Đánh giá Realme 5 Pro: hiệu năng và chụp ảnh “vượt” tầm giá 6 triệu đồng

Với sự xuất hiện của Realme 5 Pro, Xiaomi có lý do để lo lắng và những người yêu thích smartphone giá mềm, cấu hình mạnh “cày” game đã có thêm một lựa chọn mới sáng giá. Ngoài sức mạnh “cơ bắp”, điện thoại này cũng có khả năng chụp ảnh không tồi chút nào.

Lâu nay, Xiaomi là thương hiệu nổi bật nhất khi nói đến các smartphone cấu hình mạnh và giá bán mềm. Tuy vậy, vị thế đó của Xiaomi giờ đây phải chia sẻ với Realme, thương hiệu mới của Oppo có chiến lược sản phẩm tương tự. Thậm chí, Realme còn “mắn đẻ” hơn cả Xiaomi. Chỉ trong vòng hơn một năm qua, thương hiệu này đã ra mắt tới 4 thế hệ từ Realme 1, 2, 3 và mới đây là Realme 5/5Pro. Kết quả là, vòng đời sản phẩm rút ngắn xuống còn 4 tháng để có phiên bản mới, không phải là nửa năm như Xiaomi và các hãng khác.

Chiếc Realme 5 Pro là phiên bản kế nhiệm của Realme 3 Pro mới ra mắt ở Việt Nam hồi đầu tháng 6. Mặc dù thời gian rất ngắn ngủi nhưng Realme đã kịp đưa vào sản phẩm một số nâng cấp đáng chú ý, đặc biệt là cụm 4 camera phía sau với camera chính 48MP dùng cảm biến Sony, vi xử lý Snapdragon 712 mới mạnh mẽ trong phân khúc tầm trung và cổng USB Type C với khả năng sạc nhanh.

Realme 5 Pro sẽ bán ra ở Việt Nam vào ngày 4/10 với mức giá dự kiến là 6,29 triệu đồng. Đây là mức giá khá tốt, rẻ hơn chút so với giá khởi điểm của Realme 3 Pro lúc đầu mở bán (6,49 triệu đồng). Dự kiến, Realme 5 Pro sẽ có 2 phiên bản ở Việt Nam: một bản RAM 4GB/bộ nhớ 128GB và một bản RAM 8GB/bộ nhớ 128GB.

Thiết kế quen thuộc, dày và nặng hơn đàn anh, đã có cổng Type C

Thiết kế của Realme 5 Pro cơ bản được kế thừa từ đàn anh Realme 3 Pro. Máy vẫn có màn hình giọt nước kích cỡ tương tự, thân bằng chất liệu nhựa và kiểu dáng không thay đổi nhiều. Điểm khác biệt lớn nhất trên phiên bản mới này là cách xử lý bề mặt ở lưng máy với họa tiết vân kim cương bắt mắt hơn và nhìn giống kính hơn.

Màn hình giọt nước quen thuộc trên các sản phẩm Realme.

Giọt nước chứa cụm camera trước, chi tiết rất quen thuộc trên các máy Realme hiện nay.

Sản phẩm hiện có 2 tùy chọn màu là xanh đại dương (phiên bản VnReview trải nghiệm) và xanh thảo nguyên. Cả hai màu đều có hiệu ứng chuyển màu đồng nhất từ mặt lưng lẫn cạnh viền thân máy. Bên cạnh màu sắc mặt lưng, những thay đổi đáng chú ý nữa của Realme 5 Pro là sự xuất hiện của cụm 4 camera nhô lên khá lớn ở phía sau và cổng USB Type C, thay cho micro USB đã lỗi thời trên thế hệ tiền nhiệm.;

Màu xanh đại dương (trái) và xanh thảo nguyên (phải).

Chiếc camera đầu tiên bo viền vàng dễ nhầm là camera chính nhưng thực ra là camera 8MP góc siêu rộng, còn camera chính 48MP đứng thứ hai, tiếp đến là camera macro và camera thu độ sâu.

