Đánh giá thực trạng các tiêu chí khai thác hợp lý giá trị văn hóa từ Di tích Chiến khu D tỉnh Đồng Nai trở thành điểm du lịch hấp dẫn

 

Tóm tắt:

Thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch với 7 tiêu chí trong 3 nhân tố chính liên quan đến khai thác hợp lý là tăng cường các giá trị của các di sản; đảm bảo những quyền lợi đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng, bài viết đã nêu rõ thực trạng cũng như đã đưa ra đánh giá đối với các tiêu chí nhằm khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa của di tích chiến khu D, gồm 3 di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia: Di tích Trung ương Cục miền Nam (1961-1962); Di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ (1962-1967) và Di tích Địa đạo Suối Linh (1962-1967).

Từ khóa: tiêu chí khai thác hợp lý, du lịch văn hóa, di tích chiến khu D.

Cơ sở lý luận về tiêu chí khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch

1.1. Một số khái niệm

 Di tích lịch sử – văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. [3, tr.2].

Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. [3, tr.2].

Di tích lịch sử văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm và các di vật, cổ vật bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học [3, tr.13].

Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại. [4, tr.8].

Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch. [4, tr.7].

Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. [4, tr.7].

1.2. Các nhân tố tiêu chí khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa từ các di tích lịch sử – văn hóa để phát triển du lịch

Khai thác các giá trị di sản văn hóa cần quan tâm và chú ý đến yếu tố nguyên vẹn của di tích, sự nguyên vẹn đó cần được duy trì trong quá trình khai thác thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch. Khi khai thác giá trị di sản hợp lý cần phải đảm bảo những quyền lợi đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng và cho cả người mua và người bán cũng như người quản lý. Đồng thời, tại mỗi di tích, khi khai thác cũng cần phải quan tâm đến bảo vệ môi trường từ các di sản một cách đầy đủ, và lâu dài khi khai thác và xây dựng các tiêu chí đánh giá khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa từ các di tích lịch sử – văn hóa trong việc phát triển du lịch như sau: [5, tr.32].

Tiêu chí 1: Khai thác một cách đầy đủ các di tích.

Tiêu chí 2: Khai thác đi đôi với việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các giá trị nguyên bản và phát huy tính độc đáo của di tích.

Tiêu chí 3: Có nguồn vốn tái đầu tư để bảo vệ di tích.

Tiêu chí 4: Khai thác phải tạo việc làm và thu nhập cho người địa phương.

Tiêu chí 5: Khai thác kết hợp với các loại hình du lịch và dịch vụ.

Tiêu chí 6: Phù hợp với sức chứa trong quá trình khai thác.

Tiêu chí 7: Khai thác phải bảo đảm môi trường phát triển du lịch bền vững.

chien khu D

2. Đánh giá thực trạng khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa từ di tích Chiến khu D trong việc phát triển du lịch

2.1. Giới thiệu khái quát về huyện Vĩnh Cửu và Khu di tích chiến khu D

Huyện Vĩnh Cửu nằm ở tả ngạn sông Đồng Nai, gồm 1 thị trấn Vĩnh An và 11 xã với tổng diện tích là 1.092 km2, dân số là 367.377 người (2019), mật độ dân số khoảng 500 người/km2, gồm 20 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện.

Trên địa bàn huyện có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là di tích Trung ương Cục miền Nam (1961-1962), di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ (1962-1967), di tích Địa đạo Suối Linh (1962-1967) và 4 di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra, các lễ hội Kỳ Yên, Lễ hội cúng Thần Lúa, phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa và cộng đồng của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn góp phần tạo ra tính đa dạng sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch. Ngày nay, phạm vi Chiến khu D có 3 di tích lịch sử được công nhận là di tích cấp quốc gia, bao gồm: Địa đạo Suối Linh; Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ (1962-1967); và Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961 -1962).

