Đánh giá ‘tai nghe hạt đậu’ Samsung Galaxy Buds Live: Sự thiếu hoàn hảo có cá tính
Sự kiện Samsung Unpacked 2020 đã đem tới người dùng rất nhiều những sản phẩm mới, trong đó tâm điểm là Galaxy Note20 / Note20 Ultra. Nhưng với tôi, 2 sản phẩm thực sự khẳng định vị thế là người đi tiên phong của hãng điện tử Hàn Quốc là chiếc smartphone màn hình gập Galaxy Z Fold 2 với rất nhiều những điểm hoàn thiện cho một sản phẩm còn nhiều khuyết điểm là Galaxy Fold; và Galaxy Buds Live, một cặp tai nghe với thiết kế khá độc đáo, giống với 2 hạt đậu đỏ nhỏ nhắn và dễ thương.
Đối với tôi, tai nghe không phải để ngắm mà để trải nghiệm thực tế về cảm giác đeo, chất lượng âm thanh. Vậy khi đặt lên cùng một ‘cán cân’ đánh giá của những cặp tai nghe khác, Galaxy Buds Live đạt mấy điểm?
Điểm mà tôi thực sự ấn tượng ngay từ khi lấy Galaxy Buds Live ra khỏi hộp đó là hộp sạc của cặp tai nghe này thực sự nhỏ. Đây là một ưu điểm rất lớn đối với những cặp tai nghe True Wireless khác trên thị trường, ta dễ dàng cho vào túi quần hơn mà không gây cộm, khó chịu.
Mặc dù có hộp sạc rất nhỏ nhắn, nhưng Buds Live vẫn giữ được một thời lượng sử dụng khá tốt, từ 6 – 8 tiếng độc lập và 21 – 29 tiếng khi vừa dùng vừa sạc tùy thuộc vào lượng tính năng, đặc biệt là chống ồn chủ động. Trên thực tế, thời lượng trung bình tôi có được là khoảng 23 – 24 tiếng, không phải là dẫn đầu thị trường vì đã có những cặp tai nghe đạt ngưỡng 30 – 40 tiếng nhưng đã giúp người dùng không còn lo ngại nữa.
Bên cạnh đó, những lúc hết pin người đường thì ta cũng có thể sạc không dây thông qua tính năng chia sẻ năng lượng của những dòng smartphone Galaxy thế hệ mới. Tốc độ sạc là chậm hơn khá nhiều so với sạc có dây, cũng chỉ là giải pháp tình thế trước khi ta tìm được nơi để cắm sạc đầy.
Điểm đặc biệt nhất của cặp tai nghe này, có lẽ bạn cũng đã biết rồi, đó là thiết kế rất đặc biệt của nó. Trên thị trường hiện nay có 2 loại tai nghe dạng nhỏ đó là Ear-bud và In-ear, một dạng đeo hờ bên ngoài với kiểu dáng hình tròn và một có ống âm để đi vào sâu khoang tai người dùng. Cặp tai nghe ‘hạt đậu’ này không nằm hoàn toàn ở bất cứ dạng nào, đeo không thực sự chặt như In-ear nhưng vẫn sâu hơn những cặp Ear-bud.
Galaxy Buds Live có khả năng chống nước, nhưng chỉ thấp ở mức IPX2, trong khi đó những cặp tai nghe được thiết kế dành cho việc tập thể dục thể thao thường phải có chuẩn IPX4 trở lên và thậm chí IPX7 để dùng để đi bơi. Trong thời gian sử dụng tôi cũng đã đeo Buds Live đi tập thể dục thử, và tất nhiên là chưa thể gặp vấn đề gì cả, nhưng nếu như đi mưa hoặc bị rơi xuống vũng nước thì sẽ là vấn đề khác.
Mặt ngoài tai nghe được hoàn thiện rất bóng bẩy, thậm chí nếu quên gương ở nhà ban có thể lấy cặp tai nghe này ra để soi được! Màu đồng ‘huyền bí’ (mystic bronze) nhìn trên thực tế phải thừa nhận là rất ‘điệu’ và quyến rũ, có lẽ sẽ hợp hơn với các bạn nữ hơn là cánh mày râu.
Một nhược điểm của thiết kế bóng bẩy đó là tai nghe rất dễ bám bẩn vân tay, đặc biệt khi mặt ngoài chính là mặt cảm ứng để điều khiển bài nhạc, gọi trợ lý ảo, đòi hỏi người dùng phải lau rửa thường xuyên để đảm bảo vệ sinh. Khác với mặt ngoài bóng, mặt bên trong tai nghe được phủ một lớp nhựa mềm để bám chắc lấy tai người dùng hơn.
