Đánh giá Vivo Y30: Camera chụp đẹp, pin trâu, thiết kế hợp thời trang
Mục lục bài viết
Trong quá khứ, mình cũng đã từng đánh giá khá nhiều chiếc smartphone thuộc dòng Y – Series của Vivo. Những chiếc điện thoại này có điểm mạnh chung là camera chụp hình đẹp, kết hợp cùng công nghệ AI. Vậy, Vivo Y30 sẽ làm được những gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn điều đó và những gì thú vị khác qua bài đánh giá Vivo Y30 nhé.
Xem thêm:
1. Cụm 4 camera với khả năng chụp hình macro ấn tượng
Vivo Y30 được trang bị cho mình cụm 4 camera với thông số kỹ thuật được liệt kê lần lượt như sau:
- Camera chính độ phân giải 13 MP, khẩu độ f/2.2, góc rộng, lấy nét theo pha.
- Camera góc siêu rộng, độ phân giải 8 MP, khẩu độ f/2.2.
- Camera macro, độ phân giải 2 MP, khẩu độ f/2.4.
- Camera đo độ sâu 2 MP, khẩu độ f/2.4.
Nếu so sánh một chút với thế hệ Vivo V series thì mình thấy giao diện của ứng dụng chụp ảnh trên Vivo Y30 khó xài hơn. Mình phải mất một khoảng thời gian khá lâu để tìm ra các chế độ chụp ảnh khác nhau.
Để rồi ấn tượng nhất chính là khả năng chụp hình Macro của Vivo Y30. Khi chuyển sang chế độ macro, thì mình có thể đặt gần camera vào những vật thể nhỏ để chụp chúng một cách chi tiết hơn.
Như tấm hình bông hoa màu trắng dưới đây, bạn có thể nhìn thấy rõ những giọt nước còn đọng lại trên cánh hoa và cả những vân cán nữa. Màu sắc của ảnh tươi tắn, sáng rõ là những gì mình thích khi chụp bằng Vivo Y30.
Tương tự với một bông hoa khác, ảnh chụp macro của Vivo Y30 thể hiện đầy đủ các chi tiết của bông hoa một cách sắc nét nhất.
Trong điều kiện đủ sáng, ảnh chụp từ Vivo Y30 cho chất lượng sắc nét, màu sắc hài hòa và có phần nịnh mắt.
Mọi thứ cũng tương tự với ống kính góc rộng trên Vivo Y30. Mặc dù camera góc siêu rộng có độ phân giải thấp hơn, nhưng chất lượng hình ảnh của camera này vẫn cho chất lượng gần như tương xứng với camera chính, không giống đa số các smartphone cùng tầm giá thì camera góc siêu rộng sẽ có hình ảnh chất lượng thấp hơn, màu sắc bị sai lệch với camera chính.
Ngay cả chế độ zoom x2 với những chiếc điện thoại cùng tầm giá khác thì chất lượng hình cũng sẽ bị giảm đi đôi chút. Còn với Vivo Y30, mình thấy ảnh chụp vẫn cho ra các chi tiết với độ sắc nét cao.
Nói điểm mạnh thì bây giờ là điểm yếu. Camera của Vivo Y30 cũng như bao chiếc điện thoại khác cùng tầm giá mà thôi, đó là khả năng chụp ảnh trong môi trường thiếu sáng đều không tốt. Chúng ta có thể thấy ảnh chụp từ máy cho màu sắc vẫn rất ổn, tuy nhiên các phần chi tiết bị nhòe và có dấu hiệu bệt màu.
Với ảnh chụp bokeh, AI của Vivo cho chất lượng ảnh xóa phông trông tự nhiên, màu sắc hài hòa. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ bạn có thể thấy vài lỗi nhỏ xóa phông chưa triệt để như ở phần cổ áo bên trái.
2. Thời lượng pin cực trâu lên đến 13 tiếng sử dụng liên tục
Như thường lệ, để mang tính khách quan thì mình sẽ đánh giá thời lượng pin của Vivo Y30 trong điều kiện sau:
- Trải nghiệm 4 tác vụ xoay vòng gồm: Chiến Liên Quân, xem YouTube, lướt Facebook và dùng trình duyệt (Chrome).
- Mỗi tác vụ 1 tiếng đồng hồ.
- Đèn nền 100%.
- Cắm tai nghe có dây xuyên suốt.
- Không bật chế độ tiết kiệm pin hay màn hình thích ứng.
- Bật chế độ hiệu suất cao.
- Mở WiFi và các thông báo từ mạng xã hội.
- Không bật GPS, Bluetooth và NFC.
- Đo từ 100% đến 0%.
Với viên pin 5.000 mAh của Vivo Y30 cho thời gian sử dụng liên tục tới 13 tiếng đồng hồ, thông qua bài test hiệu suất cao như vậy cho thấy pin của Vivo Y30 rất trâu. Thực tế khi sử dụng, mình chỉ để độ sáng màn hình ở 60% mà thôi vì màn hình máy rất sáng và mình chỉ sử dụng để nghe, gọi, lướt web, giải trí nhẹ nhàng. Nhưng phải đến ngày thứ 3 mình mới đem máy đi sạc pin.
Chiếc máy này không có củ sạc nhanh và mình đã phải chờ đợi gần 3 tiếng để sạc đầy cục pin này. Nhưng đổi lại 3 ngày xài thoải mái cũng đáng đấy chứ nhỉ.
3. Thiết kế hợp thời trang, hiện đại và đẹp mắt
Cảm nhận đầu tiên khi cầm trên tay chiếc Vivo Y30 chính là chiếc máy điện thoại này toát lên một vẻ hiện đại với những chi tiết như camera “nốt ruồi” ở mặt trước và cụm 4 camera được đặt vuông vắn ở phía mặt sau.
