Đánh giá Samsung Galaxy A51: “Nhá hàng” một năm 2020 đầy thú vị của phân khúc tầm trung

Galaxy A51 mở ra một tương lai đầy thú vị cho các smartphone phân khúc tầm trung, ít nhất là đối với dòng Galaxy A của Samsung. Với A51, người dùng hoàn toàn có quyền tin rằng, họ sẽ không cần phải bỏ ra số tiền “khủng” để được sở hữu một chiếc smartphone với thiết kế cao cấp nữa, và xu hướng đó sẽ được Samsung bao phủ rộng hơn nữa trong năm 2020 tới.

Khi năm 2019 chuẩn bị kết thúc, Samsung đã có “cú chốt” bất ngờ mang tên Galaxy A51, khi đây là chiếc điện thoại Galaxy đầu tiên được trang bị camera macro chuyên dụng bên cạnh màn hình “nốt ruồi” viền mỏng tương tự dòng S/Note cao cấp. Khung thời gian ra mắt sản phẩm cũng được Samsung rút ngắn đi đáng kể, nếu như Galaxy A50s lên kệ sau Galaxy A50 tới 6 tháng, thì Galaxy A51 chỉ đến sau Galaxy A50s có 3 tháng mà thôi. Cuộc chơi ở phân khúc tầm trung vẫn chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Động thái này cho thấy Samsung hoàn toàn nghiêm túc và sẵn sàng “chơi tới bến” nếu cần.

Có giá niêm yết 7,99 triệu đồng, Galaxy A51 là chiếc điện thoại đắt nhất trong số ba “anh em” dòng A5x, cao hơn 1 triệu đồng so với Galaxy A50 ở thời điểm mới ra mắt. Ngay cả Galaxy A50s cũng có thể là một “đối thủ tiềm tàng” của Galaxy A51, khi sản phẩm hiện đang được phân phối tại một số cửa hàng với mức giá chỉ hơn 6 triệu đồng. Máy bán chính hãng tại Việt Nam sẽ có 3 màu xanh, trắng và đen. Phiên bản đánh giá của VnReview có màu đen.

Thiết kế như flagship, viền rất mỏng, thoáng đãng

Điểm đầu tiên dễ nhận thấy nhất trên Galaxy A51 chính là máy có thiết kế màn hình đục lỗ/nốt ruồi Infinity-O không khác gì bộ đôi flagship Galaxy Note 10 và Note 10+. Đây là một nước đi táo bạo, nếu xét việc Note 10 và Note 10+ mới chỉ ra mắt được 4 tháng, và nó cũng đánh dấu sự lột xác của Galaxy A51 nếu so với màn hình giọt nước đã quá phổ biến của Galaxy A50 và A50s.

Kể từ năm 2019, Samsung đã thay đổi chiến lược với dòng Galaxy A, đưa những điểm mới mẻ lên sản phẩm phân khúc tầm trung trước rồi mới đến dòng cao cấp. Nếu như thương hiệu Hàn Quốc này tiếp tục đi theo đường lối ấy, chúng ta có thể kỳ vọng rằng màn hình đục lỗ sẽ trở nên phổ biến hơn nữa trong năm 2020.

Phần đục lỗ chứa camera selfie độ phân giải 32MP, khẩu độ f/2.2, hỗ trợ chụp HDR, ngay bên trên là dải loa thoại. Galaxy A51 không dùng công nghệ truyền âm đến tai người dùng bằng cơ chế rung Sound on Display như Galaxy A80. Tuy nhiên, cả ba cạnh viền vẫn mỏng đều, cho trải nghiệm thoáng đãng, rộng rãi.

Cạnh dưới, hay phần “cằm” của Galaxy A51 đã được gọt rất mỏng, ngang ngửa với chiếc Galaxy A80 ở phân khúc cận cao cấp và chỉ thua kém một chút so với Note 10 và Note 10+. Đây là một thành tích khá đáng nể đối với một chiếc điện thoại trong phân khúc tầm trung như thế này, khi không phải chỉ những ai sở hữu điện thoại cao cấp mới được quyền mơ về một chiếc smartphone “không viền hoàn toàn”.

