DẤU ẤN HỮU NGHỊ VIỆT – NGA GIỮA LÒNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Đó là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô.
Nhiều thế hệ người Hà Nội vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu tháng 9 năm 1985 ấy – ngày khánh thành Cung Văn hóa – món quà quý của Công đoàn Liên Xô tặng Công đoàn Việt Nam. Một công trình văn hóa đồ sộ mang đậm phong cách kiến trúc Xô-viết sừng sững mọc lên trên diện tích hơn 3 hecta, nơi trước kia thời thuộc Pháp là Nhà Đấu xảo và sau năm 1954 là Nhà hát Nhân dân. Bốn mặt Cung đều tiếp giáp đường phố lớn. Những đường nét kiến trúc khỏe khoắn, hoành tráng vươn cao trên nền trời xanh, gợi nhớ hình ảnh Cung Đại hội ở Mátxcơva – niềm tự hào của cả một thời kiến trúc xôviết.
Đón chúng tôi ở sảnh chính, ca sỹ Quỳnh Hoa – Phó Trưởng phòng Nghệ thuật của Cung Văn hóa, giảng viên lớp thanh nhạc – tranh thủ đưa chúng tôi đi thăm vài địa điểm trong Cung. Bà vui vẻ giới thiệu: “Cung này lớn lắm. Hội trường lớn có hơn 1200 ghế ngồi, hội trường bé cũng hơn 300 ghế di động. Ngoài ra có hơn 50 phòng lớn nhỏ, các sảnh, sân trước, sân sau rất rộng, nhà triển lãm, đủ để đáp ứng các nhu cầu hoạt động văn hóa – nghệ thuật, thể thao, triển lãm, hội nghị, hội thảo, hội chợ, míttinh, lễ hội…. Và đương nhiên, cả… tiệc cưới nữa” – bà cười. “Bởi vì Cung Văn hóa cũng có hoạt động dịch vụ có thu, nên đã sớm tự đảm bảo chi phí được 100%” – bà Quỳnh Hoa cho biết.
Trải qua 30 năm, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô thực sự là ngôi nhà chung phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước cũng như các nhu cầu văn hóa của người lao động và người dân Thủ đô. Chính nơi đây đã diễn ra các kỳ Đại hội của Công đoàn Việt Nam, Đại hội Đảng bộ Hà Nội, các cuộc mít tinh, các sự kiện của phong trào thi đua yêu nước… Nhiều hội nghị quốc tế và các hoạt động nghệ thuật các nước cũng diễn ra ở đây. Một mảng hoạt động quan trọng khác của Cung là phục vụ nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của đông đảo công nhân lao động và người dân Thủ đô. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật của Cung đã đến với người lao động ở nhiều cơ sở, địa phương. Các lớp đào tạo hạt nhân văn hóa, văn nghệ như lớp ca, lớp múa dân tộc, lớp khiêu vũ… được đầu tư và phát triển mạnh, thu hút hơn 700 học viên, làm nòng cốt cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở các cấp công đoàn cơ sở Thủ đô. Đặc biệt, việc hình thành và phát triển mạnh các Lớp, Câu lạc bộ sở thích như: dẫn chương trình (MC), người yêu ca nhạc, quốc tế vũ, người yêu Hà Nội, Nhiếp ảnh, Ghi-ta, Hội họa, CLB “Người yêu thiên nhiên”, CLB “Ký ức thời gian”, CLB “Bài ca đi cùng năm tháng”, CLB Yêu thích danh nhân v.v… thực sự đã đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu văn hóa nghệ thuật và đời sống của người dân, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Gần đây, một số hoạt động mới được mở ra như: Lớp sáng tác trẻ, Lớp nấu ăn, Lớp kỹ năng sống… càng làm cho bức tranh họat động của Cung thêm đa dạng.
Gắn với quá trình hoạt động của Cung Văn hóa, không thể không nhắc đến những đóng góp đáng kể của các thế hệ lãnh đạo và quản lý từ trước đến nay như các ông Nguyễn Kế Yết, Vũ Tiên Lạc, ông Nguyễn Ngọc Chính, bà Bùi Thị Bích Đào, ông Nguyễn hữu Bằng, bà Nguyễn Quỳnh Hoa…
Trong những dịp kỷ niệm các ngày lễ trọng đại về quan hệ hữu nghị Việt – Nga, Cung Văn hóa cũng là nơi chào đón nhiệt liệt các đoàn nghệ thuật Nga sang Việt Nam biểu diễn. Gần đây nhất, Đoàn ca nhạc dân tộc của LB Nga với những giọng hát, tiếng đàn, điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc đã để lại cho khán giả Thủ đô những ấn tượng khó quên. Về phía Cung, chủ đề văn hóa, âm nhạc Nga cũng không thể thiếu trong chương trình biểu diễn của một số Câu lạc bộ của Cung như CLB “Người yêu thiên nhiên”, CLB “Bài ca đi cùng năm tháng”. Bác sỹ Nguyễn Minh Phượng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ này, chia sẻ:
“Chúng tôi tự hào được sinh hoạt văn nghệ tại một diễn đàn văn hóa mang tên Cung Hữu nghị Việt – Xô. Vì thế, chúng tôi chỉ mong làm sao giữ mãi tình hữu nghị này và cố gắng trong khả năng của mình thể hiện và truyền bá những nét đẹp văn hóa và âm nhạc Nga tới khán giả”. Trong Câu lạc bộ của bà Phượng có một số hội viên đã từng sống, học tập, công tác ở Nga, hoặc đơn giản là những người yêu nhạc Nga. Nhiều ca khúc Nga quen thuộc đậm chất dân ca như “Cây Thùy dương “, “Nước Nga Tổ quốc tôi”, “Ca-chiu-sa”, hay những bản tình ca như “Mình tôi đi trên đường”, đã được các hội viên của Câu lạc bộ thể hiện say sưa trong màn trình diễn đặc sắc với trang phục Nga truyền thống được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh.
Là hội viên sinh hoạt ở các Câu lạc bộ do Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô lãnh đạo, quản lý và tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình hoạt động, chúng tôi luôn đưa những ca khúc, âm nhạc Nga, dân ca Nga vào chương trình biểu diễn trong những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của nước Nga. Những giai điệu Nga tuyệt vời luôn vang mãi trong tâm hồn những người dân Việt Nam để ghi nhớ và gìn giữ tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Nga.
BẠCH DƯƠNG NGA