Bài báo chủ yếu đánh giá di tích Chiến khu D thông qua 7 tiêu chí được trình bày tại khung lý thuyết như sau:

2.2. Đánh giá các tiêu chí khai thác hợp lý giá trị văn hóa từ di tích Chiến khu D trong việc phát triển du lịch

Tiêu chí 1: Khai thác một cách đầy đủ các di tích

Để khai thác hợp lý và hiệu quả đối với hoạt động du lịch, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cần thống kê những di tích nào đã, đang và sắp đưa vào khai thác phục vụ cho khách tham quan, nghiên cứu, học tập khoa học. Mỗi di tích có nhiều hạng mục khác nhau trong quần thể di tích đó, vì thế khi khai thác hoạt động du lịch, cần phải có kế hoạch, hoạch định đưa các hạng mục di tích nào cần vào khai thác phù hợp đối với từng nhóm đối tượng khách tham quan khác nhau. Trong quá trình khai thác tại khu di tích Chiến khu D, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cũng cần có kế hoạch tự khai thác, hợp tác các tổ chức, đoàn thể, các cá nhân có khả năng, ý tưởng khai thác hiệu quả các di tích các di tích bên trong và ngoài khu di tích Chiến khu D, và các vùng lân cận.

trung ương cuc MN
Trung ương Cục miền Nam ở Chiến khu D

Tiêu chí 2: Khai thác đi đôi với việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các giá trị nguyên bản và phát huy tính độc đáo của di tích.

Thứ nhất, việc triển khai khai thác đi đôi với việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ giá trị nguyên bản và phát huy giá trị di tích Chiến khu D thông qua hoạt động du lịch cần được sự cho phép của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, cũng như địa phương để có kế hoạch cụ thể trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể, các dự án chưa đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, tu bổ, tôn tạo dẫn đến tình trạng một số di tích sau một thời gian bị xuống cấp, tốn kém về tiền của, lãng phí thời gian, và sức lao động.

Thứ hai, cần có cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, ban, ngành vì một mục tiêu chung là bảo vệ và gìn giữ các giá trị di sản văn hóa, gìn giữ giá trị nguyên bản cần phải có sự nhất quán từ các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương trong việc lập dự án, quy hoạch tổng thể cũng chưa được thực hiện tốt, và đồng bộ, đặc biệt là vấn đề liên quan đến kế hoạch – tài chính.

Thứ ba, nguồn lực tài chính đầu tư đối với các di tích Chiến khu D chưa đồng bộ và phân bổ tài chính chưa hợp lý và đồng đều. Nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cấp xuống còn ít, và chỉ đủ tôn tạo, trùng tu những di tích xuống cấp trầm trọng cần phải tu sửa gấp nên hiệu quả chưa cao.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý tại 3 di tích trong quần thể di tích Chiến khu D còn thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc cùng một lúc nên chưa có tính chuyên nghiệp cao, chuyên môn sâu như các loại hào, hầm và kiến trúc cũng như độ chống thấm, độ hút không khí từ trên xuống độ sâu của hầm.

Thứ năm, số lượng người đến tham quan ngày một nhiều mang lại một khoản tiền lớn khi các di tích bán vé tham quan, một mặt đem lại lợi ích kinh tế, mặt khác các di tích xuống cấp do con người khai thác nhiều nhưng không tu bổ, trùng tu gìn giữ, dẫn đến các di tích sẽ mau xuống cấp và dần sẽ bị mất đi tính nguyên bản.

Tiêu chí 3: Có nguồn vốn tái đầu tư để bảo vệ di tích

Ban quản lý di tích lịch sử và danh thắng tỉnh Đồng Nai, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Vĩnh Cửu cần phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng hạng mục, chương trình khảo sát nghiên cứu cụ thể đối với từng di tích cần trùng tu, tôn tạo, xây dựng hồ sơ, quy trình theo đúng quy định thẩm quyền nhằm sử dụng vốn có hiệu quả, chống thất thoát các nguồn vốn: Vốn từ ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định; Vốn chương trình mục tiêu, trọng điểm cho từng di tích; Vốn đóng góp và tài trợ của các tổ chức quốc tế đối với các di tích được bảo tồn, trùng tu tôn tạo nếu là di sản văn hóa hoặc thiên nhiên được tổ chức UNESCO công nhận; nguồn kinh phí từ các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hỗ trợ và đóng góp cho từng hạng mục; Nguồn vốn từ các chương trình xã hội hóa từ tổ chức, cá nhân; Nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch để phát huy có hiệu quả trong việc bảo tồn, tôn tạo, tu bổ di tích.

