Di sản văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi | Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Việt Bắc

 

Đất
và người Quảng Ngãi gắn liền với sông, suối, núi rừng và biển cả bao la. Cuộc
sống bên chân sóng đã tạo cho con người sự bản lĩnh, sáng tạo, những giá trị di
sản văn hóa đa dạng và độc đáo mà không phải địa phương nào ở dải đất miền
Trung này cũng có được…

..

Đảo Lý Sơn. Ảnh: kenhdulich.org

Nơi hội tụ nhiều giá trị di sản văn hóa
biển, đảo

Quảng Ngãi có chiều dài bờ biển 130km và
một huyện đảo, có nhiều cửa biển như Sa Cần, Sa Kỳ, Cỗ Lũy, Mỹ Á, Sa Huỳnh,
 vũng nước sâu Dung Quất,… là những điều kiện tự nhiên và tiềm năng, để
phát triển kinh tế biển. Trong tiến trình khai phá và xây dựng vùng đất
này, từ xa xưa người dân Quảng Ngãi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc khai
thác các nguồn lợi từ biển.

Đặc biệt, trong lịch sử bảo vệ chủ quyền
quốc gia trên biển, nhiều thế kỷ trước, nhất là dưới thời các chúa Nguyễn và
tiếp đó là các vua nhà Nguyễn, Quảng Ngãi là nơi các triều đại phong kiến Việt
Nam chọn thành lập các đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, để thực thi
chủ quyền quốc gia, làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, đo đạc hải trình, cắm
mốc và dựng bia khẳng định chủ quyền của đất nước đối với các quần đảo Trường
Sa, Hoàng Sa. Mặt khác, từ thời xa xưa, vùng biển Quảng Ngãi còn là điểm cập
bến, giao thương buôn bán với các nước trong khu vực, minh chứng là những di
sản văn hóa khảo cổ học dưới nước được tìm thấy, phát hiện và trục vớt trong
suốt thời gian qua.

..

Hát
bả trạo – nét văn hóa truyền thống cư dân vùng biển Quảng Ngãi. Ảnh:
baoquangngai.vn

Vùng biển, đảo Quảng Ngãi còn
là “mảnh đất vàng” về di sản. Toàn tỉnh có 66 di tích lịch sử, văn hóa,
danh lam thắng cảnh; trong đó có 8 di tích cấp quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh,
32 di tích được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ. Riêng tại đảo Lý Sơn, với diện
tích chưa đầy 10km2 nhưng có đến 50 di tích lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, tại hòn
đảo tiền tiêu này có cả một dấu tích đặc sắc không chỉ trong nước mà còn của cả
thế giới, do núi lửa phun trào để lại và hệ thống di tích liên quan đến đội
Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải…

Bên cạnh đó, nhân dân miền biển và hải đảo
trong quá trình lao động sản xuất, đánh bắt hải sản cũng đã sáng tạo ra những
giá trị văn hóa tinh thần mang bản sắc đặc trưng văn hóa Quảng Ngãi như: hô bài
chòi, hát bả trạo, hát sắc bùa, hát hò, hát hố; các lễ hội như: Hội đua thuyền,
lễ hội ra quân đánh bắt hải sản đầu năm… cho thấy đời sống văn hóa tinh thần
vô cùng phong phú của cư dân vùng ven biển Quảng Ngãi.

..

Lễ
hội đua thuyền huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Zing.vn

Đặc biệt, Lễ khao lề thế lính Hoàng
Sa là một sự sáng tạo đặc biệt của người Lý Sơn… Đây là lễ hội
tiêu biểu trong cả nước, là tục lệ tồn tại nhiều thế kỷ qua nhằm tôn vinh, tri
ân những hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa, đã song hành với lịch sử bảo vệ chủ
quyền biển đảo. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013.

Theo các nhà nghiên cứu, Quảng Ngãi là
nơi bảo lưu tương đối nguyên vẹn tục thờ cúng cá Ông, với những giá trị
của một tục thờ cúng đặc trưng của vùng biển. Lăng vạn cá Ông là nơi gởi
gắm niềm tin của ngư dân mỗi khi đi biển, nơi lưu giữ một công trình kiến trúc
nghệ thuật độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được.

..

Lễ
khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: baoquangngai.vn

Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, Phó
Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đã nhận định: “Giá trị di sản văn
hóa biển, đảo ở Quảng Ngãi có nét đặc biệt so với các địa phương khác ở miền
Trung, đó là có tính liên tục, không bị đứt đoạn, từ người Sa Huỳnh chinh phục
biển đến người Chăm, người Việt. Nghề nghiệp đã hình thành nền văn hóa
biển. Cũng từ đó mà người Quảng Ngãi có rất nhiều kinh nghiệm trong việc vươn
khơi bám biển để khai thác thủy sản và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống
rất đặc biệt”.

