Đánh giá và cảm nhận về tai nghe AirPods Pro sau hơn 1 năm sử dụng
Được nhà Táo ra mẳt lần đầu vào quý IV năm 2019, AirPods Pro luôn trở thành chiếc tai nghe True Wireless (TWS) được quan tâm và săn đón nhiều nhất. Dù đến nay, chiếc tai nghe TWS này đã được hơn 2 năm tuổi, nhưng sức hấp dẫn của nó không vì thế mà giảm đi. Sau hơn một năm sử dụng, hi vọng những chia sẻ về ưu điểm và hạn chế của mình về chiếc tai nghe này sẽ phần nào đó giúp các bạn có được những thông tin hữu ích, đặc biệt là những ai có ý định sắm chiếc tai nghe này để “ăn Tết” cùng.
Mục lục bài viết
1. Cảm nhận ban đầu về AirPods Pro
1.1. Về hộp sạc
So với AirPods 1 và 2, hộp sạc của AirPods Pro được Apple thiết kế với nhiều chi tiết mới, với mục đích nâng cao trải nghiệm các thao tác sử dụng và gia tăng tính thẩm mỹ. Hộp sạc có hình dạng của một hình chữ nhật nằm ngang, thay vì nằm dọc như các dòng tai nghe trước của hãng. Phía trước là một chiếc đèn LED nhỏ dùng để báo hiệu và phía sau là nút bấm để kết nối tai nghe với thiết bị phát. Bên dưới là cổng sạc chuẩn Lightning đặc trưng của Apple.
1.1.1 Về ưu điểm
Nhìn chung, cảm giác cầm nắm ban đầu của chiếc hộp sạc là khá vừa tay, nhất là phần bản lề được đóng mở rất chắc chắn. Sau hơn một năm sử dụng, điều khiến mình cảm thấy rất hài lòng là trên thị trường có rất nhiều vỏ bọc bảo vệ hộp sạc AirPods Pro so với những dòng TW khác với nhiều mức giá khác nhau, giúp mình vừa chống sốc và chống nước cho thiết bị, lại vừa có thể giúp thay đổi phong cách thời trang một cách đa dạng.
1.1.2. Về hạn chế
Không riêng gì AirPods Pro, những dòng tai nghe không dây khác của Apple cũng gặp phải tình trạng xuống cấp nhanh của chiếc hộp sạc, một phần vì tone màu trắng của chiếc hộp rất dễ bám bẩm và ố vàng theo thời gian. Một chi tiết nhỏ nữa đó chính là cổng sạc chuẩn Lightning trên chiếc hộp thay vì là Type-C, do đó mình phải mang theo 2 sợi dây sạc iPhone cùng lúc, để tránh việc hai thiết bị là Airpods Pro và điện thoại iPhone của mình bị hết pin đồng thời; tuy nhiên, đây chỉ là điểm hạn chế khá nhỏ của thiết bị nên mình sẽ không tính điểm nó.
– Điểm: 9.0
1.2. Về thiết kế tai nghe
Khi mới ra mắt, chiếc tai nghe có thiết kế dạng in-ear đầu tiên của Apple này được giới chuyên môn đánh giá là khá “dị”, bởi hình dáng bên ngoài khác biệt gần như hoàn toàn so với hai chiếc tai nghe mà Apple đã giới thiệu trước đó: AirPods 1 và 2. Tuy nhiên, chính kiểu thiết kế này đã giúp cho AirPods Pro có được khả năng cách âm và chống ồn rất tốt, điều mà hai chiếc tai nghe trước đó gần như không thể làm được. Một điều khiến nó trở nên đặc biệt hơn nữa, đó là phần thao tác với tai nghe được thực hiện hoàn toàn bằng cảm ứng lực, với từng động tác bóp vào tai nghe là từng lệnh khác nhau.
1.2.1 Về ưu điểm
Với thiết kế theo hướng “công thái học”, chiếc tai nghe tạo cảm giác rất thoải mái cho mình dù phải đeo trong một thời gian khá dài (tầm 2-3h). Một số thời điểm, mình có dùng nó trong lúc chạy bộ hoặc trong lúc di chuyển các nơi trong văn phòng, chiếc tai nghe vẫn bám tai mình rất tốt, và hơn hết là mang đến sự dễ chịu và một chút gì đó như “không hề đeo”. Đó cũng là điểm mình rất ưng từ lúc mua nó về.
Ngoài ra, Apple còn tặng thêm 3 cặp đệm tai nghe với kích thước là S (cỡ nhỏ), M (cỡ trung) và L (cỡ lớn) để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng và một số trường hợp mình có nhu cầu tăng kích cỡ tai đệm lên một xíu để có trải nghiệm cách âm tốt nhất.
