho hoạt động của Hội đồng là cơ quan thường trực Hội đồng, ở cấp Trung ương là Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường thuộc Bộ TN&MT và ở cấp địa phương là Sở TN&MT.
2.2.2.3. Căn cứ kỹ thuật về đánh giá tác động môi trường
Các hướng dẫn của Bộ KHCN&MT: Ngoài những căn cứ kỹ thuật do các cơ quan, tổ chức quốc tế đưa ra (Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc – UNEP, Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, Ngân hàng Thế giới – WB…), để nâng cao chất lượng công tác ĐTM và theo yêu cầu của nhiều bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan tư vấn lập Báo cáo ĐTM và các Chủ dự án, Bộ KHCN&MT đã ban hành một số hướng dẫn kỹ thuật lập Báo cáo ĐTM. Đã có 16 loại hình dự án có hướng dẫn kỹ thuật này:
-
Phát triển Khu công nghiệp;
-
Phát triển Đô thị;
-
Công trình giao thông;
-
Nhà máy Bia – Rượu – Nước giải khát;
-
Nhà máy Nhiệt điện;
-
Nhà máy Dệt – Nhuộm;
-
Nhà máy Xi măng;
-
Khai thác, chế biến đá và sét;
-
Công trình Thuỷ điện;
-
Nhà máy Giấy và Bột giấy;
-
Xây dựng công trình cảng;
-
Sản xuất hoá chất cơ bản;
-
Xây dựng bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, khai thác dầu khí;
-
Xây dựng kho xăng dầu và công nghiệp luyện gang thép.
Các Bộ ngành khác: Đồng thời, các Bộ ngành khác cũng đã tích cực soạn thảo các hướng dẫn thực hiện ĐTM cho các loại dự án thuộc diện quản lý của mình nhằm hỗ trợ cho các dự án đó thực hiện Luật BVMT một cách thuận lợi và nghiêm túc nhất.
2.2.2.4. Quy trình thực hiện đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam
– Quy trình ĐTM ở Việt Nam trong giai đoạn này gồm các bước: sàng lọc dự án phải thực hiện ĐTM, xác định phạm vi, đánh giá tác động, lập Báo cáo ĐTM, thẩm định Báo cáo ĐTM và quan trắc (giám sát) môi trường. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù của nhu cầu phát triển đất nước, một số bước trong quy trình ĐTM nêu trên được thực hiện chưa thật phù hợp với quy trình đang được thực hiện tại nhiều nước trên thế giới.
– Bước thực hiện đầu tiên trong quy trình ĐTM là lập Báo cáo ĐTM sơ bộ ở giai đoạn xin cấp phép đầu tư hoặc phê duyệt dự án. Nội dung của Báo cáo ĐTM sơ bộ được quy định tại Phụ lục II của Thông tư số 490/1998/TT – BKHCNMT ngày 29 tháng 4 năm 1998 và được thể hiện thành một phần hoặc một chương trong hồ sơ xin phép đầu tư của dự án. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường xem xét, cho ý kiến làm cơ sở cho việc xem xét cấp phép đầu tư.
– Việc sàng lọc các dự án phải thực hiện ĐTM ở mức nào được quy định tại Phụ lục II của Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời được cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường là Bộ KHCN&MT trước đây đã cụ thể hoá tại Phụ lục 1 của Thông tư số 490/1998/TT-BKHCNMT. Số lượng loại dự án phải lập Báo cáo ĐTM trình cơ quan quản lý nhà nước về BVMT để thẩm định là 25. Các dự án còn lại căn cứ vào kết quả ĐTM lập Bản Đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường để trình cơ quan quản lý nhà nước về BVMT xác nhận.
– Căn cứ vào kết quả sàng lọc nêu trên và sau khi được cấp phép đầu tư, Chủ dự án tiến hành thực hiện ĐTM chi tiết theo mức độ quy định tại Thông tư số 490/1998/TT-BKHCNMT nêu trên. Theo yêu cầu của Luật BVMT, Chủ dự án phải thực hiện ĐTM, tuy nhiên, do mức độ phức tạp và đòi hỏi phải có trình độ và thiết bị cần thiết nên có thể thuê các trung tâm, công ty, đơn vị tư vấn thực hiện giúp. Nội dung của Báo cáo ĐTM được quy định tại Phụ lục II-1 của Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính Phủ về hướng dẫn thi hành Luật BVMT. Nội dung của Bản Đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được quy định tại Phụ lục III của Thông tư số 490/1998/TT-BKHCNMT. Trước khi tiến hành lập Báo cáo ĐTM, Chủ dự án có thể lập đề cương tham chiếu và xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT và những chỉ dẫn khác, tuy nhiên bước thực hiện này là không bắt buộc.
– Sau khi hoàn thành việc lập Báo cáo ĐTM hoặc Bản Đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, Chủ dự án trình nộp các tài liệu này theo quy định cho cơ quan quản lý nhà nước để xem xét việc thẩm định đối với Báo cáo ĐTM hoặc xác nhận đối với Bản Đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường.
– Cơ quan quản lý nhà nước về BVMT ở cấp Trung ương hiện nay là Bộ TN&MT và địa phương là UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (thường uỷ quyền cho Sở KHCN&MT trước đây và nay là cho Sở TN&MT) xem xét. Nếu Báo cáo ĐTM (Hồ sơ) không đáp ứng yêu cầu, trong vòng 5 ngày làm việc, cơ quan thường trực Hội đồng (Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường ở cấp Trung ương, Sở TN&MT ở cấp tỉnh) sẽ có công văn và gửi trả lại toàn bộ Hồ sơ để Chủ dự án tiếp tục hoàn chỉnh.
– Khi Hồ sơ của dự án đã đảm bảo yêu cầu, cơ quan thường trực Hội đồng trình Bộ trưởng Bộ TN&MT/ Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo ĐTM của dự án.
– Việc tổ chức thẩm định Báo cáo ĐTM được thực hiện từ năm 1994 theo quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM ban hành kèm theo Quyết định số 1806/QĐ-MTg ngày 31 tháng 12 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ KHCN&MT. Công tác thẩm định Báo cáo ĐTM từ ngày 21 tháng 8 năm 2003 được thực hiện theo Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định Báo cáo ĐTM ban hành kèm theo Quyết định số 04/2003/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ TN&MT.
– Chủ dự án xin các thủ tục cần thiết khác và triển khai thực hiện dự án, tiến hành công tác quan trắc môi trường theo các thông số và tần suất nêu trong Báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.
– Sau khi hoàn thành các hạng mục công trình về BVMT, đặc biệt là các công trình xử lý chất thải, Chủ dự án có báo cáo gửi về cơ quan quản lý nhà nước về BVMT đã phê duyệt Báo cáo ĐTM để xem xét, xác nhận cho phép hoạt động chính thức.
2.2.2.5. Hoạt động thẩm định
– Trong giai đoạn này, trên quy mô toàn quốc đã có tổng số 5818 báo cáo ĐTM được thẩm định gồm: 4088 báo cáo ĐTM của dự án và 1730 báo cáo ĐTM của cơ sở đang hoạt động , trong đó cấp Trung ương đã thẩm định 800 báo cáo ĐTM của các dự án và cơ sở đang hoạt động, giai đoạn từ năm 1994 đến năm 1999 khoảng 45% và từ năm 2000 đến năm 2004 khoảng 55%.
– Ở cấp địa phương, tổng số báo cáo ĐTM và Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đã được thẩm định và phê duyệt là 26.000 báo cáo, trong đó giai đoạn từ năm 1994 đến 1999 khoảng 25% và giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2004 là 75%.
2.2.2.6. Tóm tắt những điểm chính của giai đoạn 2
Đã hình thành được hệ thống pháp luật về ĐTM, trong đó các quy định về đối tượng thực hiện ĐTM, quy trình thực hiện ĐTM, nội dung của báo cáo ĐTM, thời gian thẩm định, thủ tục, trách nhiệm… đã được thiết lập;
ĐTM được thực hiện theo 2 bước: ĐTM sơ bộ và ĐTM chi tiết. ĐTM sơ bộ được thể hiện thành 1 chương riêng trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Ý kiến nhận xét về nội dung chương này của Bộ KHCN&MT/Sở KHCN&MT và sau này là Bộ TN&MT/Sở TN&MT là một trong những căn cứ để phê duyệt dự án đầu tư;
Về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM trong giai đoạn này chỉ có 02 cấp: cấp Trung ương là Bộ KHCN&MT (sau này là Bộ TN&MT) và cấp địa phương là UBND cấp tỉnh, trong đó thường trực là Sở KHCN&MT (sau này là Sở TN&MT);
Đã hình thành được cơ sở khoa học để phục vụ cho việc xây dựng các quy định pháp luật về ĐMC trong giai đoạn tiếp theo.