Giống hai người anh của mình, Galaxy A51 vẫn tiếp tục gắn bó với cảm biến vân tay quang học dưới màn hình. Nhìn chung, tốc độ cũng như độ chính xác của cảm biến vân tay này không khác biệt nhiều so với chiếc Galaxy A50s chúng tôi từng đánh giá, nó vẫn có độ trễ do phải đợi ánh sáng quét toàn bộ vân tay và Samsung khuyến cáo người dùng cân nhắc khi sử dụng miếng dán màn hình để đảm bảo cảm biến hoạt động đúng cách.

Ở mặt sau của máy, không thể không nhắc đến cụm camera xếp hình chữ L khá “dị” của Galaxy A51. Cụm này gồm camera chính độ phân giải 48MP, khẩu độ f/2.0, cảm biến Sony IMX586, camera góc siêu rộng 12MP, khẩu độ f/2.2, camera đo độ sâu trường ảnh 5MP và đặc biệt là camera macro chuyên dụng 5MP. Không loại trừ khả năng Galaxy S11 ra mắt đầu năm sau cũng sẽ có thiết kế cụm camera như thế này, thậm chí còn nhiều ống kính hơn. Tuy có lồi nhẹ nhưng bạn chỉ cần dùng ốp lưng tặng kèm máy là sẽ không cần phải lo bị kênh hay xước cụm camera nữa.

Mặt lưng của Galaxy A51 vẫn dùng chất liệu nhựa giả kính 3D Glasstic bóng bẩy, cùng với những họa tiết hoa văn hình khối lạ mắt và hiệu ứng chuyển màu giống như Galaxy A50s. Các góc được bo mượt cho cảm giác cầm nắm thoải mái, phiên bản màu đen có bám vân tay nhẹ nhưng không vấn đề gì.

Thân máy vẫn được làm từ chất liệu nhựa, nhưng do phải dành chỗ cho camera macro nên dù cấu hình và kích thước gần tương đương, Galaxy A51 dày hơn 0,2mm và nặng hơn khoảng 3g so với Galaxy A50s, lần lượt là 7,9mm và 172g. Dù vậy, sự chênh lệch này rất nhỏ, và khó có thể cảm nhận được khác biệt về cảm giác cầm nắm. Vị trí các phím bấm vật lý vẫn được giữ nguyên nên nếu bạn đã từng cầm chiếc Galaxy A50s, Galaxy A51 cho trải nghiệm tương đồng.

Số lượng và vị trí các cổng kết nối trên Galaxy A51 không có sự thay đổi, máy vẫn giữ jack tai nghe 3.5mm (bên trong hộp có tai nghe tặng kèm), cổng USB Type-C và dải loa đơn.

Những phụ kiện đi kèm bên trong hộp, gồm bộ sạc cáp, tai nghe jack 3.5mm và ốp nhựa dẻo

Màn hình Super AMOLED sáng rõ, chất lượng tốt

Galaxy A51 trang bị màn hình 6.5 inch Super AMOLED độ phân giải Full HD+ (1080 x 2400 pixel), tỷ lệ dài 20:9 nên thon gọn hơn một chút so với 19.5:9 của Galaxy A50s. Mặc định, màn hình sẽ hiển thị ở chế độ Tự nhiên, tái tạo màu sắc sát với màu chuẩn, nhưng bạn có thể chuyển sang chế độ Sống động với gam màu rực rỡ hơn, đúng chất tấm nền Super AMOLED hơn.

Có viền mỏng nên trải nghiệm sử dụng của Galaxy A51 là rất tốt, phần đục lỗ tuy có chiếm một chút diện tích nhưng không đáng kể. Vẫn như thường lệ, tấm nền Super AMOLED vẫn có những ưu điểm như màu đen sâu, góc nhìn rộng, độ tương phản cao và độ sáng tốt, sử dụng ngoài trời dễ dàng. Nhưng hiển nhiên, vẫn có sự chênh lệch về độ bão hòa màu, độ trong trẻo giữa tấm nền trên một máy tầm trung như Galaxy A51 và những máy dòng Note, S cao cấp hơn.

