Đề thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ giảm độ khó

Trang Thiều

  –  

Thứ ba, 27/12/2022 14:38 (GMT+7)

Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, đề thi đánh giá tư duy năm 2023 sẽ không khó như những năm trước đây. Học sinh THPT hoàn toàn có thể làm tốt bài thi nếu nắm vững kiến thức chương trình phổ thông đã học.

Đề thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ giảm độ khó
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022. Ảnh: Thiều Trang

PGS.TS Vũ Duy Hải – đại diện Phòng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 triển khai áp dụng từ năm 2022 và đảm bảo quyền lợi của học sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến điều chỉnh nội dung của bài thi đánh giá tư duy theo hướng gọn nhẹ, xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn học.

Theo đó, tổng thời gian của bài thi gồm 150 phút cho 3 nội dung thi gồm: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Giải quyết vấn đề (60 phút) với hình thức thi là hoàn toàn trắc nghiệm.

Kỳ thi không giới hạn số lần dự thi và đối tượng. Thí sinh dự thi sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng để xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu. Đặc biệt, giấy chứng nhận có giá trị trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp.

Trường dự kiến thi 3 đợt. Đợt 1 tổ chức vào tháng 5.2023, đợt 2 là tháng 6.2023 tại Hà Nội. Đợt 3 vào tháng 7.2023 (sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT) tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Tuyên Quang…).

Với sự điều chỉnh này, các trường khối ngành khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược… có thể sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh.

PGS.TS Vũ Duy Hải - đại diện Phòng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh ThanhPGS.TS Vũ Duy Hải – đại diện Phòng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Thanh

Là một trong những trường có tỉ lệ học sinh tham gia kỳ thi tư duy cao nhất năm 2022, ông Tạ Xuân Hoà – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) cho biết, một số nội dung, kỹ năng trong phần thi Tư duy Đọc hiểu còn xa lạ với học sinh phổ thông. Ông Hòa mong nhà trường có thêm các câu hỏi khái quát, không quá xa lạ.

Ở phần Tư duy khoa học và giải quyết vấn đề, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền đề nghị trường ra đề thi minh hoạ chi tiết hơn vào các hiện tượng, vấn đề, nội dung để thí sinh dễ dàng ôn tập.

Vị này cũng đề nghị Đại học Bách khoa Hà Nội đảm bảo tính ổn định của kỳ thi. Đồng thời sớm công bố danh sách các trường đại học sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của trường để xét tuyển.

Trước đề xuất và kiến nghị trên, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, để chuẩn bị đổi mới kỳ thi đánh giá tư duy từ 2023 trở đi, trường tập hợp, liên kết nhiều thầy cô giáo THPT, chuyên gia giáo dục để xây dựng ngân hàng câu hỏi.

Dự kiến tới năm 2027, ngân hàng câu hỏi này sẽ hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi mở rộng cho nhiều đối tượng học sinh, thi nhiều đợt…

“Với kỳ thi năm 2023, đến tháng 1, nhà trường sẽ công bố đề minh hoạ, các câu hỏi không còn nhiều sự thách đố, ngăn việc học mẹo và không quá khó so với trước đây” – PGS Điền khẳng định.

 PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Thanh 

Với vai trò là chuyên gia đánh giá khung đề thi tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, so với các đề thi tư duy cũ, khung đề thi mới mở hơn, rộng kiến thức hơn và giảm độ khó rõ rệt.

Theo đó, các trường đại học khi xét tuyển thí sinh thông qua bài thi tư duy sẽ chọn được các ứng viên khác nhau ở từng trình độ mà trường mong muốn.