Đề cương văn hóa Việt Nam soi đường cho chúng ta đi
Một dân tộc sẽ không thể gọi là dân tộc hoàn thiện, khi không có văn hóa dân tộc, dù kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng kinh ngạc nhất thời nào đó. Kinh nghiệm lịch sử của những quốc gia hoạch phát, hoạch tàn về kinh tế và xã hội đều cho thấy, họ thường thiếu một triết lý văn hóa về phát triển, cụ thể hơn là một nền văn hóa của sự phát triển bền vững.
Văn hóa làm nên nền chính trị Việt Nam. Đó là Quốc chính Việt Nam. Văn hóa làm nên niềm tin. Đó là Quốc tín Việt Nam… Không có những nhân tố đó thì không có Quốc thể Việt Nam. Một quốc gia mà không có quốc chính, không có quốc tín thì khó có thể có Quốc thể một cách ngang tầm và xứng đáng. Đó chính là văn hóa vậy và xét cho cùng lại không thể là gì khác, ngoài văn hóa.
Bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. Nguồn: baotanglichsu.vn
Trước bối cảnh mới, thực tiễn đất nước 80 năm qua, kể từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, và đặc biệt 37 năm đổi mới càng cho thấy, trong quá trình phát triển, phải bảo đảm sự cân bằng và hài hòa một cách toàn diện giữa các phương diện phát triển chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội – và môi trường sinh thái, chưa bao giờ như bây giờ, chúng ta cần một triết lý phát triển Việt Nam. Nghĩa là, chúng ta phải nhằm tới kiến tạo triết lý văn hóa của sự phát triển bền vững Việt Nam, phải vươn tới xác lập một nền văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn, với nền tảng là bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại – và xung lực là kinh tế tri thức, kinh tế số – và môi trường sinh thái phát triển hài hòa, bảo đảm sự ổn định toàn vẹn nền chính trị đất nước trên con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, trong thời đại ngày nay.
Toàn bộ những vấn đề đó không nằm ngoài tầm viễn kiến của Đề cương về văn hóa Việt Nam, cách đây tròn 80 năm.
*
* *
Tròn 80 năm trước, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về lĩnh vực văn hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tiên liệu và hoạch định đường hướng cơ bản phải mang ý nghĩa thời đại về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam cần có, phải có trong tương lai, trong khi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ của Việt Nam chưa thành công.
Tư tưởng cứu quốc với khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” đã trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng, khơi dậy ở mỗi người dân, cộng đồng, dân tộc, đảng phái, tôn giáo lòng yêu nước và khát vọng Việt Nam độc lập. Tinh thần cứu quốc của văn hóa trở thành mệnh lệnh của cuộc sống, được nhận thức sâu sắc ở cả tầm lãnh đạo lẫn trong nhận thức, tình cảm và hành động của mỗi cá nhân. Tư tưởng Tổ quốc trên hết, mà sau Đề cương, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư tưởng vĩ đại: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi là ngọn cờ tập hợp đông đảo những người thuộc các xu hướng xã hội khác đi theo cách mạng, giành lại nền độc lập tự do cho đất nước. Không có tư tưởng này soi đường, khó có thể chỉ với hơn 5.000 đảng viên làm nòng cốt của mặt trận Việt Minh, Đảng có thể lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trọn vẹn, tiến hành thắng lợi các kháng chiến vệ quốc, toàn Dân tộc đem hết sức lực, trí tuệ ra phụng sự Tổ quốc.
Xác định rõ nội dung, phạm vi, khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, bản Đề cương chỉ rõ: Văn hóa bao gồm tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị là thống nhất; mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.
Do đó, cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo. Trên cơ sở chỉ rõ tính chất văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại (1943), chỉ rõ những nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của Nhật – Pháp; những thủ đoạn của Nhật – Pháp trói buộc và giết chết văn hóa Việt Nam; dự kiến về tiền đồ văn hóa Việt Nam. Đề cương khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt Nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới. Muốn vậy, phải làm cách mạng về văn hóa, “cách mạng vǎn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.
