Để hầu đồng không biến tướng
Theo thông lệ hằng năm, từ tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch, các đền tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ trên khắp cả nước sẽ rộ lên các buổi lễ thực hành nghi thức hầu đồng – một nghi thức văn hóa không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cảnh báo ranh giới giữa tâm linh và mê tín rất mỏng manh này đã khiến một số nơi biến nghi thức hầu đồng thành trò tiêu khiển mê tín.
Thực trạng đáng lo
Trong tọa đàm do Đài Truyền hình TP HCM (HTV) thực hiện mới đây, nhiều đề xuất về việc giữ đúng nghi lễ thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ của người Việt đã được các nghệ nhân tại TP HCM và cả nước nêu ra với mong muốn chung sức gìn giữ hầu đồng – nét đẹp văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhìn nhận trong nhiều năm qua, nghi thức hầu đồng ngày càng trở nên rầm rộ, phát triển với quy mô lớn. Trong khung cảnh đó đã có không ít sự hỗn loạn và có nhiều ý kiến trái chiều về bảo tồn văn hóa phi vật thể hình thức hầu đồng.
NSƯT ca sĩ Hồng Vân, người chuyên biểu diễn dân ca ba miền và chầu văn tại TP HCM, cho biết đã có không ít kẻ xấu trục lợi vào việc buôn thần bán thánh, cố tình làm méo mó, dị dạng văn hóa tôn nghiêm ở các phủ thờ. “Có câu “Đồng khôn bóng ngoan, đồng sang bóng lịch lãm”. Lịch lãm không thể cứ nhảy cỡn lên, rồi nhập đồng phán bậy bạ, không hát đúng các bài bản mà dựa vào tâm nguyện của người đi ra “đồng” cầu xin rồi phán. Mà họ ra “đồng”, có người thua cờ bạc, đi buôn lậu cũng ra “đồng” xin xỏ thần thánh. Phản cảm hết sức khi hầu đồng cổ xúy cho hiện tượng tiêu cực này”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng phải xác định giới hạn được phép và không được phép của từng cá nhân và từng cộng đồng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Ảnh: MINH PHONG
Nghệ nhân Thanh Hậu (quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết có nhà mở phủ 200 người, do dịch bệnh giảm còn 40 người nhưng người đến dự phải mua chỗ, có khi 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng/chỗ chỉ để xin “lộc” cho những chuyện làm ăn phi pháp. Có khi đang hầu đồng, bỗng nhiên một nhóm người kéo đến bảo thánh không thiêng, chửi rủa loạn lên cả khu phố. “Bây giờ ông đồng bà đồng nào cũng có thể mở phủ kiếm, vì làm giàu rất nhanh. Trong khi đó các vị đồng đền, các vị thủ nhang, các vị thanh đồng quên rằng cần phải chấn chỉnh cái việc hầu thánh cho nghiêm túc, không biến tướng vì nó là nét đẹp văn hóa phi vật thể được thế giới vinh danh” – nghệ nhân Thanh Hậu nói.
Các nhà chuyên môn, các nghệ nhân còn lo ngại việc trang phục lòe loẹt; âm nhạc sử dụng tùy tiện; các diễn tả ngôn từ trong hát văn, hầu đồng quá dung tục; cười cợt, chọc phá khách ra “đồng” theo kiểu tấu hài kệch cỡm.
Nghệ nhân Ưu tú Thanh Nhàn (TP HCM) cho rằng bản thân bà và con (Thành Luân) đều là nghệ nhân luôn giữ đúng chuẩn mực trong hầu đồng, có nơi trả tiền cao nhưng nghi thức bị bóp méo bà từ chối.
Công tác hậu kiểm quá yếu
Để ngăn chặn những biến tướng đang gây ảnh hưởng xấu đến hầu đồng, các nhà chuyên môn và các nghệ nhân đều cho rằng công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý quá yếu. Trong khi nghi thức trong lên đồng Việt Nam phải bảo đảm bản chất của đạo Mẫu, thờ thánh trong điện thờ. Đây phải là nơi đưa nghi lễ lên đầu trong việc thờ Mẫu nhằm phát huy giá trị nghệ thuật tâm linh của người Việt, đằng này một số nơi không tuân thủ theo quy ước, quy định của Chính phủ cũng như các công ước quốc tế đề ra mà đảo lộn mọi hình thức hầu đồng cốt để trục lợi.
“Nhà nước đã đưa ra Luật Di sản văn hóa năm 2001 và điều chỉnh năm 2009, tất cả những công việc thực hành nghi thức, hậu kiểm nhằm phát huy bảo tồn các giá trị lên đồng của đạo Mẫu đều phải tuân thủ Luật Di sản Việt Nam” – TS sử học Nguyễn Nhã nói.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhắc đến Luật Di sản và một số văn bản khác của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) và nhấn mạnh theo Luật Di sản Việt Nam, vấn đề hậu kiểm quan trọng thì vấn đề truyền dạy càng cần thiết hơn. “UNESCO đã nhấn mạnh không có truyền dạy thì các di sản văn hóa khó có thể tồn tại trong tương lai và cho thế hệ mai sau. Nghi thức lên đồng phải làm sao đúng với truyền thống, đúng với việc bảo tồn các giá hầu đồng; trang phục, âm nhạc như thế nào thì dựa vào cái chuẩn của hệ thống số hóa di sản mà Bộ VH-TT-DL phải làm, để có chuẩn mà làm theo. Bên cạnh đó, ai và nhóm cộng đồng nào thật sự được công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân mới được tham gia thực hành nghi thức, tránh tình trạng hiện nay ai cũng có thể hầu đồng” – bà góp ý.
PGS-TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, từng nói đổi mới và cải tiến là phải lấy chất lượng làm chính chứ không phải lấy độ hoành tráng. Hiện nay, có nhiều nơi nghiên cứu về tín ngưỡng thờ đạo Mẫu và lên đồng của người Việt nhưng theo quan điểm của ông thì Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam là nơi uy tín nhất. Trước đây, có thời gian hầu đồng bị cấm kỵ nhưng mấy năm gần đây được coi là phù hợp với tình hình đổi mới của đất nước, xã hội, nhà nước nhìn nhận hầu đồng, tín ngưỡng thờ Mẫu ngày càng tốt và chưa bao giờ nghi thức hầu đồng, đạo Mẫu lại được xã hội tin tưởng đón nhận và phát triển mạnh như bây giờ. Tuy vậy, muốn để xã hội tôn trọng nghi thức và tín ngưỡng này hơn nữa, thì bản thân mỗi thanh đồng (người đứng giá hầu đồng) phải ngăn chặn những hiện tượng lợi dụng, thương mại hóa… với nghi thức này.
Hai quy ước mà những người thực hành nghi thức hầu đồng phải tuân thủ quy ước quốc tế là Công ước đa dạng văn hóa năm 2005 của UNESCO và Công ước 2003 về bảo tồn di sản phi vật thể. Chính từ công ước này, hồ sơ tín ngưỡng thờ đạo Mẫu trình UNESCO và được xét duyệt vào năm 2016.