“Đào” và “lướt” bitcoin ở VN

Kỳ 1: A, B, C… về bitcoin Kỳ 2: Cuộc săn lùng “cha đẻ” bitcoin Kỳ 3: “Đào mỏ” và “trữ lạnh”

w3YWELwj.jpgPhóng toWebsite muabitcoin giới thiệu là “đại lý mua bán bitcoin đầu tiên tại VN” – Ảnh: Như Hùng

Trên nhiều diễn đàn mạng như vnbitcoin, bitcoinviet các thành viên truyền nhau những bài viết giải thích rất chi tiết về bitcoin (BTC), hướng dẫn cách “đào” tiền và mua bán. Trên Facebook cũng vừa xuất hiện nhiều trang cộng đồng bitcoin với lượng thành viên từ hàng chục đến hàng trăm người. Các trang này vừa là nơi chia sẻ các bài viết hướng dẫn, vừa giải đáp thắc mắc cho người dùng, kiêm luôn nơi rao bán, giao dịch giữa các thành viên. Phần lớn thành viên tham gia các diễn đàn, trang mạng bàn về bitcoin mới dừng ở mức tìm hiểu thông tin. Trong đó, lượng người tìm hiểu mới phát sinh khá lớn, đặc biệt sau thời điểm các phương tiện truyền thông loan tin giá bitcoin lên hơn 1.200 USD hồi đầu tháng 12-2013.

Máy tính “khủng” mới hi vọng

Ông Nguyễn Minh Đức, giám đốc an ninh mạng ban công nghệ FPT, cho biết VN hiện đã có người bỏ ra đến hàng trăm triệu đồng để đầu tư máy đào. Họ đang xem bitcoin như một canh bạc làm ăn lớn. Về lý thuyết, đầu tư một hệ thống máy tính khoảng 100 triệu đồng để đào bitcoin, nếu may mắn mỗi tuần đào được một bitcoin và với giá khoảng 1.000 USD như hiện nay thì chỉ hơn một tháng đã có thể lấy lại vốn và sinh lời. Chính cái lý thuyết này đang thu hút rất nhiều người tham gia phong trào.

Hướng dẫn cho người mới vô nghề, N.Nguyên – kỹ sư công nghệ thông tin, người có ba năm kinh nghiệm mua bán bitcoin – cho hay phải đầu tư hệ thống máy tính có bộ vi xử lý mạnh, đặc biệt là vi xử lý đồ họa cực mạnh thì mới có khả năng giải được các thuật toán sinh ra tiền ảo. Nguyên giải thích: “Những chiếc máy tính thông thường hiện nay gần như không thể đào được đồng bitcoin nào. Muốn đào được, người ta phải “độ” sức mạnh của máy tính bằng cách trang bị nhiều card đồ họa để tận dụng sức mạnh tổng hợp của hệ thống thì may ra. Tùy vào khả năng tài chính, ít nhất ông cũng phải bỏ hơn 50 “chai” (triệu đồng) mới hi vọng kiếm được tiền”.

Đếm cua trong hang

Nguyên cho biết đã tham gia đào bitcoin từ năm 2011 nhưng cũng chỉ với ý định “chơi cho biết công nghệ”. Những người tham gia đào bitcoin thường gọi bằng cái tên nghề nghiệp là “dân đào coi”, nhưng hơi khác với thế giới là dân VN không mấy người dư tiền đầu tư những hệ thống máy đào mạnh mà không biết sẽ kiếm lại được bao nhiêu. Hầu hết đều tham gia bằng cách sử dụng máy tính cá nhân hoặc tận dụng những nguồn sẵn có như: tiệm Internet, máy tính công ty… Nguyên kể: “Năm 2011 đã có người biết tận dụng sức mạnh tổng hợp của cả phòng dịch vụ Internet làm máy đào, thế nhưng do giá trị bitcoin lúc đó thấp, tiền đào được không bằng tiền điện phải trả nên rất nhiều người đã bỏ, không chơi nữa”.

Khi đồng bitcoin lên trên mức 1.000 USD, cộng đồng VN mới có sự quan tâm mạnh tới “đào coi”. Trên một số diễn đàn, một số người có điều kiện kinh tế đã thể hiện ý định sẽ đầu tư dàn máy khủng để “chơi cho vui, tiền bạc không quan trọng”. Các thành viên này chia sẻ kinh nghiệm: bitcoin giới hạn về số lượng phát hành nên giá trị của nó chắc chắn sẽ tăng mạnh khi thế giới xuất hiện đủ 21 triệu bitcoin. Do đó, đầu tư máy đào là đầu tư cho tương lai. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của Nguyên: “Dù có được hệ thống mạnh mẽ nhưng đào bitcoin cũng giống như đi câu cá. Có người trong một tuần đào được đến hai bitcoin nhưng nhiều khi đào vài tuần vẫn không ra được gì”.