Vậy đeo cặp tai nghe này như thế nào? Buds Live sẽ đeo hờ ở vành tai ngoài giống như những cặp tai nghe Ear-bud, nhưng lại có 1 phần nhô lên ở ở phía trên để ‘gài’ vào nếp gấp khúc của tai. Trong hộp hãng đã cung cấp thêm 1 cặp đệm cao su kích thước lớn hơn trong trường hợp cặp đệm mặc định là quá nhỏ.
Phải nói rằng cách đeo này cho cảm giác khá ‘lạ’, chia được áp lực lên nhiều phần của tai nên không phần nào bị cấn cả, rất nhẹ nhàng. Điểm yếu tất nhiên là tai nghe chỉ có 1 kích cỡ duy nhất, nên tôi đeo thoải mái và chặt, khó rơi không có nghĩa là bạn cũng sẽ có trải nghiệm tương tự. Một số người bị dị tật, phần gấp khúc của tai bị nông hoặc thậm chí không có nếp khúc thì chắc chắn sẽ không thể đeo được cặp Buds Live này.
Như các bạn cũng có thể đoán được, Buds Live không đeo chặt vào ống tai trong của người dùng nên khả năng cách âm thụ động cũng không tốt, nếu không muốn nói là gần như bằng không. Khi đeo tai nghe lên, mọi âm thanh bên ngoài đều có thể lọt được vào, cũng rất may là tai nghe đeo khá phẳng với tai người dùng nên không bị bắt gió, tạo tiếng ù khó chịu khi đi ngoài đường.
Không lo, đã có công nghệ chống ồn chủ động ANC giải cứu phải không nào? Như đã phân tích trong bài so sánh giữa Sony WF1000XM3 và Apple AirPods Pro, công nghệ chống ồn ANC muốn hoạt động hiệu quả thì phải có tiền đề là chống ồn thụ động tốt, công việc của nó là ‘cắt’ đi những tiếng ồn có thể lọt vào mà thiết kế vật lý không chặn được chứ không phải là ‘chống’ được mọi tiếng động bên ngoài.
Chính vì vậy nên chống ồn chủ động của Galaxy Buds Live yếu hơn khá nhiều so với những cặp tai nghe In-ear, thậm chí cả những loại còn ‘hơi hở’ như Apple AirPods Pro. Khi đi ngoài đường, những tiếng ồn liên tục, không thay đổi như tiếng xe chạy, tiếng gió sẽ được ‘làm dịu’ đi một chút, giúp ta không cần phải tăng âm lượng lên quá cao so với khi nghe ở nhà. Ngược lại đa phần những âm thanh xảy ra đột ngột đều có thể lọt qua được, đó là điều mà ta phải chấp nhận mà thôi.
Phần mềm Galaxy Wear để điều khiển những tính năng của Galaxy Buds Live
Những cặp tai nghe được ra mắt bởi những hãng công nghệ nói chung sẽ có nhiều tính năng kèm theo hơn là những hãng thuần âm thanh, Buds Live cũng không phải là ngoại lệ. Thông qua phần mềm Galaxy Wear, ta có thêm những tính năng như sau:
– Điều chỉnh thao tác nhấn và giữ nút cảm ứng, mặc định là tắt và bật tính năng chống ồn chủ động. Ta có thể chuyển qua chỉnh âm lượng, nhưng như vậy thì hơi bất tiện một chút, nếu như có tính năng vuốt lên xuống để làm điều này thì sẽ tốt hơn.
– Chế độ gaming để giảm độ trễ với nguồn. Sử dụng trên thực tế tôi có nhận ra được sự khác biệt, mặc dù nhỏ thôi nhưng cũng rất quan trọng trong những game cần âm thanh để thao tác nhanh.
– Tính năng đọc thông báo của smartphone lên tai nghe, hỗ trợ một số ứng dụng mặc định như cuộc gọi, thông báo lịch, báo thức.
– Tính năng tìm tai nghe ‘Find my earbuds’, khi được kích hoạt thì Buds Live sẽ kêu ‘chip chip’ giống như những con chim để người dùng định vị chúng ở đâu trong nhà, tương tự với việc gọi vào smartphone để nó đổ chuông trong lúc tìm.
