Đạo luật ‘lạ’ của Mỹ gây khó ô tô điện nhập khẩu như Vinfast
Tháng 8 năm nay, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cho thông qua Đạo luật Giảm lạm phát cực kỳ quan trọng, trong đó chính phủ Mỹ sẽ trợ giá các loại xe hơi năng lượng xanh được sản xuất tại khu vực Bắc Mỹ với ưu đãi tín dụng trị giá lên tới 7.500 USD khi khách hàng mua sắm loại phương tiện này. Đạo luật sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2023 tới đây.
Đây có thể coi là một nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô nội địa, thúc đẩy xuất khẩu trong nước và hạn chế các loại ô tô điện nhập khẩu từ nước ngoài.
Chevrolet, Ford, Tesla là những hãng xe hơi nội địa Mỹ đang có doanh số cực tốt trong lĩnh vực ô tô điện tại thị trường nội địa. Ảnh: Car and Driver.
Đạo luật trên bắt đầu có hiệu lực đúng thời điểm Vinfast có chuyến xuất khẩu đầu tiên với lô hàng 999 chiếc VF-8 chào sân thị trường Mỹ, dự kiến đến tay khách hàng cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Vậy, đây có phải là một bất lợi đáng kể mà Vinfast gặp phải ngay khi khởi đầu ra thị trường quốc tế. Chắc chắn là có, nhưng nó hoàn toàn có thể giải quyết trong tương lai.
Cụ thể, trong Đạo luật Giảm lạm phát chính sẽ có một khoản tín dụng thuế trị giá 7.500 USD mà chính phủ tài trợ cho người mua xe điện. Nó không có nghĩa là khách hàng sẽ được giảm ngay 7.500 USD khi “tậu” cho mình một chiếc xe hơi “xanh”, mà nó sẽ giúp cho khách hàng có một khoản miễn trừ thuế liên bang trị giá 7.500 USD.
Ví dụ, nếu khách hàng đang có một khoản nợ thuế trị giá đúng 7.500 USD, sau khi mua một chiếc xe điện, với chính sách tín dụng thuế từ Đạo luật Giảm lạm phát, cá nhân sẽ được trừ hoàn toàn phần nợ thuế này.
Tuy nhiên, khoản tín dụng thuế 7.500 USD không phải một định mức mang giá trị 7.500 USD mà là một định mức tối đa 7.500 USD. Nghĩa rằng nếu như bạn có khoản nợ thuế chỉ đạt 5.000 USD, thì sau khi mua xe và hưởng ưu đãi, bạn vẫn chỉ còn nợ thuế 0 USD mà không được hưởng 2.500 USD cho các lần kế tiếp, tương đương chỉ có giá trị miễn trừ thuế trong 1 lần.
Do đó sự ưu đãi trên sẽ không có quá nhiều giá trị đối với những người mua có khoản nợ thuế không đáng kể hoặc không có khoản nợ thuế liên bang.
Dẫu vậy, chính sách trên vẫn được coi là ưu đãi cực kỳ có giá trị và phần đông các hãng xe hơi đang kinh doanh tốt tại Mỹ đều không muốn bỏ qua. Và cách duy nhất để có thể hưởng lợi từ chính sách mới, là cần phải có nhà máy sản xuất trong nội địa nước Mỹ.
Vinfast với các sản phẩm VF8 hiện nay đang nằm ngoài Đạo luật Giảm lạm phát, vì được nhập khẩu từ Việt Nam. Do đó, người mua xe điện của Vinfast tại Mỹ chắc chắn sẽ không được hưởng khoản tín dụng thuế 7.500 USD, cộng với đó là chi phí vận chuyển, kho bãi, bảo trì bến cảng và các khoản thuế nhập khẩu bắt buộc. Điều này khiến cho ô tô điện của Việt Nam đang chịu những phần thiệt thòi về giá cả so với một số mẫu xe khác trên thị trường Mỹ, nơi có lượng tiêu thụ ô tô năng lượng xanh lớn thứ 3 toàn cầu.
Vinfast chọn Mỹ là thị trường quốc tế đầu tiên để “đem chuông đi gõ xứ người”. Ảnh: Vinfast.
Khó khăn trên sẽ có thể sớm được giải quyết sau khi nhà máy sản xuất Vinfast tại Bắc Carolina chính thức đi vào hoạt động. Điều này giúp cho ô tô điện Vinffast sẽ được hưởng chính sách từ Đạo luật Giảm lạm phát của chính phủ nước này, đồng thời cũng giảm đáng kể giá thành sau khi không phải gánh các loại thuế, phí nhập khẩu.
Tuy nhiên, cũng có không ít các hãng xe nước ngoài cũng nhìn thấy lợi thế từ chính sách mới ở Mỹ và bắt tay vào hành động, điển hình là nhà máy Hyundai tại bang Georgia đang trong quá trình xây dựng và dự kiến hoàn thành vào quý III của năm 2023.
Hùng Dũng
Loạt đối thủ đáng gờm của xe điện Vinfast VF 8 tại Mỹ
VinFast VF 8, mẫu ô tô điện của Việt Nam tới đây xuất khẩu đi Mỹ sẽ cạnh tranh với nhiều đối thủ đáng gờm trong tầm giá 40.000 USD như Tesla Model 3, Polestar 2, Volkswagen ID.4, Kia EV6, Hyundai Ioniq 5…