Di sản Văn hóa Quảng Ngãi đa dạng và độc đáo
Mục lục bài viết
Di sản Văn hóa Quảng Ngãi đa dạng và độc đáo
(ThanhtraVietNam) – Quảng Ngãi là tỉnh có bề dày về lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng. Đất và người Quảng Ngãi gắn liền với sông, suối, núi rừng và biển cả bao la. Cuộc sống bên chân sóng đã tạo cho con người sự bản lĩnh, sáng tạo, những giá trị di sản văn hóa đa dạng và độc đáo mà không phải địa phương nào ở dải đất miền Trung này cũng có được.
Quảng Ngãi luôn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa vốn có của dân tộc. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia được công nhận xếp hạng và và di tích lịch sử văn hóa được cấp tỉnh xếp hạng; rất nhiều di tích có quyết định công nhận bảo vệ.
Văn hóa là điểm đến thu hút du lịch
Quảng Ngãi là vùng đất với nền văn hoá lâu đời như: văn hóa Sa Huỳnh, nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng của Việt Nam, được thế giới biết đến hàng trăm năm qua. Vùng đất này cũng giàu di sản văn hóa Champa với các đền tháp, thành quách, dấu vết văn hoá cổ xưa như thành cổ Châu Sa, Gò Vàng…, có di tích lịch sử Ba Tơ, Sơn Mỹ, Ba Gia, Trà Bồng, Vạn Tường; nhiều cảnh đẹp như Thiên Ấn, Niêm Hà, Thiên Bút, Phê Vân, Thạch Bích, Tà Dương, Cổ Luỹ, Cô Thôn, Nước Trong – Ca Đam…, nhiều bãi biển như Mỹ Khê, Sa Huỳnh…, những tiềm năng trên là điều kiện để phát triển du lịch nghỉ dưỡng với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng.
Chiếc khuyên tai – một trong những hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh
Các di sản văn hóa với các thành quách, đình chùa, đền miếu, lăng thờ cá Ông. Hiện nay, tại các làng quê người Việt ở Quảng Ngãi còn giữ nhiều loại hình lễ hội cổ truyền, đặc biệt là ở các vùng ven biển. Tiêu biểu có: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một sự sáng tạo đặc biệt của người Lý Sơn, đây là lễ hội tiêu biểu trong cả nước, là tục lệ tồn tại nhiều thế kỷ qua nhằm tôn vinh, tri ân những hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa, đã song hành với lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức thường niên vào 16/3 âm lịch.
Lễ hội điện Trường Bà (Trà Bồng), lễ tế đình, lễ tế cá Ông và hát múa bả trạo ở Bình Chánh (Bình Sơn), lễ cầu ngư hát sắc bùa, các làng nghề thủ công truyền thống…lễ hội ra quân đánh bắt hải sản ở Sa Huỳnh (Đức Phổ), lễ hội đua thuyền ở huyện Lý Sơn, Tịnh Long, Bình Châu (Bình Sơn). Ở miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà các dân tộc Cor, Cadong, Hrê vẫn còn giữ được lễ hiến sinh trâu, lễ ngã rạ, lễ mừng lúa mới, múa chiêng, múa cà đáu, hát kalêu, kachoi, ra nghế, xà ru, a giới… rất đặc trưng của cư dân vùng Trường Sơn – Tây Nguyên.
Nghệ thuật biểu diễn
Biểu diễn “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam”
Các loại hình nghệ thuật biểu diễn ở Quảng Ngãi vô cùng phong phú. Nghệ thuật diễn xướng dân gian của người Việt: Bao gồm các loại: hò (hò trên cạn và hò trên sông, nước); lý; hát (nếu nhìn dưới góc độ nội dung thể hiện thì có các loại hát: hát nhân ngãi, hát huê tình… Nếu theo mục đích diễn xướng thì có hát sắc bùa, hát bả trạo… Nếu theo phương thức diễn xướng thì có hát ống, hát lô tô, hát bài chòi…).
Với đặc thù riêng biệt, nghệ thuật bài chòi đang nhận được nhiều “ưu ái”, ngày 07/12/2017 UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Dân ca bài chòi không chỉ có sức hấp dẫn đối với người mộ điệu mà còn đang khơi lòng, truyền lửa nhanh chóng đến lớp trẻ.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi là nơi hội tụ nhiều giá trị di sản văn hóa biển, đảo, với chiều dài bờ biển 130km và một huyện đảo, có nhiều cửa biển như Sa Cần, Sa Kỳ, Cỗ Lũy, Mỹ Á, Sa Huỳnh, vũng nước sâu Dung Quất,… là những điều kiện tự nhiên và tiềm năng, để phát triển kinh tế biển. Vùng biển, đảo Quảng Ngãi còn là “mảnh đất vàng” về di sản. Riêng tại đảo Lý Sơn, với diện tích chưa đầy 10km2 nhưng có đến 50 di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Đảo Lý Sơn
Đặc biệt, Lý Sơn có cả một dấu tích đặc sắc không chỉ trong nước mà còn của cả thế giới, do núi lửa phun trào để lại, đây là điểm mạnh khác biệt so với các khu di sản trên đất nước Việt Nam. Tỉnh Quảng Ngãi đang phấn đấu hoàn thiện đề án đến năm 2020 được UNESCO công nhận “công viên địa chất toàn cầu” ở Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận. Đây là cơ hội để Quảng Ngãi bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên một cách tốt nhất.
Phát huy truyền thống văn hóa dân tộc
Giám đốc: Nguyễn Minh Trí – Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, ngành văn hóa đã kiện toàn đội ngũ cán bộ làm văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, từng bước thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của ngành. Thực hiện chủ trương của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ngành văn hóa đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết chuyên đề, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, cơ chế chính sách về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phát triển thể dục thể thao, du lịch, xây dựng gia đình văn hóa, phòng chống bạo lực gia đình… Trên cơ sở này, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ở địa phương.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch-dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, một trong những nhiệm vụ chủ yếu là tập trung phát triển du lịch sinh thái biển, đảo; xây dựng đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020; triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong toàn tỉnh./.
Kim Dung