Cách đeo của Galaxy Buds Live không chỉ ảnh hưởng tới khả năng cách âm mà còn là chất lượng âm thanh nữa. Trước khi sử dụng cặp tai nghe này, tôi đoán rằng chất âm của nó sẽ rất mỏng, thiếu âm trầm và nhiều âm trung (giọng ca sĩ) do cách đeo hở, có lẽ đã trở thành ‘bệnh’ chung rồi. Nhưng khi sử dụng trên thực tế thì điều ngược lại đã xảy ra, có vẻ như Samsung cũng đã cố gắng ‘bù trừ’ nên Buds Live lại có chất âm khá dày. Sau sự bất ngờ ban đầu, tôi bỗng cảm thấy hơi ‘hụt hẫng’ khi đi vào từng dải âm thì cặp tai nghe này lại có những khuyết điểm cần phải nói.
Âm trầm không hề thiếu lượng một chút nào, đặc biệt là khi 2 chế độ EQ Bass Boost và Dynamic. Lượng thì đã có đủ, nhưng tôi chưa thực sự hài lòng với cách thể hiện của âm trầm của Buds Live, khi đa phần trầm là mid-bass, chơi cụm lại ở 1 điểm và cho cảm giác hơi ‘ngộp’. Bài Africa của nhóm Toto là một ví dụ điển hình, với những âm trống đầu trong bài hát hiện lên rất rõ trước mặt người nghe, nhưng dường như chỉ nhấn tại 1 tần số mà không có các ‘lớp’, rất ít âm siêu trầm (sub-bass). Nhìn về mặt tích cực, những ai thích có âm trầm càng nhiều càng tốt để phục vụ các bài nhạc Dance / Pop / RnB thì sẽ không phải lo ngại về việc Buds Live bị thiếu dải này.
Không chỉ có dải trầm mà dải trung của Buds Live cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ việc người dùng có sử dụng EQ hay không. Mặc định, giọng ca sĩ qua cách thể hiện của cặp tai nghe này hơi lùi nhẹ về phía sau, nhưng nếu như sử dụng EQ Clear hay Dynamic thì phần này sẽ được đẩy nhiều về phía trước, ca sĩ như đang đứng ngay cạnh mình. Yếu điểm của dải trung đó là độ chi tiết không được cao, kèm theo đó là có một chút ‘vang’ nhẹ. Giọng ca sĩ Alison Krauss trong bài Let Me Touch You For Awhile khá mỏng, như chia ra làm 2 nửa vọng sang 2 bên tai cho cảm giác hơi ‘điện tử’ và có phần thiếu tự nhiên.
Dải âm cao không để lại nhiều ấn tượng khi nghe, đơn giản vì đây là dải có âm lượng nhẹ hơn âm trầm và trung. Thiếu sự nổi bật nhưng tôi không quá phàn nàn về cách thể hiện của dải âm này, làm tròn được trách nhiệm của mình đó là giữ chất âm không bị quá đóng và tối, đồng thời không quá sáng để tạo ra chói gắt khó chịu.
Sự thiếu hoàn hảo có cá tính
Khi nói về ‘tai nghe với chống ồn chủ động’, 2 thứ người dùng sẽ nghĩ tới đầu tiên là khả năng chống ồn và chất lượng âm thanh. Galaxy Buds Live do thiết kế khác biệt so với phần còn lại của Thế giới tai nghe khiến cho cả 2 yếu tố này đều chưa đạt đến độ ‘chín’ nhất định, nên tôi khó có thể nói đây là một sản phẩm tốt đối với mức giá hơn 3 triệu mà người dùng phải bỏ ra.
Ngược lại thì cũng phải nói, bên cạnh sự thiếu hoàn hảo của Galaxy Buds Live lại có những sự quyến rũ riêng, từ màu sắc độc nhất vô nhị, cảm giác đeo thoải mái hay sự gọn gàng, tiện dụng của hộp sạc. Tôi rất mong Samsung sẽ tìm cách khắc phục những nhược điểm còn tồn đọng trong Galaxy Buds Live để tạo nên một cặp tai nghe độc đáo nhưng toàn diện, đáng mua hơn, như cách hãng đã làm với Galaxy Fold và Z Fold 2.
Ưu điểm
– Thiết kế vô cùng bắt mắt, màu đồng huyền bí khá ‘độc’
– Cảm giác đeo thoải mái, không dễ bị tuột ra ngoài
– Thời lượng sử dụng tốt, nhiều nhất lên tới 29 tiếng
– Nhiều tính năng phụ trợ từ phần mềm Galaxy Wear
Nhược điểm
– Vỏ dễ bám bẩn, cần lau sạch thường xuyên
– Cách âm kém, cả thụ động lẫn chủ động
– Khả năng chống nước thấp, chỉ ở mức IPX2
– Chất âm bị ‘đục’, thiếu độ chi tiết ở dải trung
– Âm trầm nhiều lượng nhưng cách thể hiện không hay