2.2.3. Giai đoạn 3 (từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 đến 31/12/2014):
2.2.3.1. Về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường:
Từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 đến ngày 04 tháng 3 năm 2008:
-
Việc quy định thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về ĐMC, ĐTM, CBM đã được quy định cụ thể trong Luật BVMT 2005 và trong Nghị định số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
-
Bộ máy quản lý nhà nước về ĐMC, ĐTM của Bộ TN&MT được tiếp tục thực hiện như hệ thống của giai đoạn 2.
-
Các Bộ chủ quản có đơn vị chịu trách nhiệm cho việc thực hiện ĐMC, thẩm định ĐTM cũng như các vấn đề môi trường khác. Các Bộ, ngành khác đã giao việc ĐMC và thẩm định ĐTM cũng như trách nhiệm môi trường khác cho các Vụ Khoa học và Công nghệ hoặc Vụ KHCN&MT. Một số Bộ có thành lập Vụ Môi trường hoặc Cục Môi trường.
-
Ở cấp tỉnh, Chi cục Bảo vệ môi trường đã được thành lập trong một số Sở TN&MT và thường bao gồm Phòng Đánh giá tác động môi trường. Còn lại vẫn giữ như mô hình của Giai đoạn 2 – Phòng Môi trường thuộc Sở. Một số tỉnh cũng đã cho phép Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất được thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM cho các dự án đầu tư trong khu công nghiệp và khu chế xuất, theo thẩm quyền thẩm định của tỉnh/các thành phố trực thuộc Trung ương.
-
Ở cấp huyện, Ủy ban nhân dân huyện (UBND huyện) ủy quyền cho Phòng TN&MT quản lý nhà nước về việc đăng ký bản CBM.
-
Ở cấp xã, cán bộ địa chính chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, ví dụ như xác nhận bản CBM nếu Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền.
Từ ngày 04 tháng 3 năm 2008 đến 31/12/2014:
-
Đối với Bộ TN&MT: Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT. Nghị định này thay thế Nghị định số 91/2002/NĐ-CP, trong đó hình thành Tổng cục Môi trường. Theo Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Môi trường là đơn vị thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT quản lý nhà nước về môi trường và thực hiện các dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Tổng cục Môi trường được thành lập dựa trên 3 đầu mối: Vụ Môi trường, Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Cục Bảo vệ môi trường của Bộ TN&MT. Tổng cục Môi trường được giao 18 nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó có những nhiệm vụ chuyên môn đặc thù như: Kiểm soát ô nhiễm; quản lý chất thải và cải thiện môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường lưu vực sông, vùng ven biển; thẩm định và đánh giá tác động môi trường; quan trắc và thông tin môi trường… Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường là tổ chức thuộc Tổng cục Môi trường, có chức năng giúp Tổng Cục trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác ĐMC, ĐTM, quy hoạch và ĐTM tổng hợp; ĐTM xuyên biên giới; CBM; hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá và thẩm định thiết bị, công trình xử lý chất thải trước khi đưa vào hoạt động.
-
Các bộ ngành khác, các cấp địa phương tiếp tục duy trì mô hình như giai đoạn trước đó (từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 đến ngày 04 tháng 3 năm 2008). Một số Bộ có thành lập Vụ/Cục môi trường hoặc thay đổi bộ máy tổ chức. Số lượng các Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường ngày càng tăng (xem Bảng 1). Nhân lực ở cấp huyện (Phòng TN&MT) được tăng cường tại nhiều địa phương.
2.2.3.2. Về hệ thống văn bản pháp luật
-
Có 04 điểm nổi bật trong giai đoạn này là: (1) Công cụ ĐMC được hình thành chính thức trong Luật BVMT 2005; (2) CBM ra đời thay thế cho Bản Đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; (3) Hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường được quy định cụ thể trong hệ thống văn bản pháp luật; (4) Hình thành công cụ ĐBM áp dụng cho các đối tượng đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chưa có báo cáo ĐTM hoặc Bản ĐĐTM hoặc CBM.
-
Tiếp theo Luật BVMT năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVMT (được bổ sung bởi Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008) và sau này được thay thế bởi Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.
-
Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT ngày 08 tháng 9 năm 2006, tiếp đó được thay thế bằng Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 và sau này là Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2011 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.
-
Theo Luật BVMT 2005, ĐMC được áp dụng cho CQK phát triển kinh tế – xã hội cấp quốc gia; ngành hoặc lĩnh vực trên quy mô cả nước; cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, cấp vùng; cho quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trên phạm vi liên tỉnh hay liên vùng; cho quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm; cho quy hoạch tổng hợp lưu vực sông quy mô liên tỉnh (Điều 14). ĐTM được áp dụng cho các đối tượng là các dự án đầu tư và Chính phủ có quy định danh mục cụ thể cho các đối tượng phải lập ĐMC, ĐTM. CBM được áp dụng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình và các đối tượng khác không thuộc quy định trong các Điều 14 và 18, Luật BVMT. Mối quan hệ giữa các công cụ này được thể hiện trên Hình 2.
Hình 2. Mối quan hệ giữa ĐMC, ĐTM, CBM
-
ĐBM lần đầu tiên được quy định tại Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Có 02 loại ĐBM: ĐBM chi tiết áp dụng đối với các cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải lập báo cáo ĐTM và ĐBM đơn giản áp dụng đối với đối tượng chưa lập Bản ĐĐTM hoặc CBM.
-
Ngày 18 tháng 09 năm 2008, Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 04/2008/TT-BTNMT hướng dẫn lập, phê duyệt hoặc xác nhận đề án bảo vệ môi trường và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường. Tiếp đó, ĐBM tiếp tục được duy trì trong Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 trong thời hạn không quá 2 năm (từ ngày 5 tháng 6 năm 2011 đến ngày 5 tháng 6 năm 2013). Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 01/2012/TT-BTNMT ngày 16 tháng 3 năm 2012 quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản (Thông tư có hiệu lực từ ngày 02 tháng 5 năm 2012). Đến nay, hoạt động này lại tiếp tục được duy trì theo Nghị định số 35/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm năm 2014 của Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-BTNMT ngày 05 tháng năm 2014 của Bộ TN&MT.
2.2.3.3. Hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá tác động môi trường
-
Thông qua các chương trình khác nhau, số lượng hướng dẫn ĐMC, ĐTM ngày càng tăng trong giai đoạn này (xem mục 2).
-
Tiếp tục xây dựng các hướng dẫn lập ĐTM, trong đó có hướng dẫn rất mới đối với Việt Nam là Hướng dẫn lập báo cáo ĐTM cho dự án nhà máy điện hạt nhân và lần đầu tiên Bộ TN&MT xây dựng Hướng dẫn thẩm định báo cáo ĐTM cho chính loại hình này.
2.2.4. Giai đoạn 4 (từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến nay):
2.2.4.1. Về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường: duy trì như giai đoạn 3.
2.2.4.2. Về hệ thống văn bản pháp luật.
Luật BVMT 2014 được ra đời thay thế cho Luật BVMT 2005. Tiếp theo Luật BVMT năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường để thay thế Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011. Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 để thay thế Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2011.
Các điểm nổi bật trong giai đoạn này là:
-
Công cụ quy hoạch BVMT (QBM) được hình thành chính thức trong Luật BVMT 2014;
-
Đối tượng phải thực hiện ĐMC, ĐTM: đã được rà soát, điểu chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
-
Điều kiện đối với tổ chức thực hiện ĐMC, ĐTM: có đưa ra yêu cầu về chứng chỉ tư vấn ĐMC, ĐTM.
-
Nội dung chính của báo cáo ĐMC: bổ sung, lồng ghép nội dung về biến đổi khí hậu trong ĐMC và đưa ra yêu cầu ĐMC cần khuyến cáo những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu khi thực hiện chiến lược/quy hoạch/kế hoạch (CQK);
-
Nội dung của ĐTM: bổ sung yêu cầu cần đánh giá sức khỏe cộng đồng trong phạm vi của ĐTM.
-
Về thẩm quyền thẩm định: bổ sung quy định việc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho Ban quản lý các khu công nghiệp thẩm định báo cáo ĐTM;
-
Cơ cấu, thành phần hội đồng thẩm định: bổ sung sung quy định phải có 30% số thành viên trong hội đồng thẩm định có chuyên môn về ĐMC, ĐTM.
-
Thời điểm lập báo cáo ĐTM: thực hiện song song với giai đoạn chuẩn bị dự án (thực hiện sớm hơn so với Luật BVMT 2005 là song song với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án);
-
Các trường hợp phải lập lại báo cáo ĐTM: bổ sung thêm trường hợp “lập lại báo cáo ĐTM theo đề nghị của chủ dự án”.