Theo tiến sĩ Đặng Hoàng Lan (Khoa Du lịch,
Trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh) thì với hệ thống nền văn hóa cổ xưa chạy
dọc chiều dài ven biển Quảng Ngãi, như văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, văn hóa Việt
cổ, cùng với hệ thống di tích văn hóa tâm linh ven biển, đảo khá phong phú và
kho tàng truyền thuyết, chuyện kể, dân ca, lễ hội và thắng cảnh thiên nhiên
tuyệt đẹp… nếu biết kết hợp đầu tư bảo tồn và phát triển du lịch, Quảng Ngãi
sẽ là điểm đến không chỉ của khách du lịch mà còn là điểm dừng chân của giới nghiên
cứu văn hóa, địa chất, địa mạo trong và ngoài nước…

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
biển, đảo 

Liên hoan văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi –
năm 2017 diễn ra từ ngày 30/8 – 5/9, tại
TP.Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn và các huyện ven biển trong tỉnh với nhiều hoạt
động phong phú, đa dạng như: Hội thảo phát triển du lịch Lý Sơn; Lễ đón nhận
bằng di tích cấp tỉnh tại huyện Lý Sơn; các hoạt động trưng bày, triển lãm hình
ảnh, hiện vật di sản văn hóa, đất nước, con người Quảng Ngãi tại Bảo tàng Tổng
hợp tỉnh; trưng bày di sản địa chất núi lửa biển – nơi chúng ta đang tiến hành
các bước, để lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Lý Sơn và vùng phụ cận là Công
viên địa chất toàn cầu. Liên hoan còn tổ chức Giải bóng chuyền nữ bãi biển
ở bãi biển Mỹ Khê và các chương trình nghệ thuật do các Đoàn nghệ thuật Quảng
Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Quảng Nam thực hiện tại các huyện ven biển trong tỉnh.

..

Chương
trình nghệ thuật đêm khai mạc.

Tất cả các hoạt động trên tạo không gian
cho nhân dân và du khách cảm nhận những giá trị văn hóa, tinh thần của di sản
văn hóa biển, đảo miền Trung nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Thông
qua các hoạt động này, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân
về tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội
của đất nước và của Quảng Ngãi, nhất là phát triển du lịch, góp phần nâng cao ý
thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc;
tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cư
dân ven biển; nhận diện bước đầu về di sản địa chất, di sản văn hóa đặc trưng
tại vùng biển, đảo Quảng Ngãi; quảng bá hình ảnh quê hương, con người Quảng
Ngãi, để từ đó có cùng một ý chí xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển vùng
biển, đảo giàu, mạnh.

..

Triển
lãm ảnh “Biển, đảo và con người Quảng Ngãi. Ảnh: kinhtenongthon.com.vn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc
Dũng cho biết: Đây là lần đầu tiên và khác biệt với những lần trước, tỉnh trưng
bày và chú trọng các hoạt động liên quan đến đảo Lý Sơn và vùng phụ cận, trong
quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn
cầu. Những hoạt động này, nằm trong khuôn khổ của UNESCO về Công viên địa
chất toàn cầu. Hiện, tỉnh có khá phong phú những di vật, di chỉ của Công viên
địa chất toàn cầu.

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cho
thấy, đảo Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận hội đủ các điều kiện để được công
nhận công viên địa chất toàn cầu. Di sản địa chất ở đây được hình thành do
hoạt động phun trào núi lửa nhiều giai đoạn kế tiếp nhau từ 9 -10 triệu năm đến
trên dưới 3.000 năm. Đặc biệt, Lý Sơn có nhiều di sản văn hóa độc đáo, thắng
cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, trên đảo có ít nhất 5 ngọn núi lửa được phát
hiện…

Phó Chủ tịch mạng lưới Công viên địa chất
toàn cầu, giáo sư Nakada (Nhật Bản), nhận định: “Các tiêu chí về di sản địa
chất ở huyện đảo Lý Sơn và Bình Châu rất đa dạng về loại hình, đặc biệt hiếm
có. Những di sản, môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái là nguồn tài nguyên
vô tận của ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi. Đây là điểm mạnh khác biệt so với các
khu di sản trên đất nước Việt Nam và của thế giới”.

Tỉnh Quảng Ngãi đang phấn đấu hoàn thiện đề
án, để đến tháng 7/2018 sẽ trình hồ sơ và chậm nhất đến năm 2020 được UNESCO
công nhận công viên địa chất toàn cầu ở Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận. Đây
là cơ hội để Quảng Ngãi bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản
thiên nhiên một cách tốt nhất.