Di sản văn hóa sẽ ngày càng góp phần nâng cao vị thế quốc gia
Di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển, là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa. Nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Di sản Văn hóa (23/11/2005 – 23/11/2022) và kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã trả lời phỏng vấn Báo điện tử Tổ Quốc về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, góp phần nâng cao vị thế quốc gia.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: Cả nước hiện có hơn 40.000 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trong Danh mục kiểm kê, trong đó có trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.601 di tích quốc gia, 123 di tích quốc gia đặc biệt và 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới; 433 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 14 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 01 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp); 07 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh.
Hệ thống bảo tàng Việt Nam có 194 bảo tàng (128 bảo tàng công lập, 66 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ gần 6 triệu hiện vật, 238 bảo vật quốc gia.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương nên các di sản văn hóa được kiểm kê, xếp hạng, vinh danh đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam. Nhiều di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các Di sản Thế giới được đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách tới tham quan, tìm hiểu góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, cũng như góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua con đường du lịch, giao lưu và hợp tác văn hóa.
Việt Nam tham gia hiệu quả, tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm là thành viên của các tổ chức, Ủy ban của các Công ước quốc tế về lĩnh vực di sản văn hóa của UNESCO
Theo thống kê, trước thời điểm dịch COVID-19, năm 2019, các Di sản Thế giới ở Việt Nam đã đón trên 18,2 triệu lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm, với tổng doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ đạt 1.800 tỷ đồng, là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, lượng du khách đến tham quan các Di sản Thế giới có xu hướng ngày càng tăng, như trường hợp Quần thể di tích Cố đô Huế (năm 1993) và Vịnh Hạ Long (năm 1994) từ khi mới được ghi danh là Di sản Thế giới chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút tới hàng triệu khách tới tham quan, nghiên cứu. Quần thể danh thắng Tràng An khi bắt đầu xây dựng hồ sơ Di sản Thế giới năm 2011 chỉ có trên 1 triệu khách du lịch và hầu như chưa thu vé tham quan, từ năm 2014 sau khi được UNESCO ghi danh đến nay số lượng khách du lịch tăng lên nhanh chóng (năm 2019 là 6.327.488 khách)…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức, đó là:
Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển chưa được xử lý hài hòa. Việc bảo tồn chưa được ưu tiên và coi trọng, tại các khu di sản, việc phát triển du lịch một cách mạnh mẽ trong khi chưa có đủ cơ sở hạ tầng, chưa có những công cụ pháp lý hữu hiệu để điều chỉnh các hành vi liên quan đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội.
Việc tuyên truyền, quảng bá di sản và xây dựng các sản phẩm du lịch gắn trực tiếp với di sản chưa đạt hiệu quả cao. Công tác truyền thông, xúc tiến du lịch và tổ chức các hoạt động dịch vụ tại một số khu di sản còn hạn chế, thậm chí còn làm méo mó di sản, ảnh hưởng đến thương hiệu và sức thu hút khách tham quan. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chưa bắt kịp được yêu cầu.
Kinh phí đầu tư cho bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa nói chung còn thấp, nhiều nơi chưa được quan tâm. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị của các dân tộc có nguy cơ mai một, bị hủy hoại, thậm chí biến mất mà không có khả năng phục hồi.
Chất lượng và trình độ nguồn nhân lực trực tiếp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa đồng đều, chưa am hiểu về di sản văn hóa, có phần chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn; nhân lực làm công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị chưa được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ định kỳ.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: Cộng đồng chủ thể văn hóa là những người giữ vai trò quan trọng nhất trong hoạt động thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Do đó, giải pháp đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu ban hành hoàn thiện thể chế, cơ chế bảo vệ và phát huy vai trò của cộng đồng chủ thể của di sản, được thể hiện trong Luật Di sản văn hóa và các Nghị định. Đặc biệt, ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng các nội dung liên quan tới vai trò của cộng đồng được quy định trong các điều, khoản của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa 2009 để có những quy định cụ thể hơn, xác định rõ hơn vai trò quan trọng của cộng đồng nhằm khơi dậy nguồn lực của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, có chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong thực hành, truyền dạy, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể (Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn).
Ở lĩnh vực vật thể, nhận thức vai trò của cộng đồng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, hồ sơ xếp hạng di sản các cấp đều đảm bảo chú trọng yếu tố bảo tồn, gìn giữ không gian văn hóa của cộng đồng chủ thể của di sản, đảm bảo sinh kế của nhân dân khu vực có di sản.
Đồng thời, trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn hướng tới cộng đồng, để cộng đồng bên cạnh việc chấp hành quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đổi lại là được hưởng lợi tự di sản như đã nói trên. Từ quy định của Luật DSVH, Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, các địa phương cũng đã ban hành các quy chế, quy định quản lý di sản, trong đó có nội dung bảo vệ cộng đồng. Như Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An, quy định hỗ trợ tu bổ di tích những ngôi nhà loại đặc biệt của người dân trong khu vực I với tỷ lệ hỗ trợ 60 – 75%, giúp cho Hội An vừa bảo vệ được tính xác thực của Di sản thế giới, vừa để người dân được hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước; đồng thời, người dân cũng được tham gia hầu hết vào các hoạt động văn hóa, trình diễn, lễ hội, nghi thức dân gian… là những chính sách kịp thời của Nhà nước khuyến khích cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di sản.