– Nguồn vốn lấy từ nguồn ngân sách nhà nước: Nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước đóng vai trò nòng cốt hàng đầu, thông qua nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu của quốc gia từ trung ương đến địa phương, từ nguồn vốn sự nghiệp, vốn xây dựng cơ bản, nguồn thu từ xổ số kiến thiết. Tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm, chỉ đạo, trùng tu, đầu tư kinh phí để chống xuống cấp, trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu. Khu di tích Chiến khu D cần được phân bổ đầu tư, tu sửa, bảo tồn, tôn tạo theo những hạng mục, phân khu, tiêu chí, kế hoạch và thời hạn nhất định của di tích nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, cũng như sự kiểm tra, kiểm soát nguồn vốn không có sự thất thoát.

– Ngân sách đầu tư được huy động từ các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước: Thời gian đầu tư cũng được phân bố ra các năm và không tập trung một thời gian nhất định. Do đó, việc trùng tu, tôn tạo các di tích cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý cả về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, nhân lực quản lý, thời gian và khả năng khai thác cũng không phù hợp.

– Nguồn kinh phí từ hoạt động xã hội hóa: Do ngân sách nhà nước không đủ để trùng tu, tôn tạo, nên việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay để xây dựng, trùng tu, tôn tạo, và cùng khai thác các giá trị văn hóa thông qua các di tích lịch sử đã được mọi thành phần hưởng ứng và sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư trùng tu, tôn tạo, tu bổ không chỉ một vài hạng mục mà có thể trùng tu hết các hạng mục hư hỏng cùng một lúc.

– Nguồn kinh phí từ các hình thức khác: Nhà nước cần cho phép Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai sử dụng nguồn kinh phí thu được từ việc khai thác các hoạt động dịch vụ du lịch từ các hạng mục trong khu di tích Chiến khu D để trích lại một phần để bảo dưỡng thường xuyên, bảo quản tu bổ, tái đầu tư di tích, tổ chức các hoạt động để tăng cường nguồn thu từ phí tham quan và các dịch vụ khác. Từ nguồn thu bán vé tham quan di tích, kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú tại nhà rông, bán đồ lưu niệm, cho thuê đồ làm lều trại, dịch vụ hướng dẫn viên tại điểm đối với đoàn khách có nhu cầu thuê hướng dẫn viên chuyên đề, nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học hỏi mang tính đặc trưng riêng mà các di tích lịch sử văn hóa cần có.

khu du lich
Khu du lịch Suối Mơ tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai

Tiêu chí 4: Khai thác phải tạo việc làm và thu nhập cho người địa phương

Du khách đến địa phương nơi có di tích Chiến khu D sẽ tiêu dùng các sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, các dịch vụ, hàng hóa của người dân địa phương đem bán cho du khách. Tại mỗi điểm du lịch tại bất cứ địa phương nào cũng tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, bao gồm:

– Tạo công ăn việc làm cho nhiều đối tượng trực tiếp và gián tiếp khi có khách du lịch đến tham quan, du lịch nơi đây. Người dân địa phương là người hưởng lợi trực tiếp khi lượng lớn hàng hóa được bán ra cho du khách, đồng nghĩa là số lượng lớn nguồn lao động có việc làm, sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa phục vụ cho du khách đến di tích tại địa phương cũng như các di tích thuộc địa phương khác khi trao đổi hàng hóa.

Khi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được du khách mua tiêu dùng tại chỗ, hoặc mang đi nơi khác sử dụng đồng nghĩa đã tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương và vùng lân cận. Di tích Chiến khu D được khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa đồng nghĩa tăng thêm giá trị kinh tế cho người dân địa phương nơi có di tích.

Hướng dẫn viên tại điểm tham quan, di tích là người địa phương hoặc các cán bộ công nhân viên thuộc một đơn vị quản lý khu di tích Chiến khu D.

Tiêu chí 5: Khai thác kết hợp với các loại hình du lịch và dịch vụ

Các di tích lịch sử – văn hóa ở Chiến khu D đã và đang phát huy tác dụng trên nhiều mặt với các giá trị đặc biệt của nó. Việc khai thác giá trị lịch sử – văn hóa chính là sự kết hợp giữa việc bảo tồn di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch và giáo dục truyền thống, văn hóa. Sự kết nối giữa các thành phần kinh tế – văn hóa – du lịch đã và đang diễn ra như một quy luật tất yếu, đạt hiệu quả cao, đòi hỏi Nhà nước đề ra những chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trùng tu, tôn tạo di tích, nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước tham quan với giá cả phù hợp cho từng loại dịch vụ:

– Loại hình dịch vụ vận chuyển: Xe jeep, xe đặc dụng, xe thồ, xe máy và các phương tiện đơn sơ cần được sửa chữa và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch nếu du khách có nhu cầu.

