Di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững tại các đô thị ven biển Phú Yên – Tạp chí Kiến Trúc

Di sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch bền vững, là nhân tố không thể thiểu trong quy hoạch phát triển các đô thị, là yếu tố cân bằng phát triển quá khứ, hiện tại và tương lai. Các giá trị văn hóa được lưu giữ, bảo tồn, phục dựng, phát huy qua nhiều đời, nhiều thế hệ, nhiều giai đoạn lịch sử. Tỉnh Phú Yên với bề dày lịch sử hơn 400 năm, đã trải qua hàng nghìn năm phát triển với rất nhiều di sản văn hóa tiếp biến qua các thời kỳ đã được công nhận Di sản Quốc gia đặc biệt, Di sản cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Để phát huy các giá trị di sản, danh thắng, phát triển đô thị giàu bản sắc và tạo động lực phát triển kinh tế du lịch bền vững, du lịch xanh, loại hình du lịch được xây dựng dựa trên mô hình cảm nhận đa giác quan, trải nghiệm có sự gắn kết của du khách và có sự tham gia của nhiều bên, nhất là tham gia của cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng. Việc đưa các di sản văn hoá, danh thắng vào các quy hoạch tỉnh, ngành, địa phương, các chương trình đầu tư phát triển của nhà nước, chương trình kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch là hết sức quan trọng và cấp bách.

Vài nét về tỉnh Phú Yên

Phú Yên là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam, với chiều dài bờ biển 189km. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.060km2, trong đó đồi núi chiếm 70% diện tích. Dân số của tỉnh là 961.152 người (2019) với gần 30 dân tộc. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính, trong đó có 3 huyện miền núi là: Huyện Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân; 2 huyện đồng bằng là: Huyện Phú Hòa, huyện Tây Hoà và 4 đơn vị hành chính có biển là: TP Tuy Hoà, thị xã Đông Hòa, thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An (đang xây dựng để được công nhận thị xã trước năm 2025).

Lịch sử phát triển vùng đất Phú Yên đã có từ rất sớm với nhiều di chỉ khảo cổ và hiện vật thuộc văn hóa Sơn Vi, văn hoá Sa Huỳnh – một trong những nền văn hóa tiêu biểu của khu vực Đông Nam – tại Eo Bồng (Sơn Thành Đông), tại Cồn Đình, Gò Ốc (xã Xuân Bình), là vùng đất thuộc nền văn hóa Champa trước đây với tên gọi là Ayaru. Ngày nay, nhiều di tích còn để lại như di tích Thành Hồ (Phú Hòa), Núi Nhạn (xây dựng từ thế kỷ 12-13 tại TP Tuy Hòa), Đàn đá Tuy An, tiền cổ được khai quật, thu thập có từ thế kỷ 7 đến 15 với các loại tiền khai nguyên thông bảo thời nhà Đường, tiền Joseon (Triều tiên), tiền Hồng Đức… Tương truyền năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh về phương Nam và khắc bia trên núi Đá Bia (Đèo Cả ngày nay), xác định cương vực biên giới Đại Việt. Năm 1578, dưới thời chúa Nguyễn Hoàng, tướng Lương Văn Chánh dẫn quân khai phá vùng đất Ayaru. Đến năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng sát nhập Ayaru vào lãnh thổ Đàng Trong, vùng đất Ayaru được đổi tên là Phú Yên.

Di sản văn hóa tại Phú Yên

Với bề dày lịch sử, di sản văn hóa ở Phú Yên rất phong phú về loại hình và chủng loại. Trên địa bàn tỉnh di sản văn hoá vật thể hiện có 90 di tích, trong đó có 02 di tích Quốc gia đặc biệt (Gành Đá Dĩa và Tháp Nhạn), 20 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh. Toàn tỉnh có 185 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 4 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia (Nghệ thuật bài chòi, nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm; Lễ hội Cầu Ngư, Lễ cúng trưởng thành của người Ê đê). Đặc biệt, nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên cùng với cùng với bài chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại .

Cơ sở quy hoạch di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững

Phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột chính là: Kinh tế, Văn Hoá – Xã hội và Môi trường nhằm tạo ra môi trường đáng sống cho người dân. Do đó, quy hoạch di sản cần dựa trên các nguyên tắc:

  • Đảm bảo việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử vật thể, phi vật thể giúp nâng cao các giá trị văn hoá của cộng đồng, dựa vào cộng đồng;
  • Đảm bảo việc bảo vệ môi trường cảnh quan của khu vực di tích, di sản và không gian cảnh quan chung;
  • Phát huy giá trị di sản trong đời sống kinh tế, xã hội, xem di sản như là tài nguyên du lịch, giúp cho kinh tế tại địa phương phát triển.

Quy hoạch di sản văn hóa giúp nâng cao giá trị di sản, nâng cao sinh hoạt cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời tạo các cơ hội phát triển kinh tế, thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng và nuôi dưỡng sự tự hào về cộng đồng. Do đó, trong quy hoạch di sản trước hết cần xác định được các giá trị của di sản, khoanh vùng bảo tồn các di tích, di sản, phân định, xác định các vùng có giá trị di sản là điểm nhấn của cộng đồng, kết nối di sản với các điểm đến du lịch trọng điểm khác, lồng ghép các hoạt động văn hoá, xã hội tương đồng với di sản và cần cụ thể hoá các chương trình hoạt động du lịch dựa trên nền di sản để kết nối được giá trị di sản vật thể, phi vật thể và các sản phẩm du lịch khác như hoạt động trải nghiệm, khám phá, nghiên cứu, nghỉ dưỡng và ẩm thực, …

1. Quy hoạch du lịch dựa trên cảm nhận đa giác quan

Xây dựng, phát triển các chương trình du lịch trên cơ sở năm giác quan của con người: Thị giác – thính giác – xúc giác – khứu giác – vị giác, lấy con người làm trung tâm để mang đến trải nghiệm cảm giác cho du khách (Meacci & Liberatore, 2018). Các nghiên cứu về giác quan cho thấy rằng khi kích thích đánh thức ít nhất hai phương thức cảm giác đồng thời với nhau, các hành vi tiếp cận sẽ được cải thiện. Quá trình thiết kế trải nghiệm du lịch được dựa vào khái niệm rằng quy hoạch các môi trường một cách nhất quán và tích hợp có thể đóng góp tích lũy vào giá trị nhận thức và ý nghĩa của khách du lịch đối với địa điểm. Việc cung cấp và sắp xếp các kích thích quan trọng bên ngoài, như cảm giác trực tiếp và trực quan, cần tập trung vào bản sắc và nguồn lực địa phương để định hình các phản ứng cảm xúc cụ thể và thúc đẩy trải nghiệm chân thực hơn.

Một số nhà nghiên cứu đã thiết lập mô hình “Cảm quan – Chất lượng trải nghiệm – Trung thành”, cho thấy rằng việc cải thiện trải nghiệm đa giác quan của khách du lịch giúp thúc đẩy chất lượng trải nghiệm tích cực của họ, do đó làm tăng lòng trung thành của khách du lịch (Agapito, 2020; Meacci & Liberatore, 2018). Đồng thời, kích thích đa giác quan sẽ giúp tăng cường cảm xúc, nhận thức, và sự gắn kết nơi chốn, giúp du khách có trải nghiệm tốt hơn và sẽ tiêu dùng nhiều hơn trong quá trình trải nghiệm du lịch.

Trải nghiệm tiêu dùng là kết quả của các mối quan hệ giữa cá nhân, môi trường, suy nghĩ, cảm xúc, hoạt động và giá trị, đồng thời nhấn mạnh vai trò của đa giác quan. Tiếp cận đa giác quan trong du lịch trải nghiệm mang tính tổng quát hơn so với quan điểm truyền thống tập trung chủ yếu về thị giác. Các giác quan được hóa thân một cách có chủ ý đóng góp tích cực vào cảm giác nơi chốn. Như ngày càng nhiều dịch vụ du lịch tập trung vào ẩm thực đặc trưng địa phương vì vai trò quan trọng trong trải nghiệm của du khách với các điểm đến, liên quan đến các khía cạnh văn hóa và đa giác quan đặc biệt. Hoặc như chiến dịch quảng cáo bãi biển Cox’s Bazaar (Bangladesh) với slogan “Bãi biển tự nhiên dài nhất trên thế giới” chỉ tiếp cận cảm giác nhìn. Ngược lại, bãi biển Sentosa ở Singapore, mặc dù nhỏ hơn, nhưng cung cấp đa dạng các dịch vụ trải nghiệm, nhà hàng, hoạt động trên bãi biển, công viên, nhà hát, câu lạc bộ, … rải rác dọc bờ biển, làm cho trải nghiệm ở Sentosa hấp dẫn và thu hút du khách nhiều hơn. Du lịch trải nghiệm đa giác quan bao gồm:

  • Thị giác: Tạo ấn tượng từ cảnh quan vốn có của địa điểm;
  • Thính giác: Nghe tiếng ồn của địa điểm du lịch, âm thanh của địa phương;
  • Xúc giác: Thiết kế có chủ ý các chất liệu bề mặt trong địa điểm du lịch, du lịch trở thành một hoạt động trải nghiệm;
  • Khứu giác: Kích thích thông qua mùi của nơi chốn, tạo cho nơi chốn có mùi hương đặc trưng;
  • Vị giác: Kích thích vị giác thông qua khám phá ẩm thực đặc trưng của địa phương.

2. Sự tham gia của các bên trong phát triển du lịch bền vững

Để bảo tồn, khai thác, và phát huy các giá trị di sản, danh thắng trong đời sống kinh tế – xã hội, cần thiết có sự tham gia của nhiều bên (Aas, Ladkin, & Fletcher, 2005). Về phía nhà nước, cần có các chương trình nghiên cứu bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản, danh thắng, và phát triển các cơ sở hạ tầng kết nối các địa điểm, quy hoạch cảnh quan khu vực di sản, kết nối với các khu dân cư lân cận, xúc tiến thu hút đầu tư, hỗ trợ cộng đồng bảo tồn phát huy giá trị di sản. Các nhà nghiên cứu tham gia vào các nghiên cứu bảo tồn, khôi phục, mô hình hóa các di tích, di sản, và các thông tin, các hoạt động khám phá liên quan đến di tích, di sản. Các nhà đầu tư và cộng đồng địa phương tham gia cung cấp các dịch vụ trải nghiệm, xây dựng văn hóa cộng đồng đặc trưng, phát triển các mô hình phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện trong đón tiếp du khách, giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp.

Trong mô hình tham gia của nhiều bên, nhà nước đóng vai trò cung cấp nền tảng, tài nguyên du lịch thông qua việc giữ gìn, bảo tồn các di tích, di sản, tạo nguồn tài nguyên phát triển du lịch. Các nhà nghiên cứu tham gia với vai trò hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu, khám phá sâu, định hướng phát huy giá trị di sản. Các nhà doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở vật chất, quảng bá, khai thác và phát huy các giá trị di sản đưa vào đời sống xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương; chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư phát huy vai trò bảo vệ di sản, cảnh quan môi trường, lồng ghép các hoạt động văn hoá phi vật thể, văn hoá ẩm thực. Sự khởi sắc của cộng đồng trong gìn giữ và phát triển kinh tế – xã hội dựa trên phát huy giá trị di sản và các nguồn lực đóng góp từ các bên sẽ giúp cho di sản văn hóa được bảo vệ lâu dài, di sản giúp định hình nơi chốn, bản sắc, và “sống” được trong phát triển kinh tế và đời sống văn hoá xã hội.

Kết nối di sản cho phát triển du lịch bền vững tại các đô thị ven biển Phú Yên

Với sự đa dạng của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tập trung nhiều tại các đô thị ven biển ở Phú Yên, quy hoạch di sản để phát triển du lịch bền vững cần được nghiên cứu để trở thành trải nghiệm đa giác quan. Quan niệm di sản là tài nguyên du lịch để có các giải pháp phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, đưa di sản vào đời sống kinh tế – xã hội, tạo bản sắc văn hóa của địa phương đồng thời tạo nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Phát triển du lịch dựa vào nền tảng di sản văn hóa cần tạo được sự khác biệt, tạo được câu chuyện cho di sản gắn liền với văn hóa của vùng đất, tạo các giá trị và thông điệp có ấn tượng với du khách. Tổ chức các tuyến du lịch kết nối di sản với các địa danh du lịch trọng điểm khác và thiết kế các hoạt động trải nghiệm kích thích đa giác quan cho du khách.

