Đề xuất biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được đề xuất bao gồm: Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể; truyền dạy, giáo dục di sản văn hóa phi vật thể; chính sách đối với nghệ nhân, cộng đồng; bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một; tổ chức liên hoan, trình diễn, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể trong và ngoài nước; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; đào tạo, nâng cao năng lực; nâng cao nhận thức của cộng đồng, chủ thể di sản và xã hội.
Mục lục bài viết
Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể
Theo dự thảo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, cập nhật kết quả kiểm kê và công bố danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể; tiếp tục kiểm kê, cập nhật thông tin, số liệu, hiện trạng thực hành di sản sau khi được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước 31 tháng 10 hàng năm.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và hướng dẫn báo cáo kiểm kê định kỳ.
Ưu tiên truyền dạy di sản có nguy cơ mai một
Di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO, Danh mục quốc gia, di sản có nguy cơ mai một cần ưu tiên các hoạt động truyền dạy tại cộng đồng cho thế hệ kế cận.
Chính quyền địa phương các cấp cần thực hiện các hoạt động giáo dục di sản văn hóa phi vật thể chính thức và phi chính thức cho thế hệ trẻ, đặc biệt đối với các di sản được ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.
Khen thưởng các cá nhân, cộng đồng có đóng góp tích cực vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú được ưu tiên tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là hoạt động truyền dạy trong và ngoài cộng đồng. Nghệ nhân, người thực hành được ưu tiên tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như thực hành, trình diễn và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể.
Khen thưởng các cá nhân, cộng đồng có những đóng góp tích cực vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt đối với cá nhân, cộng đồng có đóng góp đối với các di sản được ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.
Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một
Di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một được ưu tiên kiểm kê, ghi danh, xây dựng đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, giao cơ quan chức năng tổ chức xây dựng, bố trí kinh phí thực hiện Đề án, dự án.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, giao cơ quan chức năng tổ chức xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO xét duyệt hỗ trợ kinh phí cho các di sản được ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ khẩn cấp từ Quỹ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Công ước 2003.
Định kỳ 3 năm/lần tổ chức Liên hoan toàn quốc di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, giao Cục Di sản văn hóa chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương liên quan tổ chức liên hoan, trình diễn, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh để tôn vinh nghệ nhân, cộng đồng chủ thể và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể trong và ngoài nước.
Liên hoan toàn quốc di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào các Danh sách định kỳ tổ chức 03 năm một lần. Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể có phạm vi 2 tỉnh trở lên được Ủy ban nhân dân các tỉnh thống nhất tổ chức luân phiên 02 năm một lần theo cam kết với UNESCO tại Chương trình hành động quốc gia. Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi 01 tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định, theo cam kết với UNESCO tại Chương trình hành động quốc gia.
Nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động bảo vệ di sản
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân thực hiện, tham gia thực hiện, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Nghiên cứu chuyển đổi số trong hoạt động tổng hợp, theo dõi, cập nhật, phân tích thông tin về di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia, các Danh sách của UNESCO, các báo cáo, chương trình hành động quốc gia, kế hoạch hành động, đề án, dự án…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Tính tới thời điểm hiện nay, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh 14 di sản vào các Danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 01 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp).
Hiện đã có 1.187 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 66 Nghệ nhân nhân dân và 1.121 Nghệ nhân ưu tú.
Có khoảng 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 443 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phân bố rộng khắp trên cả nước.
Hoa Hạ