– Loại hình dịch vụ lưu trú: Bao gồm nhà bạt, lều, trại, nhà hầm trú ẩn, nhà hầm (được ở đêm trong những căn hầm xưa của các chiến sĩ cách mạng đã sống và làm việc chính là sự trải nghiệm vốn sống), nhà dài nghỉ đêm tại khu di tích.

– Loại hình dịch vụ ăn uống: Khôi phục và đưa vào khai thác bếp Hoàng Cầm cho du khách trải nghiệm với các bữa cơm của người chiến sĩ cách mạng. Thực đơn ăn uống được xây dựng trên cơ sở các món ăn giản đơn của các chiến sĩ cách mạng với rau rừng, củ mài, cá suối.

– Dịch vụ hướng dẫn viên tại điểm: Cần có đội ngũ giỏi chuyên môn phục vụ hướng dẫn cụ thể, chi tiết theo chuyên đề sâu đáp ứng nhu cầu của du khách. Đồng thời, đội ngũ hướng dẫn viên vừa giỏi chuyên môn, ngoại ngữ giỏi về các kỹ năng khác như: lái xe, quản trò, nấu ăn, nghệ thuật,…

– Dịch vụ khuân vác đồ, hàng hóa: Đây là loại dịch vụ rất thiếu đối với các khu di tích, đặc biệt ở vùng sâu, khó khăn. Vì du khách thường khó khăn trong việc di chuyển đi lại, cộng với đeo trên vai một lượng lớn đồ dùng, nên họ không còn sức để tham gia các trò chơi khác, nên sẽ trả theo cung đường hoặc theo số lượng/trọng lượng của mỗi loại hàng hóa mà du khách thuê họ mang theo.

– Dịch vụ bán đồ lưu niệm: Ban quản lý cần phải liên kết với đồng bào dân tộc thiểu số nơi gần nhất hoặc nằm trong vùng lõi của khu di tích chiến khu D, đặt hàng họ làm các sản vật địa phương, của người dân tộc mang đặc trưng văn hóa dân tộc bản địa, khu di tích chiến khu D để làm quà lưu niệm cho người thân, bạn bè. Giá cả đồ lưu niệm nên có mặt bằng giá cụ thể, nhưng không quá cao tạo áp lực cho du khách.

– Dịch vụ cho thuê, mướn, bán đồ và tạp vụ hàng hóa: Đây là dịch vụ giản đơn nhưng đã được khai thác ở nhiều nơi trong khu di tích Chiến khu D cũng như các nơi khác. Dịch vụ cho thuê trang phục, đồ dùng, dụng cụ hóa trang thành người chiến sĩ cách mạng làm việc tại nơi đây trong thời kháng chiến, và nhiều đồ dùng khác.

– Dịch vụ giải khát: Mỗi điểm di tích trong quần thể khu di tích Chiến khu D cần phải có cửa hàng bán nước giải khát và đồ ăn vặt nhỏ ngay tại điểm tham quan, nhằm phục vụ cho du khách khi nghỉ ngơi.

– Dịch vụ nhà vệ sinh và trạm dừng nghỉ: Giữa các điểm tham quan nếu quá xa, cần có điểm dừng chân nghỉ, và kèm theo có nhà vệ sinh để du khách thuận tiện trong sinh hoạt cá nhân của mình.

– Dịch vụ y tế công cộng tại khu di tích: Cần kết hợp tham quan các trạm xá tại khu du tích chiến khu D vừa phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm với loại hình du lịch này, vừa an tâm với việc sức khỏe của mình khi sống ở trong rừng.