Quy hoạch xác định các tuyến, cụm, chủ đề, các dịch vụ trải nghiệm lấy di sản, danh thắng làm yếu tố trung tâm để định hình kết nối các tuyến, cụm điểm. Quy hoạch là cơ sở để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cách thức vận hành, duy trì hoạt động của di tích hoặc tu bổ, sửa chữa, tu bổ di sản, di tích bằng các nguồn lực khác nhau (kinh phí nhà nước và xã hội hóa). Quy hoạch để xác định ranh giới không gian bảo vệ, phát huy giá trị di tích, danh thắng, làm cơ sở để cắm mốc giới di tích, xác định các khu chức năng bảo tồn, phát triển, khu cảnh quan, khu dịch vụ, khu dân cư lân cận, tổ chức không gian cảnh quan và hệ thống hạ tầng phù hợp hiện tại và phát triển tương lai.

Trên cơ sở quan niệm vùng ven biển Phú Yên là một vùng đô thị kết nối các đô thị lân cận, trong đó TP Tuy Hòa là một đô thị mở, là trung tâm đầu mối cung cấp các dịch vụ ở, nghĩ dưỡng để đề xuất các tuyến, điểm du lịch kết nối từ trung tâm TP đến vùng phụ cận. Xác định các cụm, điểm, chủ đề và các dịch vụ trải nghiệm để khám phá văn hóa cộng đồng dân cư, với các di tích, di sản là điểm nhấn trong hành trình, kết hợp với các dịch vụ để kích thích trải nghiệm đa giác quan của du khách.

  • Khu vực trung tâm TP Tuy Hòa: Với di sản tháp Nhạn, cầu đường sắt, đường bộ Đà Rằng, làng hoa Ngọc Lãng, Lẫm Phú Lâm, cảng cá phường 6… Bổ sung ngoài yếu tố nhìn ngắm, khám phá văn hóa, lịch sử, cảnh quan các yếu tố khác như chạm vào di tích, xem – nghe các vũ điệu văn hóa Chăm pa, các bài hát của địa phương, hát bài Chòi, hò Bá trạo vùng biển; thưởng thức, trải nghiệm chế biến ẩm thực của địa phương; trình chiếu hoặc tái tạo lại các mô hình về quá trình xây dựng tháp Nhạn, cầu Đà Rằng, trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp ở làng hoa Ngọc Lãng…; các gallery trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa Chăm pa; biến khu vực dân cư cũ ven sông, ven biển trở thành một bảo tàng sống về văn hóa định cư với các gallery trưng bày về đời sống ngư dân vùng biển và phát triển cảng du lịch…
  • Khu vực 2 (Huyện Phú Hòa, phía Tây TP Tuy Hòa): Kết nối các điểm du lịch Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh, di chỉ khảo cổ Thành Hồ, danh thắng cảnh Ghềnh Đá, di tích lịch sử, văn hóa Đập Đồng Cam; Xây dựng mô hình du lịch đa giác quan gồm nhìn ngắm di tích, cảnh quan, xem, nghe về lịch sử vùng đất mở cõi phương Nam, sờ, chạm các di tích lịch sử hoặc các mô hình tái hiện lịch sử, thưởng thức mùi vị đặc trưng của ruộng đồng, các món ăn đặc sản…; xây dựng các chương trình du lịch giáo dục về khoa học kỹ thuật, khám phá kỹ thuật xây dựng hệ thống thủy nông Đập Đồng Cam và sự phát triển trong hệ thống thủy lợi hiện nay.
  • Khu vực 3: Tuyến du lịch ven biển và phát triển về hướng Bắc của TP Tuy Hòa, gồm trải nghiệm dọc công viên ven biển, tắm biển, ẩm thực; trải nghiệm du lịch cộng đồng làng biển ở Long Thủy; tham quan, tìm hiểu chùa Thanh Lương, lặn, ngắm san hô ở Hòn Yến; trải nghiệm ẩm thực thủy hải sản ở An Hải, Đầm Ô Loan (Tuy An), …
  • Khu vực 4: Phát triển cụm tuyến du lịch ở khu vực phía Bắc, Tây huyện Tuy An: Khám phá tìm hiểu về văn hóa lịch sử tôn giáo ở Nhà thờ Mằng Lăng, chùa Từ Quang, tổ đình Liễu Quán chùa Hội Tôn, tìm hiểu về văn hóa đá Phú Yên và danh thắng Gành Đá Đĩa, tìm hiểu về lịch sử văn hóa và quá trình gìn giữ xây dựng vùng đất Tuy An thông qua các di tích lịch sử Thành An Thổ, Nhà tưởng niệm Trần Phú, Mộ và đền thờ Lê Thành Phương, địa đạo Gò Thì Thùng, vùng cao nguyên Vân Hòa… và các trải nghiệm du lịch cộng đồng.
  • Khu vực 5: Phát triển cụm tuyến du lịch ở thị xã Sông Cầu trên cơ sở các di tích quốc gia như di tích thắng cảnh Vịnh Xuân Đài, di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Đào Trí, di tích hành cung Long Bình, di tích Lăng Hòa Lợi, … Bổ sung các tiện ích du lịch trải nghiệm đa giác quan như chạm, nghe, ngửi, nếm thông qua việc hòa mình vào các di tích thắng cảnh, chạm vào di tích, tái hiện các phim tư liệu, và ẩm thực địa phương;
  • Khu vực 6: Tuyến du lịch ven biển và phát triển về hướng Nam của Tp. Tuy Hòa: gồm di tích lịch sử Vũng Rô, cắm trại, tắm biển ở Bãi Môn, khám phá Hải đăng Đại Lãnh, đón ánh nắng đầu tiên ở mũi cực đông trên đất liền của Tổ quốc, trải nghiệm chinh phục Núi Đá Bia, ẩm thực trên bè ở Vũng Rô, hoặc nghe, ngửi và trải nghiệm mua cá tươi vào sáng sớm ở cảng cá Phú Lạc,…