Mặt lưng máy được làm bằng chất liệu nhựa giả kính, thiết kế các vân sáng được tỏa ra từ camera trông đẹp mắt và có phần hiện đại. Tuy nhiên, nhược điểm dễ thấy nhất là mặt lưng này rất bám vân tay.
Quay trở lại mặt trước, Vivo Y30 sở hữu cho mình màn hình kích thước lớn 6.47 inch, độ phân giải HD+ (1.560 x 720). Độ sáng màn hình rất cao, giúp mình có thể nhìn rõ được nội dung hiển thị trong điều kiện ngoài trời nắng.
Hơi đáng tiếc một chút khi độ phân giải màn hình của Vivo Y30 chỉ dừng lại ở mức HD+ khiến cho đôi lúc mình cảm giác chất lượng hiển thị trên chiếc máy này chưa thực sự sắc nét. Mình có thể nhận thấy rõ nhất điều này trong lúc xem phim hoặc chơi game.
Kích thước của Vivo Y30 cũng thuộc vào dạng khá lớn nên lúc mình nhét vào túi quần và thường xuyên di chuyển nên cũng cảm thấy hơi bất tiện. Nên mình thường bỏ chiếc điện thoại này vào balo và đôi lúc vẫn bị nhỡ vài cuộc gọi hay tin nhắn.
4. Hiệu năng ổn định, chỉ nên dùng để giải trí nhẹ nhàng
Cấu hình của Vivo Y30 chỉ dừng lại ở con chip MediaTek Helio P35 và RAM 4 GB, đủ sức để mình sử dụng với các tác vụ thông thường hàng ngày. Trước khi đi vào đánh giá hiệu năng chơi game của chiếc máy này thì mình sẽ đo điểm hiệu năng của máy bằng các phần mềm Benchmark nổi tiếng.
Geekbench 5 không thể đo được trên Vivo Y30 và nó báo lỗi liên tục sau mỗi bài test nên mình không thể hiển thị kết quả cho các bạn xem được.
PCMark cho điểm hiệu năng của Vivo Y30 là 5.277 điểm. Theo như bảng xếp hạng của PCMark thì Vivo Y30 thua điểm hiệu năng của Galaxy M30 và mạnh hơn Xiaomi Redmi 5 Plus.
Khi chấm điểm hiệu năng đồ họa với phần mềm 3DMark, thì kết quả của Vivo Y30 cho được là 455 điểm, thấp hơn cả Nokia 3.1 Plus và ngang bằng với thế hệ cũ Vivo Y12.
Sau đó, mình tiếp tục đánh giá hiệu năng chơi game của Vivo Y30 bằng các tựa game phổ biến. Nhưng dựa vào những con số ở trên, mình sẽ thiết lập cấu hình đồ họa thấp đến trung bình cho các game để sao cho khi chơi đem lại cảm giác mượt mà nhất.
Đầu tiên là Liên Quân Mobile, mình để chế độ FPS thấp, độ phân giải HD: Tiêu chuẩn, chất lượng hình ảnh: Trung bình, chất lượng chi tiết: Trung bình. Với thiết lập như thế này, mình có thể chơi được Liên Quân Mobile khá mượt. FPS duy trì ổn định ở mức 30 trong suốt trận đấu.
Tiếp tục với PUBG Mobile, mình để thiết lập ở mức đồ họa mượt, tốc độ khung hình trung bình. Ở cấu hình này, FPS khi chơi PUBG Mobile ổn định, cho cảm giác chơi mượt mà và không có tình trạng giật, lag. Mình chơi đến cuối bo vẫn còn thấy rất ổn.
Cuối cùng là Call of Duty Mobile thì mặc định chỉ có chất lượng hình ảnh thấp, còn lại số khung hình/giây mình để ở mức trung bình để game có thể chơi mượt mà nhất. Bạn có thể thấy mình dễ dàng ăn triple kill trong trận đấu này và kết quả dành được MVP khi chơi game trên Vivo Y30.
Mình cũng không đánh giá cao hiệu năng chơi game của Vivo Y30 cho lắm. Nhưng với mức thiết lập cấu hình thấp như thế này, các bạn có thể tham khảo để chơi mượt nhất các tựa game phổ biến một cách thoải mái nhất.
Kết luận
Vivo Y30 là chiếc điện thoại có rất nhiều đối thủ khác nặng ký trong phân khúc giá 5 triệu. Ưu điểm của chiếc smartphone này chính là thiết kế đẹp, hợp xu hướng mới, camera chụp hình đẹp mắt và thời lượng pin rất trâu. Còn nhược điểm là độ phân giải màn hình HD+ chưa thực sự sắc nét, đi kèm với đó là hiệu năng chỉ ở mức trung bình.
Chiếc máy này sẽ phù hợp với những người thích điện thoại đẹp, hay chụp hình và cần thời lượng pin cực trâu để có thể xài thoải mái từ 2 – 3 ngày mà không cần phải lo nghĩ chuyện cắm sạc hay sợ hết pin.
Còn bạn nghĩ sao về Vivo Y30? Hãy để lại bình luận bên dưới đây nhé.
Xem thêm:
Vivo Y30
Ngừng kinh doanh
Xem đặc điểm nổi bật
- Chip MediaTek Helio P35
- RAM: 4 GB
- Dung lượng: 128 GB
- Camera sau: Chính 13 MP & Phụ 8 MP, 2 MP, 2 MP
- Camera trước: 8 MP
- Pin 5000 mAh, Sạc 10 W
Xem chi tiết
Biên tập bởi Vũ Trường An
Hãy để lại thông tin để được hỗ trợ khi cần thiết (Không bắt buộc):
Anh
Chị