Di sản văn hóa nào sẽ là biểu tượng Thanh Hóa

 

Thanh Hóa là miền đất rộng, người đông, có bề dày lịch sử cách mạng lâu đời trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đất xứ Thanh linh thiêng đã sinh ra nhiều hào kiệt như Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi,… những người anh hùng ấy đã góp phần viết nên những bản anh hùng ca hào hùng cho dân tộc Việt Nam trong đó có Thanh Hóa. Để tôn vinh và phát huy giá trị di sản vẻ vang của quê hương, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hai lần thi biểu tượng trong hai năm 2013 và 2018 để có một biểu tượng phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân Thanh Hóa anh hùng. Muốn có một biểu tượng đặc trưng cho xứ Thanh trước hết phải chọn một vật thể văn hóa là chứng tích của sự kiện nổi bật nhất ở Thanh Hóa để làm nội dung. Trong thuật ngữ quản lý văn hóa thì mỗi di sản đều có hai thuộc tính đó là vật thể và phi vật thể, thuật ngữ cổ gọi là văn vật và văn hiến. Vì thế nếu lấy một di sản làm biểu tượng là phải xem xét cả hai thuộc tính nói trên. Ví như biểu tượng Hà Nội là vật thể văn hóa kiến trúc Khuê Văn Các, phi vật thể của biểu tượng là chứng tích đào tạo hiền tài cho đất nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong cuộc thi lần thứ hai, Ban Tổ chức cuộc thi cũng đã chọn được một logo để tuyên truyền quảng bá sắc thái xứ Thanh phục vụ vào dịp kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Tuy nhiên để có một biểu tượng đáp ứng với mục đích của tỉnh đã đề ra thì chưa đạt yêu cầu.

Qua hai cuộc thi, nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh đã đưa ra những ý tưởng biểu tượng khác nhau nhưng tập trung ba mẫu: bia vĩnh lăng ở Lam Kinh, Trống đồng Đông Sơn, và thành nhà Hồ. Trong bài viết này tôi chỉ cảm nhận mấy ý kiến cho các mẫu biểu tượng nói trên.

Có tác giả lấy cổng nam Thành nhà Hồ làm biểu tượng vì đây là di sản văn hóa đã được vinh danh thế giới. Tuy đã kinh qua hơn 600 năm, mặc dù hứng chịu nhiều sự hà khắc của thiên nhiên, nhưng thành đá nhà Hồ vẫn uy nghi trường tồn.

Nếu lấy thành nhà Hồ để làm biểu tượng thì người xem dễ nhận ra là di sản ở Thanh Hóa, song xét về mặt lịch sử thì thành nhà Hồ là chứng tích thất bại và sự sụp đổ của triều Hồ trước sức mạnh tàn bạo của giặc Minh phương bắc, đánh dấu một trang sử bi thảm nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Kế theo đó nhân dân ta trong đó có người xứ Thanh phải chịu đựng một chính sách cai trị độc ác, đồng hóa, tàn bạo, dã man của nhà Minh. Như vậy, lấy thành nhà Hồ làm biểu tượng có tiêu biểu cho sắc thái văn vật, văn hiến, niềm tự hào khí phách quật cường của nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước không? Đó là linh hồn của biểu tượng mà người sử dụng hình tượng ấy không thể không đặt ra những câu hỏi cho việc tôn vinh hình ảnh nội dung của biểu tượng. Mặt khác trong thực tế, nhiều thế kỷ nay không có nơi nào trong cả nước đặt tên đường phố, địa danh nhân vật của nhà Hồ, huống chi làm biểu tượng để tôn vinh, đây là một vấn đề rất nhạy cảm. Nếu lược bỏ phần lịch sử chính trị đương thời của triều Hồ để lấy Thành nhà Hồ làm logo thì chỉ đạt được về mặt văn hóa kiến trúc (văn vật) mà thôi, chứ không thể làm biểu tượng Thanh Hóa vì thế chỉ có thể làm (logo) biểu trưng cho du lịch Thanh Hóa.