Ngày 06/9/2022, tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản Thế giới được tổ chức ở Tràng An vừa qua, Tổng Giám đốc UNESCO đã phát biểu: “Việt Nam là một điển hình mẫu mực của mô hình bảo tồn và phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch, đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên”.
Trong thời gian tới, để khơi dậy nguồn lực của cộng đồng cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, một số giải pháp cần triển khai, thực hiện như:
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng chủ thể và chính sách hỗ trợ họ trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: Trên cơ sở các quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Triển khai nghiêm túc và đồng bộ các quy định về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản từ trung ương đến địa phương.
Công tác tuyên truyền tới người dân: Nghệ nhân nắm giữ thực hành và trao truyền di sản, trong khu vực di sản phải được tham gia vào các hoạt động khai thác giá trị của di sản, thích ứng với việc thay đổi sinh kế, vì mục tiêu chung là phát triển kinh tế, du lịch đồng thời gìn giữ, bảo tồn được các giá trị của di sản cả ở khía cạnh vật thể và phi vật thể.
Sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân: Xây dựng cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và Nhà nước, đề cao vai trò trung tâm của doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, để họ không chỉ là doanh nghiệp “khai thác” mà còn là doanh nghiệp “bảo vệ” di sản; Đồng thời, xây dựng cộng đồng dân cư sinh sống trong khu di sản là trung tâm trong công tác bảo tồn di sản.
Tăng cường xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến du lịch từ di sản, truyền thông, quảng bá di sản văn hóa ở trong nước và nước ngoài.
Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý di sản ngày càng chuyên nghiệp, chủ động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm quản lý di sản trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: Di sản văn hóa ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trực tiếp đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nơi có di sản. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược và sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, đó là “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới” là một trong những giải pháp để chấn hưng văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện nay.
Để cụ thể hóa các quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó “Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chính thực hiện Chiến lược.
Với phương châm đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, hoàn thiện quản lý nhà nước, xác định quản lý nhà nước thông qua các công cụ pháp luật, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo, tăng cường, củng cố xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm tháo gỡ các rào cản về chính sách, tạo nền tảng cho phát triển, để thực sự phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa, của di sản văn hóa trong công cuộc xây dựng công nghiệp văn hóa, phát triển kinh tế- xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, tập trung vào một số giải pháp sau:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, như: Sửa đổi Luật Di sản văn hóa, trong đó quy định việc phân cấp, phân quyền về di sản văn hóa trên tất cả các lĩnh vực di tích, bảo tàng, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu đảm bảo phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định rõ hơn nội dung các hoạt động nhằm thu hút, thúc đẩy xã hội hóa; hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quy định về mô hình hợp tác công tư trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa… nhằm giải quyết triệt để những “điểm nghẽn” tạo động lực cho sự phát triển, để di sản văn hóa thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội.
Tiếp tục tăng cường, củng cố và làm sâu sắc thêm các quan hệ, hợp tác song phương, đa phương sẵn có trong lĩnh vực di sản văn hóa với các quốc gia như: Ấn Độ, Bỉ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, các nước ASEAN và nhiều nước khác trên thế giới, với các tổ chức quốc tế như: UNESCO, Hiệp hội bảo tàng quốc tế ICOM… Cùng với đó là mở rộng thêm các quan hệ, hợp tác mới.
Tham gia hiệu quả, tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm là thành viên của các tổ chức, Ủy ban của các Công ước quốc tế về lĩnh vực di sản văn hóa của UNESCO (đã phê chuẩn 4 trong số 6 Công ước của UNESCO). Hiện nay, chúng ta đã có 28 di sản được UNESCO ghi danh (gồm 08 di sản văn hóa vật thể, 14 di sản văn hóa phi vật thể và 07 di sản tư liệu). Năm 2022, Việt Nam đã được bầu vào là Thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022 – 2026 với số phiếu tín nhiệm rất cao, là thành viên Ủy ban Chấp hành Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa.
Chủ động đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa của nhân loại thông qua việc cung cấp đội ngũ chuyên gia trình độ cao, uy tín quốc tế để tham gia vào các hoạt động hợp tác, đóng góp chuyên môn sâu cho các tổ chức chuyên môn của UNESCO (như Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hiệp hội bảo tàng quốc tế ICOM, Chương trình ký ức thế giới). Đồng thời, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, các quốc gia đảo nhỏ, về kiến thức, kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ trình UNESCO xếp hạng, ghi danh, trong hoạt động bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Di sản văn hóa sẽ ngày càng góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, vừa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội
Tiếp tục nhận diện, lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO xếp hạng, ghi danh để thế giới biết rõ hơn về kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, ý nghĩa sâu sắc và lịch sử lâu đời của đất nước, con người Việt Nam.
Truyền thông, quảng bá sâu và rộng hơn nữa về các giá trị của di sản văn hóa Việt Nam ở trong nước và với bạn bè thế giới, gắn bảo vệ và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch, để di sản trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn với bạn bè thế giới.
Với các giải pháp như vậy, tôi tin chắc chắn rằng lĩnh vực di sản văn hóa sẽ ngày càng góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, vừa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội như quan điểm về phát triển bền vững của UNESCO “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai”.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bài: Hà An
Thiết kế: Thu Mai