Thiết kế đi trước nhé, hiệu năng sẽ theo sau

Nếu như Galaxy A51 đã có những thay đổi đáng kể về thiết kế, thì cấu hình của máy lại vẫn “dậm chân tại chỗ” với con chip Exynos 9611. Bù đắp phần nào, phiên bản Galaxy A51 tại Việt Nam có 6GB RAM và 128GB bộ nhớ trong. Tất nhiên, không thể kỳ vọng Samsung ngay lập tức tung ra một con chip mới chỉ sau vài tháng, nhất là khi bản thân con chip Exynos 9611 đã là một bản nâng cấp nhẹ của Exynos 9610 trên Galaxy A50. Tuy nhiên, phân khúc tầm trung đang có rất nhiều sự lựa chọn về chip xử lý mạnh mẽ hơn từ cả Qualcomm lẫn Mediatek.

Do hai công cụ benchmark quen thuộc là AnTuTu Benchmark và GeekBench đã có phiên bản mới và thay đổi cách tính điểm (cụ thể là điểm cao hơn so với các phiên bản trước), AnTuTu không cho phép cài đặt phiên bản cũ nên tạm thời VnReview chưa thể cập nhật kịp cơ sở dữ liệu của mình. Trong quá trình sử dụng thực tế, tôi nhận thấy hiệu năng của Galaxy A51 chỉ tương đồng với A50s, ngang ngửa Snapdragon 660 và thua thiệt khá nhiều nếu so với những con chip tầm trung mới hơn như Snapdragon 712 hay Helio G90T.

Hiệu năng của Galaxy A51 trong tựa game PUBG Mobile với thiết lập đồ họa cao nhất

Thiết lập đồ họa HD của Liên Quân Mobile khiến Galaxy A51 phải làm việc vất vả

Khi thử nghiệm với game, khá bất ngờ khi PUBG Mobile tự thiết lập cho Galaxy A51 ở mức đồ họa cao và được mở khóa tới 40 fps. Tuy nhiên, khi chơi thực tế, đo bằng công cụ GameBench (gamebench.net) thì máy ít khi nào đạt được mức fps đó mà chỉ trung bình ở mức 29-30 fps, độ ổn định 84%. Với Liên Quân Mobile, khi đẩy thiết lập đồ họa lên cao nhất thì Galaxy A51 cũng khá trầy trật để đạt được 50 fps. Nhìn chung, khó có thể nói rằng hiệu năng là điểm mạnh của Galaxy A51 so với đối thủ trong tầm giá.

Phần mềm Android 10 mới nhất, One UI 2.0 nhiều cải tiến

Samsung đã đặc biệt ưu ái Galaxy A51 khi máy được cài đặt sẵn hệ điều hành Android 10, giao diện One UI 2.0 mới nhất ngay từ khi xuất xưởng. Hệ điều hành mới này có rất nhiều những thay đổi, cải tiến nhỏ, khó có thể liệt kê ra hết, thay vào đó tôi sẽ tập trung vào tính năng đáng giá nhất là điều hướng cử chỉ toàn màn hình.

Nói về điều hướng cử chỉ, các phiên bản One UI trước đã cho phép người dùng kích hoạt tính năng này nhưng cách làm của Samsung khá “nửa vời” khi người dùng vẫn phải vuốt từ cạnh dưới của màn hình đúng vào vị trí của các nút bấm ảo. Với One UI 2.0, Galaxy A51 tích hợp trọn vẹn điều hướng cử chỉ toàn màn hình của Google, và người dùng sẽ vuốt cạnh bên để thực hiện thao tác Back, vuốt cạnh dưới và giữ để về Home, mở đa nhiệm giống hệt như Bphone 3 hay iOS. Trải nghiệm vuốt rất mượt mà, và rõ ràng Samsung cần đưa tính năng này lên những dòng máy Galaxy khác càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, bạn cũng có thể điều chỉnh độ nhạy của các cử chỉ vuốt. Điều này sẽ đặc biệt hữu ích nếu bạn sử dụng ốp dày khiến việc vuốt cạnh gặp khó khăn. Sử dụng ốp lưng đi kèm máy, tôi vẫn để mức độ nhạy mặc định mà không gặp vấn đề gì.