1.2.2. Về hạn chế
Một điểm trừ khá lớn, đó chính là việc Apple không trang bị thao tác tăng giảm âm lượng trực tiếp trên tai nghe, thay vào đó là phải điều khiển từ chính thiết bị phát hoặc ra lệnh cho Siri. Đối với cá nhân mình, điều này không phải gì đó quá phiền toái, nhưng bù lại trong một số trường hợp cần thiết, thì mình phải gián đoạn một ít thời gian, kèm với đó là một chút rắc rối để thay đổi âm lượng, nhất là khi đang chạy bộ ngoài trời.
– Điểm: 8.5
1.3. Tổng kết điểm
Về phần tổng quan ban đầu, dựa vào hai phần đánh giá cơ bản của phần hộp sạc và tai nghe, mình sẽ tính điểm trung bình cộng của cả hai tiêu chí này. Phần điểm tự mình đánh giá như sau:
Tiêu chí
Điểm
Thiết kế phần hộp sạc (1)
9.0
Thiết kế phần tai nghe (2)
8.5
Điểm trung bình [(1)+(2)]/2
8.75
Rõ ràng, với số điểm như trên, thì gần như AirPods Pro đã chiếm được cảm tình rất lớn đối với mình ngay ở phần trải nghiệm nhanh đầu tiên. Nào cùng mình tiếp tục đánh giá chi tiết về khả năng hoạt động cũng như những giá trị mà chiếc tai nghe này mang lại cho mình ở phần sau nhé!
2. Cảm nhận chi tiết sau hơn 1 năm đồng hành cùng AirPods Pro
2.1. Về tính năng và công nghệ
2.1.1. Về thao tác cảm ứng lực và khả năng kết nối
Điểm tích cực mà hầu hết các thiết bị của nhà Táo mang đến cho người dùng, đó chính là tốc độ kết nối khá nhanh, kèm với đó là khả năng kết nối ổn định. Ở lần kết nối đầu tiên, mình phải cài đặt thủ công để điện thoại của mình có thể ghi nhớ. Những lần sau đó, mình chỉ vừa mở nắp hộp sạc, thì gần như ngay lập tức chiếc tai nghe sẽ được kết nối với điện thoại của mình.
Điều đáng ghi nhận là, mình có thử dùng nó với chiếc máy tính bảng Samsung Galaxy Tab A7 và thời gian kết nối cũng không khác biệt quá nhiều so với các thiết bị chung nhà Apple (khoảng dưới 5s). Độ delay theo mình đánh giá là rất thấp, và với đại bộ phận người dùng, thì nhiêu đó là quá đủ.
2.1.2. Về khả năng chống ồn
a. Chế độ chống ồn
Có thể nói, tính năng này là một trong những cuộc cách mạng của Apple trong lĩnh vực tai nghe không dây. Điều này có thể lý giải lý do tại sao AirPods Pro lại được nhiều người đón nhận và đánh giá cao cho đến tận bây giờ, khi mà trên thị trường cũng đã xuất hiện nhiều thiết bị tai nghe với các tính năng tương tự và giá bán phần nào đó hấp dẫn hơn.
Ở chế độ khử tiếng ồn chủ động (Active Noise Cancellation), AirPods Pro hầu như xử lý triệt để các tạp âm môi trường bên ngoài, tạo cho mình một không gian yên tĩnh hoặc riêng tư với các bản nhạc yêu thích. Mình dùng nó khi đang làm việc tại một số nơi công cộng như các quán café như HighLands hoặc Phúc Long, kết quả thu được là rất tốt, đặc biệt là những tiếng ồn từ các cuộc trò chuyện hoặc đùa vui của những vị khách khác bàn cũng đều được “tách ra” khỏi đôi tai của mình một cách ấn tượng (mình sử dụng với mức âm lượng từ 50 đến 60%).