Kết luận

Di sản văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành đặc trưng của địa điểm và bề sâu lịch sử văn hóa của một vùng đất. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa để đưa vào đời sống kinh tế – xã hội, giúp cộng đồng địa phương phát triển và khởi sắc nhờ vào tài nguyên văn hóa đang là một xu hướng phổ biến hiện nay ở các đô thị trên thế giới. Phú Yên có đường bờ biển dài, bề dày lịch sử văn hóa vùng đất trên 400 năm, với rất nhiều các di tích, di sản, danh thắng. Tỉnh có tiềm năng to lớn trong phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng. Phát triển du lịch cần dựa trên cơ sở mô hình đa giác quan, kích thích sự trải nghiệm, gắn bó với nơi chốn của du khách và có sự tham gia của nhiều bên trong quá trình thực hiện. Quy hoạch di sản cần kết nối các di tích, danh thắng cho phát triển du lịch bền vững, trong đó di sản, danh thắng trở thành các điểm thu hút du lịch kết hợp với các dịch vụ trải nghiệm đa giác quan để tăng cường sự gắn kết với nơi chốn, tăng cảm giác hài lòng và trải nghiệm tiêu dùng của du khách. Quan niệm di sản là tài nguyên của cộng đồng và xã hội, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng địa phương là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế du lịch bền vững.

TS.KTS Lê Đàm Ngọc Tú
Trường ĐH Xây dựng Miền Trung
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2022)

Tài liệu tham khảo:

  • Aas, C., Ladkin, A., & Fletcher, J. (2005). Stakeholder collaboration and heritage management. Annals of Tourism Research, 32(1), 28-48. doi: https://doi.org/10.1016/j.annals.2004.04.005;
  • Agapito, D. (2020). The senses in tourism design: A bibliometric review. Annals of Tourism Research, 83, 102934. doi: https://doi.org/10.1016/j.annals.2020.102934;
  • Meacci, L., & Liberatore, G. (2018). A senses-based model for experiential tourism. Tourism & Management Studies;
  • Thiên Lý (10/12/2020). Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Báo Phú Yên. https://baophuyen.vn/93/249842/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa.html, truy cập ngày 07/4/2022.