Để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa, phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.
Dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.
Khoa học hóa là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ mới nhanh chóng thoát khỏi sự kìm hãm ấy, nhằm phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động; chống lại tất cả những cái cũ kỹ, lạc hậu, dị đoan.
Đại chúng hóa là văn hóa của Nhân dân, phục vụ Nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật và dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra; chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng.
Nói khái lược, để chuẩn bị cho một chế độ mới, Đề cương khẳng định: Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội. Và, văn hóa không thể thoát ly, đứng ngoài cuộc sống: Vǎn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Nền văn hóa ấy được Đề cương xác định là phải được xây dựng trên cơ sở của một hình thái kinh tế-xã hội mới, do Đảng lãnh đạo, phải trở thành một “mặt trận” mà người cộng sản phải nắm lấy, lãnh đạo và bắt nó phục vụ cho cuộc cách mạng xã hội. Cuộc cách mạng này không phải dành cho một số người, một tầng lớp nào mà là của toàn Dân, cho toàn Dân và phải do toàn thể Nhân dân cùng tham gia.
Đó là tư tưởng tiên phong của Đảng về văn hóa không chỉ cho 80 năm qua, không chỉ cho hiện nay, mà tiên báo tương lai của Dân tộc, trong thời đại ngày nay.
Đó không chỉ là trọng trách chính trị của một Đảng chuẩn bị cho công cuộc lãnh đạo, cầm quyền mà còn là công việc mang tầm văn hóa, mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc của Đảng ta và dân tộc ta kiến tạo, dưới chế độ mới bắt đầu từ năm 1945; đồng thời sẽ là nền móng để thể hiện và khẳng định sức mạnh, uy tín và danh dự của đất nước nghìn năm văn hiến trước thế giới. Và, nhìn ở tầng sâu hơn, đó không chỉ là triết lý chính trị, triết lý xã hội mà còn thấm đẫm triết lý văn hóa, triết lý nhân sinh và triết lý về con người trong toàn bộ triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn của chúng ta, kể từ đó.
*
* *
Nghiền ngẫm, thâu thái tất cả những kinh nghiệm từ thực tiễn chế độ mới 78 năm qua cho thấy, vấn đề văn hóa không thể đứng hàng thứ 2 so với phát triển kinh tế hay xã hội; càng không thể và không được phép coi nhẹ, lãng quên văn hóa trong phát triển. Vì, đây chính là điều căn bản bảo đảm không chỉ phát triển một cách toàn diện mà đặt nền móng để có thể phát triển nhanh và đặc biệt có thể đi dài một cách bền vững và nhân văn.
Văn hóa đó là tầm nhìn, là tư duy, là quyết sách chính trị, là giá trị tinh thần của xã hội, chứ không phải là là văn hóa đơn thuần, giản đơn như không ít cách hiểu. Tất cả những quyết sách về kinh tế hay chính trị, nếu không xem chúng dưới góc độ văn hóa, nói sâu hơn, bắt đầu khởi nguồn từ hạt nhân văn hóa thì rốt cuộc chỉ là giải quyết những vấn đề kinh tế đơn thuần, những vấn đề chính trị thiển cận và hời hợt, và chắc chắn sẽ thất bại. Cho nên, văn hóa phải là vấn đề được đặt lên trước hết, xuyên thấm trong toàn bộ việc xây dựng những quyết sách chính trị hay kinh tế. Đó là tư duy, đó là tầm nhìn, đó là những giá trị tinh thần mà kinh tế xã hội chính là sự kết tinh và thể hiện ở mức độ này hay quy mô kia.