Đi vào chi tiết, mặt trước của Realme 5 Pro giống hệt với đàn anh Realme 3 Pro: cả kích cỡ màn hình, khía giọt nước chứa camera trước đến độ dày viền. Tỷ lệ hiển thị/mặt trước đạt khoảng 84%, có 3 cạnh khá mỏng còn phần cằm hơi dày. Tuy vậy, thân máy của điện thoại này lại dày và nặng hơn khá nhiều so với đàn anh.

Máy có độ dày 8,9mm và nặng 184g so với 8,3mm và 172g của Realme 3 Pro. Sự chênh lệch về độ dày thân máy có thể cảm nhận rõ rệt khi cầm trên tay. Lý do khiến sản phẩm dày lên nhiều như vậy có thể đến từ cụm 4 camera sau đòi hỏi diện tích lớn hơn bởi giữa hai thế hệ Realme 3 Pro và 5 Pro đều có dung lượng pin và kích cỡ màn hình giống nhau.

Thân máy được áp dụng hiệu ứng chuyển màu đồng nhất với mặt lưng

Sản phẩm đã dùng cổng Type C, không còn là micro-USB như thế hệ đàn anh nữa.

Khi cầm trên tay, điểm trừ “quen thuộc” trên các máy Realme và Oppo vẫn xuất hiện ở sản phẩm này: cụm màn hình nhô lên khỏi thân máy khiến viền không liền mạch, cấn tay khi cầm. Nhìn chung, thiết kế là điểm Realme chưa thật sự đầu tư ở sản phẩm này. Máy kế thừa lại thiết kế của các sản phẩm đời trước nhằm tối ưu chi phí, ưu tiên nhiều hơn cho các thành phần khác như hiệu năng, camera và pin với khả năng sạc nhanh.

Màn hình sáng, màu hơi đậm

Các thông số màn hình của Realme 5 Pro gồm kích cỡ 6.3 inch, tấm nền IPS LCD độ phân giải Full-HD+, tỷ lệ 19:9, mật độ điểm ảnh 409 PPI… giống với đàn anh Realme 3 Pro, có lẽ dùng chung cụm màn hình. Tuy vậy, đây vẫn là màn hình có chất lượng hiển thị khá tốt.

Màu sắc được nhà sản xuất tinh chỉnh hơi đậm lên chút so với thực tế nhưng vẫn giữ được độ tự nhiên, không bị thái quá. Độ sáng tối đa khá cao, hơn 500 nit và góc nhìn của màn hình rộng. Khi chụp ảnh ngoài trời, độ sáng của màn hình đủ để bạn có thể thấy rõ ràng hình ảnh trên khung ngắm. Đọc báo, lướt “phây” hay chơi game cũng thoải mái.

Trong phần cài đặt, Realme 5 Pro cho phép người dùng tùy chỉnh nhiệt màu từ lạnh, mặc định và ấm. Nhiệt màu ở mức mặc định nhìn cân bằng nên người dùng có lẽ không cần bận tâm đến việc tùy chỉnh nhiệt màu nữa.

Phần mềm và hiệu năng: chơi tốt các game nặng

Realme 5 Pro dùng con chip mới Snapdragon 712, là con chip mạnh nhất của Qualcomm dành cho các smartphone tầm trung hiện nay. Con chip này là phiên bản ép xung của Snapdragon 710 dùng trên chiếc Realme 3 Pro. So với Snapdragon 710 thì Snapdragon 712 có xung nhịp tăng thêm 0,1GHz trên cụm 2 nhân hiệu năng cao. Cụ thể, Snapdragon 712 có 8 nhân CPU, gồm 2 nhân Kryo hiệu năng cao (cortex A75) tốc độ 2.3GHz và 6 nhân Kryo hiệu năng tiết kiệm điện (cortex A55) tốc độ 1.7GHz.

GPU trên Snapdragon 712 theo Qualcomm cũng được tăng hiệu năng thêm 10% dù vẫn là Adreno 616 như Snapdragon 710. Ngoài ra, các thành phần còn lại trong Snapdragon 712 và 710 đều giống nhau gồm vi xử lý hình ảnh (Spetra 250 ISP), modem sóng 4G tích hợp (X15 LTE) và tiến trình sản xuất 10nm LPP.