Lướt sóng còn sơ khai

Nhận thấy việc đầu tư tiền vào máy đào tiền khá tốn kém nhưng hiệu quả rất hên xui nên nhiều người khác tham gia theo hình thức “lướt sóng” – mua đi bán lại. A.Tuấn, hiện là đại diện của trang muabitcoin, xưng là “đại lý mua bán bitcoin đầu tiên tại VN”. Website của Tuấn cung cấp khá chi tiết các thông tin cần thiết phục vụ giao dịch bitcoin như: tỉ giá bitcoin/USD và USD/VND, địa chỉ bitcoin giao dịch, số tài khoản ngân hàng… với lời quảng cáo “uy tín – bảo mật – nhanh chóng – tiết kiệm”. Mặc dù xưng là đại lý nhưng khi chúng tôi thử hỏi mua với số lượng lớn thì Tuấn cho biết “chỉ có hai bitcoin” và “nếu chắc mua số lượng lớn thì phải chờ vài ngày để lấy hàng về”. Giá bitcoin Tuấn mua vào hiện khoảng 14 triệu đồng và bán ra khoảng 17 triệu đồng. Tuấn cũng cho biết nếu giao dịch với số tiền nhỏ thì chỉ cần chuyển khoản ngân hàng, còn giao dịch lớn (khoảng 100 triệu đồng) phải hẹn gặp và thanh toán bằng tiền mặt.

Việc lập riêng trang web “đại lý” như của A.Tuấn hiện vẫn rất hiếm tại VN, còn lại hầu hết những người tham gia mua bán đều trao đổi thỏa thuận thông qua các diễn đàn, mạng xã hội. Trang web giao dịch bitcoin lớn của quốc tế như blockchain.info cũng đã có phần tiếng Việt. Ngoài ra còn có nhiều trang mua bán bitcoin trực tiếp bằng tiền mặt cũng có phần dành cho các địa điểm ở VN như TP.HCM hay Hà Nội. Theo quảng cáo trên các trang này, người mua có thể chuyển khoản tiền vào các tài khoản ngân hàng trong nước như Vietcombank hay Đông Á để mua bitcoin. Thử chọn TP.HCM thì thấy ba nhân vật sẵn sàng bán bitcoin bằng tiền mặt, hẹn nhau giao dịch ở Q.1 và Q.3. Không có gì bất ngờ nếu thời gian tới nở rộ các đại lý mua bán bitcoin cho các trang web nước ngoài và cũng có thể xảy ra chuyện lừa đảo như từng xảy ra ở nhiều nước khác.

Yếu tố lạ Trung Quốc

Những tưởng Nhà nước Trung Quốc sẽ cấm đoán hay ít nhất tìm cách quản lý, nhưng thực tế thì một mặt cho rằng khó thừa nhận bitcoin như một loại công cụ tài chính hợp pháp trong tương lai gần, mặt khác lại để cho người dân mua bán bitcoin thoải mái. Hiện nay dân Trung Quốc chiếm 62% khối lượng giao dịch bitcoin toàn cầu (bằng nhân dân tệ – NDT). Cuối tháng 11, giá trị bitcoin tăng vọt lên mức 1.216 USD/bitcoin, gần tương đương với giá vàng. Động lực cho cú nhảy vọt gây sốc đó chính là lưu lượng giao dịch vô cùng sôi động tại Trung Quốc.

Tháng 6-2013, BTC China trở thành sàn giao dịch bitcoin và đồng NDT đầu tiên trên thế giới. Chỉ vài tháng sau, BTC China đã trở thành sàn giao dịch bitcoin số một thế giới. Theo báo Wall Street Journal, hồi đầu tháng 12 lưu lượng giao dịch đồng bitcoin trên BTC China đã vượt qua sàn giao dịch Mt.Gox ở Nhật và BitStamp ở châu Âu, chạm ngưỡng 100.000 bitcoin/ngày, tương đương hơn 400 triệu NDT (65,7 triệu USD) khi đó, chiếm 30% tổng giao dịch bitcoin trên toàn cầu.

Báo Bưu Điện Bắc Kinh Buổi Sáng dẫn nguồn sàn giao dịch bitcoin Huobi cho biết trong quá khứ, chỉ có các chuyên viên trong lĩnh vực tài chính hoặc công nghệ ở Trung Quốc quan tâm đến bitcoin. Tuy nhiên vài tháng qua, rất nhiều người thuộc đủ mọi ngành nghề, với 50% là phụ nữ, đã đầu tư vào bitcoin. “Thế hệ của chúng tôi không đủ tiền để đầu tư vào địa ốc. Và tôi cũng không có đủ kiến thức kinh tế để đầu tư vào thị trường chứng khoán – Wall Street Journal dẫn lời nhà đầu tư Xiong Bin, 33 tuổi, chủ một spa ở Quảng Tây. Anh Xiong bắt đầu mua bitcoin từ giữa tháng 11 và hiện đã đầu tư khoảng 40.000 NDT (6.600 USD).

“Trung Quốc là nước có truyền thống tiết kiệm, do đó cũng dễ hiểu khi người Trung Quốc muốn khám phá đồng tiền ảo này như một dạng tài sản để tiết kiệm” – CNN dẫn lời ông Bobby Lee, người đồng sáng lập sàn giao dịch BTC China, nhận định.

Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc đã tỏ ra lo ngại về các nguy cơ cũng như sự bất ổn của đồng bitcoin. Đầu tháng 12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ra lệnh cấm các ngân hàng và tổ chức tài chính nước này không được giao dịch bằng đồng bitcoin dù người dân vẫn có thể sử dụng nó. Giữa tháng 12, chính quyền Bắc Kinh buộc sàn giao dịch BTC China phải ngừng chấp nhận tiền gửi bằng đồng NDT. Nhưng bất chấp các nỗ lực kiềm tỏa của Chính phủ Trung Quốc, bitcoin vẫn thể hiện được sức sống bền bỉ của nó.

HIẾU TRUNG

__________

Kỳ tới: Bong bóng đầu cơ hay tiền của tương lai