-
Thời điểm phê duyệt báo cáo ĐTM: bổ sung quy định “quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án”
-
Đối tượng phải báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường (BVMT) phục vụ giai đoạn vận hành dự án: chỉ thực hiện đối với các dự án phức tạp về môi trường (cột 4, phụ lục II nghị định 18/2005/NĐ-CP), không áp dụng đối với tất cả các dự án như Luật bảo vệ môi trường 2005.
-
Khái niệm CBM được thay thế bằng KBM. Phương pháp tiếp cận vẫn giữ nguyên, tiếp tục xem KBM như là một hình thức ĐTM đơn giản. Điểm mới đối với công tác này là Chính phủ đã quy định danh mục gồm 12 nhóm đối tượng (dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ) không phải đăng ký KBM (đương nhiên cũng phải thực hiện ĐTM).
III. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG ĐMC, ĐTM, CBM CỦA VIỆT NAM
3.1. Tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ
Mục lục bài viết
3.1.1. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Tiếp tục duy trì bộ máy tổ chức quản lý về ĐMC, ĐTM, CBM đã có. Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường có hơn 619 công chức, viên chức và lao động theo hợp đồng thực hiện công tác quản lý môi trường, trong đó có hơn 100 công chức, viên chức trực tiếp thực hiện công tác ĐMC, ĐTM, ĐBM, KBM và hoạt động kiểm tra xác nhận công trình BVMT sau khi báo cáo ĐTM hoặc ĐBM được phê duyệt. Liên quan đến công tác này, Bộ có những nhiệm vụ cụ thể như sau:
-
Chủ trì, phối hợp với các tổ chức liên quan tổ chức xây dựng các văn bản pháp luật quy định về ĐMC, ĐTM, KBM để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành;
-
Tổ chức kiểm tra công tác ĐMC, ĐTM, KBM ở các bộ, ngành và địa phương; đề xuất và tham gia ý kiến về việc xử lý các vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra;
-
Tổ chức thẩm định báo cáo ĐMC, báo cáo ĐTM của các dự án và các CQK thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT;
-
Tổ chức xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về ĐMC cho các loại hình CQK; ĐTM và KBM chuyên ngành và các định mức kinh tế – kỹ thuật khác về công tác ĐMC, ĐTM và KBM;
-
Thẩm định báo cáo ĐMC và báo cáo ĐTM; thẩm định, đánh giá thiết bị, công trình xử lý môi trường theo quy định hiện hành;
-
Tổ chức kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM trước khi dự án đi vào hoạt động chính thức đối với các dự án có báo cáo ĐTM do Bộ TN&MT phê duyệt;
-
Xây dựng và ban hành các quy định về: tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định báo cáo ĐMC, báo cáo ĐTM; hoạt động của tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM; tổ chức đăng ký, chứng nhận và kiểm tra hoạt động của các tổ chức tư vấn lập báo cáo ĐMC, báo cáo ĐTM và bản KBM, tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM theo quy định của pháp luật;
-
Tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác ĐMC, ĐTM và KBM .
-
Tổ chức điều tra, ĐTM tổng hợp, đánh giá sức chịu tải môi trường của các lưu vực sông chính và các vùng lãnh thổ quan trọng và ĐTM xuyên biên giới phục vụ việc quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; tiến hành ĐMC và ĐTM đối với các dự án đặc biệt được giao;
-
Xây dựng, phổ biến và hướng dẫn lập quy hoạch môi trường lồng ghép với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực;
-
Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu bảo vệ môi trường cần đưa vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và tổ chức đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu này;
-
Góp ý kiến cho các hồ sơ CQK phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực và lãnh thổ, các hồ sơ dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật;
-
Hợp tác quốc tế và theo dõi hoạt động của các hội, tổ chức phi Chính phủ và cá nhân trong lĩnh vực ĐMC, ĐTM, ĐTM tổng hợp, ĐTM xuyên biên giới.
3.1.2. Các Bộ, ngành khác:
Tiếp tục giao việc ĐMC và thẩm định ĐTM/ĐBM cũng như trách nhiệm môi trường khác cho các Vụ Khoa học và Công nghệ hoặc Vụ KHCN&MT. Bộ Y tế giao trách nhiệm về quản lý ĐMC/ĐTM cho Cục Quản lý môi trường, Bộ Giao thông và Vận tải thành lập Vụ Môi trường…
-
Bộ Công an lồng ghép chức năng thẩm định ĐTM và các nhiệm vụ liên quan đến môi trường khác trong Cục Quản lý khoa học và công nghệ môi trường (H 46), trực thuộc Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật. Bên cạnh công tác thẩm định ĐTM, Bộ Công an cũng đã thành lập Cục Cảnh sát môi trường (C49).
-
Bộ Công Thương giao chức năng thẩm định ĐMC, ĐTM và trách nhiệm có liên quan đến môi trường khác cho Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp. Ngoài việc thẩm định ĐTM, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp còn được giao các chức năng khác, chẳng hạn như: (i) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án, đề án bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp và thương mại; tham gia thẩm định các báo cáo tổng hợp điều tra, đánh giá về CQK khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của Bộ; (ii) Chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý, kiểm soát chất thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, phục hồi môi trường; thông tin, báo cáo hiện trạng môi trường theo quy định của pháp luật; (iii) Tổ chức thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt báo cáo ĐMC, báo cáo ĐTM. Bộ Công Thương cũng giám sát các tập đoàn nhà nước trực thuộc Bộ trong việc thực hiện trách nhiệm đánh giá tác động môi trường. Các tập đoàn này bao gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PetroVietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN) và Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel).
-
Bộ Xây dựng đã thành lập Vụ KHCN&MT. Đơn vị này có trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Ngoài thẩm định ĐTM, Vụ KHCN&MT được giao trách nhiệm môi trường khác như: (i) Nghiên cứu và tổ chức chủ trì soạn thảo các chủ trương, chính sách, phương hướng, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án và các văn bản quy phạm pháp luật khác; (ii) Hướng dẫn quá trình ĐMC có liên quan đến quy hoạch xây dựng đô thị, (iii) Tổ chức giám sát môi trường của các hoạt động xây dựng và báo cáo về tác động môi trường gây ra trong ngành xây dựng.
-
Bộ Giao thông và Vận tải: Vụ Môi trường chịu trách nhiệm: (i) Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng phê duyệt báo cáo ĐMC, báo cáo ĐTM đối với các dự án, quy hoạch, chiến lược phát triển giao thông vận tải, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc thẩm quyền của Bộ theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra, giám sát và xác nhận việc thực hiện báo cáo ĐTM đã được phê duyệt; (ii) Chủ trì xây dựng trình Bộ trưởng các báo cáo đánh giá tình hình tác động môi trường của ngành giao thông vận tải gửi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
-
Bộ Y tế: Cục Quản lý môi trường chịu trách nhiệm: (i) Chủ trì xây dựng CQK bảo vệ môi trường trong ngành y tế, lồng ghép các nội dung BVMT vào chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch hoạt động của ngành y tế trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; (ii) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ: lập và thẩm định báo cáo ĐMC; hướng dẫn, tổ chức thực hiện quan trắc môi trường y tế; (iii) Tổ chức, đánh giá tác động các dự án của Bộ Y tế đối với môi trường, cảnh báo môi trường của các hoạt động trong lĩnh vực y tế; quản lý và kiểm soát chất thải y tế; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm môi trường y tế, phục hồi môi trường y tế; đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững trong lĩnh vực y tế…; (iv) Tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, của môi trường và của các chất gây ô nhiễm môi trường, dioxin đối với sức khỏe; (v) Chủ trì, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện và nghiệm thu, đánh giá các chương trình, dự án, đề tài, nhiệm vụ khoa học, công nghệ về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
-
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Vụ KHCN&MT có chức năng tổ chức thẩm định ĐTM cho các dự án thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý. Ngoài ra, Vụ cũng được giao các chức năng khác liên quan đến khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
-
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Thông tin và Truyền thông không có nhiều chức năng về các vấn đề môi trường nói chung cũng như thẩm định ĐTM mà chỉ giới hạn trong việc chuẩn bị chính sách, chiến lược, và các quy định trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Số lượng cán bộ kỹ thuật có trách nhiệm môi trường khác nhau giữa các Bộ, ngành (xem Bảng 3 và Hình 3). Hầu hết các cán bộ có chuyên môn môi trường và lĩnh vực liên quan với bằng cử nhân, kỹ sư hoặc cao hơn.
