DI CHỈ KHẢO CỔ HỌC ĐỒNG ĐẬU
Nằm trọn vẹn trên gò cao khoảng 86.000m², nơi có phong cảnh thiên nhiên rất đẹp: Phía đông thế đất thấp phẳng rộng với những cánh đồng lúa nước mênh mông, phía tây và phía tây bắc thế đất cao dần có đồng ruộng lúa xen lẫn các loại hoa màu, phía nam là vùng trũng cấy lúa chiêm xen giữa là đầm hồ, dòng lạch do sự bồi tụ dang dở của dòng sông Hồng… Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu được các nhà khoa học khảo sát, khai quật và nhận định là một khu di dích khảo cổ rất lớn, phong phú thuộc thời đại đồng thau Việt Nam. Với mong muốn cung cấp một số tư liệu để soi sáng một giai đoạn then chốt, cột mốc quan trọng của quá trình biến diễn văn hóa cổ và lịch sử thời Hùng Vương, năm 1983 Nhà xuất bản Khoa học Xã hội đã phát hành cuốn sách mang tựa đề “Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu” do Lê Xuân Diệm và Hoàng Xuân Chinh biên soạn.
Qua 166 trang sách, các tác giả mang đến cho bạn đọc cái nhìn khái quát về Di chỉ và di tích, Di vật và Cuộc sống của người Đồng Đậu.
Khu di tích
thuộc thôn Đông Hai, xã Minh Tân, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phú (nay là
thôn Đông, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc
,
tỉnh Vĩnh Phúc
)
.
Qua các lần khai quật cho thấy, Đồng Đậu là một di chỉ khảo cổ có tầng văn hóa dày, chứa đựng nhiều di vật, là nơi cư trú liên tục của con người trong thời gian dài. Trong lòng đất nơi đây, có nhiều di tích, phế tích và nhiều di vật là công cụ sản xuất, tàn dư sinh hoạt của nhiều thời kỳ lịch sử. Với 500m² khai quật đã phát hiện được 7 nền đất vàng, 148 huyệt đất, 69 bếp than tro, 1 bếp lò, 1 ngôi mộ cổ, 1155 di vật đá, 200 di vật đồng, 102 di vật xương, sừng, 226 di vật gốm và gần 13 vạn mảnh gốm cổ. Đặc biệt, cuốn sách còn giúp bạn đọc xác định được thời kỳ tồn tại của di chỉ Đồng Đậu. Di chỉ có niên đại kéo dài từ giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên qua văn hóa Đồng Đậu đến văn hóa Gò Mun, tức vào khoảng thế kỷ XV đến thế kỷ VIII trước Công nguyên. Đối chiếu với thư tịch và truyền thuyết, thời gian thì di chỉ Đồng Đậu nằm trong quá trình dựng nước của Hùng Vương. Về mặt không gian, di chỉ Đồng Đậu nằm trong đất Phong Châu xưa là vùng được mọi người xem là địa bàn gốc của các vua Hùng. Qua những phân tích về di chỉ Đồng Đậu, không những bạn đọc thấy được cái riêng và cái chung giữa 3 tầng văn hóa mà còn từ đó có thể tìm hiểu sự diễn biến cùng xu hướng phát triển của một số di vật thời Hùng Vương như: Vòng tay, hoa tai, hạt chuỗi, mũi tên, mũi lao xương, giũa đồng, mũi tên đồng và chạc gốm…mà trước đó mới có tư liệu lẻ tẻ rời rạc.
Chứa đựng nội dung phong phú, mô tả chi tiết như từng bước phác họa bức tranh đa diện, sinh động về một làng cổ thời Hùng Vương, hy vọng cuốn sách
“Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu”
sẽ góp phần giúp các nhà khoa học phục dựng được chân thực, khách quan con đường phát triển của các nền văn hóa tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng và giúp những người đam mê tìm hiểu lịch sử nước nhà khám phá thêm về những chặng đường phát triển của thời kỳ dựng nước.
Thư viện tỉnh Sơn La t
rân trọng giới thiệu./.