Những điểm mạnh của One UI, như chế độ nền tối toàn hệ thống, các lối tắt, biểu tượng được tối ưu hóa vị trí cho sử dụng một tay,… vẫn được giữ lại. Tuy nhiên, một điểm tôi không thích đó chính là máy vẫn được cài sẵn khá nhiều ứng dụng như Zing MP3, Zalo hay Báo Mới.

Thời gian pin không thay đổi, đúng như dự đoán

Vẫn trang bị cấu hình giống thế hệ trước cùng viên pin dung lượng 4.000 mAh không đổi, kích thước màn hình tương đương, không khó hiểu khi Galaxy A51 có thời lượng pin hoàn toàn giống với Galaxy A50s – đủ dùng một ngày thoải mái với cường độ cao. Tôi có kỳ vọng Android 10 và One UI 2.0 sẽ bằng cách nào đó tối ưu thêm thời lượng pin, nhưng có vẻ như các phiên bản trước cũng đã tối ưu tốt rồi.

Thời gian xem phim ở độ sáng và âm lượng 70%, tính từ khi đầy đến khi còn 10%

Thời gian lướt web trên mạng Wi-Fi, âm lượng và độ sáng màn hình 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%

Thời gian chơi game giả lập ở mức đồ họa cao, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%

Tặng kèm máy vẫn là cục sạc nhanh 15W Adaptive Fast Charge của Samsung. Với cục sạc này, viên pin 4.000 mAh của Galaxy A51 sẽ được sạc đầy trong 2 giờ, hơi lâu so với mức trung bình 1 tiếng rưỡi hiện nay. Có lẽ, Samsung nên tăng mức sạc nhanh lên 25W tương tự như với A70 hay A80.

Camera macro mang lại trải nghiệm chụp ảnh thú vị

So với Galaxy A50s, camera của Galaxy A51 đã được nâng cấp đáng kể, ít nhất là về mặt thông số trên giấy tờ. Bên cạnh camera chụp macro chuyên dụng, Galaxy A51 còn có những cải tiến có thể kể đến như cảm biến camera chính là IMX586 thay vì IMX582, điểm khác biệt giữa hai cảm biến này là IMX586 hỗ trợ quay video 4K 60FPS (nhưng vì một lý do nào đó Galaxy A51 vẫn chỉ cho phép quay 30FPS) và độ phân giải camera góc rộng nâng lên 12MP.

Giao diện chụp ảnh của Galaxy A51 cũng đã có một chút thay đổi so với những phiên bản trước, với việc các chế độ quay chụp “phụ” như panorama, cận cảnh, Night Mode, Slow Motion,… được đặt riêng ở một menu, bên cạnh ba menu chính là chụp ảnh, quay phim và lấy nét động (xóa phông). Cách sắp xếp này có vẻ khoa học hơn, tôi không cần phải vuốt màn hình liên tục chỉ để chuyển đổi giữa các chế độ nữa.

Sơ bộ mà nói, camera của Galaxy A51, giống như hai đàn anh đi trước, đã đáp ứng tốt hầu hết các tình huống chụp phổ biến hiện nay với nước ảnh tươi tắn, sáng rõ, giàu chi tiết, có thể chia sẻ ngay lên mạng xã hội mà không cần chỉnh sửa gì thêm. Trong điều kiện thiếu sáng, Galaxy A51 vẫn có tốc độ chụp tốt, ảnh ít bị nhòe nhưng noise nhiều nếu có quá ít ánh sáng, chế độ Night Mode sẽ giúp cải thiện đáng kể. Ảnh xóa phông, cả camera trước lẫn sau của Galaxy A51 đều rất lung linh dù khuôn mặt có xu hướng bị làm mịn nhẹ ngay cả khi không bật chế độ làm đẹp. Đó là những tính chất, đặc điểm mà Galaxy A51 thừa hưởng từ đàn anh của mình.