Hình 3. Cán bộ môi trường các Bộ/ngành và số lượng ĐMC, ĐTM được thẩm định
3.1.3. Ở cấp tỉnh:
Chi cục Bảo vệ môi trường đã được thành lập trong Sở TN&MT và thường bao gồm Phòng đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, trong một khoảng thời gian ngắn, một số tỉnh cũng đã cho phép Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất được thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM cho các dự án đầu tư trong khu công nghiệp và khu chế xuất, theo thẩm quyền thẩm định của tỉnh/các thành phố trực thuộc Trung ương. Theo tinh thần của Nghị định 27/20115/NĐ-CP, UBND câp tỉnh có thể ủy quyền cho các ban quản lý thẩm địn, phê duyệt báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thực hiện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, phương án đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trong trường hợp được cơ quan có thẩm quyền (Sở Tài nguyên và môi trường, UBND cấp huyện) ủy quyền.
Hiện nay cả nước có 62 Chi cục Bảo vệ môi trường và 01 Phòng Quản lý môi trường (tỉnh Kon Tum). Theo số liệu thống kê, tổng số cán bộ công chức, viên chức, cán bộ hợp đồng ở cấp địa phương của 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương là 1126 người, trong đó có 323 người có liên quan trực tiếp đến công tác ĐMC/ĐTM. Số liệu cụ thể về nhân lực của các địa phương được thể hiện tại Bảng 1. Trình độ của cán bộ Sở TN&MT dao động nhưng hầu hết đều có hiểu biết về môi trường và các lĩnh vực liên quan với bằng cử nhân hoặc cao hơn.
Bảng 1. Thống kê số liệu về đội ngũ cán bộ về QLMT, ĐMC/ĐTM tại các địa phương
STT
Sở TN&MT
Số lượng các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về môi trường
Số lượng các cán bộ làm công tác ĐMC, ĐTM
1
An Giang
18
5
2
Bà Rịa-Vũng Tàu
28
8
3
Bạc Liêu
10
5
4
Bắc Giang
12
3
5
Bắc Kạn
9
6
6
Bắc Ninh
20
6
7
Bến Tre
18
6
8
Bình Dương
33
11
9
Bình Định
17
5
10
Bình Phước
18
4
11
Bình Thuận
18
5
12
Cà Mau
12
6
13
Cao Bằng
13
6
14
Cần Thơ
18
4
15
Đà Nẵng
18
4
16
Đắc Lắc
12
4
17
Đắc Nông
12
4
18
Đồng Nai
24
10
19
Đồng Tháp
15
5
20
Điện Biên
15
3
21
Gia Lai
15
6
22
Hà Giang
9
4
23
Hà Nam
16
ko chuyên
24
TP. Hà Nội
36
7
25
Hà Tĩnh
15
6
26
Hải Dương
18
4
27
Hải Phòng
15
5
28
Hậu Giang
15
4
29
TP. Hồ Chí Minh
111
12
30
Hưng Yên
14
7
31
Hòa Bình
21
5
32
Khánh Hòa
18
5
33
Kiên Giang
14
5
34
Kon Tum
(chưa lập Chi cục) 7
7
35
Lai Châu
18
4
36
Lâm Đồng
12
7
37
Lào Cai
13
4
38
Lạng Sơn
10
3
39
Long An
16
5
40
Nam Định
11
3
41
Nghệ An
40
9
42
Ninh Bình
28
5
43
Ninh Thuận
13
4
44
Phú Thọ
16
5
45
Phú Yên
12
7
46
Quảng Bình
15
3
47
Quảng Nam
12
3
48
Quảng Ngãi
16
4
49
Quảng Ninh
27
6
50
Quảng Trị
14
7
51
Sơn La
12
2
52
Sóc Trăng
17
4
53
Tây Ninh
13
4
54
Thái Bình
13
4
55
Thái Nguyên
20
5
56
Thanh Hóa
16
3
57
Thừa Thiên Huế
20
7
58
Tiền Giang
13
5
59
Trà Vinh
14
6
60
Tuyên Quang
8
4
61
Vĩnh Long
16
4
62
Vĩnh Phúc
25
5
63
Yên Bái
9
4
TỔNG CỘNG
1126
323
3.1.4. Ở cấp huyện
Ủy ban nhân dân huyện ủy quyền cho Phòng Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước về việc đăng ký bản CBM. Trung bình có khoảng 3 đến 4 cán bộ mỗi huyện. Hầu hết các cán bộ huyện không được đào tạo về môi trường. Phần lớn có trình độ trung cấp, cao đẳng về các lĩnh vực liên quan, cán bộ có trình độ cử nhân trong các lĩnh vực liên quan đến môi trường là hạn chế.
3.1.5. Ở cấp xã
Cán bộ địa chính chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, ví dụ như xác nhận CBM nếu Ủy ban nhân dân cấp huyện ủy quyền. Chưa ghi nhận số liệu về việc có hay không cán bộ địa chính có chuyên môn môi trường.
3.2. Phát triển hệ thống pháp luật và hướng dẫn
3.2.1. Về khung pháp lý
Các văn bản pháp luật đang có hiệu lực đã được nêu tại Mục 1.2.4.2. Ngoài ra, các bộ ngành khác đã ban hành các văn bản dưới đây:
-
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 06/2007/TT-BKH ngày 27 tháng 8 năm 2007 Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 140/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định việc bảo vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển
-
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27 tháng 01 năm 2011 về hướng dẫn thực hiện ĐMC cho đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị;
-
Bộ Lao động – Thương binh xã hội và Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BLĐTBXH-BTNMT ngày 05 tháng 9 năm 2012 hướng dẫn về quản lý và bảo vệ môi trường trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng thuộc ngành lao động – thương binh và xã hội; Thông tư số 35/TTLT BLĐTBXH-BTNMT ngày 18 tháng 11 năm 2010 hướng dẫn về quản lý và bảo vệ môi trường trong các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy;
-
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 218/2010/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2010 đưa ra mức phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường ở Trung ương và quy định lệ phí thẩm định báo cáo ĐTM ở cấp địa phương tại Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16 Tháng 10 năm 2006 hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nay được thay thế bằng Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2014);
-
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 09/2014/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 3 năm 2014 quy định một số nội dung về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
* Ghi chú: Các văn bản nêu trên của các bộ, ngành cần được rà soát và sửa đổi khi cần thiết cho phù hợp với Luật BVMT 2014.
3.2.2. Về hệ thống các hướng dẫn về ĐMC, ĐTM
Đối với ĐMC:
Hệ thống các hướng dẫn về ĐMC tiếp tục được Bộ TN&MT phát triển theo nhiều phương thức khác nhau.
Đến nay, Bộ TN&MT đã ban hành 03 hướng dẫn kỹ thuật chung về ĐMC (hướng dẫn kỹ thuật ĐMC chi tiết dưới hình thức báo cáo riêng; hướng dẫn kỹ thuật ĐMC chi tiết dưới hình thức lồng ghép; hướng dẫn kỹ thuật ĐMC rút gọn); 10 hướng dẫn kỹ thuật ĐMC cho các CQK phát triển của các ngành, lĩnh vực:
-
Quy hoạch khoáng sản;
-
Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ;
-
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh;
-
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội cấp vùng;
-
Quy hoạch phát triển ngành điện;
-
Quy hoạch phát triển khu công nghiệp;
-
Quy hoạch phát triển đô thị;
-
Quy hoạch phát triển thủy điện;
-
Quy hoạch phát triển thép.
Ngoài ra, Bộ TN&MT đã xây dựng và phát hành 03 hướng dẫn nghiệp vụ ĐMC (hướng dẫn đánh giá tác động đến đa dạng sinh học trong ĐMC; Hướng dẫn đánh giá tác động sức khỏe trong ĐMC; Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ thẩm định ĐMC) và đã xây dựng, công bố 04 hướng dẫn kỹ thuật lồng ghép yếu tố BĐKH trong các CQK bằng công cụ ĐMC bao gồm 01 hướng dẫn chung lồng ghép yếu tố BĐKH trong các CQK bằng công cụ ĐMC và 03 hướng dẫn chuyên ngành (hướng dẫn lồng ghép BĐKH trong các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh bằng công cụ ĐMC; hướng dẫn lồng ghép yếu tố BĐKH trong các quy hoạch phát triển ngành giao thông đường bộ bằng công cụ ĐMC; hướng dẫn lồng ghép yếu tố BĐKH trong quy hoạch phát triển ngành điện bằng công cụ ĐMC).
Các hướng dẫn ĐMC, ĐTM nêu trên sẽ được đăng tải trên trang web của Bộ TN&MT (http://www.monre.gov.vn), trang web của Tổng cục Môi trường (http://vea.gov.vn) và trang web của Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (http://eia.vn).