Realme 5 Pro sẽ ra mắt ở Việt Nam với 2 phiên bản bộ nhớ: RAM 4GB/bộ nhớ trong 128GB và RAM 8GB/bộ nhớ trong 128GB. Như vậy, bộ nhớ lưu trữ cơ sở của điện thoại này đã được nâng cấp lên 128GB, khá thoải mái cho hầu hết người dùng. 

Trên các ứng dụng đo hiệu năng, con chip Snapdragon 712 đã cho thấy những cải thiện rõ rệt so với Snapdragon 710 trên Realme 3 Pro. Điểm hiệu năng tổng thể và khả năng xử lý đồ họa của Realme 5 Pro (phiên bản RAM 8GB) đều tăng khoảng 15-20% so với đàn anh Realme 3 Pro và cao hơn nhiều so với các sản phẩm cạnh tranh như Samsung Galaxy A50.

Điểm Antutu đo hiệu năng tổng thể của thiết bị.

Bài test Manhattan trên ứng dụng GFXBench đo hiệu năng đồ họa ở độ phân giải thực của màn hình (onscreen) và độ phân giải mặc định (offscreen).

Trong sử dụng thực tế, Realme 5 Pro thể hiện rất tốt ở khả năng chơi game so với các smartphone thuộc phân khúc tầm trung, đủ chơi thoải mái các game nặng đồ họa trên Android hiện nay. So với đàn anh Realme 3 Pro, máy cũng có những cải thiện đáng kể về độ mượt mà và ổn định khung hình khi chơi game. Điều này được thể hiện dựa trên kết quả từ GameBench, ứng dụng chuyên nghiệp để đánh giá chất lượng chơi game trong thực tế.

Khi đo bằng GameBench, Realme 5 Pro đạt độ mượt và ổn định khung hình tốt trong các game thử nghiệm có đồ họa khá nặng và rất nặng như game bắn súng Dead Triggers 2, game sinh tồn PUBG Mobile hay game MOBA Liên quân Mobile. Tất cả các tựa game thử nghiệm đều được thiết lập ở mức đồ họa cao nhất.

Với game Dead Triggers 2, Realme 5 Pro chơi rất mượt với tốc độ khung hình 60 fps và độ ổn định tới 95%. Máy cũng chỉ sử dụng có 8% CPU và 418MB RAM để đạt được hiệu năng đó.

Liên Quân Mobile nặng hơn chút so với Dead Triggers 2 khi máy sử dụng tới 17% CPU và 824MB RAM. Tuy vậy, Realme 5 Pro vẫn chơi cực tốt game này với tốc độ khung hình 60 fps và độ ổn định đạt 96%.

Realme 5 Pro cũng chơi khá tốt game PUBG Mobile, với tốc độ khung hình 40 fps nhưng độ ổn định khung hình không còn được duy trì cao như hai game phía trên, chỉ còn 85%. 

Nhìn chung, Realme 5 Pro mang lại trải nghiệm hiệu năng ấn tượng trong phân khúc tầm trung, đặc biệt khả năng đồ họa rất mạnh giúp điện thoại này chơi trơn tru hầu hết các game trên nền tảng Android hiện tại. Tất nhiên với những game đồ họa hàng đầu như PUBG Mobile thì sản phẩm vẫn có khoảng cách rõ rệt so với những điện thoại đầu bảng.

Về phần mềm, Realme 5 Pro hiện cài sẵn bản Color OS 6 tùy biến dựa trên Android 9. Đây là phần mềm giống với các máy Realme cũng như Oppo ra mắt trong năm 2019. Các tính năng, giao diện và các ứng dụng tích hợp sẵn không khác gì trên các sản phẩm như Realme 3 Pro, Realme 3 hay Oppo Reno chúng tôi đã từng có bài đánh giá.

Thời gian pin: yên tâm dùng thoải mái cả ngày

Realme 5 Pro có viên pin 4.035 mAh, hỗ trợ sạc nhanh VOOC 3.0 qua cổng sạc USB Type C. Sử dụng củ sạc nhanh 20W đi kèm, máy mất khoảng 30 phút để sạc được 50% pin và khoảng 85 phút để sạc đầy 100% pin.