Dưới đây là một số ảnh chụp từ camera của Galaxy A51, nhưng độc giả cũng cần biết rằng trong suốt khoảng thời gian trải nghiệm, thời tiết tại Hà Nội không thực sự thuận lợi, trời nhiều mây, sương mù, nên ngay cả những ảnh ngoài trời trông cũng không thực sự sáng dù tính năng HDR đã khắc phục đáng kể vấn đề.

Ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng, trời mây mù

Camera chính (trên) và camera góc rộng (dưới)

Ánh sáng phòng, trời tối

Ngoài trời tối, ánh sáng phức tạp

Xóa phông camera chính, đủ sáng, sương mù

Ảnh chụp thường (trên) và ảnh chế độ Night Mode (dưới)

Ảnh selfie, ánh sáng trong nhà

Xóa phông camera selfie

Thay vào đó, tôi muốn nói nhiều hơn về camera macro chuyên dụng. Ý tưởng camera macro chuyên dụng, hay chế độ chụp macro không phải là mới, những cái tên như Bphone 3, Vivo v17 Pro, Oppo A9 2020 hay Realme 5/5 Pro đã đi trước Galaxy A51 trong lĩnh vực này, nhưng camera macro của A51 được nâng độ phân giải lên 5MP so với 2MP của một số đối thủ, và cự ly lấy nét của Galaxy A51 cũng rộng hơn, từ 3-5cm so với 4cm.

Camera macro mang đến những cái nhìn mới rất thú vị về thế giới của chúng ta, khi những “chú” kiến, “cô” ong hay chỉ đơn giản là giọt sương còn đọng lại trên cánh hoa, nhành lá đều hiện lên rõ ràng. Điều trước đây chỉ có thể được bắt trọn bằng máy ảnh với ống kính chuyên dụng thì nay đã có thể thực hiện với chiếc điện thoại đút vừa túi quần. Tất nhiên, chất lượng còn ở khoảng cách xa nhưng đây cũng là những viên gạch đầu tiên, mở ra một hướng đi mới cho nhiếp ảnh trên di động.

Camera macro của Galaxy A51 hoạt động tốt, nước ảnh đẹp, bắt mắt, vùng lấy nét khá rộng, độ chi tiết khá, tuy nhiên chỉ hoạt động hoàn hảo nhất khi điều kiện ánh sáng thuận lợi và chủ thể tĩnh. Thiếu sáng một chút thôi là ảnh sẽ xuất hiện noise nhiều. Một lưu ý quan trọng là camera không có lấy nét tự động. Bạn sẽ phải tự căn chỉnh vùng nét thủ công bằng cách di chuyển máy tới lui. Camera này cũng không hỗ trợ zoom, nên việc lấy nét các chi tiết nhỏ như nhụy hoa, gân lá, sẽ yêu cầu bạn phải thật kiên nhẫn và tinh mắt. Thường sẽ cần từ vài ba lần bấm chụp mới có thể chọn ra một bức ảnh đúng nét.

Tổng kết

Ban đầu, tôi tỏ ra hoài nghi về Galaxy A51 khi Samsung cho ra mắt tới ba biến thể của một model chỉ trong một năm ngắn ngủi. Thế nhưng, sau đó tôi nhận ra rằng, chiếc máy này thực chất đóng vai trò là sản phẩm mở ra một năm mới, một thập kỷ mới, và hy vọng là một kỷ nguyên mới của Samsung. Dần xóa nhòa đi ranh giới giữa điện thoại cao cấp và tầm trung, Samsung đang cho thấy mình có chiến lược dài hạn với dòng Galaxy A chứ không chỉ bùng nổ trong năm 2019. Tuy Galaxy A51 vẫn còn những hạt sạn nhỏ về hiệu năng, nó vẫn rất xứng đáng được lựa chọn và hứa hẹn sẽ là một cái tên hot trong dịp đầu năm 2020, nhất là khi bạn đặc biệt quan tâm đến thiết kế, camera, màn hình.

Hoàn Đặng