Đâu là điểm giống và khác nhau giữa PR và quảng cáo?
Để quảng bá các sản phẩm và dịch vụ hiệu quả, doanh nghiệp thường sử dụng đến 2 hình thức phổ biến nhất hiện nay là PR (quan hệ công chúng) và quảng cáo. Tuy nhiên, vì không hiểu được chúng một cách sâu sắc mà nhiều thường thường hay đánh đồng PR và quảng cáo là một. Điều này là hoàn toàn sai vì chúng có thể có những điểm giống nhau những vẫn là 2 khái niệm khác nhau. Chính vì thế, trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ chỉ ra cho bạn điểm giống và khác nhau giữa PR và quảng cáo. Hãy cùng theo dõi nhé.
1. Khái niệm
– PR là gì? PR viết tắt của từ Public Relation (quan hệ công chúng) là tập hợp những biện pháp đem lại thông tin tốt về sản phẩm và doanh nghiệp thông qua báo chí hay các phương tiện đại chúng, từ đó làm tăng uy tín về thương hiệu cũng như sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp sử dụng PR còn nhằm xây dựng những mối quan hệ tốt với khách hàng, nhà đầu tư, giới truyền thông và cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động.
– Quảng cáo là gì? Quảng cáo ( Advertising) là những hình thức truyền thông không trực tiếp, được thực hiện thông qua những phương tiện truyền thông phải trả tiền và xác định rõ nguồn gốc kinh phí để đưa thông tin về sản phẩm, dịch vụ đến thuyết phục hay tác động đến khách hàng.
2. Điểm giống nhau giữa PR và quảng cáo
Quảng cáo và PR đều là một quá trình truyền thông đến công chúng nhằm giới thiệu về hàng hóa dịch vụ, hình ảnh của một tổ chức, doanh nghiệp; tạo nên tình cảm và ấn tượng tốt đẹp trong họ, củng cố niềm tin và thúc đẩy hành động có lợi cho người đưa thông tin.
3. Điểm khác nhau giữa PR và quảng cáo
Các hoạt động chính
Nếu nói về hoạt động thì PR và quảng cáo gần như là khác biệt với nhau:
-
PR bao gồm các hoạt động như: Thông cáo báo chí, tổ chức sự kiện, talkshow, quan hệ truyền thông, tài trợ và hợp tác trong các sự kiện,…
-
Quảng cáo bao gồm các hoạt động như: quảng cáo trên truyền hình, Email marketing, quảng cáo trên social media, tạo banner, biển quảng cáo.
Thông tin
Quảng cáo là thông tin của chính các doanh nghiệp nói về mình nên thường mang tính thương mại. PR là thông tin của bên thứ ba – giới truyền thông nói về doanh nghiệp nên nó mang tính gián tiếp và phi thương mại.
Đối tượng tiếp cận
Đối tượng mà quảng cáo tiếp cận chính là những khách hàng tiềm năng và khách hàng mục tiêu. Đối tượng mà PR tiếp cận chủ yếu là các cơ quan báo chí truyền thông, chính phủ, các cổ đông, nhà đầu tư, phân phối và các bên liên quan khác.
Khả năng sáng tạo
Vì quảng cáo là doanh nghiệp tự nói về chính mình và phải mất tiền để chạy chính vì thế người làm quảng cáo có thể tự tay sáng tạo nội dung, hình ảnh, video,…theo ý mình muốn.
Trong khi đó, PR sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các bên thứ ba là các cơ quan báo chí truyền thông, chính vì thế họ thường sẽ không sử dụng nội dung do bạn gửi lên mà thường sẽ do chính họ viết.
Chi phí
Đối với quảng cáo bạn sẽ phải trả mức chi phí nhất định tùy thuộc vào hình thức quảng cáo bạn lựa chọn và bạn có thể biết chính xác khi nào quảng cáo của bạn sẽ được đăng tải hoặc phát sóng.
Còn đối với PR, bạn cần phải chủ động xuất hiện trên báo một cách miễn phí dưới dạng bài viết hoặc tin về công ty, sản phẩm hay dịch vụ của mình một cách khéo léo.
Nhưng nhìn chung thì chi phí cho quảng cáo sẽ cao hơn chi phí PR
Thời hạn
Với PR, bạn chỉ gửi một thông cáo báo chí về một sản phẩm mới của bạn duy nhất một lần. Bạn cũng chỉ gửi thông cáo báo chí về cuộc họp báo của bạn một lần. Và khả năng đưa tin trên báo dưới dạng bài viết PR cũng chỉ có thể xuất hiện được một lần.
Nhưng với quảng cáo, bởi vì bạn trả tiền quảng cáo, bạn có thể đăng đi đăng lại bao lâu mà bạn muốn, chừng nào ngân sách của bạn còn cho phép.
Độ tin cậy
Nếu nói về độ tin cậy thì Pr sẽ được khách hàng tin cậy cao hơn là quảng cáo. Vì hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, sản phẩm khác hoàn toàn so với những gì được thể hiện chính vì thế khách hàng ngày càng mất lòng tin vào quảng cáo. Trái ngược với đó, thông tin của một bài Pr sẽ được kiểm chứng bởi báo chí nên uy tín sẽ cao hơn rất nhiều.
Phong cách viết
Với quảng cáo bạn sẽ thường phải sử dụng những từ ngữ kêu gọi hành động để kích thích và thúc đẩy khách hàng thực hiện hành động đó, ví dụ như “Hãy mua sản phẩm này! Hành động ngay bây giờ! Hãy gọi cho chúng tôi ngay hôm nay,….”
Còn đối với bài PR, vì theo tác phong của báo chí vì thế từ ngữ cần chuẩn mực, nghiêm túc. Giới thiệu sản phẩm, công ty một cách tự nhiên chứ không được lộ liễu.
Kiểm soát
Quảng cáo có thể kiểm soát được các thông tin để đảm bảo có tính thống nhất khi truyền tin trên các phương tiện khác nhau.
Trong khi, PR không kiểm soát được nội dung và thời gian thông tin; mặt khác thông tin của PR thiếu nhất quán, do nhiều người tiếp cận thông tin theo góc độ và quan điểm khác nhau.
Trên đây là tất cả những điểm giống và khác nhau giữa Pr và quảng cáo. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thể phân biệt được hai khái niệm này để từ đó sử dụng chúng thật hiệu quả cho các chiến lược quảng bá của mình.