– Một số dịch vụ bổ sung khác: Cần có kế hoạch xây dựng hoặc khôi phục lại một số dịch vụ mới, nhằm phục vụ du khách trải nghiệm, như: dịch vụ khâu vá, dịch vụ nấu ăn, dịch vụ bưu chính, bưu cục, trạm vô tuyến, và một số dịch vụ khác phục vụ cho du khách tham quan có nhu cầu tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, sưu tầm như sau:

Đối với khách du lịch tham quan là các nhà chính trị gia, nhà sử học, văn hóa, giảng viên, học sinh sinh viên: Đây là đối tượng khách đến với khu di tích Chiến khu D rất rõ ràng, cụ thể. Họ đến đây cần được nghe, xem, nhìn, cảm nhận được thực tế khi tận mắt chứng kiến địa đạo, lều trại, nơi ở và làm việc của các chiến sĩ cách mạng, sự bí ẩn của bếp Hoàng Cầm khi nấu cơm không để khói bay lên tránh bị địch phát hiện. Đây là đối tượng trải nghiệm 1 ngày, 1 giờ về cuộc sống gian khổ, tính kiên trì, sức chịu đựng của người chiến sĩ cách mạng trong giai đoạn đất nước chiến tranh.

Đối tượng là các cựu chiến binh, các anh bộ đội: Đây là đối tượng đã có những năm tháng sống, làm việc trong các cuộc chiến tranh qua các thời kỳ. Mọi người đến đây với mong muốn tận mắt chứng kiến lại chiến trường xưa.

Đối với các du khách: Đây là số lượng khách chiếm đa số. Họ đến tham quan, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của các đồng chí lãnh đạo làm việc tại nơi đây qua các thời kỳ.Họ thường đến vào các ngày cuối tuần, ngày lễ chính của các di tích đặc biệt, tìm hiểu, nhớ ơn, am hiểu hơn về sự ra đời của một di tích và những câu chuyện truyền thuyết về di tích, đối tượng thờ, cũng như tưởng nhớ công ơn của những người đã hi sinh bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người.

Tiêu chí 6: Phù hợp với sức chứa trong quá trình khai thác

Nếu du khách đến tham quan di tích Địa đạo Suối Linh cùng một lúc, đòi hỏi sức chứa của mỗi cửa hầm, tầng hầm, không gian trong hầm có thể chứa được bao nhiêu du khách cho một lần tham quan, cần có những tiêu chuẩn tối thiểu về không gian/du khách trong cùng một thời gian. Mặt khác, tại các di tích trong quần thể chiến khu D có thể chứa được số lượng tối đa từ 200 – 500 người cùng một thời điểm, trong cùng không gian, nhưng không ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch, môi trường xung quanh khi đang khai thác.

Tiêu chí 7: Khai thác phải bảo đảm môi trường phát triển du lịch bền vững

Môi trường phát triển du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác các giá trị văn hóa từ các di tích Chiến khu D có một không gian rộng, thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên, đem lại cảm giác an toàn cho du khách là điều bất cứ nhà quản lý du lịch nào cũng mong muốn. Điểm tham quan di tích chiến khu D cần có biện pháp, kế hoạch cụ thể cho việc đề phòng các bệnh dịch, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm từ khí thải, tiếng ồn từ các phương tiện vận chuyển, tệ nạn xã hội thường xuyên xảy ra tại điểm tham quan, nơi có nhiều người đến sinh hoạt cùng một thời điểm, một không gian, địa điểm.

3. Kết luận

 Hoạt động du lịch đang ngày càng phổ biến và phát triển, tạo ra nhiều việc làm, đem lại nguồn tri thức lớn cho nhân loại thông qua hoạt động khai thác hợp lý các giá trị di sản văn hóa thông qua các di tích, trong đó có khu di tích Chiến khu D. Di tích Chiến khu D cũng là tài nguyên du lịch văn hóa, là nhân tố chính được đưa vào khai thác du lịch một cách hợp lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của nó thông qua hoạt động du lịch, tạo giá trị kinh tế ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Công Hoan (2014). Điểm du lịch tâm linh: Nghiên cứu trường hợpmiếu Bà Chúa Xứ, Châu Đốc, tỉnh An Giang, NXB. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  1. Nguyễn Công Hoan (2015). Giáo trình tuyến điểm du lịch Việt Nam, Trường Đại học Tài chính – Marketing, TP. Hồ Chí Minh.
  2. Quốc hội (2010), Luật Di sản văn hóa, Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  3. Quốc hội (2017), Luật Du lịch Việt Nam, Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Hồng Nhất (2016). Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa thế giới vật thể, Đà Nẵng.
  5. http://vinhcuu.dongnai.gov.vn/Pages/home.aspx