Ngoài ra, lúc đi công tác bằng xe ô tô, mình có thử qua chế độ chống ồn trên máy bay và nhận thấy tiếng ù từ động cơ dội vào khoang hành khách cũng được khử khá tốt, nhất là so với chế độ khử tiếng ồn tiêu chuẩn. Vì theo mình tìm hiểu, thuật toán của Apple đưa vào chế độ này là phát hiện và triệt tiêu các tiếng ồn gần giống với tiếng động cơ máy bay, thay vì các tạp âm từ môi trường ngoài như tiếng nói. Từ lúc mua về, mình chưa có điều kiện để thử nó trong lúc lên máy bay, nhưng theo phản hồi từ một vài người bạn cũng đang sử dụng AirPods Pro, kết quả thu được cũng là rất tích cực.
b. Chế độ xuyên âm
Tính năng xuyên âm (Transparency Mode) ở Airpods Pro cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng của thiết bị này, song song với tính năng chống ồn đã được mình đề cập trước đó. Hiểu một cách nôm na, cơ chế hoạt động của chế độ này là mình có thể nghe mọi âm thanh từ môi trường bên ngoài với cảm giác chân thực, hệt như là lúc không đeo tai nghe vậy. Cơ chế này đặc biệt hữu ích trong cách trường hợp mình muốn trò chuyện với bạn bè trong khi vẫn đang sử dụng AirPods. Chỉ cần thao tác đơn giản với chiếc tai nghe, thì chế độ chống ồn sẽ ngay lập tức chuyển về chế độ xuyên âm, giúp mình linh hoạt hơn trong nhiều tình huống.
– Điểm: 10
2.2. Thời lượng pin
Theo trải nghiệm của mình, thì thời lượng nghe nhạc cũng như đàm thoại (họp online) của mình với chiếc tai nghe này vào khoảng hơn 4 tiếng, với mức âm lượng dao động khoảng 45%. Nếu mình kích hoạt thêm tính năng chống ồn hoặc xuyên âm nữa, thì thời gian sử dụng thực tế sẽ giảm từ 30 đến 45 phút. Với dung lượng của chiếc hộp sạc, mình có thể sạc đầy chiếc tai nghe khoảng 4 lần, đảm bảo cho một tuần làm việc của mình (theo công bố của nhà sản xuất là thời gian nghe nhạc liên tục của thiết bị có thể lên đến 24 giờ với mức dung lượng cung cấp từ chiếc hộp).
Điểm tích cực nữa là AirPods Pro có thêm tính năng sạc nhanh, nhất là trong một vài trường hợp cần gấp, thì với 5p sạc thì chiếc tai nghe có thể hoạt động thêm 1 giờ đồng hồ nữa.
Do phiên bản mình sử dụng chỉ là hộp sạc thường, không có hỗ trợ sạc không dây nên mình sẽ không đánh giá tính năng này. Theo mình, với nhiều điều kiện thông thường, thì AirPods Pro với hộp sạc tiêu chuẩn sẽ giúp mình tiết kiệm được một khoản chi phí, vì hiện tại mình chưa sử dụng bộ sạc không dây nào cả nên đối với mình thì tính năng này không cần thiết.
Sau 1 năm sử dụng, theo mình đánh giá thì độ chai pin của chiếc tai nghe sẽ rơi vào khoảng 20-30%, tùy vào điều kiện sử dụng thực tế của từng người. Riêng đối với mình, thì so với lúc ban đầu, ở thời điểm hiện tại thì chiếc tai nghe chỉ hoạt động tối đa khoảng dưới 3 giờ đồng hồ, tính từ lúc sạc đầy hai tai là 100% đến khi cạn pin. Do vậy, mình đánh giá mức độ chai pin của chiếc tai nghe của mình vào khoảng 25% – một con số có thể chấp nhận được, trong điều kiện hoạt động khoảng 3-4 giờ một ngày (mỗi tháng mình sẽ xả pin một lần). Tất nhiên, điều này là hoàn toàn không thể tránh khỏi và hiện nay nhiều cửa hàng sửa chữa điện thoại cũng đã có dịch vụ thay thế pin cho tai nghe AirPods Pro rồi, nên mình cũng không quá lo lắng về chi tiết này.
– Điểm: 10
2.3. Về các tính năng khác
Apple công bố rằng, AirPods Pro khả năng chống nước chuẩn IPX4. Trong điều kiện sử dụng thực tế của mình lúc đang chạy bộ ngoài trời, thì chiếc tai nghe vẫn ổn khi tiếp xúc với nhiều mồ hôi xuất ra từ đôi tai của mình và từ trên tóc mình chảy xuống. Tất nhiên, đây chỉ là sự hỗ trợ của Apple dành cho các hoạt động thể thao ngoài trời, nên mình cũng không bao giờ sử dụng nó trong các điều kiện ẩm ướt khắc nghiệt khác như đi dưới mưa hoặc là dưới hồ bơi cả!