Đối với ĐTM:
Tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn đã ban hành trước đó cho phù hợp với quy định mới và các yêu cầu về khoa học, kỹ thuật. Đến nay Bộ TN&MT đã xây dựng và ban hành 22 hướng dẫn lập ĐTM dành cho các loại hình dự án dưới đây:
-
Phát triển khu công nghiệp;
-
Phát triển đô thị;
-
Công trình giao thông;
-
Nhà máy bia-rượu-nước giải khát;
-
Nhà máy Nhiệt điện;
-
Nhà máy dệt – nhuộm;
-
Nhà máy xi măng;
-
Khai thác, chế biến đá và sét;
-
Công trình thuỷ điện;
-
Nhà máy giấy và bột giấy;
-
Xây dựng công trình cảng;
-
Sản xuất hoá chất cơ bản;
-
Xây dựng bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, khai thác dầu khí;
-
Xây dựng kho xăng dầu và công nghiệp luyện gang thép;
-
Dự án khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên;
-
Dự án khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò;
-
Dự án khai thác đất hiếm;
-
Dự án chế biến đất hiếm;
-
Dự án khai thác bauxite;
-
Khai hoang chuyển đổi đất rừng sang trồng cây công nghiệp;
-
Xây dựng khu du lịch;
-
Xây dựng lò đốt chất thải nguy hại.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang tiếp tục xây dựng hướng dẫn lập ĐTM cho các dự án: xây dựng công trình thủy lợi; xây dựng đường sắt trên cao; xây dựng cơ sở sản xuất tinh bột mì; xây dựng cơ sở sản xuất phân hữu cơ vi sinh; xây dựng cơ sở xử lý, tái chế chất thải nguy hại (nếu được bố trí kinh phí).Điều đặc biệt là lần đầu tiên Bộ đã xây dựng và ban hành 01 hướng dẫn thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án nhà máy điện hạt nhân với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản – JICA.
Các hướng dẫn ĐTM nêu trên được đăng tải trên trang của Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (http://eia.vn).
3.2.3. Thực hiện ĐMC, ĐTM, CBM, ĐBM
Trong giai đoạn Nghị định 29/2011/NĐ-CP có hiệu lực (từ 05/6/2011- đến 31/3/2015) và thời gian đầu của Nghị định 18/2015/NĐ-CP từ ngày 01/4/2015 đế nay), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện 14 dự án ĐMC thí điểm cho các loại hình như: quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển khu kinh tế, chiến lược phát triển giao thông vận tải ở các cấp độ khác nhau (quốc gia, vùng, tỉnh và huyện); tổ chức thẩm định 100 báo cáo ĐMC cho các CQK khác nhau trong đó có 71 báo cáo ĐMC đã được Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định (xem Bảng 2).
Bảng 2. Số lượng báo cáo ĐMC được Bộ TNMT thẩm định từ 05/6/2011 đến 15/9/2015
TT
Năm
Số lượng báo cáo ĐMC đã được thẩm định
Số lượng báo cáo ĐMC đã được báo cáo TTCP
1
2011
8
16 (bao gồm từ năm 2010)
2
2012
28
17
3
2013
16
10
4
2014
33
20
5
2015
15
8
Tổng cộng
100
71
Bảng 3: Mối quan hệ giữa số lượng cán bộ và ĐMC, ĐTM được thẩm định tại các bộ/ngành từ 05/6/2011 đến 10/9/2014
TT
Danh sách các Bộ
Số cán bộ QLNN về môi trường
Báo cáo ĐMC
Báo cáo ĐTM
ĐMC đã thẩm định
ĐMC đã báo cáo
ĐTM đã tiếp nhận
ĐTM đã phê duyệt
1.
Bộ Công Thương
18
7
–
1
1
2.
Bộ Giao thông vận tải
13
0
0
72
65
3.
Bộ Nông nghiệp & PTNT
12
5
1
24
19
4.
Bộ Thông tin và TT
1
0
0
3
2
5.
Bộ Xây dựng
10
0
0
1
0
6.
Bộ Y tế
12
0
0
11
7
Hình 4. Số lượng ĐMC/ĐTM được thực hiện từ 5/6/2011 đến 10/9/2014 tại các Bộ, ngành
Để hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa số lượng cán bộ quản lý nhà nước về môi trường và số lượng ĐTM được thẩm định, phân tích tương quan đơn giản được thực hiện. Mối quan hệ này được phân tích trong Bảng 3 và Hình 5.
Hình 5. Mối tương quan giữa số cán bộ quản lý nhà nước về môi trường và ĐMC/ ĐTM
Hình 5 cho thấy không có mối tương quan rõ ràng giữa số lượng nhân viên bộ/ngành và số lượng ĐMC được thẩm định và ĐTM được phê duyệt.
Đối với thực hiện ĐTM, nhận thức của Chủ dự án về sự tuân thủ quá trình chuẩn bị các báo cáo ĐTM cho các dự án đầu tư đã được cải thiện đáng kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 và sau này được thay thế bởi Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2103 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trước đây, nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện báo cáo ĐTM. Sau khi có chế tài xử phạt, số lượng doanh nghiệp và các Chủ dự án không thực hiện và trình báo ĐTM giảm đáng kể.
Đối với ĐTM thực hiện ở cấp Trung ương, các số liệu điều tra cho thấy Bộ TN&MT thẩm định trung bình mỗi năm khoảng 125 đến 200 báo cáo ĐTM. Tổng số ĐBM đã được Bộ TN&MT thẩm định là 145.
Kết quả điều tra cho thấy hơn 100 báo cáo ĐTM không được chấp thuận/thông qua bởi Hội đồng thẩm định của Bộ TN&MT từ khi Luật BVMT có hiệu lực đến nay. Rất ít dự án được Hội đồng thẩm định thông qua không cần chỉnh sửa, bổ sung . Hầu hết Chủ dự án được yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa lại báo cáo ĐTM trong quá trình thẩm định. Báo cáo ĐTM sửa đổi sau đó được nộp lại và chỉ được thông qua khi được cơ quan thường trực Hội đồng xem xét và nhận thấy đã chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến của Hội đồng thẩm định trước đây. Đối với các dự án bị từ chối, Chủ dự án được yêu cầu thiết kế lại quy mô, công suất… và được trình lại như một dự án mới.
Ở cấp tỉnh, trong số 57 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo, tổng số có 5.623 báo cáo ĐTM, 1.960 ĐBM đã được phê duyệt kể từ ngày Nghị định 29/2011/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 05 tháng 6 năm 2011) đến 10/9/2014. Số lượng báo cáo ĐTM thẩm định tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rất khác nhau, trung bình khoảng 33 báo cáo ĐTM/tỉnh (số liệu chi tiết được thể hiện tại Phụ lục 1).
Tương tự như cấp Trung ương, các Sở TN&MT cũng đã bác bỏ một số báo cáo ĐTM, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng của báo cáo ĐTM. Các Chủ dự án được yêu cầu phối hợp với cơ quan/tổ chức/đơn vị tư vấn của họ bổ sung, chỉnh sửa các báo cáo ĐTM trong các phiên họp Hội đồng thẩm định. Các ĐTM sửa đổi này sau đó đã được chấp thuận sau khi đã bổ sung, chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định.
Cũng trong khoảng thời gian này (hơn 3 năm), ở cấp huyện, xã đã có 56.380 bản CBM và 32.224 ĐBM đơn giản được đăng ký, xác nhận.
Theo số liệu thống kê của Bộ, ngành và 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã có 1.788 ĐBM chi tiết được lập, 1193 chưa được lập; 27.746 ĐBM đơn giản được lập và có 83.445 ĐBM đơn giản chưa được lập.
3.2.4. Hoạt động sau ĐTM
Ở cấp Trung ương, năm 2011 đã có 29 Chủ dự án đề nghị Bộ TN&MT kiểm tra và xác nhận các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào hoạt động (sau đây gọi tắt là sau ĐTM). Con số này lần lượt là 64 cho năm 2012; 97 trong năm 2013, 77 trong năm 2014 và từ đầu năm 2015 đến nay là 85. Trong số 352 dự án này, đã có 300 dự án được xác nhận hoàn thành sau ĐTM. Ngoài ra, Bộ TN&MT đã chủ động tiến hành thực hiện công tác sau ĐTM cho 34 dự án thủy điện. Đến nay, chưa ghi nhận công tác này được thực hiện bởi các Bộ, ngành khác, mặc dù các phòng ban chức năng đã được thành lập.
Ở cấp tỉnh có khoảng hơn 1712 dự án đã được kiểm tra và xác nhận sau ĐTM bởi các Sở TNMT, rong số này đa có 1146 dự án đã được cấp giấy xác nhận sau ĐTM. Sau khi tiến hành xác nhận sau ĐTM, dự án được yêu cầu bổ sung và điều chỉnh các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường để đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động.