Điều đó càng cho thấy, không chỉ về quy mô, mức độ mà đặc biệt về tính chất của văn hóa, vị thế, chức năng, nhiệm vụ của văn hóa mà bản thân của văn hóa xuyên thấm trong toàn bộ các phương diện của đời sống kinh tế – xã hội. Từ đối nội tới đối ngoại, càng cho thấy văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là gương mặt và tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc, là tấm “căn cước” của đất nước trong hội nhập toàn cầu. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, bỏ quên văn hóa là đánh mất lớn, lãng quên văn hóa là sự thất bại khó có thể cứu vãn được trong ít chục năm, thậm chí hàng trăm năm.
Chưa bao giờ như hiện nay, việc phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế, nhất là tăng trưởng kinh tế, luôn được xem là một quá trình có tính chính trị và văn hóa trước khi là một quá trình kinh tế và công nghệ hay văn hóa đơn thuần, cục bộ, để tránh quy luật “kinh tế vì kinh tế”, “tiền vì tiền”, “vì kinh tế, bất chấp đạo lý”, “vì lợi nhuận, chà đạp tất cả”; hay văn hóa chỉ là “cái đuôi của kinh tế”, “ăn theo kinh tế”, hay là thứ “văn hóa vay mượn”, “văn hóa nhập khẩu”, “văn hóa lai căng”… Quá trình hoạch định các chính sách (vĩ mô và vi mô) phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế luôn được tính toán tổng thể không chỉ căn cứ vào mục tiêu với mức độ thành công mà đồng thời luôn tính đến phương thức thực thi một cách thấm đẫm văn hóa và các hệ quả của chúng.
Phát triển văn hóa, xã hội và con người hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là thể hiện rõ nhất tính chủ động của chúng ta trong dự báo và giải quyết hài hòa các mối quan hệ lớn: giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, giữa phát triển nhanh với nỗ lực bảo đảm công bằng xã hội bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đi sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, giữa gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa… Đây chính là đột phá so sánh tuyệt đối giữa chúng ta, trên phương diện này, với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào khác.
Với quan điểm chỉ đạo đó, nhằm chế ngự và xử lý hiệu quả những mặt trái của nền kinh tế thị trường, đưa văn hóa thấm sâu vào các hoạt động kinh tế, làm cho sự phát triển văn hóa đồng bộ và tương xứng với phát triển kinh tế, phát triển xã hội, và đến lượt nó, sự tiến bộ chính trị… đã làm cho nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liền, các cơ hội phát triển không ngừng được mở rộng không chỉ cho mọi thành phần kinh tế mà cho mọi tầng lớp dân cư, đời sống của đại bộ phận Nhân dân được cải thiện rõ rệt; sự phát triển của kinh tế hướng vào sự phục vụ phát triển con người, bảo đảm tiến bộ xã hội tốt hơn.
Từ thực tiễn 37 năm đổi mới, càng xác tín, văn hóa ngày càng là cội nguồn của mọi mục đích và động cơ phát triển kinh tế, xã hội ngày càng trở thành nền tảng tinh thần – xã hội; đến lượt nó, sự phát triển của kinh tế trở thành tiền đề vật chất quan trọng, một điều kiện cơ bản để văn hóa phát triển với xu hướng ngày càng thống nhất và hiệu quả; và văn hóa có sức đề kháng, trước sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài, phù hợp với yêu cầu phát triển của chúng ta. Nói một cách hình ảnh, mọi quyết sách kinh tế luôn được xem xét trước hết là một quyết sách có tính văn hóa, chính trị và xã hội, trước khi là một quyết sách kinh tế đơn thuần; và đến lượt văn hóa cũng vậy, mỗi quyết sách phải thấm đẫm tính chính trị và tính kinh tế.
Đó chính là lựa chọn của chúng ta. Điều cần khẳng định là, một môi trường văn hóa – chính trị – xã hội ổn định được xây dựng toàn vẹn để chúng ta phát triển kinh tế; đồng thời, đến lượt nó, sự phát triển của kinh tế một cách thực sự thấm đẫm văn hóa đã tạo những tiền đề chăm sóc và phát triển sự nghiệp văn hóa, giải quyết những vấn đề xã hội một cách chủ động, cụ thể, thiết thực và hiệu quả bằng chính sức mạnh kinh tế, cổ vũ văn hóa phát triển.