Có tác giả tôn vinh bia vĩnh lăng ở Lam Kinh để làm biểu tượng, vì đây là một di sản vô cùng quý giá của dân tộc ta từ thời Lê Sơ, gắn liền với một quần thể di tích ở khu điện Lam Kinh. Bia Lam Kinh vừa là di sản vật thể, vừa là phi vật thể còn gọi là “văn vật, văn hiến”. Xét về mặt cấu trúc thì bia Lam Kinh có khối lượng, trọng lượng, kích thước, một loại đá trầm tích rất quý. Mặt khác, với bàn tay tài hoa của nghệ nhân đương đại đã tạo dựng hình mặt bia nhiều hoa văn họa tiết trang trí và được đặt trên một con rùa mang ý nghĩa tâm linh rất sâu sắc. Trên mặt bia có khắc một áng văn lịch sử nổi tiếng do Nguyễn Trãi soạn thảo nói về thân thế và sự nghiệp vĩ đại của Lê Lợi, một thiên tài về chính trị, quân sự và về ngoại giao. Ông đã quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, thống nhất đất nước đưa giang sơn quy về một mối. Trải qua nhiều thế kỷ và đã kinh qua phong ba, mưa bão, khắc nghiệt của thời tiết, bia Lam Kinh vẫn trường tồn, đã trở thành bảo vật quốc gia, di sản đặc biệt của đất nước và quê hương xứ Thanh. Với ý nghĩa thiêng liêng ấy, trong thực tế, nhiều thập kỷ qua, người ta cũng đã lấy hình ảnh bia Lam Kinh để làm biểu tượng cho bìa sách (xuất bản) như địa chí Thanh Hóa, văn nghệ, thương mại, văn hóa xứ Thanh, vì vậy lấy bia Lam Kinh làm biểu tượng cho Thanh Hóa là hợp lý.

Trong cuộc thi biểu tượng Thanh Hóa lần thứ 2, nhiều tác giả cũng đã đưa ý tưởng mặt trống đồng Đông Sơn, di sản văn hóa đã vang danh trong nhiều thế kỷ qua và đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt nói chung, người dân Thanh Hóa nói riêng. Đây là bảo vật quốc gia, một di sản quý giá, một thương hiệu riêng có, niềm tự hào của nền văn minh đồ đồng Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn là kiệt tác về mặt tạo hình, trên mặt trống được miêu tả những chiếc thuyền thủy chiến bảo vệ lãnh hải lãnh thổ chủ quyền của dân tộc và có hoa văn họa tiết, những con chim lạc được trang trí rất tinh xảo thể hiện một quan niệm vũ trụ sâu sắc theo cách lý lẽ của triết học phương Đông. Trống đồng Đông Sơn vừa là nhạc khí vừa là linh khí thờ cúng ở cộng đồng và gia tộc. Âm thanh trống đồng trong những ngày hội, ngày lễ của người Việt cổ xưa không những thôi thúc lòng người hăng say lao động, hướng thiện, tâm linh mà còn cổ vũ động viên nhân dân ra trận mỗi khi đất nước bị ngoại bang xâm lược. Trong đời sống tâm linh, người Việt cổ đã đưa trống đồng vào nghi thức thờ cúng, cầu mong nước thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ngày nay trống đồng Đông Sơn còn là bảo vật đặc sắc, minh chứng cho nền văn minh thời kỳ cổ đại của dân tộc Việt tại Thanh Hóa. Vì vậy lấy trống đồng làm mẫu cho biểu tượng Thanh Hóa là rất xứng đáng. Trống đồng Đông Sơn Thanh Hóa đồng thời cũng được vinh danh trong cả nước và quốc tế. Trong hai vật thể văn hóa “Bia Lam Kinh” và “Trống đồng Đông Sơn” đều có thể làm biểu tượng cho Thanh Hóa, nhưng chỉ có thể chọn một trong hai vật thể để làm biểu tượng mà thôi.

Hiện nay có nhiều ý kiến của người làm khoa học xã hội về lịch sử văn hóa và người làm quản lý trong nước và địa phương Thanh Hóa, họ cho rằng lấy “Bia Vĩnh lăng ở Lam Kinh” làm biểu tượng là phản ảnh rõ nét được sắc thái văn vật và văn hiến của Thanh Hóa. Đó là chứng tích của một triều đại hùng mạnh kéo dài gần 400 năm bắt đầu từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thần thánh do anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo toàn thắng.
Việc thiết kế mỹ thuật biểu tượng không khó nhưng chọn hình ảnh vật thể văn hóa nào để có ý nghĩa tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang của xứ Thanh lại phụ thuộc vào định hướng cụ thể từ Ban chỉ đạo cuộc thi của tỉnh, vì đây là một việc hệ trọng được nhiều ý kiến dư luận xã hội quan tâm.

Hoàng Hoa Mai