Bảng 4: một số số liệu về công tác thẩm định ĐMC, ĐTM, ĐBM và hoạt động sau ĐTM tại các bộ/ngành từ 05/6/2011 đến 10/9/2014 (riêng số liệu của Bộ TNMT được cập nhật đến 15/9/2015)
Nội dung
Bộ TN&MT
Các Bộ, ngành khác *
Sở TNMT
Số lượng cán bộ về quản lý môi trường
619
66
1126
Số lượng cán bộ trực tiếp liên quan đến ĐMC, ĐTM, ĐBM, sau ĐTM
100
50
323
I. Hồ sơ ĐTM
1. Đã nhận
1,252
112
6525
2. Đã phê duyệt
1,205
94
5623
II. Hồ sơ ĐMC
1. Đã nhận
100
12
10
2. Đã báo cáo kết quả thẩm định
71
1
9
III. Hồ sơ Hậu thẩm
1. Đã nhận
352
1
1.712
2. Đã cấp Giấy XN
300
1
1.146
III. Hồ sơ Đề án
1. Đã nhận
145
31
36.101
2. Đã phê duyệt/xác nhận
142
28
1.932
3.2.5. Các nguồn lực thực hiện
Về nhân lực:
Ngoài bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đội ngũ các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã có những đóng góp quan trọng trong hoạt động thẩm định ĐMC, ĐTM, ĐBM, hoạt động sau ĐTM. Đội ngũ này bao gồm: giảng viên, các nhà khoa học của các trường đại học, viện khoa học, các trung tâm nghiên cứu, các hiệp hội và các nhà quản lý trong các lĩnh vực khác nhau.
Số liệu về số lượng giảng viên và học viên, sinh viên hiện nay tại các các cơ sở đào tạo được thể hiện tại Bảng 3 và Hình 5 cho thấy một phần số liệu hiện trạng và tương lai về nguồn nhân lực đối với công tác bảo vệ môi trường bao gồm cả ĐMC và ĐTM.
Bảng 2. Thống kê số lượng giảng viên và học viên, sinh viên tại các cơ sở đào tạo
STT
Tên trường đại học
Số lượng giảng viên hiện tại
Số lượng sinh viên hiện tại
1
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội
130
135
2
Trường Đại học Thái Nguyên
50
530
3
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
45
4
Trường Đại học Giao thông Vận tải
32
5
Trường Đại hoc Hàng Hải
37
6
Trường Đại học Hồng Đức
126
7
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
854
8
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
46
9
Trường Đại học Lâm nghiệp
55
239
10
Trường Đại học Mỏ Địa chất
171
222
11
Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội
92
345
12
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
35
63
13
Trường Đại học Tây Bắc
60
14
Trường Đại học Thủy lợi
220
265
15
Trường Đại học Vinh
161
16
Trường Đại học Xây dựng
50
314
17
Trường Đại học Dân lập Đông Đô
8
52
18
Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh
54
481
19
Trường Đại học Dân lập Phương Đông
10
109
20
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
135
505
21
Đại học Huế
65
215
22
Đại học Đà Nẵng
30
170
23
Trường Đại học An Giang
48
49
24
Trường Đại học Tôn Đức Thắng
15
85
25
Trường Đại học Cần Thơ
42
176
26
Trường Đại học Đà Lạt
13
74
27
Trường Đại học Nha Trang
24
–
28
Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh
50
376
29
Trường Đại học Quy Nhơn
10
61
30
Trường Đại học Tây Nguyên
11
91
31
Trường Đại học Dân lập Duy Tân
6
–
32
Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh
13
46
33
Trường Đại học Lạc Hồng
33
37
34
Trường Đại học Dân lập Văn Lang
13
45
35
Trường Đại học Yersin Đà Lạt
14
23
36
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
40
2.610
37
Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
40
2.000
TỔNG CỘNG
1.477
10.679
Về nguồn lực tài chính:
Về nguồn kinh phí lập báo cáo ĐMC, Liên Bộ Tài chính – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 50/2012/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30 tháng 3 năm 2012 hướng dẫn cơ chế tài chính và mức kinh phí, lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược. Theo Thông tư này, kinh phí lập báo cáo ĐMC được bố trí trong kinh phí xây dựng CQK do ngân sách bảo đảm từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế và các nguồn khác (nếu có); Kinh phí lập báo cáo ĐMC của CQK do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương thực hiện do ngân sách Trung ương bảo đảm và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ, cơ quan Trung ương; Kinh phí lập báo cáo ĐMC của CQK do địa phương thực hiện do ngân sách địa phương bảo đảm và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của địa phương.
Không có quy định về phí thẩm định ĐMC vì tất cả các hoạt động lập và thẩm định ĐMC đều do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Về kinh phí lập báo cáo ĐTM, đến nay cơ quan có thẩm quyền chưa có quy định cụ thể vì nhiều lý do khác nhau như tính đa dạng về loại hình dự án, quy mô, công suất, địa điểm thực hiện…
Về phí thẩm định: Đối với báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền thẩm định của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 218/2010/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2010 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định ĐTM. Theo Thông tư này, mức thu phí thẩm định đối với 01 báo cáo ĐTM dao động từ 6 đến 96 triệu đồng, tùy thuộc vào tổng vốn đầu tư và loại hình dự án. Đối với báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền thẩm định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, việc tổ chức thu phí được thực hiện trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với mức thu từ 5 đến 26 triệu đồng/01 báo cáo ĐTM, các địa phương sẽ có điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với trước đây trong việc tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM.
Chưa có quy định về phí thẩm định, đăng ký đối với ĐBM, CBM và hoạt động sau ĐTM.
3.2.6. Về công tác đào tạo, tập huấn:
Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực ĐMC cho 700 cán bộ của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan tư vấn, nghiên cứu, đào tạo; đào tạo 30 giảng viên về ĐMC.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức một số khóa tập huấn ĐMC cho cán bộ của Bộ, một số Bộ và địa phương liên quan; Bộ Công Thương đã tổ chức 3 khóa tập huấn ĐMC cho 70 cán bộ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 04 khóa tập huấn ĐMC cho 170 cán bộ của Bộ và một số Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng đã tổ chức một số khóa tập huấn ĐMC cho cán bộ các Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc quy hoạch.
Bộ TN&MT và một số Bộ đã xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật ĐMC. Bộ TN&MT đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật chung về ĐMC, trong đó có quy trình thực hiện chung và các phương pháp thực hiện ĐMC. Một số Bộ cũng đã và đang xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật ĐMC chuyên ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật ĐMC đối với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; Bộ Xây dựng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật ĐMC đối với quy hoạch xây dựng; Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật ĐMC đối với quy hoạch chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng hướng dẫn kỹ thuật ĐMC cho ngành nông nghiệp).
IV. NHỮNG THÀNH QUẢ
4.1. Về pháp luật:
-
Pháp luật về ĐTM của Việt Nam rất đa dạng và đã trải qua thời gian phát triển theo con đường riêng của mình và ngày càng hoàn thiện hơn. Phát huy những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thi hành Luật BVMT 1993 và các văn bản dưới Luật, công tác ĐTM đã được tiếp tục phát triển, hoàn thiện thêm một bước trong Luật BVMT 2005, Luật BVMT 2014 và các văn bản dưới Luật, đặc biệt gần đây là Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ và Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ TN&MT.
-
Về ĐMC, trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật về ĐMC quy định về quy trình, thủ tục, yêu cầu lập và thẩm định ĐMC. Các văn bản pháp luật cũng đã được điều chỉnh, bổ sung kịp thời để phù hợp với tình hình thực tế. Hệ thống cơ quan quản lý môi trường được thiết lập từ cấp Trung ương đến địa phương, điều này tạo điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ về ĐMC, ĐTM, CBM, ĐBM và sau ĐTM.
-
Các quy trình, thủ tục thẩm định ĐMC, ĐTM và đăng ký CBM/KBM được quy định ngày càng rõ ràng, minh bạch hơn theo hướng cải cách hành chính nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về chất lượng của công tác thẩm định; Thành phần hội đồng thẩm định được quy định rõ ràng và tạo điều kiện để nhiều thành phần được tham gia.
-
Việc thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM được phân cấp mạnh, không những cho các UBND cấp tỉnh mà còn giao trách nhiệm cho cả các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của mình.