Trong các bài test quen thuộc của VnReview, máy xem phim được 17,5 giờ liên tục, hơn 10 giờ lướt web và 5,5 giờ chơi game đồ họa nặng. Kết quả này nhỉnh hơn chút so với Realme 3 Pro, đặc biệt là hoạt động lướt web và xem phim. Điều này có thể đến từ những tối ưu về quản lý năng lượng trong con chip Snapdragon 712 dựa trên tiến trình 10nm, vốn đã tối ưu về tiêu hao điện năng. So với các máy cùng tầm giá, Realme 5 Pro cũng nằm trong nhóm có thời lượng pin tốt, có thể yên tâm dùng thoải mái cả ngày với hầu hết đối tượng người dùng.

Thời gian xem phim chép về máy ở độ sáng và âm lượng ở mức 70%, tính từ khi pin đầy đến lúc 10%.

Thời gian lướt web trên mạng Wi-Fi, độ sáng màn hình 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Thời gian chơi game giả lập ở mức đồ họa cao, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%

Camera

Realme 5 Pro là sản phẩm đầu tiên của Realme có tới 4 camera sau gồm camera chính 48MP sử dụng cảm biến IMX586 của Sony, một camera 8MP góc siêu rộng giống với các máy Samsung, một camera macro 2MP để chụp ảnh cận cảnh ở khoảng cách 4cm và một camera 2MP để thu độ sâu ảnh. Ở phía trước, máy có camera 16MP để chụp ảnh tự sướng và đàm thoại video.

Giao diện camera không thay đổi so với các Realme và Oppo khác, sử dụng AI để nhận diện bối cảnh chụp, có chế độ tăng cường màu sắc, ban đêm và chế độ chuyên gia tự chỉnh các thông số chụp ảnh.

Trước tiên, nói về chiếc camera chính 48MP. Theo mặc định thì camera chính này chụp ảnh ở độ phân giải 12MP và cũng có tùy chọn chụp ảnh 48MP. Độ chi tiết cũng như các yếu tố khác như màu sắc, tương phản, dải sáng giữa chế độ 12MP và 48MP hầu như không có sự khác biệt nào ngoài kích cỡ của ảnh.

Ảnh chụp từ camera chính chi tiết và màu sắc hơi đậm lên chút, đặc biệt là gam màu vàng. Tuy vậy, sự chênh lệch giữa ảnh và thực tế vẫn mang lại cảm nhận khá tự nhiên ở nhiều bối cảnh chụp, trừ những ảnh có nhiều tông màu vàng thì màu sắc lên hơi bị rực. Dải sáng cũng khá rộng, vì vậy những ảnh có nhiều vùng chênh sáng vẫn giữ được chi tiết tốt giữa các vùng sáng, tối.

Các ảnh chụp đủ sáng từ camera chính 48MP

Nhờ cảm biến máy ảnh lớn, camera chính 48MP cho phép chụp ảnh zoom 2x và 5x. Tuy là zoom số nhưng zoom 2x vẫn giữ được màu sắc và nước ảnh tốt nhưng zoom 5x thì khá tệ, không bằng phóng lớn từ bức ảnh không zoom. Ngoài ra, chụp zoom 5x cũng dễ bị rung ảnh.

Zoom 1X

Zoom 2X

Zoom 5X

Zoom 1X

Zoom 2X

Zoom 5X

Zoom 1X

Zoom 2X

Zoom 5X

Ở môi trường thiếu sáng, ảnh chụp từ camera chính duy trì được màu sắc tương tự như lúc chụp đủ sáng. Ảnh chụp thường được đẩy sáng lên cao hơn so với thực tế và khử nhiễu mạnh vì vậy độ chi tiết giảm. Chế độ chụp đêm hoạt động hiệu quả, tăng độ sáng, chi tiết và màu sắc của ảnh lên rõ rệt. Ở chế độ ban đêm, máy ghép nhiều bức ảnh ở các mức phơi sáng khác nhau nên tốc độ chụp khá chậm, mất khoảng 2-4 giây tùy độ sáng của bối cảnh.

Ảnh chụp ở chế độ thông thường (ảnh trên) và chế độ ban đêm (ảnh dưới).

Ảnh chụp ở chế độ thông thường (ảnh trên) và chế độ ban đêm (ảnh dưới).