– Điểm: 10
2.4. Về chất lượng âm thanh
2.4.1. Công nghệ Adaptive EQ – Tối ưu âm thanh phù hợp với tai
Đây là công nghệ được tích hợp mặc định trên chiếc tai nghe đầu bảng của Apple nên người dùng như mình sẽ không cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt như công nghệ xuyên âm và chống ồn. Nhưng điều mình có thể cảm nhận rõ nhất, đó chính là khi mình nghe nhạc với danh sách các bài hát bao gồm nhiều thể loại khác nhau (nhạc bolero của Quang Lê, nhạc rap của B Ray và nhạc phối khí của Paris By Night như của Bằng Kiều) thì lời ca sĩ được thể hiện một cách rất rõ ràng và không bị lấn át bởi một số dải âm khác như bass hoặc bè. Đó là vì, công nghệ này giúp cho AirPods Pro tự động tùy chỉnh các dải tần số thấp và trung của bài hát một cách phù hợp nhất với cấu tạo tai của người dùng, do đó mình sẽ không phải vào mục chỉnh EQ thủ công để set up lại để phù hợp với từng thể loại nhạc. Đây là điểm rất “ưng” của AirPods Pro, nhất là dành cho các đối tượng nghe nhiều thể loại nhạc cùng lúc như mình
2.4.2. Về khả năng thể hiện các dải âm thanh
So với hai phiên bản tai nghe được ra mắt trước đó của Apple là AirPods 1 và 2, âm thanh tái hiện trên AirPods Pro theo mình đánh giá là vượt trội hơn. Cụ thể, 3 dải âm đã được nhà sản xuất chăm chút khá kĩ, và với một người nghe nhạc có chút kĩ tính như mình, thì việc tách bạch được phần nào sự lấn át lẫn nhau của 3 dải âm trầm-trung-cao sẽ mang đến trải nghiệm nghe nhạc rất tốt (tất nhiên, mình đang đánh giá chiếc tai nghe này ở phân khúc và tầm giá của nó, nên so với một số dòng tai nghe cao cấp đến từ các hãng âm thanh hang đầu như B&O hay Sennheiser là sẽ không công bằng). Riêng về phần âm trầm, các tiếng bass đã được kéo xuống sâu một chút, tạo nên tiếng đập chắc và mạnh. Với phần âm trung, tiếng ca sĩ sẽ trong hơn, và trong một số bản nhạc có ca sĩ hát ở tone cao, cảm giác mà AirPods Pro mang lại sẽ êm hơn và đỡ chói tai hơn do dải treble đã được hiệu chỉnh lại. Tóm lại, trải nghiệm nghe nhạc của mình đối với chiếc tai nghe này là khá tốt!
– Điểm: 9.5
2.5. Tổng kết điểm
Ở phần đánh giá chung về hiệu suất làm việc, tính năng được trang bị và những tiện ích khác trong quá trình sử dụng, mình đã đưa ra số điểm cụ thể cho từng tiêu chí. Số điểm được cho dựa trên cảm nhận của mình ở góc độ là người dùng phổ thông, không đòi hỏi khắc khe về sự biểu diễn âm thanh ở mức độ phức tạp, cũng như khi xét đến giá tiền để tậu chiếc AirPods ở thời điểm mình mua và cả hiện tại nữa. Tổng hợp các điều kiện ấy lại, thì quả thật khó có thể tìm ra được quá nhiều những chi tiết để trừ điểm chiếc tai nghe này. Do vậy, số điểm mà chiếc tai nghe này nhận được từ mình cũng gần như là tuyệt đối!
Tiêu chí
Điểm
Tính năng và công nghệ chống ồn – xuyên âm (1)
10
Dung lượng pin và thời gian sử dụng (2)
10
Chất lượng âm thanh (3)
9.5
Các tính năng khác (4)
10
Tổng điểm trung bình [(1)+(2)+(3)+(4)]/4
9.88
3. Lời kết và nhận xét chung
Qua bài đánh giá chi tiết trên, thì có lẽ chiếc tai nghe TWS này gần như đạt điểm tuyệt đối từ mình, từ phần thiết kế đến phần hoạt động thực tế. Như đã nói ở trên, mình cố gắng xây dựng thang tính điểm dựa trên những cảm nhận khách quan của đại bộ phận người dùng, khi không quá chú trọng đến những tiểu tiết về âm thanh và thiết kế, đặc biệt khi phải đặt chiếc tai nghe này lên bàn cân ở mức giá tiền bỏ ra và giá trị nhận được tương ứng. Hi vọng những chia sẻ trên của mình sẽ giúp các bạn có thêm kênh tham khảo để các bạn có thể dễ dàng lựa chọn cho mình chiếc tai nghe phù hợp, đặc biệt là những bạn đang xem xét tậu cho mình chiếc tai nghe AirPods Pro này.