4.2. Về chất lượng và hiệu quả của công tác ĐMC/ĐTM
-
Các dự án ĐMC thí điểm với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các nhà tài trợ quốc tế và sự tham gia của các cơ quan tư vấn, chuyên gia trong nước đều có chất lượng tốt và đã chứng minh được hiệu quả của ĐMC đối với quá trình lập CQK. ĐMC thí điểm cho Quy hoạch phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, Quy hoạch phát triển lưu vực thủy điện lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng, Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc… đã cho thấy ĐMC được thực hiện có hiệu quả và đã có những đóng góp tính cực trong việc phát hiện, dự báo các tác động môi trường của CQK; góp phần chỉnh sửa, hoàn thiện CQK theo định hướng phát triển bền vững. Thông qua việc lập ĐMC và các phiên họp của các Hội đồng thẩm định ĐMC đã có rất nhiều ý kiến quan trọng, có tác động điều chỉnh nhiều Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Bắc Cạn, Thanh Hóa, Quảng Trị, thành phố Đà Nẵng, Tây Ninh; Quy hoạch lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Quy hoạch phát triển ngành thủy sản… Lãnh đạo các đơn vị lập CQK, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố, lãnh đạo các Sở được phân công xây dựng Quy hoạch đã nhận thức rõ hơn về tác động của ĐMC và đã điều chỉnh các Quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
-
Nội dung và chất lượng của báo cáo ĐMC, ĐTM, CBM ngày càng rõ ràng, khoa học hơn và chi tiết hơn (gần đây Thông tư 27/2015/TT-BTNMT đã có những tiến bộ đáng kể). Thông qua kết quả ĐTM, việc giám sát công tác BVMT đối với các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, dự án sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh, đã được tiến hành một cách chặt chẽ. Nhiều dự án có tác động nhạy cảm đến môi trường được dư luận đặc biệt quan tâm như dự án Cảng Lạch Huyện đã được thẩm định, phê duyệt; dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã được Tổng cục Môi trường tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và chuyên gia và Bộ TN&MT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định báo cáo ĐTM của 02 dự án này. Đặc biệt, cũng thông qua công cụ ĐTM, đưa ra cảnh báo về những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái của các dự án thuỷ điện, thông báo và yêu cầu các địa phương phải có giải pháp khắc phục kịp thời. Theo thống kê từ 2005 đến nay, hơn 100 dự án đầu tư các lĩnh vực khác nhau đã phải thay đổi địa điểm hoặc bị từ chối vì lý do không đảm bảo các yêu cầu về BVMT.
-
Nhiều dự án trước khi đi vào vận hành chính thức đã được xác nhận việc thực hiện các công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. Điều này làm cho ĐTM được thiết thực hơn và gắn trách nhiệm của Chủ dự án trong công tác bảo vệ môi trường.
4.3. Bộ máy quản lý nhà nước và sự tham gia của xã hội trong công tác ĐMC/ĐTM/KBM
-
Hệ thống cơ quan quản lý môi trường được thiết lập từ cấp Trung ương đến địa phương, điều này tạo điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ về ĐMC, ĐTM, KBM và sau ĐTM.
-
Đội ngũ cán bộ ngày càng phát triển cả số lượng và chất lượng để đáp ứng theo từng giai đoạn phát triển của đất nước và yêu cầu về bảo vệ môi trường.
-
Các nhà khoa học, các cơ quan truyền thông và toàn xã hội ngày càng quan tâm hơn đến công tác ĐMC, ĐTM, CBM/KBM. Điều này góp phần quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.
-
Các chuyên gia tham gia vào Hội đồng thẩm định tại Bộ TN&MT và các bộ, ngành khác đã được chọn lựa và phần lớn đều là các chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp; chất lượng chuyên gia tham gia hoạt động Hội đồng thẩm định ĐTM có khác nhau giữa các địa phương vì nhiều lý do khác nhau (yếu tố địa lý, kinh phí…).
-
Việc tham vấn ý kiến cộng đồng khi thực hiện ĐMC, ĐTM trở thành yêu cầu bắt buộc (thể hiện tính dân chủ, tính nhân văn, tính khoa học…) và đang dần dần tiếp cận chung với kinh nghiệm quốc tế.
V. NHỮNG TỒN TẠI, KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC ĐMC, ĐTM VÀ CBM
5.1. Đối với công tác báo cáo ĐMC
-
Chất lượng và hiệu quả của các báo cáo ĐMC khác nhau, phụ thuộc vào năng lực của cơ quan lập CQK, cơ quan tư vấn ĐMC, kinh phí thực hiện ĐMC, tổ chức thực hiện ĐMC, sự gắn kết giữa thực hiện CQK và ĐMC. Một số ĐMC không đạt yêu cầu, mang tính lý thuyết và có giá trị như là một điều kiện đơn thuần cho việc phê duyệt CQK.
-
Quan điểm và nhận thức về ĐMC của một số cơ quan có liên quan còn hạn chế; một số cơ quan lập CQK chưa thật thực sự tuân thủ các yêu cầu thực hiện ĐMC trong quá trình lập, thẩm định CQK; coi việc thực hiện ĐMC như thủ tục bắt buộc; chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng, tác dụng của ĐMC như một công cụ để xem xét các vấn đề môi trường của CQK và hoàn thiện CQK. Từ đó, các cơ quan lập CQK còn tiếp thu một cách rất hạn chế các đề xuất, kiến nghị của ĐMC đối với CQK. Một số cơ quan thẩm định CQK chưa sử dụng có hiệu quả các kết quả, kiến nghị của ĐMC trong quá trình thẩm định CQK.
-
Số lượng các chuyên gia có đủ năng lực tham gia các Hội đồng thẩm định ĐMC còn ít.
-
Phương thức thẩm định ĐMC chủ yếu thông qua tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định; chưa có điều kiện tổ chức các hoạt động hỗ trợ thẩm định như khảo sát thực địa, lấy ý kiến tham vấn các cơ quan liên quan,…
-
Số lượng các cơ quan, chuyên gia tư vấn có đủ năng lực thực hiện tốt ĐMC còn chưa nhiều; chưa có đủ số lượng cơ quan, chuyên gia tư vấn về ĐMC cho nhiều ngành, lĩnh vực đặc thù. Một số cơ quan tư vấn lập ĐMC không có khả năng chỉnh sửa, bổ sung báo cáo ĐMC theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định.
-
Tổ chức thực hiện ĐMC đôi lúc chưa tốt: Nhiều ĐMC được thực hiện sau khi dự thảo CQK đã được soạn thảo, không đảm bảo nguyên tắc ĐMC thực hiện đồng thời/song song với quá trình lập CQK. Do vậy, hiệu quả của ĐMC đối với quá trình lập CQK bị hạn chế. Mặt khác, các đề xuất, kiến nghị của ĐMC ít được cơ quan lập CQK tiếp thu đầy đủ. Trong một số trường hợp, cơ quan lập CQK và ĐMC không tiến hành tham vấn trong quá trình thực hiện ĐMC. Vì vậy, sự tham gia của các cơ quan liên quan và cộng đồng trong quá trình lập ĐMC còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của ĐMC đối với CQK.
-
Thông tin, dữ liệu cho lập ĐMC còn thiếu.
5.2. Đối với công tác báo cáo ĐTM/CBM/ĐBM
-
Còn nhiều dự án bỏ qua bước ĐTM hoặc chưa tiến hành lập hồ sơ hoạt động sau ĐTM; và còn nhiều cơ sở thuộc đối tượng phải lập ĐBM nhưng chưa tiến hành lập hồ sơ.
-
Còn thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không liên quan đến chất thải nên không có căn cứ để làm chuẩn mực khi xem xét các tác động không liên quan đến chất thải gây ra bởi dự án; Việc xem xét, thẩm định báo cáo ĐTM của các dự án gây tổn thất lớn về tài nguyên thiên nhiên (ví dụ xây dựng thủy điện chắc chắn phải chấp nhận mất rừng, mất quỹ đất, suy giảm đa dạng sinh học…) thường gặp khó khăn do không có tiêu chí cụ thể ở mức độ nào thì chấp nhận được.
-
Các thông tin, dữ liệu môi trường nền và sức chịu tải của môi trường khu vực thực hiện dự án là các yếu tố quan trọng để theo đó thực hiện ĐTM cũng như để phục vụ công tác thẩm định báo cáo ĐTM, nhưng hiện nay hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường để phục vụ ĐTM, CBM, ĐBM còn tản mạn, không đầy đủ, dẫn đến công tác lập cũng như thẩm định báo cáo ĐTM, ĐBM/xác nhận CBM thường gặp khó khăn.
-
Nhận thức và tham gia của cộng đồng trong các công tác BVMT chưa cao.
-
Công tác kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các nội dung BVMT trước khi dự án đi vào hoạt động chính thức tuy đã được đẩy mạnh nhưng chưa làm được nhiều, một mặt do cơ quan quản lý nhà nước chưa có đủ điều kiện về nguồn nhân lực và các trang thiết bị máy móc cần thiết, mặt khác quy định này mới được đặt ra trong hệ thống các văn bản pháp lý của Luật BVMT 2005 nên nhiều dự án mới đang trong giai đoạn xây dựng.