Cần nhấn mạnh, mọi quyết sách nếu không bắt đầu từ văn hóa, từ con người và cuối cùng không vì văn hóa, vì con người thì chắc chắn nhất định thất bại. Xin được nhấn mạnh, nếu trái thế, thì đó chính là tầm nhìn thiếu văn hóa, là cách hạ thấp văn hóa và khi đó chắc chắn thất bại, ngay từ trong phát triển kinh tế, phát triển xã hội với vai trò trung tâm là phát triển con người; và, càng không thể nói tới văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực của phát triển xã hội và con người, càng không thể kiến tạo xứng đáng triết lý của sự phát triển chiến lược mạnh mẽ, bền vững và nhân văn hiện tại và tương lai.
Kinh tế là thể hiện trực tiếp của văn hóa, hay nói cách khác văn hóa là tầng sâu thực thể của sự phát triển kinh tế, là cái không thể định lượng thuần túy và đó chính là cội nguồn, là căn bản để phát triển. Đó chính là đường lối phát triển kinh tế, chính là văn hóa. Nói một cách rộng lớn, văn hóa chính là con người. Phát triển văn hóa chính là phát triển con người. Nếu không có sự phát triển con người sẽ không có bất cứ một sự phát triển nào, dù kinh tế hay chính trị, và cả văn hóa, như mong muốn. Từ đây, tạo cơ sở để thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với kinh tế, xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho Nhân dân.
Nếu trái thế, không còn nghi ngờ, đó chính là sự thất bại lớn nhất về văn hóa, cũng là sự thất bại lớn nhất về kinh tế. Về mặt xã hội, càng thấy rõ, nếu nơi nào chỉ chạy theo kinh tế mà quên vấn đề xã hội nơi đó sẽ gặp vô cùng khó khăn. Kinh tế vị kinh tế sẽ dẫn tới vũng bùn quyết định luận kinh tế, lợi nhuận vị lợi nhuận, tiền vị tiền. Và nhất định sẽ rơi vào tình trạng phát triển khập khiễng, bấp bênh, thậm chí thất bại. Dù phương diện nào cũng vậy, khi chính trị không có văn hóa thì không còn là một nền chính trị nhân văn nữa và quyết không phải là nền chính trị hay nền kinh tế… mà chúng ta lựa chọn và phát triển.
Đó chính là tư tưởng phát triển kinh tế một cách hài hòa với văn hóa, phát triển kinh tế thị trường nhưng mục tiêu của kinh tế không chỉ có tăng trưởng về kinh tế mà đồng thời cũng là phát triển về văn hóa. Đó là sự phát triển của văn hóa trong kinh tế. Bất cứ ở nơi đâu hay phương diện nào nếu chỉ coi trọng một cách đơn thuần kinh tế vị kinh tế, cốt chiếm lấy lợi nhuận một cách đơn thuần, thì chắc chắn sẽ vấp ngã. Nơi nào chỉ thuần túy chạy theo kinh tế, bất chấp văn hóa để đổi lấy kinh tế thì nơi đó sẽ thất bại, hủy hoại môi trường, đạo đức xã hội xuống cấp khó có thể cứu vãn được… Và, đến lượt nó, nền chính trị, xã hội nhất định bị tổn thương.
Dưới ngọn cờ Đề cương về văn hóa Việt Nam, có thể khái lược 6 nhân tố, gồm 12 chữ: Độc lập – Tự do – Dân chủ – Hạnh phúc – Hội nhập – Nhân văn, vì Tổ quốc hùng cường và Nhân dân tiến bộ là triết lý văn hóa phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Việt Nam từ hiện tại và hướng tới tương lai trong tầm nhìn năm 2045.