Đẩy mạnh triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Đẩy mạnh triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Trong những năm qua, điều kiện về kinh tế – xã hội của tỉnh có bước phát triển toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực; tình hình an ninh, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Nhu cầu hưởng thụ văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân ngày càng cao là cơ sở để chỉ đạo và triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” một cách toàn diện.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2022 các sở, ngành của tỉnh đã tập trung tham mưu tổ chức thực hiện các nội dung đảm bảo theo kế hoạch công tác. Công tác tuyên truyền được chú trọng. Các cơ quan, đơn vị lồng ghép tuyên truyền các nội dung về “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” vào các hội nghị, chương trình, công việc của từng đơn vị. Các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đăng nhiều tin, bài có nội dung liên quan tới hoạt động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trên địa bàn toàn tỉnh; chủ động vận động đội ngũ cộng tác viên ở các huyện, thành phố tham gia sáng tạo các tác phẩm báo chí có nội dung tuyên truyền về hoạt động phong trào tại cơ sở. Các nội dung tuyên truyền được thể hiện thông qua các thể loại báo chí: đưa tin các hội nghị triển khai, tập huấn, truyền thông; bài phản ánh những gương tập thể, gia đình điển hình trong thực hiện phong trào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2022; Tổng hợp báo cáo kết quả đăng ký các danh hiệu văn hóa năm 2022; Chủ động xây dựng kế hoạch tham gia Liên hoan bản, tổ dân phố văn hoá tiêu biểu lần thứ V. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phong trào gắn với việc tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng như: Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ”, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, tuyên truyền xây dựng gia đình văn hoá, bản, tiểu khu văn hoá, cơ quan, đơn vị văn hoá; thực hiện tốt hương ước, quy ước cộng đồng, quy chế dân chủ, đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Phong trào phát triển kinh tế, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng đang trở thành tâm điểm, được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, đầu tư thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã và đang xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể, nhiều mô hình, điển hình về phát triển kinh tế từ thành phố tới vùng sâu, vùng cao biên giới, nhiều gia đình khó khăn vươn lên trở thành hộ có đời sống kinh tế ổn định, hộ giầu ngày một nhiều hơn, hộ nghèo ngày một giảm dần. Các gia đình, bản, tổ dân phố văn hoá luôn tạo điều kiện, giúp đỡ nhau trong học tập, lao động sản xuất, từ đó tạo thành khối thống nhất cùng nhau phát triển. Nhiều hộ gia đình ở nông thôn, các doanh nghiệp, các đơn vị đã mạnh dạn vay vốn, thế chấp tài sản đầu tư vào sản xuất – kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo cơ chế thị trường cho năng xuất, thu nhập cao. Nhân dân các dân tộc Sơn La đã và đang áp dụng khoa học kỹ thuật, học hỏi các mô hình tiên tiến, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an ninh xã hội.

Thực hiện tốt nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La, đã có 100% số bản, tổ dân phố xây dựng được hương ước, quy ước phù hợp với pháp luật hiện hành và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các tầng lớp nhân dân hăng hái học tập, lao động, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đang có bước chuyển biến; Quy chế hoạt động của các ngành, các đơn vị được quan tâm và tổ chức thực hiện; Kỷ cương xã hội được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được ổn định; Hệ thống giao thông được mở rộng, các điểm công cộng được trang trí vườn hoa, cây cảnh…, đảm bảo mỹ quan đường phố, nhân dân ngày càng hiểu hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Phong trào thi đua xây dựng môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, bài trừ tệ nạn xã hội và mê tín, dị đoan đã được 100% bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị thực hiện. Đã vận động được nhân dân, công chức, viên chức và người lao động tham gia làm công tác vệ sinh đường làng, ngõ xóm, công sở. Các tổ chức, đoàn thể của các tổ, bản; các cấp công đoàn trong tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện với những biện pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở. Nhân dân tích cực tham gia vào phong trào bảo vệ rừng, trồng cây xanh nơi công cộng, vệ sinh phòng bệnh, tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội. Công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện phong trào ”Ngày thứ bảy xanh” tại các xã xây dựng nông thôn mới… Với những đóng góp tích cực đó đã làm cho môi trường văn hoá ngày một trong lành hơn, nhiều gia đình, khu dân cư, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang đã và đang xây dựng và tự giác bảo vệ môi trường, cảnh quan cho chính bản thân, gia đình, đơn vị mình và cả xã hội.

Việc xây dựng thiết chế văn hóa thể thao được chú trọng: UBND các cấp đã chủ động vận động nhân dân nhường đất, góp công, góp của xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao. Nhân dân đã góp công, góp đất xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao như: nhà văn hóa, sân thể thao, nhà trẻ mẫu giáo, đường ngõ xóm được bê tông hóa. Toàn tỉnh hiện nay có 10 nhà văn hóa cấp huyện/thành phố; 185/204 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; 2.898/2.509 nhà văn hóa cấp tổ, bản, tiểu khu; 3.300 đội văn nghệ quần chúng (bao gồm đội văn nghệ của các tổ, bản, tiểu khu, cơ quan, đơn vị, trường học) thường xuyên hoạt động biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, phục vụ nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa: Trung tâm Văn hóa – Điện tỉnh tỉnh; Trung tâm văn hóa thanh – thiếu niên tỉnh; Nhà thiếu nhi tỉnh; Nhà văn hóa tỉnh đội, Nhà thiếu nhi các huyện Mai Sơn, Thuận Châu được duy trì hoạt động thường xuyên phục vụ đời sống văn hóa tỉnh thần của nhân dân.

Hoạt động của các tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, chú trọng chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Những nét mới trong chuẩn mực văn hóa, xây dựng nhân cách con người Sơn La trong giai đoạn mới bước đầu được hình thành đó là: tinh thần sáng tạo, ý thức học tập, trình độ học vấn, hiểu biết về pháp luật và ý thức xã hội, tác phong công nghiệp… đang ngày càng phát triển, là nhân tố góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh đối với cả nước…

Các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được nhân dân giữ gìn, đề cao, phát huy, phục vụ cuộc sống; Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, phong trào xây dựng gia đình văn hóa; bản, tổ dân phố văn hoá được nhân dân tổ chức thực hiện cụ thể, thiết thực, đổi mới, sáng tạo; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được tổ chức với nhiều hình thức, nộị dung phong phú gắn với Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã tạo nên phong trào rộng khắp từ thành phố tới vùng cao biên giới, công tác phòng chống ma tuý được toàn xã hội quan tâm, nhân dân một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Như Thuỷ