-
Chưa tiến hành ĐTM tổng hợp cho một vùng lãnh thổ. ĐTM đối với các dự án đầu tư phát triển ở nước ta trong thời gian hơn 20 năm qua hầu như mới chỉ tiến hành một cách đơn lẻ, trong khi ở một vùng lãnh thổ nhất định lại thường có nhiều dự án và cơ sở đang hoạt động cùng tồn tại. Về nguyên lý, các tác động môi trường của các dự án và cơ sở trong một vùng, vào cùng một thời điểm có thể cộng hưởng với nhau và tăng lên gấp bội, hoặc cũng có thể triệt tiêu nhau. Việc thiếu vắng đánh giá tổng hợp các tác động môi trường của các dự án và cơ sở đang hoạt động trong cùng một vùng sẽ không thấy hết được bức tranh tổng thể về tác động môi trường xảy ra ở vùng đó, từ đó, sẽ không có căn cứ chắc chắn để có thể quyết định cho phép hay không cho phép đầu tư thêm dự án vào một vùng nhất định. Còn thiếu các hướng dẫn kỹ thuật lập ĐTM chuyên ngành ở các ngành, lĩnh vực khác nhau.
-
Chưa tiến hành ĐTM xuyên biên giới. Vấn đề môi trường nói chung, tác động môi trường nói riêng không phụ thuộc vào ranh giới hành chính của một vùng hay một quốc gia. Tác động môi trường xảy ra ở một quốc gia này có thể ảnh hưởng đến một quốc gia hoặc nhiều quốc gia khác. Vì vậy, trong khuôn khổ Liên hợp quốc đã có Công ước về ĐTM xuyên biên giới (thường được gọi tắt là Công ước Espoo). Việt Nam có biên giới trên đất với ba nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia, có những con sông và có vùng biển rộng lớn liên quan đến nhiều nước khác, do đó ĐTM xuyên biên giới là vấn đề hết sức quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta chưa tiến hành được do chưa có những phương thức, cơ chế phối hợp cụ thể với các quốc gia lân cận để tiến hành.
-
Luật BVMT quy định tổ chức dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM phải có một số điều kiện và trên thực tế, việc lập báo cáo ĐTM hầu như đều được thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa có cách gì để kiểm soát được các tổ chức tư vấn có đáp ứng được các điều kiện đưa ra trong các văn bản pháp luật quy định hay không. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn dến chất lượng ĐTM còn kém.
-
Phân cấp mạnh cho địa phương trong việc thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên, nhiều địa phương chưa kịp chuẩn bị nguồn nhân lực và trang thiết bị cần thiết để thực thi trách nhiệm được giao; Đội ngũ cán bộ của các cơ quan thẩm định và lực lượng chuyên gia trong lĩnh vực ĐTM, KBM còn hạn chế về số lượng và chất lượng, đặc biệt là ở các cơ quan quản lý môi trường cấp huyện và các tỉnh miền núi; Cán bộ chuyên trách về bảo vệ môi trường cấp huyện còn thiếu và yếu nên việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT chưa cao.
-
Các cơ chế tài chính cho các hoạt động lập, thẩm định báo cáo ĐTM chưa được ban hành kịp thời. Định mức cho hoạt động này trước đây rất thấp đối với báo cáo ĐTM thuộc thẩm quyền thẩm định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (với mức thu không vượt quá 5 triệu đồng theo Thông tư số 97/2006/TT-BTC), các địa phương đã gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM. Đến nay vấn đề này đã bước đầu được giải quyết theo Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Tài nguyên và Môi trường.
-
Chưa hình thành được hướng dẫn ĐTM tổng hợp, ĐTM xuyên biên giới và còn có những khó khăn về phương pháp tiến hành cho các loại hình ĐTM này.
-
Cuối cùng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chủ dự án và cơ quan/tổ chức/đơn vị tư vấn trong quá trình thực hiện ĐTM, nhiều trường hợp Chủ dự án đã giao khoán, phó mặc cho bên tư vấn môi trường thực hiện ĐTM, trong khi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung báo cáo ĐTM là thuộc về Chủ dự án. Do không có sự phối hợp chặt chẽ này, nội dung tư vấn môi trường đưa ra trong báo cáo ĐTM đôi khi không thống nhất, thậm chí không phù hợp với nội dung của dự án; các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường đưa ra trong báo cáo ĐTM đã không được thực hiện do Chủ dự án không nắm được nội dung báo cáo ĐTM.
VI. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ VỀ CÁC GIẢI PHÁP, KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI
6.1. Kiến nghị đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ
-
Tạo điều kiện cần thiết để đảm bảo cho việc tổ chức, thực hiện có hiệu quả pháp luật, chính sách trong thực tiễn.
-
Chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về QHMT, ĐMC, ĐTM, KBM và sau ĐTM; Trên cơ sở cân nhắc và tính toán thoả đáng các nhân tố kinh tế, xã hội, nhân văn nhằm tạo ra cơ sở pháp lý và môi trường thuận lợi cho hoạt động QHMT, ĐMC, ĐTM, KBM; Cần có sự phân công, phân cấp hợp lý chức năng, nhiệm vụ BVMT giữa các ngành, các cấp và các địa phương; Hình thành cơ chế phối hợp hiệu quả để giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên vùng và những vấn đề môi trường trọng điểm.
6.2. Đối với Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
-
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ lập CQK nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về ĐMC để làm cơ sở tối ưu hóa nội dung của CQK và làm căn cứ phê duyệt CQK.
-
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về BVMT trực thuộc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo ĐTM để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường của các dự án đầu tư. Kiên quyết không phê duyệt các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt đầu tư của mình khi dự án chưa được phê duyệt báo cáo ĐTM hoặc chưa được đăng ký bản CBK. Khi xem xét, quyết định phê duyệt dự án đầu tư phải bảo đảm các điều kiện để các yêu cầu về BVMT theo quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án được thực thi.
-
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về BVMT trực thuộc tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về công tác sau ĐTM và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về công tác sau ĐTM theo quy định pháp luật đối với các dự án do mình phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt báo cáo ĐTM. Báo cáo kịp thời cho Bộ TN&MT các trường hợp vượt thẩm quyền xử lý để phối hợp giải quyết;
-
Chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu các dự án triển khai trên địa bàn địa phương mình đã được phê duyệt báo cáo ĐTM và đã đi vào vận hành sau ngày 01 tháng 7 năm 2006 nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận về việc đã thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường khẩn trương lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền để được kiểm tra, xác nhận theo quy định của pháp.
-
Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc việc đăng ký và kiểm tra việc thực hiện bản CBM theo các quy định pháp luật hiện hành.
-
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về BVMT trực thuộc thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về công tác thẩm định báo cáo ĐMC; thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM; công tác sau ĐTM; đăng ký bản KBM theo quy định.
-
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Bộ TN&MT để được hướng dẫn.
6.3. Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường
-
Tiếp tục năng cao năng lực ĐMC, ĐTM, KBM cho các bộ, ngành và địa phương để thực hiện có chất lượng cao các yêu cầu tại Luật BVMT; Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện thành công các nội dung về QHMT.
-
Đẩy mạnh sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong công tác bảo vệ và quản lý môi trường.
-
Tiếp tục xây dựng các ấn phẩm và phổ biến các hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành về ĐMC, ĐTM, KBM; hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường. Nghiên cứu xác lập các chỉ thị (indicators) và chỉ số (indexes) trong các báo cáo ĐTM/ĐMC để xác định các tác động của dự án hoặc CQK một cách định lượng. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM tổng hợp, ĐTM xuyên biên giới; Lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong quá trình lập CQK và ĐMC.
-
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và nâng cao nhận thức về ĐMC cho các cơ quan hoạch định chính sách, ra quyết định về CQK và cộng đồng; tăng cường sự hợp tác của các cơ quan có liên quan đối với công tác ĐMC và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quá trình lập ĐMC.
-
Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo và tổ chức các lớp tập huấn QHMT, ĐMC, ĐTM, KBM.
-
Thành lập hệ thống thông tin và dữ liệu về QHMT, ĐMC, ĐTM, KBM để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập và thẩm định, quản lý.
-
Nghiên cứu hình thành tạp chí khoa học chuyên ngành về đánh giá tác động nói chung và ĐMC, ĐTM nói riêng.
VII. KẾT LUẬN
Một nguyên tắc quan trọng của phát triển bền vững là sự tích hợp của các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Nguyên tắc này là trung tâm của điều ước quốc tế và chính sách, chiến lược phát triển của các quốc gia khác nhau. ĐTM và những công cụ đánh giá môi trường khác là những công cụ được sử dụng để đảm bảo rằng các quyết định phát triển phải tính đến và giảm thiểu đến mức có thể các tác động tiêu cực đến môi trường. Tiếp cận theo nguyên tắc này và những kinh nghiệm quốc tế, công tác ĐMC, ĐTM của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng như đã đề cập trong Báo cáo. Với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của bộ ngành địa phương, sự đồng thuận của xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, chúng ta hy vọng sẽ tiếp tục phát huy được những thành tựu đã đạt được, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, bất cập và cùng hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ của Đất nước.