Ảnh chụp ở chế độ thông thường (ảnh trên) và chế độ ban đêm (ảnh dưới).

Realme 5 Pro chỉ sử dụng camera độ sâu 2MP để hỗ trợ chụp xóa phông cho camera chính 48MP. Tuy vậy, ảnh xóa phông đẹp hơn kỳ vọng ở một sản phẩm tầm trung. Khả năng nhận diện và tách bạch chủ thể với hậu cảnh chính xác và mịn. Mức độ xóa phông cũng nhẹ và hợp lý hơn, không gắt như trên đàn anh Realme 3 Pro. Điểm trừ nhỏ ở chức năng chụp xóa phông là nhà sản xuất hiện chưa cho chỉnh mức độ xóa phông trước và sau khi chụp như một số hãng khác.

Các ảnh xóa phông từ camera chính + camera độ sâu 2MP

Camera góc siêu rộng 8MP là sự bổ sung thú vị ở Realme 5 Pro, hữu ích với những người dùng thích sáng tạo những bức ảnh ở không gian nhỏ, các công trình kiến trúc, phong cảnh hoặc chụp ảnh nhóm. Điểm cộng ở ảnh chụp từ camera này là dải sáng khá rộng và việc xử lý méo ảnh tốt. Tuy vậy, màu sắc nhạt và lạnh hơn so với camera chính, độ chi tiết cũng không cao, nhất là với ảnh thiếu sáng.

Các ảnh chụp từ camera góc siêu rộng

Không chỉ thêm camera góc siêu rộng, Realme còn đưa vào Realme 5 Pro chiếc camera 2MP để chụp ảnh cận cảnh (macro). Camera này lấy nét cố định và chụp ảnh ở khoảng cách 4cm, dành cho nhu cầu chụp những chi tiết nhỏ như côn trùng. Dù chỉ có 2MP nhưng độ chi tiết khá tốt trong điều kiện đủ sáng, đủ cho nhu cầu chia sẻ lên mạng.

Tuy vậy, việc chụp ảnh từ camera macro này tương đối khó khăn do camera không tự động lấy nét (lấy nét cố định), không hỗ trợ zoom nên phải đưa vào khoảng cách phù hợp (4cm) thì mới lấy được nét để chụp. Khoảng cách 4cm cũng chưa đủ gần khi cần chụp những chi tiết cực nhỏ như nhụy hoa, giọt sương, mắt chuồn chuồn.

Các ảnh chụp từ camera macro 2MP

Lâu nay, Oppo và Realme làm tốt ở khả năng chụp ảnh tự sướng và xu hướng này tiếp tục thể hiện trên chiếc Realme 5 Pro. Màu sắc ảnh tươi tắn, nhiều chi tiết và hiệu ứng làm mịn nhẹ cả khi không bật chế độ làm đẹp. Ở chế độ xóa phông, ảnh cũng nhận diện và tách bạch chủ thể hiệu quả, mịn nhưng hiệu ứng xóa phông hơi mạnh, không hợp lý như trên camera sau.

Ảnh tự sướng bình thường, tắt chế độ làm đẹp.

Ảnh tự sướng xóa phông. Khi chụp xóa phông thì mặc định máy sẽ kích hoạt chế độ làm đẹp.

Ảnh tự sướng bình thường, tắt chế độ làm đẹp.

Ảnh tự sướng xóa phông, tự động kích hoạt chế độ làm đẹp.

Tổng kết

Trong quá trình trải nghiệm, Realme 5 Pro gây ấn tượng rất mạnh ở 3 yếu tố: chụp ảnh đẹp và thú vị với số lượng ống kính phong phú, hiệu năng mạnh mẽ đủ chơi hầu hết các loại game trên nền tảng Android hiện nay và thời gian sử dụng pin “trâu”, tốc độ sạc nhanh. Đến thời điểm này, đây có lẽ là smartphone tầm giá 6 triệu đồng chụp ảnh tốt nhất. Ở tầm giá hiện tại, điểm mà bạn có thể cần cân nhắc ở sản phẩm này là thiết kế tương đối cũ, hơi nhàm chán và đặc biệt là cụm 4 camera sau lồi lên nhiều.

TP